HAI DỐT
Ngày nay, trên hệ thống truyền thông nói chung, từ sách báo, phim ảnh cả trong lẫn ngoài nước người ta đều nói câu thành ngữ “rút dây động rừng” để chỉ một hành động của một thành phần có ảnh hưởng đến nhiều thành phần khác trong xã hội.
Trang VOH giải thích thành ngữ này như sau:
“Rừng” là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loại động thực vật khác nhau, đặc biệt là sự phát triển vô cùng phong phú với các loài cây chia thành tầng, thành tán khác nhau.
Dây leo là loài thực vật có sức sống vô cùng mạnh mẽ và dễ dàng bắt gặp tại mọi khu rừng. Dây leo có thể mọc dài đến cả trăm, cả nghìn mét, mọc cuốn lấy những ngọn cây lớn khác. Bởi vậy, chỉ cần một hành động vô tình dẫm, động hay “rút” dây thì sẽ làm rung động cả khu rừng rộng lớn.
Qua đó cho thấy, câu thành ngữ “rút dây động rừng” cho chúng ta thấy được giữa “dây” và “rừng” có mối quan hệ chặt chẽ, nếu tác động cái này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cái kia và ngược lại.
Ở đây, ngoài hình ảnh thực tế, “rút dây động rừng” còn ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc, đó là trong cuộc sống chỉ một hành động vô ý, không cẩn trọng của ta cũng có thể kinh động đến những sự vật, sự việc xung quanh, gây ảnh hưởng đến nhiều người. Bởi vậy, con người cần phải biết cẩn trọng, suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, đừng vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng tới tương lai.”
Còn tự điển mở của Hồ Ngọc Đức lại cho đây là “tục ngữ” và định nghĩa “ý nói rút một sợi dây làm rung chuyển đến cả một khu rừng.” Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam thì định nghĩa “Làm một việc gì đó ảnh hưởng đến nhiều việc, nhiều người có liên quan.”
Có thể nói rằng, hiện nay thành ngữ này đã trở thành phổ biến và được các nhà “trí thức” mặc định.
Thế nhưng có phải vậy không? Thực tế người xưa nói rút cái gì mà động rừng?
Trước hết nói về dây. Các loại cây dây leo thì mọc khắp nơi, không cứ phải rừng mới có. Trong các vườn nhà rộng thường cũng có những loại cây dây leo mọc. Và phần nhiều những loại dây leo này mọc bám vô những cây lớn khác hoặc bò quanh các hàng rào, bờ dậu. Nếu “rút” các loại dây leo này thì “làm sao động rừng” được khi nó nằm trong vườn nhà?
Kế đến phải nói rút dây để làm gì?
Phải nói rằng, những loại cây dây leo trong vườn nhà thậm chí trong rừng thường ít giá trị sử dụng. Chỉ một số loại dây leo như cam thảo chẳng hạn còn có ích. Nhưng loại dây này người ta không “rút” mà phải chặt từng khúc vì nó quấn quanh các thân cây lớn, và bản thân dây leo cũng không nhỏ để có thể rút! Còn các loại khác như chùm bao thì ngắt ngọn để luộc hay nấu canh với tôm khô chớ mắc gì phải rút. Bởi cái ngọn nó mới có giá trị chớ cái dây thì lấy nấu nước uống cho dễ ngủ thì chỉ cần cắt mấy đoạn đâu cần rút. Ngay cả loại dây “tơ hồng” không trồng mà mọc cũng vậy. Loại dây này bò quanh các hàng rào, chỉ cần cắt một vài đoạn rồi đem nấu nước uống cho dễ ngủ, rút làm gì?
Trong chừng mực nhất định, cần phải nói rằng, người ta chỉ rút dây khi sợi dây đó có giá trị sử dụng, có ích cho đời sống con người. Và phải có loại cây nào đó “có dây để mà rút!”
Xin thưa với các bạn, có một loại cây có dây và dây đó có ích cho cuộc sống con người mà có lẽ chúng ta là người Việt đều biết. Đó là cây mây.
Trang wikipedia viết “Mây là tên gọi chung cho khoảng 600 loài cây, chủ yếu thuộc các chi Calamus (khoảng 400 loài) và Daemonorops (khoảng 115 loài), phân bố tự nhiên thuộc các khu vực nhiệt đới của châu Á, châu Úc, châu Phi. Mây là lâm sản ngoài gỗ được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng… Mây thích nghi với mọi điều kiện sống. Ở những nơi hoang sơ, những nơi đất nghèo dinh dưỡng. Mây sống thành bụi theo hình ruột gà. Trong điều kiện gieo trồng, để có được những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt người ta sử dụng giống mây nếp. Đặc điểm giống mây này là thưa đốt, tròn đều, vỏ có màu trắng ngà, cho năng suất cao, dễ thu hoạch, chịu được mọi điều kiện thời tiết, cây có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao.”
Mây là loài cây có ích cho con người như giải thích trên. Mây có đặc điểm là mọc hoang dã [nay thì có một số nơi trồng mây để lấy dây] và ruột dây mây được dùng làm nhiều thứ đồ thủ công mỹ nghệ như giỏ, bàn ghế, tủ, va li, cán chổi lông gà [còn gọi là phất trần mà đám con nít xưa gọi là “đồ long chổi” mỗi lần bị má quất là quắn đít]… Ngày xưa, dây mây được làm dây neo tàu hay để ràng buộc những khối hàng hóa lớn…
Đặc điểm của dây mây khi mọc ra rất dài thường bò sang nhiều cây cối xung quanh. Vỏ dây mây có nhiều gai nhỏ, bén móc vô những nhành lá cây khác. Để lấy được dây mây, người ta chặt ở cây gốc rồi rút [kéo] nó ra vì nhiều sợi mây dài hàng mấy chục thước. Do gai mây móc vô những nhành cây, lá cây khác nên mỗi lần rút dây mây là cả một khu vực xung quanh đều náo động. Thậm chí nhiều nhành cây dây mây quấn vô, khi rút bị gãy, rụng lá… Và rút như vậy thì mới…động rừng được!
Sau khi rút dây, người ta lột bỏ phần vỏ nhiều gai chỉ lấy phần ruột trơn láng, dẻo để sử dụng. Gần nhà cũ của Hai tui có khu rừng nhiều cây mây. Thỉnh thoảng tui vô đây hái trái mây ăn chơi. Trái mây ra từng chùm, mỗi trái cỡ bằng hột đậu xanh, vỏ có vảy như vảy cá, ăn chát chát chẳng ngon lành gì nhưng với đám con nít thì ngon lắm! Nhưng vô rừng thì phải né dây mây bởi gai của nó móc vô áo khó gỡ và khi gỡ cũng rách đôi chỗ. Và mấy chỗ áo rách đó dễ làm cho mông bị lằn đỏ!
Theo Hai tui, thành ngữ này phải là “Rút mây động rừng” chớ không phải “rút dây.” Bởi rút dây thì ảnh hưởng gì đến rừng và dây gì phải có ích chớ rảnh đâu mà đi rút thứ dây không biết để làm gì! Phải rút mây, loại cây thường sống trong rừng rậm thì rút nó mới ảnh hưởng tới rừng.Thành ngữ này đã bị hiểu sai, nói sai và biến tướng từ “rút mây” thành “rút dây”. Tương tự có thành ngữ “ăn cháo đái bát” bị biến thành “ăn cháo đá bát.” Ăn rồi đá bỏ là chuyện có thể bỏ qua nhưng ăn rồi đái vô cái chén/bát mình đã ăn thì “hết xài.”