Đói ăn rau, đau uống thuốc…

by Tim Bui
Đói ăn rau, đau uống thuốc…

LÊ CÔNG TRỨ, MD

Là người Việt Nam, không ai không từng nghe lời khuyên này, không chỉ một lần trong đời. Với kiến thức khoa học phổ thông hiện nay, chúng ta thử ngẫm nghĩ, tìm hiểu về lời khuyên quen thuộc ấy.

Đói ăn rau…

Thành phần chính của rau bao gồm: chất xơ, tinh bột, chất đạm, chất béo, diệp lục tố, vitamin, vi lượng tố … Tuỳ theo nhóm hoặc loại rau mà mà tỉ lệ phần trăm của các thành phần này có ít, có nhiều hoặc rất hiếm hoặc không có trong mỗi nhóm hoặc loại rau khác nhau.

Chất xơ (Fiber) là một thành phần quan trọng, nó hiện diện hầu hết trong tất cả các loại rau. Chúng ta nghe nhiều về lợi ích của chất xơ; các nhà dinh dưỡng học khuyên bảo chúng ta ăn chất xơ; bác sĩ cũng nhắc nhở bệnh nhân ăn chất xơ. Thậm chí nhiều công ty sản xuất thực phẩm (chức năng) cũng chế tạo chất xơ thành những viên nén, viên nang để bán cho người tiêu dùng… 

Chúng ta hiểu gì về chất xơ?
Chất xơ được phân chia thành 2 loại chính: chất xơ không hoà tan (Insoluble Fiber) và chất xơ hoà tan (Soluble Fiber).
Trong chuyên môn y khoa, còn có một loại chất xơ thứ 3, đó là chất xơ tiền sinh học (Prebiotic Fiber), chúng ta sẽ nói về loại chất xơ này trong một dịp khác.

Sự khác biệt của chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan giống như tên gọi của chúng:
(i) Chất xơ không hoà tan là loại chất xơ không tan trong nước và có khả năng lên men hạn chế, chẳng hạn như Lignin và
Cellulose… Chúng bổ xung lớn vào khối lượng phân, giúp thức ăn di chuyển nhanh qua ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa
nhanh hơn; 
(ii) Chất xơ hoà tan là loại chất xơ có thể tan trong nước, tạo ra một hợp chất giống như gel trong quá trình tiêu hoá.

Chất xơ hoà tan có nhiều trong các loại đậu (bean) như các loại đậu đỏ/đen/xanh …, các loại hạt (nuts) như hạt điều, lạc/
đậu phộng, hạt hướng dương …, yến mạch (Oats), trái cây có múi (citrus fruits) như cam, quít …, đậu bắp (okra), quả bơ
(avocado), Bông cải xanh (Broccoli), cà rốt (carrot) … 

Chất xơ không hòa tan hiện diện trong tất cả các loại rau. Tỉ lệ % của chất xơ hoà tan nhiều hay ít tuỳ theo nhóm hoặc loại
rau khác nhau. Các loại rau có tỉ lệ % chất xơ cao, phổ biến mà người tiêu dùng dễ tìm kiếm là: Khoai tây (potatoes), khoai
lang (sweet potatoes), măng tây (Asparagus), atiso (Artichokes), súp lơ (Cauliflower), quả chuối (Banana),  quả táo (Apple) …

Một số rau quả có cả chất xơ hoà tan và chất xơ không hòa tan rất cao như: cà rốt, quả táo …

Lợi ích của chất xơ 

Một cách khái quát, chất xơ có những lợi ích chính như sau:

Tăng thể tích mà bạn sử dụng, giúp bạn có cảm giác ăn nhiều hơn, cảm thấy no nhanh hơn, điều này giúp bạn kiểm soát
cân nặng của cơ thể, tránh bị béo phì;

Chất xơ giúp quá trình tiêu hoá và góp phần ngăn ngừa táo bón – chất xơ hoà tan giúp phát triển vi khuẩn tốt trong đường
tiêu hoá và hỗ trợ nhu động ruột;

Chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh về bệnh huyết áp, bệnh tim-mạch,  giảm cholesterol trong máu, tiểu đường
loại 2…

Theo một số nghiên cứu về Trục Ruột-Não (Gut-Brain Axis), các nhà khoa học nhận biết rằng không phải tất cả các tâm trạng và cảm xúc của chúng ta đều bắt đầu từ não. Một số trong chúng bắt đầu từ vi khuẩn đường ruột (Hệ vi sinh vật đường ruột/ gut microbiome), phát hiện được gọi là Trục Ruột-Não.

Thật ra, tương tác giữa não và ruột được thể hiện trong nghiên cứu của Pavlov – đoạt giải Nobel 1904 – nó bao gồm giai đoạn giải phóng dịch tiết dạ dày và tuyến tụy để phản ứng với tín hiệu cảm giác, chẳng hạn như mùi và nhìn thấy thức ăn. Đến năm 2015, các nhà khoa học đánh giá lại chính xác cơ chế hệ vi sinh vật (trong đường ruột hoặc vi khuẩn có ích) ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương bằng cách điều chỉnh hoá học não và tác động đến thần kinh nội tiết có liên quan đến các phản ứng căng thẳng, lo lắng và chức năng trí nhớ. 

Tương tự như nghiên cứu về Trục Ruột-Não, một nghiên cứu khác – có tên là Trục Ruột-Não-Da (Gut-Brain-Skin Axis) – về lý thuyết sự gắn kết cơ chế tiêu hoá với lo âu, trầm cảm và tình trạng da như mụn trứng cá (acne) từ đầu năm 1930, khi đó, các nhà khoa học có giả thuyết rằng trạng thái cảm xúc có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột bình thường, dẫn đến tăng tính thẩm thấu của ruột và do đó góp phần gây viêm toàn thân. Lý thuyết này được các khoa học gia hiện đại xác nhận: hệ vi sinh đường ruột và men vi sinh có ảnh hưởng đến tình trạng viêm toàn thân, stress, kiểm soát đường trong máu, hàm lượng lipid trong mô cơ và tâm trạng …

Hiện nay, các khoa học gia vẫn tiếp tục nghiên cứu về các cơ chế trên nhằm giúp ích trong việc chế tạo thuốc điều trị. Hy vọng, tương lai không xa, chúng ta có được các loại thuốc điều trị mới dựa theo cơ các chế này.

Tác hại khi tiêu thụ quá nhiều chất xơ
Khi tiêu thụ quá nhiều chất xơ, bạn có thể bị một hoặc nhiều triệu chứng như sau: đau bụng, đầy hơi, phân lỏng hoặc tiêu chảy, cũng có thể bị táo bón (vì tiêu thụ quá nhiều chất xơ làm nghẽn đường tiêu hóa), tắc nghẽn ruột, tăng cân tạm thời, giảm lượng đường trong máu …

Lời khuyên về việc tiêu thụ rau
Bạn nên giám sát mọi phản ứng bất thường của cơ thể để có hướng điều chỉnh, tăng hoặc giảm, lượng rau tiêu thụ hàng ngày: không quá nhiều, không quá ít, mà vừa đủ. Theo Hướng Dẫn Chế Độ Ăn Uống cho Người Mỹ của Bộ Nông Nghiệp (USDA’s Dietary Guidelines for Americans) và Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Hoa Kỳ (Food and Drug Administration), trung bình, lượng chất xơ cần thiết trong một ngày cho một phụ nữ khoảng 25-28 gram, nam giới khoảng 31-34 gram (lượng chất xơ này tuỳ thuộc vào độ tuổi). 
Mỗi loại/ nhóm rau có giá trị dinh dưỡng khác nhau, vì vậy – khẩu phần hàng tuần – nên thay đổi, chọn lọc nhiều loại/ nhóm rau khác nhau, màu sắc khác nhau, hình thức chế biến đa dạng (luộc, hấp, nấu canh, xào, ăn sống)…

Đau uống thuốc…

Sử dụng thuốc một cách khoa học không chỉ làm tăng hiệu quả của thuốc mà còn đem lại lợi ích lâu dài, tác động tích cực cho mỗi cá nhân và toàn cho xã hội.

Cách dùng thuốc
Dùng đúng loại thuốc: mỗi loại thuốc, theo y lệnh của bác sĩ, có tác dụng khác nhau; Vì vậy, bạn nên sử dụng đúng loại thuốc mà bác sĩ chỉ định cho bạn. Nếu có thay đổi, bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cho dù có cùng một loại bệnh, nhưng không có nghĩa là sẽ sử dụng thuốc điều trị giống nhau; Bởi vì tình trạng/mức độ bệnh/ diễn tiến khác nhau, hơn nữa, cơ địa của cơ thể mỗi người hoàn toàn khác biệt; Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác mà chỉ có bác sĩ được đào tạo nghiêm túc, có kinh nghiệm mới có đủ kiến thức để quyết định sử dụng loại thuốc nào cho bệnh nhân. 
Bạn nên nhớ rằng: không có một loại thuốc nào có thể chữa trị được hàng chục, (thậm chí) hàng trăm bệnh khác nhau … 
Dùng thuốc đúng liều lượng: cùng một loại thuốc, nhưng bác sĩ có chỉ định liều lượng khác nhau trên cơ sở: tình trạng bệnh, độ tuổi, giới tính, sắc dân …   
Dùng thuốc đúng giờ: mỗi loại thuốc có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định, nếu bạn sử dụng không đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ, công dụng điều trị của thuốc sẽ giảm hoặc bằng zero. “Đúng giờ” không chỉ được hiểu là thời điểm hoặc thời khắc sử dụng mà còn thể được hiểu rộng hơn, thí dụ như: trước hoặc sau bữa ăn (sáng, trưa, tối), trước hoặc sau giấc ngủ …

Lời khuyên về việc dùng thuốc

Bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt theo đơn thuốc và sự chỉ định của bác sĩ, trong trường hợp nghi ngờ hoặc hoặc không tin tưởng vào sự chỉ định của bác sĩ, bạn nên hỏi lại để được bác sĩ của bạn giải thích tường tận. Trong trường hợp sự giải thích, hướng dẫn của bác sĩ không thoả đáng, bạn nên tham khảo với 1 hoặc 2 bác sĩ khác nhau để bạn hiểu rõ hơn.

Việc tham khảo ý kiến với bác sĩ khác là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của bạn; Không một ai có thể tước đoạt quyền lợi này của bạn. Người thầy thuốc có lương tâm luôn luôn đặt quyền lợi và sức khỏe của bệnh nhân ở mức độ cao nhất.

Bạn nên nhớ rằng: thuốc mà bác sĩ sử dụng để điều trị cho bạn đã trải qua một quy trình nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá kết quả trên hàng ngàn người hoặc hàng chục ngàn người (hoặc nhiều hơn nữa), dữ liệu này luôn luôn được lưu giữ công khai, minh bạch; Một khi các nhà khoa học, cơ quan có trách nhiệm cấp phép sử dụng một loại thuốc nào đó cho người bệnh, họ vẫn tiếp tục giám sát tác động, ảnh hưởng, hiệu quả của thuốc… Nó hoàn toàn khác với các loại “thuốc trôi nổi” trên thị trường, các loại thực phẩm chức năng (supplemental vitamins), những kinh nghiệm điều trị dân gian mà bạn nghe “quảng cáo, rỉ tai, bí mật gia truyền” từ người này đến người khác …

Tóm lại, trong nội hàm của lời dạy “Đói ăn rau, đau uống thuốc” không chỉ đơn thuần là “Ăn” và “uống” – mà nó là một chân lý, một kiến thức thực tiễn, nó có một ý nghĩa rất bao quát, tổng hợp – bao gồm, kiến thức về y học, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và cả pháp luật…

Lê Công Trứ
Xuân 2024

Tham khảo:
https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/health-benefits-dietary-fibers-vary
https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/the-gut-brain-connection
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4367209/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights