Chữ quốc ngữ – Bài 4: Chữ quốc ngữ sau Đắc Lộ

by Vy Trần

Năm 1651, hai tác phẩm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên được xuất bản ở Roma. Đó là cuốn tự điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày bằng hai thứ tiếng Việt-Latinh. Với hai tác phẩm nầy, Đắc Lộ đã được người đời sau vinh danh là người có công “sáng tạo” ra chữ quốc ngữ!

Dù ra đời vào đầu thế kỷ 17, nhưng chữ quốc ngữ do tình hình đặc thù ở nước ta, nên hơn hai thế kỷ chữ quốc ngữ vẫn nằm trong bóng tối. Rất ít người Việt biết chữ quốc ngữ và thứ chữ nầy chỉ phổ biến hạn chế trong các nhà thờ và con chiên đạo Thiên Chúa, mà số người theo đạo không nhiều. Phần lớn nguyên nhân là do việc cấm đạo của các triều đại, vì thuở ấy đạo Thiên Chúa không thờ cúng tổ tiên một sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống của người Việt. Những người theo đạo bị triều đình bắt bớ, tù đày, giết chóc nên thứ chữ họ học được phải dấu, không dám phổ biến. Một phần do đời sống văn hóa thấp và giới nho sĩ khinh thường cho rằng đây là thứ chữ ngoại quốc, học sẽ mất hồn, mất gốc. Phần nữa là tính thực dụng, thấy học chữ quốc ngữ không có lợi trong việc thi cử, tranh đoạt lợi quyền…

Song chữ quốc ngữ vẫn âm thầm phổ biến và phát triển.

Dù vậy chúng ta vẫn tìm thấy không nhiều những văn bản chữ quốc ngữ ở nửa cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18. Linh mục Đỗ Quang Chính đã tìm thấy trong văn khố Dòng Tên ở La Mã hai bức thư viết năm 1659 của Văn Tín và Bento Thiện. Bức thư của Igesico Văn Tín gồm hai trang, trang đầu viết trong khổ 17x25cm, có 27 dòng chữ cỡ trung bình, trang hai trong khổ 16x9cm có 11 dòng. Thư của Bentô Thiện cũng gồm hai trang, cỡ chữ nhỏ, viết trong khổ 21x31cm. Cả hai bức thư đều là những lời thăm hỏi, kể về tình hình của những tân tòng, công việc truyền đạo trong vùng cũng như bày tỏ lòng tôn kính, nhớ mong của họ với giáo sĩ Marini.

Văn Tín viết “Lội ơn ĐCB phù hộ thài bàng an lành linh hồn và xác. Từ năm thài tlẫy về khỏj thì hay thài ở lạj chịu nhều sự khó lắm. São le hai thài ở bên nài thì những chịu khó liên. Nam sàu thài cả Miguel lạy đến thì nój những sự các thài phảj phõng bào chịu khó là thé nào” (Đội ơn ĐCB phù hộ thầy bằng an lành linh hồn và xác. Từ năm thầy trẫy về khỏi thì hai thầy ở lại chịu nhiều sự khó lắm. Song le hai thầy ở bên nầy thì những chịu khó liên. Năm sau thầy cả Miguel lại đến thì nói những sự thầy phải tòng chịu khó là thế nào).

chữ của Bento Thiện

Còn Bento Thiện thì viết “Ơn đức Chúa Blờy blả’ caõ cho thầi đờy đờy. Bấi nhieu mlờy tôy chép tháng mươy ĩ Igreja mà thư nầi thi ngài Lễ Bà Thánh Daria cũ õn Thánh Chrisanto tử vì đạo, tôy lại ơn thầi là cha vì thương đến con cũ tôy xin cha chớ quên làm chi. Từ Đức Chúa Jesu ra đờy cho đến rài một nghìn sáu trăm năm mươy chín năm. Bentô Thiên tôy tá nhà Thầi (Ơn đức Chúa Trời trả công cho thầy đời đời. Bấy nhiêu lời tôi chép tháng mười Igreja, mà thư này thì ngày lễ bà thánh Daria cùng ông thánh Chrisanto tử vì đạo. Tôi lạy ơn thầy là cha thì thương đến con cùng. Tôi xin cha chớ quên làm chi. Từ Đức Chúa Jêsu ra đời cho đến rày một nghìn sáu trăm năm mươi chín năm. Bentô Thiện tôi tá nhà thầy) – những câu cuối thư của Bentô Thiện. Và câu cuối thư của Igesico Văn Tín “D.C. Blờy blả’ cõn cho Thài đờy nài và đờy sau” (Đức Chúa Trời trả công cho thầy đời này và đời sau).

Đỗ Quang Chính cũng phát hiện một tập viết tay không đề tựa, không có tên tác giả mà ông đề tựa là “Tập lịch sử nước Annam” và nhở những chữ viết giống hệt chữ viết của Bento Thiện nên ông cho rằng đây là tài liệu do Bento Thiện viết. Ước đoán tập sách ngắn nầy, gồm 12 trang khổ 20×29 gởi cho giáo sĩ Marini đang ở La Mã vào tháng 10-1659, có thể viết vào giữa hoặc cuối năm 1658.

Nước nô tluớc hết mớj có bua tlị là Phục Hi. Bua thứ hai là Thần não. Con cháu bua Thần Não sang tlị nước Anam liền sanh ra bau Kinh Dương Vương. Tluớc hết lái vợ là nàng Thần Lão, liền sanh ra bua Lạc Lão Cuôn”. (Nước Ngô trước hết mới có vua trị là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước Annam liền sanh ra vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sanh ra vua Lạc Long Quân).

Trền đây là những tài liệu bằng chữ quốc ngữ viết ở thế kỷ 17 tìm thấy được. Gần 100 năm sau đó, các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào về chữ quốc ngữ. Lý do? Có thể là nguyên nhân từ những “khủng hoảng” trong nội bộ Dòng Tên. Người ta biết được rằng, tháng 7-1773 Giáo hoàng Clement XIV đã ký văn bản bãi bỏ Dòng Tên. Từ đầu thế kỷ 18, cuộc khủng hoảng nội bộ đã bắt đầu vì cuộc xung đột giữa các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo ở Ấn Độ và Trung Quốc với Thánh Bộ truyền bá đức tin về việc các giáo sĩ Dòng Tên chấp nhận cho thực hành rộng rãi nghi lễ truyền thống của Nho giáo (Trung Quốc) và Ấn Độ giáo. Đối với nước ta đó là tục thờ cúng tổ tiên. Mãi đến giữa thế kỷ 20, Tòa thánh Vatican mới chấp thuận cho các tín hữu được thờ cúng tổ tiên theo truyền thống. Đây cũng là nguyên nhân chính mà đạo Thiên chúa bị cấm đoán ở Việt Nam từ thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỷ 19.

Cuộc khủng hoảng nầy đã khiến rất nhiều tài liệu bị thất thoát, trong số đó có cả những tài liện bằng chữ quốc ngữ như hai cuốn tự điển Bồ Việt và Việt Bồ của Gaspar và Barbosa.

Nửa cuối thế kỷ 18, một cuốn tự điển tiếng Việt-Latinh được Giám mục Bá Đa Lộc thuộc Hội thừa sai Paris biên soạn. Theo nhiều tài liệu thì cuốn tự điển nầy đã bị cháy năm 1778 tại chủng viện Cà Mau. Thế nhưng năm 1984, ông Trần Nghĩa công bố trong tạp chí Hán Nôm số 1-1984 rằng “Viện nghiên cứu Hán Nôm đã được trường đại học Nice cộng hòa Pháp tặng một bản sao chụp bộ từ điển An Nam- Latinh viết tay do Pierre Pigneau de Behaine (1741-1799) soạn vào cuối thế kỷ 18 mà từ lâu người ta cứ tưởng là đã mất”. Tham gia viết cuốn tự điển nầy, ngoài Bá Đa Lộc còn có một số người tham gia là Trần Văn Học (người Việt), Mạn Hòe (Manuel, người Pháp), Nguyễn Văn Chấn (Dayot, người Pháp), Nguyễn Văn Thắng (Vannier, người Pháp), Tín (người Pháp), Lê Văn Lăng (người Pháp), Gia Đố Bi (người Tây Ban Nha), Ma Nộ Y (Tây ban Nha)…Sách dầy 729 trang, có ba thứ chữ Nôm, quốc ngữ và Latinh với 5.943 mục từ.

Chữ quốc ngữ trong tự điển Bá Đa Lộc rất gần với chữ Việt ngày nay.

Nửa đầu thế kỷ 19 một cuốn tự điển khác được xuất bản. Đó là cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị còn gọi là Tự điển Taberd viết bằng hai thứ tiếng Việt-Latinh-in năm 1838 tại Ấn Độ. Giám mục Taberd xác nhận rằng, cuốn tự vị nầy dựa trên “toàn bộ thủ bản soạn thảo năm 1773 của Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine).  Tham gia soạn thảo tự vị nầy còn có linh mục Philiphe Phan Văn Minh, người Cái Mơn, Chợ Lách tỉnh Bến Tre”. Giám mục Taberd thuộc Hội thừa sai Paris, hoạt động chủ yếu ở Đàng Trong khoảng 20 năm, nên chữ quốc ngữ của ông chứa đựng nhiều từ ngữ của phía Nam đất nước ta. Đánh giá cuốn tự vị nầy, ông Mai Quốc Liên nhận xét “Đây là một kho tàng quý báu của quá khứ, của lịch sử. Khi những nhà nghiên cứu, những người yêu tiếng Việt và những người muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cội nguồn có cuốn Từ điển này trong tay, chắc chắn các vị sẽ phát huy được hết tác dụng và giá trị của nó”.

TRẦN NHẬT VY

Đọc thêm:

Chữ quốc ngữ: Những người có công đầu

Chữ quốc ngữ – Bài 2: Tiếng Việt thưở ban đầu

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights