Chữ quốc ngữ – Bài 5: Vai trò của giáo sĩ Francesco de Pina

by Vy Trần

Roland Jacques, linh mục người Pháp kiêm nhà ngôn ngữ học, không hề tin rằng Đắc Lộ là tác giả của chữ quốc ngữ, mà tin chắc rằng Francesco de Pina người Bồ Đào Nha mới là tác giả.

Để chứng minh cho “lòng tin” của mình, R.Jacques đã bỏ ra hơn mười năm lục tung các thư tịch của Dòng Tên ở châu Âu để tìm các di cảo của Pina. Và cuối cùng, tại thư viện Hoàng gia Lisbon của Bồ Đào Nha ông đã tìm được hai tác phẩm của Pina chưa hề được công bố.

Đó là bức thơ viết dở dài 7 trang mà Pina gởi cho  bề trên Jerómino Rodiguez ở Macau vào năm 1623, và tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề Nhập môn tiếng Đàng Ngoài. Đây là hai tài liệu khẳng định rằng, Pina chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ chứ không phải Đắc Lộ.

Francesco de Pina sanh tại thành Guarda, Bồ Đào Nha khoảng năm 1585 (theo Roland) hoặc 1588 (theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên).

Ông gia nhập Dòng Tên vào năm 19 tuổi, sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Quốc truyền đạo. Năm 1611, ông theo học tại Học viện Macau (Collège de Macau) về Khoa học xã hội, thần học và tiếng Nhật. Năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến Đàng Trong làm việc tại trú sở Hội An cùng năm đó. Qua năm 1618, Pina đến cư trú tại Nước Mặn với Buzomi và Borri, người Ý. Hai năm sau, 1620, ông trở lại Hội An và năm 1623 ông đến cư trú và phụ trách trú sở tại Thanh Chiêm.

Pina chết đuối trên bờ biển Quảng Nam ngày 15-12-1625.

Dịp đó, tàu Bồ Đào Nha từ Kampuchia về Macau, bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, gần cù lào Chàm. Pina cùng một người Việt Nam chèo thuyền ra tàu để lấy các đồ phụng sự. Khi trở vào bờ, bất ngờ gió bão nổi lên, thuyền lật, Pina vì áo chùng vướng không bơi vào được nên chết đuối, còn người kia bơi vào bờ thoát nạn. Xác ông được đưa về Hội An làm lễ an táng rất trọng thể. (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 26). Song gần đây, theo ông Đinh Trọng Tuyên, một người dân Thanh Chiêm rất quan tâm đến chữ quốc ngữ, cho biết, Pina được chôn cất sau nhà thờ Phước Kiều, nay gọi là nhà thờ Thánh Andre, thuộc thôn Thanh chiêm 1, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Thuở ấy, Dòng Tên có ba trú sở truyền giáo ở Đàng Trong là Hội An thành lập năm 1615-1616, Nước Mặn thành lập năm 1618 và Kẻ Chàm (Thanh Chiêm) thành lập năm 1623.

Việc latin hóa thổ âm, đặc biệt là những tiếng của những quốc gia dùng chữ tượng hình, đã được các giáo sĩ thực hiện từ thế kỷ 14. Nhiều công trình Latin hóa tiếng địa phương đã được các giáo sĩ người Bồ, người Ý thực hiện ở Ấn Độ (tiếng Tamin), Trung Quốc, Nhựt Bổn, Brasil…Các công trình nầy được thực hiện với một mục đích duy nhứt là làm cho các con chiên có thể đọc và dịch được kinh sách đạo Thiên chúa để đạo giáo nầy phổ biến mạnh hơn. Đối với tiếng Việt, Pina cũng thực hiện Laitn hóa với mục đích trên.

Vừa đến Hội An, Pina đã lao vào học tiếng Việt và chỉ trong một gian rất ngắn, ông đã có thể đàm thoại với người bản xứ mà không cần qua phiên dịch. Giáo sĩ Gaspar Luis, người đến Đàng Trong năm 1624 cùng với Đắc Lộ, đã ghi lại “Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên đã miệt mài nghiên cứu tiếng nói”. Khi Đắc Lộ đến Thanh Chiêm vào năm 1624 thì đã thấy Pina giảng kinh thánh mà không cần phiên dịch. Và Pina cũng là giáo sĩ duy nhất giảng kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ của các con chiên ở Thanh Chiêm. Đây chẳng phải là việc lạ kỳ chăng?

Không chỉ vậy, để có thể nghiên cứu tiếng Việt một cách chuẩn hơn, ông đã xin về Thanh Chiêm từ năm 1619, trước khi trú sở nầy được thành lập vào năm 1623. Trong tài liệu mà Roland Jacques tìm được, ông viết “đối với việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình (thời điểm nầy Thanh Chiêm tức Kẻ Chàm là nơi đóng dinh Trấn Quảng Nam); ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy một sự giúp đỡ” (Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam, Đinh Trọng Tuyên-Đinh Bá Truyền, tác giả tự phổ biến Quảng Nam 2010, trang 54). Hội An xưa là thủ đô kinh tế của Đàng Trong và là khu phố chợ quan trọng, một trung tâm thương mại lớn của cả vùng miền Trung. Do là khu thương mại, mua bán nên dân cư cũng hỗn tạp, ngôn ngữ cũng có nhiều lai tạp. Trong khi đó, Thanh Chiêm là “thủ đô” của Đàng Trong thời kỳ nầy, tiếng nói ổn định hơn và có nhiều trí thức có nhiều hiểu biết về chữ nghĩa hơn. Vì vậy việc lựa chọn của Pina rõ ràng là nhắm vào việc nghiên cứu tiếng Việt một cách chuẩn xác hơn. Tại nơi nầy, ông cũng thiếp lập mối quan hệ tốt đẹp với quan trấn thủ dinh trấn.

Đối với việc nghiên cứu tiếng Việt, Pina bắt đầu bằng suy nghĩ mà đã có nhiều người phương Tây nói đến là tiếng Việt tuy khó nhưng lại “du dương hòa điệu”, “giống như bản nhạc liên hồi” khi nghe người Việt nói. C.Borri cho rằng “Người nào có tài về âm nhạc, biết phân biệt âm thanh, thì theo ý ông, tiếng Việt là tiếng dễ dàng đối với họ” (Lịch sử chữ quốc ngữ, Đỗ Quang Chính, nxb Tôn Giáo 2012, trang 15).

Việc latin hóa tiếng Việt là công việc được tiến hành lâu dài và tiệm tiến. Ban đầu, các giáo sĩ chỉ có thể ghi lại âm tiếng Việt bằng những từ ngữ mà “chỉ có họ mới hiểu được” như Cecham (Kẻ Chàm, một cách gọi xưa của Thanh Chiêm), Quamguya (Quảng Nghĩa), Quinin (Qui Nhơn), nayre (nài, nài voi), Onsaij (ông sãi)…rồi tiến đến Ke Cham (Kẻ Chàm), Qui nin (Qui Nhơn), ten si (tiến sĩ), dau nhu (đạo Nho), ba hon (ba hồn) bai via (bảy vía)… sau hết mới có dấu như ngày nay.

Do đó, khi bắt đầu nghiên cứu sáng tạo chữ quốc ngữ để ghi lại tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự Latin bằng “những khung nhạc”. Và trong tài liệu mới đây được triển lãm trong hội thảo chữ quốc ngữ vào tháng 7-2018 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, người ta đã thấy những khung nhạc để thể hiện dấu âm của tiếng Việt. Và chính những người Bồ và người Ý mới có thể tạo ra những dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) của chữ quốc ngữ. Nếu chữ Ba là nốt La (A) thì Bá là nốt La thăng (A#), Bả là nốt Mi (E), Bà là nốt Re (D)…trong âm nhạc. Đây cũng là một nguyên tắc để đánh dấu âm của tiếng Việt mà người Pháp, vốn chữ không có dấu không thể làm được.

Trong tài liệu vừa nói trên, chúng tôi thấy Pina ghi chép khá nhiều chữ, từ những chữ bình thường dễ nghe dễ đọc, cho đến những chữ khó nghe, khó viết như “chớ đi”, “đừng làm”, “khoãn đã nào”, “có đi thì đến”, “bán bạo nheo””, “bao lớn”…và tất cả những chữ nầy đều rất gần với chữ Việt hiện nay. Trong khi đó, nhiều người khác cũng ghi một vài chữ quốc ngữ trong các thư, các báo cáo gởi về Rome hoặc Macau thì chữ quốc ngữ của họ còn rất thô sơ như thời kỳ đầu, kể cả giáo sĩ Đắc Lộ.

Có một điều chắc chắn rằng, việc sáng tạo chữ quốc ngữ của Pina không hề làm một mình. Ngoài việc tiếp thu những gì của bạn bè, những giáo sĩ đồng lứa, ông còn được sự giúp sức của khá nhiều thanh niên Việt theo đạo. Và có thể chính những người nầy đã giúp ông có được những dấu âm tuyêt vời cho chúng ta ngày nay.

Trong một số ghi chép của các giáo sĩ, người ta còn phát hiện ra trong thời kỳ nầy, các giáo sĩ đã dịch nhiều sách giáo lý đạo Thiên chúa ra chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Tiếc rằng những dịch phẩm nầy không còn tìm thấy nữa.

TRẦN NHẬT VY

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights