Kỷ vật quê hương trên xứ người

by Tim Bui
Kỷ vật quê hương trên xứ người

TRUNG NAM

Lần đầu tiên nghe câu: “Chúng ta đi mang theo quê hương”, tôi xúc động vô cùng. Câu nói nghe thật thấm thía đối với những người di tản từ năm 1975 như tôi.

Ngày xưa, hồi còn học trung học đệ Nhất cấp, tôi thích sưu tầm sách xưa, hình ảnh cũ. Rồi sau khi đọc được quyển “Nghệ thuật chơi tem” của Nguyễn Bảo Tụng, tôi nhận thấy sưu tầm tem thư rất hợp túi tiền, nên khi rảnh rỗi, tôi siêng năng đi săn lùng tem Việt Nam và tem Đông Dương (Lào, Cam Bốt).

Chừng vài năm sau, khi thấy bộ sưu tập của mình ngày càng phong phú, tôi càng say mê hơn, bỏ thêm tiền và công sức để tìm những con tem quý hiếm.

Mỗi con tem đều có lịch sử, dấu ấn của một sự kiện hay một vấn đề nào đó mà người chơi cần phải tìm tòi, tra cứu, học hỏi để thấu hiểu và giúp người chơi tạo một thói quen trước khi sưu tầm. Vì thế, tôi áp dụng phương pháp này khi sưu tầm các món đồ cổ khác.

Ngày 30/4/1975, tôi theo làn sóng tị nạn, ra đi vội vã bỏ lại bộ tem thư. Khi sang đến Hoa Kỳ, nhiều lúc tiếc hùi hụi bộ sưu tập của mình không biết đã bị đem đốt hay quăng vào thùng rác, nhưng cuối cùng tự an ủi “bỏ của lấy người” để khỏi vấn vương, phiền muộn.

Sống ở Mỹ, tôi mới thấy đây là một đất nước có nhiều tự do, nhiều thú chơi và nhiều thứ để sưu tầm. Những năm đầu, nỗi nhớ quê hương thúc đẩy tôi đi săn lùng những kỷ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tôi sưu tầm sách thời Việt Nam Cộng Hòa, báo xưa, bưu thiếp Đông Dương, tem, tiền giấy, tiền xu, đĩa nhạc, bìa nhạc, đồ lính, huân chương, kỷ vật chiến tranh Việt Nam (dĩ nhiên các món liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa).

Cứ vào cuối tuần, thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi hay lái xe đi vòng vòng tìm các garage sale, estate sale, swap meet và dự các buổi bán đấu giá probate sale của county.

Probate sale là danh từ nói về việc chính phủ phát mãi toàn bộ gia tài của người chủ nhà mất đi không có di chúc. Hơn 30 năm về trước, địa hạt San Diego thường xuyên tổ chức những cuộc bán đấu giá probate sale. Tôi tham dự nhiều buổi đấu giá của những gia đình có đồ Á Đông và Mỹ và may mắn mua được khá nhiều món quý hiếm với giá rẻ.

Ngày nay, các buổi probate sale không còn nhiều, lý do người dân ngày nay hiểu rõ cái lợi của di chúc, và hiểu cái hại là nếu không có di chúc, thì chính phủ sẽ theo thủ tục phát mãi toàn bộ tài sản, từ nồi niêu song chảo đến quần áo, giường tủ, vòng vàng, xe cộ.

Trong khi probate sale ngày càng hiếm, thì các estate sale càng ngày càng phổ biến và phát triển. Thêm nữa, internet đã giúp cho người bán và người mua đến gần với nhau hơn trong việc cung cấp địa điểm, thành phố nào, ngày giờ, thủ tục trả tiền và toàn bộ hình ảnh các món đồ trong nhà. Đây là điểm lợi cho người bán và người mua, nhất là với những người ở xa.

Trong bài viết này, tôi sẽ nói sơ lược về tranh sơn mài Việt Nam, những họa sĩ nổi tiếng và giá trị các tác phẩm của họ qua các dữ liệu từ các nhà đấu giá bên Âu Châu và Hoa Kỳ. Sau đó, tôi chia sẻ với quý bạn những món đắc ý nhất mà tôi mua được.

Tranh sơn mài Việt Nam

Nói về tranh sơn mài, ở nước ta, tranh sơn mài đã có lịch sử từ lâu đời. Chất liệu được sử dụng là sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên vóc màu đen.

Tuy nhiên phải đến đầu thập niên 1930, các họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương mới đã tìm tòi và khám phá thêm nhiều chất liệu đặc biệt trong dòng tranh sơn mài như vỏ trứng, ốc, cật tre…

Những họa sĩ tranh sơn mài Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Khang,… đã có những đóng góp quan trọng trong nghệ thuật tranh sơn mài tân thời. Tranh sơn mài của họ mang ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao với nền hội họa Việt Nam. Chính họ đã tìm cách đưa những chất liệu có tính biểu đạt phong phú này vào việc duy trì kỹ thuật vẽ tranh sơn mài và tạo nên những kỹ thuật mới độc đáo. Hiện nay, tranh sơn mài của các họa sĩ trên đang phổ biến mạnh mẽ và nhiều người trong và ngoài nước sẵn sàng trả giá rất cao, nhiều bức có giá bán phá kỷ lục từ xưa tới nay. 

Trong số họa sĩ tranh sơn mài Việt Nam của trường Mỹ Thuật Việt Nam có họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) được xem như là “cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”. Tranh của ông có bức bán được 1.08 triệu US đôla.

Cùng thời với Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Phạm Hậu (1903-1995) cũng được mệnh danh là “bậc thầy sơn mài Việt Nam” có những bức tranh xuất sắc như bức “Cảnh ngôi chùa cổ ở miền bắc Việt Nam”, “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” đều bán được hơn 1 triệu US đôla cho mỗi bức.

Đó là nói sơ về các đại họa sĩ sơn mài thời Đông Dương cùng những tác phẩm đáng giá bạc triệu đôla, để người Việt chúng ta hãnh diện khi thấy mỹ thuật sơn mài Việt Nam không thua kém các nước khác.

Ở miền Nam thì có dòng tranh sơn mài của xưởng Thành Lễ.

Vài nét về tranh sơn mài Thành Lễ

Xưởng tranh sơn mài Thành Lễ do chính họa sĩ Thành Lễ (1919-2003) thành lập. Thành Lễ học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940. Được thành lập từ năm 1943, Thành Lễ là cơ sở sản xuất sơn mài lớn mạnh và nổi tiếng, với sự tham gia của nhiều họa sĩ như Năm Châu (điêu khắc), Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu (sáng tác mẫu sơn mài), Ngô Từ Sâm (vẽ lụa), Văn Thọat, Lương Định Tánh (vẽ bàn ghế), các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long (cẩn ốc), Sáu Sa (vẽ men gốm)…

Trong suốt hơn 30 năm, xưởng Thành Lễ là công ty sản xuất hàng mỹ nghệ có phẩm chất rất cao, danh tiếng nhất của miền Nam. 

Xưởng Thành Lễ đã đạt những thành tích như sau:

-Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964
-Huy chương Bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968
-Bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969
-Huy chương và Bằng cấp Danh dự Hội chợ Paris 1970
-Huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970

Xưởng Thành Lễ có phòng trưng bày ở trên đường Tự Do, Sài Gòn. Khách hàng không những từ trong nước mà còn từ các quốc gia khác nhau. Nhiều chính khách và cựu quân nhân Mỹ hay tìm đến đây để mua các tranh sơn mài về làm quà kỷ niệm.
Cũng chính từ xưởng này, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Hữu Có đã đặt mua một bức tranh 2 bức tranh sơn mài để tặng cho Đô Đốc Grant Sharp, tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương (1964-1968).

Tôi có cơ duyên mua được 2 bức này từ estate của tướng Sharp, nhưng ngay sau đó có người nài nỉ quá, đòi mua lại với giá cao, tôi bán cho họ, giờ đây hối hận và tiếc vô cùng.

Bộ sưu tập tranh mài của tôi

Những bức tranh sơn mài đầu tiên mà tôi mua được cách đây 20 năm, là 2 bức tranh sơn mài và một tượng gỗ Thành Lễ, từ một estate của một cựu sĩ quan Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Bức thứ nhất có khổ lớn, 26”x49”, vẽ cảnh các cô gái mặc áo dài Việt Nam đi “du Xuân”.

 Bức thứ nhì kích thước nhỏ hơn, 8”x17”, vẽ 2 cô gái với áo dài truyền thống, một cô xách giỏ đi chợ.

Theo label dán ở phía sau bức sơn mài thứ nhất, ghi tên người mua là H.D Cox, mua ở Sài Gòn vào năm 1963.

Giá bán của bức lớn là 1.500 đồng Việt Nam. Tỷ giá đôla và tiền Việt Nam vào thời điểm đó là 1 đôla ăn 100 đồng Việt. Tính ra, ông Cox chỉ trả $15 đôla cho bức tranh sơn mài lớn, quá rẻ so với thời giá bây giờ.

Còn tượng gỗ ngư ông Việt Nam cũng mua từ xưởng Thành Lễ. Không rõ giá bán tượng này bao nhiêu, nhưng chắc cũng rất rẻ.

Chắc quý bạn sẽ hỏi: “Giá tiền tôi mua các món trên là bao nhiêu? Và trị giá hiện thời là bao nhiêu?”

Tôi xin thưa: Mỗi bức sơn mài tôi mua là $100 US đôla. Còn tượng gỗ thì tôi mua với giá $50 đôla.

Giá trị của tranh sơn mài Thành Lễ, xưa làm ở thập niên 1950-1960 thì càng ngày càng cao, nhưng không bằng tranh của các họa sĩ Đông Dương.

Nhà đấu giá Sotherby’s vào tháng Tư năm 2022, và 2023, đã bán đấu giá một số tranh sơn mài, tượng đồng, bàn ghế Thành Lễ, giá bán cao nhất là các bức tranh sơn mài khổ lớn, có những bức bình phong gồm 10 tấm ráp nối vào nhau, có bức 4 tấm, có bức 2 tấm.

Vào tháng Tư năm 2023, bức “Bầy Nai” gồm 2 tấm bán được $279.400 đôla Hồng Kông (tức $34.925 đôla Mỹ). Các tượng đồng chân dung cô gái Việt thì trung bình $1.000 đến $3.000 đôla Mỹ.

Những bức tranh sơn mài của tôi hiện có giá từ $5.000 đến $8.000 đôla Mỹ, còn tượng ngư ông thì có giá $1000 đôla.

Tranh sơn mài Sông Hồ

Có lẽ đọc đến sẽ thắc mắc muốn hỏi tại sao tôi lại mê mua đồ cổ, nhất là những món đồ liên quan đến Việt Nam đến thế. Bà xã tôi, dù đã quen với tật ghiền này của tôi cũng lâu lâu nhướng mày muốn hỏi, nhưng lại chép miệng không nói gì.

Không biết giải thích thế nào cho mọi người hiểu, chỉ biết là cứ mỗi khi gặp được món đồ cổ, hay kỷ vật gì dính dáng đến quê hương thì tôi không thể bỏ đi, mà phải tìm cách mang chúng về nhà cho được. Như thể càng được vây quanh bởi những món đồ này, và càng bỏ thì giờ tìm hiểu về lịch sử chúng thì tôi càng có cảm tưởng là Việt Nam vẫn quanh đây.

Một trường hợp cụ thể là việc tôi mua 2 bức tranh sơn mài từ chợ trời Long Beach cách đây 10 năm. Theo lời người bán, bức tranh này đến từ estate của một cựu quân nhân Mỹ. Bức tranh khổ lớn, 26”x 49”. Mỗi bức có chữ ký Sông Hồ. Sau khi mua được bức tranh, tôi muốn tìm xem tác giả Sông Hồ là ai nhưng không thành công.  Họa sĩ Văn Mộch, bạn tôi, cho biết xưởng tranh Sông Hồ cùng thời với xưởng Thành Lễ (thập niên 1960). 

Tranh sơn mài Sông Hồ trên thị trường hiện nay không có nhiều. Tôi có thấy một bức sơn mài Sông Hồ được nhà đấu giá Mỹ đem lên bán với giá từ $1.000 đôla đến $1.500, nhưng không bán được, chắc vì không có họa sĩ tài danh như xưởng Thành Lễ. Tuy vậy, với tôi, 2 bức tranh Sông Hồ này có nghệ thuật cao, đẹp không thua tranh Thành Lễ.

Tôi mua 2 bức sơn mài Sông Hồ là $100 cho mỗi bức. Trị giá chúng hiện giờ khoảng từ $1.000 đến $2.000 đô. 

Tóm lại, dòng tranh sơn mài Việt Nam ngày nay thu hút sự chú ý từ giới chuyên môn và người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới. Lý do là nhờ vào vẻ đẹp tinh tế, nguyên liệu và kỹ thuật khéo léo của các họa sĩ.

Đặc biệt nhất, tranh sơn mài Việt Nam mang nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Những tác phẩm sơn mài của các các họa sĩ của trường Mỹ Thuật Đông Dương cho đến các họa sĩ của xưởng Thành Lễ, đều có ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao, rất xứng đáng cho người dân Việt ở trong hay ngoài nước, nhất là thế hệ ngày nay và tương lai, học hỏi, duy trì và phát huy kỹ thuật và mỹ thuật nghề sơn mài Việt Nam./.

Tác phẩm “Làng quê giữa rặng chuối”. Sơn mài trên bảng gỗ, vàng và đa sắc sáu tấm. Sáng tác năm 1937. Kích thước tổng 100 x 195 cm. Giá ước lượng 180.000 – 220.000 EUR.   Giá bán cuối cùng là 1,08 triệu USD (25,5 tỷ đồng) tại Drouot Estimations vào ngày 02 tháng 12 năm 2022

Tranh sơn mài “Cảnh ngôi chùa cổ ở miền bắc Việt Nam” của họa sĩ Phạm Hậu (1903 – 1995) được nhà đấu giá Sotheby Hong Kong bán ra ngày 18/4/2021, đạt mức giá 8.040.000 đ la Hồng Kông (tương đương 1 triệu USD). Tác phẩm có kích thước 104,5 x 183cm được thực hiện trong thập niên 1930.

Tranh “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” của Phạm Hậu, chất liệu sơn mài, bột và vàng lá trên gỗ, gồm sáu tấm kèm khung với kích thước 100×198 cm. Giá bán được là 1.24 triệu USD trong phiên đấu giá của Bonhams vào tháng 11, 2021.


Bức sơn mài Thành Lễ khổ lớn, Sotherby bán được 22.580 euro (2022)

h sơn mài Sông Hồ, cảnh thuyền trên song, khoảng năm 1963 (sưu tập của tác giả)
      

Tham khảo:
“Sơn Mài Thành Lễ, Quá Khứ Vàng Son”. Phạm Công Luận. Trích trong cuốn Sài Gòn – chuyện đời của phố tập I. Công ty văn hóa Phương Nam xuất bản 2014)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights