Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn sách có chữ quốc ngữ đầu tiên

by Vy Trần

Gần một thế kỷ chiếm đóng Việt Nam, người Pháp đã dành nhiều sức để tuyên truyền “Giáo sĩ người Pháp Đắc Lộ là tác giả của cuốn tự vị Việt Bồ La (Annam-Lusitan-Latinh) và là người có công đầu tiên việc sáng tạo chữ Việt”.

Tượng ông được dựng ở Hà Nội, tên ông được đặt ở đường phố trung tâm của thành phố Sài Gòn. Song điều đó chỉ là một nửa sự thật. Lý do thật đơn giản, bởi vì ông là người Pháp và người Pháp thuở ấy đang đô hộ nước ta.

Giáo sĩ Đắc Lộ sinh tại Avignon (đây là vùng đất thánh đến năm 1791 mới sát nhập vào nước Pháp) ngày 15-3-1593 trong một gia đình Do Thái, quốc tịch Tòa thánh La Mã, trong một gia đình quý phái. Ông gia nhập Dòng Tên ở La Mã ngày 14-4-1612, thụ phong linh mục tại La Mã năm 1618. Cùng năm đó, ông được chấp thuận cho đi truyền giáo tại Đông Á sau ba lần xin.

Ông tới thủ đô Bồ Đào Nha đáp tàu đi Đông Á và ngừng lại ở Goa (Ấn Độ) khá lâu, đến ngày 29-5-1623 mới tới Macau. Dù muốn đi Nhật song bề trên muốn ông truyền giáo ở Đàng Trong. Ông tới Đàng Trong lần thứ nhứt tháng 12-1624 tới tháng 7-1626 ông trở về Macau. Tháng 3-1627 ông tới Đàng Ngoài và tháng 5-1630 ông bị chúa Trịnh Tráng trục xuất. Từ năm 1620 đến 1640 ông dạy thần học ở Học viện Madre de Dues. Từ năm 1640 đến 1645 ông lại truyền giáo ở Đàng Trong. Tháng 7-1645 ông rời Đàng Trong về Macau rồi đi châu Âu. Năm 1654 ông đi Ba Tư rồi qua đời tại Ispahan ngày 5-11-1660.

Khi tới Đàng Trong, ông đã đến Thanh Chiêm và học tiếng Việt.

Học tiếng địa phương đối với các giáo sĩ là điều kiện tiên quyết để họ có thể trực tiếp nghe, hiểu và trao đổi, trò chuyện với dân chúng tại chỗ. Và thầy dạy tiếng Việt cho Đắc Lộ chính là “thầy” Francesco de Pina. Đắc Lộ được bố trí ở chung nhà với Pina.

Trong lời đề tựa cuốn Việt Bồ La, Đắc Lộ cho biết “ông học tiếng Việt chăm chỉ như khi theo học Khoa Thần học ở La Mã. Nhờ đó sau bốn tháng ông được giải tội và thêm sáu tháng nữa là ông có thể giảng bằng tiếng Việt” (Đỗ Quang Chính, sách đd, trang 109). Ông còn học tiếng Việt với một em nhỏ người Việt 13 tuổi. Nhờ vậy mà trong ba tuần ông đã biết phân biệt các “thanh” tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Em nhỏ này sau đó được Đắc Lộ làm phép rửa tội (một nghi thức gia nhập đạo Thiên Chúa) và được đặt tên là Raphael Rhodes và sau đó trở thành “kẻ giảng” (tu sĩ cấp 2 trong dòng tu). Ông này tham gia truyền giáo ở Lào, Đàng Ngoài nhưng sau đó không tu nữa, lấy vợ và trở thành một thương gia giàu có ở Đàng Ngoài và Phố Hiến. Cũng nên biết rằng, Đắc Lộ là một giáo sĩ có năng khiếu về ngôn ngữ, biết khá nhiều thứ tiếng. Ông có thể viết và nói các tiếng Pháp, Ý, La tinh, Bồ, Việt và sử dụng sơ sơ tiếng Nhựt, Trung Hoa, Ba Tư và Kokani.

Sau khi nói thành thạo tiếng Việt, Đắc Lộ được cử đi Đàng Ngòai truyền giáo đến năm 1630 ông trở về Macau là giáo sư thần học. Tháng 12-1640 cho đến tháng 7-1645 nhiều lần Đắc Lộ trở lại Đàng Trong và Đàng Ngoài, mỗi lần vài tháng rồi lại trở về Macau. Từ tháng 7-1645, ông mới về Châu Âu, rồi sau đó đến Ba Tư (Iran) và vĩnh viễn không trở lại Việt Nam nữa.

Trong những lần trở lại Đàng Trong ấy, cũng là thời gian ông thu thập thêm những kiến thức về tiếng Việt và phương thức la tinh hóa tiếng Việt, đặc biệt là dấu thanh, đồng thời so sánh với những chữ đã được Pina cùng các giáo sĩ khác la tinh hóa như Barbosa, Gaspar… Một trong những người giúp sức tích cực cho Đắc Lộ được lịch sử ghi nhận là Thầy giảng Y Nhã, một người thông thạo văn chương, triết học, từng làm quan trước khi gia nhập hàng Thầy giảng.

Để hiểu trình độ chữ quốc ngữ của Đắc Lộ, chúng ta hãy đọc bản thảo viết tay bằng tiếng Bồ cuốn Tình hình truyền giáo ở Đàng Ngoài từ năm 1636 đến 1646 của Đắc Lộ được lưu trử tại văn khố Dòng Tên tại La Mã.

Dù viết bằng chữ Bồ nhưng bản thảo có rất nhiều chữ quốc ngữ như “tung” Đông trong Đông Kinh, “Annam”, Ainam (Hải Nam), Che ce (Kẻ Chợ), chúa õu (chúa Ông), Uuan (vương), bat minh (bất minh), thuam (thuận), gna ti (nhà ti), cai huyen (cai huyện), Bua (vua), den (đền), ten si (tiến sĩ)….Trong khi đó, từ năm 1626, giáo sĩ Gaspar đã viết Bến Đá (xã Bến Đá), Bude (bồ đề), ondedóc (ông đề đốc), onghe (ông nghè), nhít la khấu, khấu la nhít (nhứt là không không là nhứt)…Hoặc giáo sĩ Francesco Buzumi viết năm 1626 xán tí (thượng đế) thien chu (thiên chủ, thiên chúa), ngoac huan (ngọc hoàng)… Những so sánh này để cho thấy các giáo sĩ khác trong việc latinh hóa tiếng Việt đã đi trước Đắc Lộ chừng 10 năm, và Pina chắc chắn phải đi xa hơn dù ông mất sớm.

Như vậy, để có được cuốn tự điển Việt Bồ La in năm 1651 tại La Mã, ngoài việc Đắc Lộ nỗ lực tuyệt vời trong học hành và nghiên cứu, ông còn phải dựa vào tài liệu của những người đi trước. Hai tài liệu được khẳng định từ lâu là hai cuốn Việt Bồ và Bồ Việt của hai giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa đã viết xong nhưng chưa kịp công bố thì đã qua đời. Những tài liệu nầy được lưu giữ tại nhà thờ Saint Pauli (Macau).

Có thể Đắc Lộ cũng đã sử dụng cả những di cảo của thầy tiếng Việt của ông là giáo sĩ Pina, người mất trên biển cù lao Chàm cuối năm 1625. Với những phát hiện gần đây cho thấy di cảo của Pina chữ quốc ngữ viết bằng mẫu tự latinh đã có tương đối những dấu âm và khá gần với chữ viết hiện nay.

Cũng cần nên biết tại sao tự điển của Đắc Lộ lại chỉ là Việt Bồ La mà không có thứ tiếng khác. Trong hai thế kỷ từ 15 đến 17, vai trò thương mại của Bồ Đào Nha bao trùm cả khu vực châu Á cho đến tận Brasil (Ba Tây). Cùng những đoàn thương thuyền Bồ Đào Nha là các giáo sĩ phương Tây, và họ sử dụng tiếng Bồ khá thông dụng. Trong lời nói đầu, Đắc Lộ đã nói rõ mục đích của cuốn tự điển là “giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt” và “làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã là thêm chữ Latinh vào để người Việt có thể học thêm La ngữ”.

Chính với những mục đích ban đầu (để các giáo sĩ học tiếng Việt), với xu thế của thời đại (tiếng Bồ đang phổ biến), sau khi trở về Châu Âu, Đắc Lộ đã lao vào nghiên cứu và thực hiện cuốn tự điển. Sách gồm hai phần. Phần một là cuốn giáo lý dành cho những dạy giáo lý viết theo từng ngày. Phần nầy được dịch là Phép giảng tám ngày và từng được và in riêng tại Sài Gòn năm 1961. Song khi in lại, nhóm Tinh Việt (nhóm thực hiện việc in lại) lại không giữ nguyên bản tiếng Việt trong bản gốc nên không giúp ích gì được cho việc nghiên cứu. Phần còn lại chính là quyển tự điển.

Cả hai cuốn được giấy phép in vào ngày 5-2-1651, song cuốn Phép giảng tám ngày được in trước vào ngày 2-10-1651. Và cuốn tự điển có lẽ được in sau đó một thời gian, có lẽ là đầu năm 1652. Cũng cần nói là về phương diện kỹ thuật thời đó là một việc cực kỳ khó. Bởi chữ in tiếng Việt cần phải thực hiện riêng. Rồi việc sắp chữ in cũng vô cùng khó, bởi làm gì có thợ sắp chữ in người Việt? Do đó, có thể nói được rằng, việc thực hiện và cho ra đời hai cuốn sách có tiếng Việt của Đắc Lộ, nhứt là cuốn tự điển Việt Bồ La là cả một công trình to lớn chứ không dễ dàng như ngày nay. Cũng vì thế, viêc vinh danh ông là người có công lớn trong việc sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ, tài sản vô giá của chúng ta ngày nay là điều cần thiết.

TRẦN NHẬT VY

Đọc thêm:

Chữ quốc ngữ: Những người có công đầu

Chữ quốc ngữ – Bài 2: Tiếng Việt thưở ban đầu

Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn sách có chữ quốc ngữ đầu tiên



You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights