NGÔ NGỌC LOAN
Bún mắm là một trong số các món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ Việt Nam, là món ăn được cho là có mùi hương nồng nhất, đậm đặc từ cá và mắm. Và vì mùi hương “đặc trưng” này, mà món bún mắm thường bị đa số người ngoại quốc “tránh né”.
Thế nhưng, một chàng trai người Úc gốc Việt với lòng tự hào về món ăn của nước Việt, đã can đảm dám mang món bún mắm vào cuộc thi MasterChef Australia Tháng Bảy 2023. Kết quả là anh đã đoạt được cảm tình cũng như dành hết lời khen thưởng từ ba vị giám khảo cho món ăn Việt “có mùi” nhất này.
Nữ giám khảo người Úc gốc Hoa Melissa Leong đưa ra nhận định rất tinh tế:
“Đây là món ăn mà chúng ta có ngửi thấy mùi vị khi nó đang đến gần. Đây là bằng chứng cho thấy rằng khi bạn không giấu giếm con người thật của mình, bạn sẽ được tôn vinh.”
Người được tôn vinh kỳ này là Tommy Phạm, sinh năm 1989. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô Cabramatta, về phía Tây Nam của Sydney, Australia.
Một MasterChef nấu ăn bằng ký ức
Buổi nói chuyện của Tommy Phạm và tôi diễn ra hào hứng, năng động, và đầy màu sắc như cách anh biến hóa khi nấu các món ăn Việt Nam trên danh khoản Instagram mà tôi từng xem nhiều lần.
Khá bất ngờ khi Tommy nói anh vốn là một kỹ sư điện toán. Vì yêu thích công nghệ, anh học và tốt nghiệp ngành Computer Science.
Sau khi đi làm vài năm, tuổi trẻ cho Tommy sự liều lĩnh và khao khát thử những điều mới lạ, luôn muốn muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. Trong một chuyến du lịch đến Nhật, Tommy làm thầy giáo dạy Anh ngữ. Anh cảm thấy nghề dạy học là một công việc thú vị và nhiều ý nghĩa. Khi trở về Úc, anh học thêm ngành giáo dục để chính thức trở thành giáo viên. Tommy trải qua khoảng ba năm làm một “anh giáo trẻ.”
Thời gian ở Nhật, anh luôn mang bên mình cảm giác thèm món ăn Việt Nam. Những lúc đó, Tommy gọi điện thoại hỏi mẹ, hoặc mẹ vợ cách nấu món này món nọ để anh có thể “tự lăn vào bếp.”
Do đó, khi nói về nấu ăn, Tommy nói rằng anh “nấu bằng ký ức.”
“Đến với MasterChef với tôi là một cơ duyên. Trong một lần đến nhà bạn chơi, tôi nấu vài món ăn Việt Nam. Người bạn nói vui, bảo tôi nên tham dự MasterChef. Nhưng tôi đã suy nghĩ về đó và quyết định thử. Tôi chỉ biết nấu những món ăn Việt cơ bản, nên tự nhủ lòng cứ ‘chơi đại thôi.’ Tôi nghĩ thử một tháng rồi đi về không sao đâu.”
Tiếng Việt của Tommy Phạm “đủ để nói chuyện với gia đình,” theo lời anh nói. Do đó, “chơi đại thôi” là một cách nói rất “Việt Nam” của Tommy để thể hiện điều anh gọi là một cơ duyên.
Tuy là vậy, “Tôi cũng phải luyện tập rất nhiều,” Tommy nói. “Tôi tập nấu cả ngày, sáng tối. Vào cuộc thi, từ từ tôi đi xa hơn một chút, Top 10, rồi Top 5. Tôi nghĩ ồ như vậy mình có thể thắng. Từ đó, tôi chợt nghĩ nếu mình nấu món ăn Việt Nam bằng những gì mình nhớ trong ký ức, rồi thay đổi chút xíu thì rất hay.”
Ký ức đó chính là mẹ của anh, người mà anh nói rằng “ai cũng khen mẹ tôi nấu món ăn Việt Nam ngon nhất.”
Thật ra, lần nấu ăn đầu tiên trong đời Tommy là lúc anh khoảng 9, 10 tuổi. Tommy kể:
“Khi đó mẹ tôi đang nấu canh chua cá. Tôi vào bếp xin được nấu giúp mẹ. Mẹ lấy một cái ghế nhỏ, để lên gần cái bàn đã có sẵn thành phần để nấu. Mẹ chỉ tôi bỏ chút muối, chút đường, nước mắm, bỏ cà…Có thể nói đó là món ăn đầu tiên tôi nấu.”
Anh bật cười, và nói tiếp: “Dĩ nhiên sau này tôi phải học nấu canh chua, chứ tôi đâu thể nhớ được cách nấu thế nào.”
Đó là chính miền ký ức mà Tommy nhắc đến. Một miền ký ức mà khi bước vào thế giới ẩm thực chuyên nghiệp, anh đã sử dụng để biến hóa sự phong phú của các món ăn Việt Nam thành một điểm nhấn riêng của Tommy Phạm.
Khi tôi hỏi Tommy về khoảng thời gian trong căn bếp của Masterchef, Tommy cho biết:
“Một trong những điều khó khăn nhất khi nấu nướng là khi bạn phải nấu theo hiện một công thức mình không quen thuộc, sao cho món ăn cuối cùng có vị hơi khác lạ; tôi nghĩ đây là điểm tỏa sáng của hầu hết các đầu bếp giỏi. Mọi người đều có thể làm đúng chính xác một công thức nấu ăn, nhưng chính những gì bạn làm với sản phẩm đó mới khiến nó có hương vị thơm ngon.”
Thêm nữa, Tommy nói cách mẹ chỉ anh cân đo đong đếm các hương vị đã giúp anh có nền tảng vững chắc khi nấu những món mới.
‘Bữa ăn gia đình là nguồn gốc của yêu thương’
Tommy tham dự cuộc thi quay hình MasterChef lần đầu tiên, mùa 13, khi đó con trai của anh, Miles Phạm, chỉ vừa được sáu tháng. “Đó là khoảng thời gian rất khó khăn với tôi,” Tommy nói.
Anh mang theo tấm ảnh nhỏ của cậu con trai, đặt trong túi. Mỗi lần ra thi đấu, Tommy hôn vào tấm ảnh và nói “Cố lên Miles.” Mùa thi đó Tommy nấu món bún bò Huế. Anh dừng lại và đoạt vị trí thứ 7, thuộc Top 24.
“Tuy dừng cuộc thi, nhưng tôi có lại được là không còn phải xa con nữa. Cho nên tôi thấy mình “win-win,” Tommy nói.
Khi đến với MasterChef mùa 14, Tommy đã là cha của hai cậu con trai, Miles và Hugo. Anh đoạt vị trí thứ 10 và là thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Chính điều này là động lực cho cuốn sách My Family Kitchen được phát hành vào Tháng Bảy, 2023.
Quan điểm của anh về nấu nướng rất rõ ràng và rất thực tế, đó là cho dù có yêu thích nấu ăn hay không thì đó vẫn là công việc hàng ngày mà chúng ta sẽ phải thực hiện hầu như mỗi ngày trong đời. “Và khi gia đình bạn từ chỉ có một hoặc hai người, đến có ba, bốn hoặc nhiều hơn… thì sự bối rối xung quanh việc chọn nấu món gì cho gia đình vào bữa cơm tối có thể xuất hiện,” anh nói về ý nghĩa của My Kitchen Family.
Do đó, Tommy muốn tạo sự dễ dàng cho những thanh niên mới lớn, vừa rời cái kén ấm cúng của cha mẹ để vào đời. Họ sẽ không bị cú sốc “ôi tôi phải nấu ăn mỗi ngày, mỗi tối?”
Anh nói: “Các bạn sẽ không cảm thấy khó khăn trong nhà bếp nếu biết cách nấu ăn đơn giản, phù hợp khẩu vị của mình.”
My Family Kitchen là một “truyện tranh đầy hương vị ẩm thực Việt Nam,” nói theo lời Tommy Phạm. So sánh như thế vì từ nội dung và cách trình bày cuốn sách cho người xem một thế giới phong phú nhiều màu sắc của nền văn hoá ẩm thực Việt. Quan trọng hơn nữa, Tommy dành trọn ý nghĩa của cuốn sách này cho tình yêu gia đình.
“Cuốn sách rất đặc biệt vì tôi nấu rất nhiều món ăn Việt Nam, chỉ là món ăn Việt Nam thôi. Tôi có hai con trai nhỏ nên tôi rất chú trọng đến cách làm sao có thể tiết kiệm thời gian nấu nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, sở thích ăn uống của con và văn hoá gia đình.” anh nói về My Family Kitchen.
Tommy Phạm sinh ra và lớn lên ở Úc, trong một gia đình thuần Việt. Do đó “văn hóa gia đình” theo khái niệm của Tommy chính là ở trong bữa cơm chiều. Anh nói:
“Bữa cơm chiều rất quan trọng cho một gia đình châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Một trong những điểm quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt về bữa cơm chiều là phải có ba món: món canh, món thịt, món rau. Mỗi món ăn để trong một tô riêng. Mọi người lấy về chén của mình, khi dùng hết thì lấy thêm. Tôi cảm thấy có sự gắn kết giữa mọi người với nhau trong bàn ăn.”
“Nói về bản thân, tôi cảm thấy hạnh phúc ngồi dùng bữa cơm chiều với vợ và con, hạnh phúc khi thấy hai con trai nhỏ của tôi cũng thích ăn những món ăn Việt Nam. Đối với tôi, ngồi chung một bàn, chia sẻ cùng một món ăn, là điều rất quan trọng. Còn văn hóa của những quốc gia khác là mỗi người có phần ăn riêng trong đĩa của mình. Họ không san sẻ cho nhau.”
Dù hai con trai của Tommy còn nhỏ, nhưng anh cho con sự tự do trong ăn uống, dĩ nhiên là thức ăn phải bảo đảm tiêu chuẩn chất và lượng. Anh muốn con của mình nhìn thấy cha mẹ cùng chia sẻ món canh chua, canh bí, cá kho… trên bàn ăn. Anh hạnh phúc khi thấy hai con cũng có thể cùng chia sẻ với cha mẹ những món ăn đó.
“Đó là văn hoá của người Việt, là nguồn gốc của tình yêu thương gia đình,” MasterChef Tommy Phạm nói.