Chuyện báo chí Sài Gòn xưa – kỳ 6 Bài học Nguyễn Đức Nhuận

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa - kỳ 6 Bài học Nguyễn Đức Nhuận

THIẾU SƠN

(Đuốc Nhà Nam số ra mắt ngày 9-10-1968)

LTS: Thiếu Sơn Lê Sỹ Quý (1908-1978) là một nhà báo cựu trào ở Sài Gòn. Là người Hải Dương song ông bắt đầu làm báo từ năm 1927 sau khi làm công chức bưu điện ở Gia Định. Ông cộng tác với các tờ Đại Việt Tập Chí của Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh), Nam Phong ở Hà Nội, Nam Kỳ Tuần Báo, Tiểu thuyết thứ bảy… Từng làm chủ bút báo Công Lý, là một nhà báo kỳ cựu, một người phê bình văn học nổi tiếng với tác phẩm Phê bình và cảo luận xuất bản năm 1933 đến nay vẫn còn giá trị. Có ý thức chống Pháp, từng vào vùng kháng chiến chống Pháp… Là người có óc tiến bộ, quen biết nhiều nhà báo ở Sài Gòn.
Bài viết về Nguyễn Đức Nhuận báo Phụ Nữ Tân Văn là một trong những bài viết ít ỏi về nhân vật này. Chúng tôi đăng lại bài viết của ông vừa để độc giả xa gần biết thêm về một con người, một chủ báo, một doanh nhân từng có thiện ý xây dựng xã hội, đồng thời cung cấp các nhà nghiên cứu một tư liệu chân thật. (TNV)

Sách có chữ “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân”. Do đó mà nhiều người Việt Nam có tên Đức Nhuận. Trong làng báo, tôi biết có tới ba ông Đức Nhuận cũng họ Nguyễn cả. Ông nào cũng gần tới thượng thọ. Trước hết là Nguyễn Đức Nhuận tự Phú Đức, một nhà văn đã có hồi tên tuổi như cồn do những tiểu thuyết kiếm hiệp của ông. Kế tới là ông Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà, vừa làm báo, vừa làm thơ. Sau hết là ông Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Tân Văn, một tờ tuần báo phụ nữ nhưng đã phản ảnh được một thời đại quan trọng của lịch sử nước nhà. Số đầu ra ngày 2-5-1929 số chót đề ngày 20-12-1934, Phụ Nữ Tân Văn là một nhân chứng trung thực trong suốt 5 năm, là những năm có rất nhiều biến cố.

Nhưng có một biến cố mà Phụ Nữ Tân Văn không ghi được là cái chết của người khai sinh cho nó và nuôi sống nó để phục vụ xã hội một cách tận tình và đắc lực.

Tôi không bao giờ tưởng tượng được một đám táng mà người đi đưa không đầy một trung đội, không vợ, không con, chỉ vỏn vẹn có 2 đứa cháu nội với một số rất ít bạn bè, thân quyến.

Tôi biết kẻ quá cố là một người hào phóng hiếu hữu, hay làm nghĩa và hay giúp đỡ mọi người. Cả những người ông không quen biết mà thấy nên giúp đỡ là ông giúp. Nhưng tới khi ông nằm xuống thì chẳng mấy ai được biết mà lui tới, mà tiễn đưa. Chẳng qua ông cũng chỉ là một nạn nhân của thời cuộc như bao nhiêu người khác vậy thôi. Phú quý sinh lễ nghĩa, mà hoan lạc thất nhân tình.

Ông chết ngày 5/6/1968 hưởng thọ 68 tuổi.

Năm năm trước đây, ông bị đứt mạch máu chính tôi đưa ông vào nhà thương St. Paul. Y học cứu sống được ông nhưng chỉ cứu sống được nửa người và suốt trong 5 năm trời ông chịu bán thân bất toại. Cố nhiên trong tình trạng đó bạn bè lần lần phải thưa bước. Mà thưa bước là phải khi không còn “phú” để “nhuận ốc”, không còn “đức” để “nhuận thân”.

Chính tôi đây nhiều khi cũng ngần ngại không muốn ghé thăm một ông bạn già đương lê tấm thân tàn để chờ ngày tắt thở, không còn biết tới sanh thú là gì, chỉ muốn chết mau mà cứ phải kéo dài sự chết suốt 5 năm trường.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông ở báo quán Phụ Nữ Tân Văn tại Chợ Cũ, đường Vannier ngang hông kho bạc. Ông còn giới thiệu bà vợ có vẻ dịu hiền và quý phái. Ông còn giới thiệu những nhân vật mà tôi chỉ mới được nghe tên chứ chưa từng biết mặt như những ông Đào Trinh Nhất, Trần Quỳ… Hồi đó khoảng năm 1931.

Trước khi viết, tôi đã đọc Phụ Nữ Tân Văn rất nhiều cũng như đã say sưa đọc Đông Dương Tạp Chí và tạp chí Nam Phong. Nhưng đọc báo Phụ Nữ tôi thấy khác với hai tờ báo trên nhiều lắm.

Lời lẽ kém bóng bảy, kém văn chương nhưng chân thành giản dị và thực tế hơn nhiều. Những biến cố xảy ra ở trong nước được nói tới đầy đủ hơn, thẳng thắn hơn, kịch liệt hơn nên nhiều khi có những khoảng trắng bị kiểm duyệt.

Điều đó không lạ vì Đông Dương tạp chí và Nam Phong là những tờ báo có tiền trợ cấp của chính quyền thuộc địa, còn Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo riêng của ông bà Nguyễn Đức Nhuận.

Nhưng đừng tưởng rằng cứ bỏ tiền riêng ra làm báo là giữ cho nó được độc lập, không chịu sức thao túng của chính quyền. Biết bao nhiêu tờ báo của tư nhân đã tự nguyện làm tay sai đắc lực cho thực dân, cho phong kiến… Ngay trong thời kỳ toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn có những tờ báo hoan hô những thắng lợi của quân viễn chinh Pháp.

Có so sánh như thế mới thấy rõ giá trị của tờ Phụ Nữ Tân Văn trong thời kỳ thực dân toàn thịnh mà dám đề cao những anh hùng liệt sĩ bị thọ án tử hình ở Yên Báy, dám lên án những vụ oanh tạc cố ý tiêu diệt cả làng Cổ Am, dám công khai ủng hộ những nhà chí sĩ ái quốc, dám đăng tải những bài chống chính sách thực dân, dám tiếp đón những cây bút chống công thức.
Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và biết bao nhiêu nhà văn khác đã do sự cộng tác với Phụ Nữ Tân Văn mà nổi tiếng.

Một chính trị phạm bị lưu đày ở Côn Đảo đã nhờ Phụ Nữ Tân Văn mà giữ lại tên tuổi đến ngày nay. Tôi muốn nói tới ông BĐ tức Bửu Đình, tác giả của những bộ tiểu thuyết Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ…

Cả tới nhà văn Hồ Biểu Chánh tuy đã được độc giả lưu ý nhưng chỉ sau khi có tiểu thuyết đăng trong Phụ Nữ Tân Văn mà người ta mới thật sự chú ý tới ông.

Trường hợp ông Phan Khôi cũng vậy. Ông đã viết trên tạp chí Nam Phong. Ông đã viết ở Đông Pháp Thời Báo. Nhưng người ta chỉ đặc biệt lưu ý tới ông ở Phụ Nữ Tân Văn.

Hồi đó một bài báo được trả nhuận bút 5 đồng là hậu lắm mà Phụ Nữ Tân Văn dám trả cho nhà văn Phan Khôi 100 đồng 4 bài trong 1 tháng. Bạc hồi đó 1 xu bằng bây giờ trên 1 đồng.

Không những đối với ông Phan Khôi, đối với tất cả những người nào đã hợp tác với Phụ Nữ Tân Văn, hai vợ chồng ông chủ nhiệm đều đối xử trọng hậu, nhã nhặn, có thái độ trọng sơ, chiêu hiền là một thái độ rất hiếm có của nhiều vị chủ báo ngày nay.

Có người nói với tôi, ông Nguyễn Đức Nhuận là người có đầu óc con buôn. Tôi đồng ý là ông rất thông minh, thực tế trong công việc làm ăn biết nắm lấy cơ hội, lợi dụng cơ hội để tay trắng làm nên sự nghiệp. Nhưng khi bắt tay làm báo ông không hề lợi dụng tờ Phụ Nữ Tân Văn để mưu đồ tư lợi. Trái lại, ông tự đặt cho ông một vai tuồng quan trọng muốn tờ báo được phát triển ra ngoài cái khuôn khổ của nó.

Có hai việc đáng nêu ra là: Đồng xu học sinh và Hội chợ Phụ nữ.

Việc thứ nhất ông đã thành công là ông đã hô hào thành lập một quỹ học bổng đã giúp cho học sinh nghèo được xuất dương du học. Với một phần tiền lời của tờ báo, quỹ  “Đồng xu học sinh” đã hoàn thành được 2 học bổng gởi 2 thanh niên qua Pháp du học cho tới thành tài. Một người đậu kỹ sư, một người được dự bị thi thạc sĩ.

Đáng lẽ thì hai ông này sau khi thành tài về nước phải hoàn lại học bổng cho những người tới sau. Nhưng ông Nguyễn trong những ngày gần đây thường nói với tôi rằng “Các ông không hoàn lại gì cả. Mà cũng chẳng thấy mặt mũi các ông đâu”.
Như vậy thì “đồng xu học sinh” thành công hay thất bại?

Ở đây ta đừng nói tới thất bại hay thành công, ta chỉ ghi lại một sáng kiến, một thiện chí hay là một tấm lòng của người quá cố đã sống tích cực và đã chết cô đơn.

Việc thứ hai là tổ chức Hội chợ Phụ nữ vào năm 1932.

Lần thứ nhất, 4 vị phụ nữ đã thay nhau lên diễn đàn và đã gây được một phong trào phụ nữ ồ ạt thúc đẩy người phụ nữ phát triển mạnh ở rất nhiều địa hạt. Nhờ đó mà sản xuất ra được một hiện tượng trong làng văn là Manh Manh nữ sĩ.

Cô xuất thân từ trường Áo Tím, là một nữ sinh ưu tú nhưng còn xa lạ với làng văn. Nhưng sau khi lên diễn đàn, được khán giả hoan hô nhiệt liệt thì cô liền hăng say nhảy vào xã hội văn chương như một con lân say sưa với tiếng pháo. Cô làm thơ mới, viết văn theo cú pháp của cô, cô diễn thuyết từ Nam ra Bắc, rồi lại từ Bắc vô Nam gây một không khí hào hứng vô cùng. Phe bảo thủ chê cô. Phe cấp tiến khen cô. Nhưng khen hay chê tới nay không còn là vấn đề.

Bà Nguyễn Đức Nhuận đã chết ở bên Pháp cách đây 16 năm. Ông Nguyễn Đức Nhuận mới đây đã ra người thiên cổ.

Nhưng hồi sanh tiền hai ông bà đã điều khiển tờ Phụ Nữ Tân Văn cho nó thành một tờ báo có địa vị vẻ vang trong lịch sử báo giới xứ này. Hai ông bà đã gây được một phong trào phụ nữ, tạo nên nhiều hiện tượng để thúc đẩy phong trào.

Chính bà chủ nhiệm đã viết trong số ra mắt của Phụ Nữ Tân Văn ngày 2-5-1929 “Nghĩ vì “cây có cội, nước có nguồn” dân tộc ta sở dĩ không phải là bọn ăn góc biển, ngủ đầu rừng như dân da đỏ bên Nam Mỹ, cùng là tối vầy đoàn sớm lẻ bạn như dân da đen ở Tây Phi, chính là vì chúng ta nhờ được nền nếp từ xưa, cội nguồn vững chắc, suốt 4000 năm đã sống vẻ vang trên cõi đất này…

Người viết ra những câu đó đã minh định lập trường dân tộc, tự hào là dân Việt Nam không phải như dân da đỏ ở Nam Mỹ, như dân da đen ở Tây Phi, nhờ có 4000 năm văn hiến. Nhưng nếu tác giả còn sống tới ngày nay mà đọc lại lời viết từ 40 năm trước, tác giả sẽ thấy là lịch sử không đứng yên một chỗ, 4000 văn hiến chỉ bồi dưỡng cho chúng ta một phần nào chứ không thể là nền tảng duy nhất của ta được. Chính dĩ vãng cũng cần được tài bồi bằng những mảnh đất phù sa để tạo nên một tương lai rực rỡ hơn, vĩ đại hơn.

Dân da đỏ ở Nam Mỹ, dân tộc da đen ở Bắc Phi nay cũng đã nổi dậy để giải thoát cho mình, ta không có quyền khinh họ nữa.
Nhưng ta vẫn tự hào đã phất cờ giải phóng trước họ, đem tầm vông vạt nhọn mà đương cự với đại bác chiến xa của thực dân Pháp. Ta tự hào ở chỗ đó.

Phụ Nữ Tân Văn cũng có thể tự hào là đã góp phần giác ngộ cho đồng bào thấy rõ số phận của mình mà kiên định lập trường dân tộc, cách mạng.

Trong số những người được Phụ Nữ Tân Văn giác ngộ lại có con đầu lòng của ông Nguyễn Đức Nhuận là anh Nguyễn Đức Vĩnh.  Ngay từ giờ phút đầu tiên anh Vĩnh đã gia nhập Thanh Niên Tiền Phong rồi rút luôn ra khu để kháng chiến. Anh hăng say chiến đấu và đã chết ở Thủ Dầu Một dưới lằn đạn của quân thù ngay từ năm 1945.

Anh đã sống vinh quang, đã chết xứng đáng để thực hiện những lời nói của cha mẹ anh trên Phụ Nữ Tân Văn.

Cha mẹ anh không dám làm như anh và cũng không bao giờ muốn con mình dấn thân trên con đường nguy hiểm. Nhưng bây giờ tất cả đã vùi sâu dưới lòng đất mẹ ông bà đã thấy rằng trước sau có một lần chết, thì cái chết hiên ngang và anh dũng của đứa con đầu lòng không phải là vô nghĩa, khi mỗi tuần Phụ Nữ Tân Văn đều đem đến cho người ta những bài học thiết tha về đoàn kết, về hy sinh, về quốc gia dân tộc.

Con ông đã lãnh hội được những bài học đó và đã thực hiện với mức độ cao quý nhất, đẹp đẽ nhất, thiết tha nhất.
Nó đã minh họa bằng xương và bằng máu lập trường dân tộc của tờ Phụ Nữ Tân Văn: “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. 

Nhưng tô điểm bằng phấn son đâu bằng xương máu? Hơn nữa, có nói phải có làm. Mà anh Nguyễn Đức Vĩnh đã làm. Cha anh sống trước mà chết sau. Khi gặp con ông ở bên kia thế giới chắc cũng được hài lòng.

Bổ túc của tòa soạn
Một trong những nguyên nhân dẫn tới “cái chết” của báo Phụ Nữ Tân Văn là những thị phi trong làng báo.

Sau Hội chợ Phụ nữ ở Vườn Tao Đàn 1932, Phụ Nữ Tân Văn đã quyên góp được một số tiền lớn để xây dựng Hội dục anh và nuôi dưỡng được gần 1.000 trẻ em mồ côi. Song hai tờ báo ở Sài Gòn khi ấy là tờ Trung Lập Báo do ông Trần Thiện Quý làm chủ nhiệm và báo Sài Thành do ông Bút Trà làm chủ nhiệm, đã vu cho vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận là “ăn cắp” và kêu gọi người đọc “tẩy chay” báo Phụ Nữ Tân Văn. Vụ này đã đưa ra tòa Trừng trị Sài Gòn và ngày 16-8-1932, tòa đã tuyên:
Ông Trần Thiện Quý chủ nhiệm Trung Lập Báo bị phạt 100 quan tiền vạ và 500 đồng bồi thường thiệt hại. (một đồng Đông Dương khi ấy bằng 5 quan Pháp).

Ông Nguyễn Cao Viện, quản lý và ông Bút Trà, chủ nhiệm, tờ Sài Thành bị phạt 100 quan tiền vạ và 500 đồng bồi thường thiệt hại.

Tổng cộng cả hai tờ Trung Lập Báo và Sài Thành đã bồi thường cho vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận 1.000 đồng.

Vụ này làm rạn nứt tình cảm trong giới báo chí Sài Gòn khiến vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận rất phiền lòng. Qua năm 1933, khủng hoảng kinh tế thế giới, Phụ Nữ Tân Văn mất nhiều độc giả, thay đổi chủ bút, rồi lời ra tiếng vào khi hai học sinh được báo tài trợ đi du học bên Pháp không trở về là ông Nguyễn Hiếu, kỹ sư canh nông, và ông Lê Văn Hai, thạc sĩ văn chương… khiến họ càng buồn.

Vì vậy, qua năm 1934, việc làm ăn xuống dốc, chủ bút mới là ông Phan Văn Hùm, một tên tuổi có danh chống chính quyền đương thời, bắt đầu nghiêng qua nội dung chính trị nhiều hơn vấn đề phụ nữ, nên cuối năm tờ báo bị đình bản 3 tháng vào ngày 20-12-1934. Báo có hẹn sẽ trở lại nhưng… lời hẹn ấy không bao giờ được thực hiện. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng thì Phụ Nữ Tân Văn bị chính quyền đình bản với lý do “mạ lỵ” ông Bùi Quang Chiêu về tội dính líu mật thiết với nhóm thực dân cá mập” (Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930, Huỳnh Văn Tòng, trang 176).

Công bằng mà nói, Phụ Nữ Tân Văn trong vòng 5 năm đã làm được khá nhiều việc có ích cho xã hội Sài Gòn bấy giờ. Và trong số đó tới nay vẫn còn dư âm đáng kính là việc quyên góp qua báo chí để tài trợ cho học sinh nghèo hiếu học [hiện nay nhiều tờ báo và các nhân ở Sài Gòn vẫn đang làm], xây dựng Hội dục anh [ký nhi viện] (cơ sở vẫn tồn tại cho đến sau năm 1975), mở đầu cho dòng thơ mới [không theo kiểu làm thơ Đường luật nữa] và vận động tích cực việc bình đẳng phụ nữ trong cuộc sống lẫn trong việc làm. Đó là việc không phải tờ báo nào cũng làm được và làm thành công như vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận cùng tờ Phụ Nữ Tân Văn..

Trần Nhật Vy
(còn tiếp)

Những lời tạm biệt của Phụ Nữ Tân Văn với độc giả trong số cuối cùng ngày 20-12-1934

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights