Ngày hiền mẫu, nhớ đến những người vợ tù cộng sản

by Tim Bui
Ngày hiền mẫu, nhớ đến những người vợ tù cộng sản

CHU TẤT TIẾN 

Ngày lễ Mẹ, ngày Hiền Mẫu, ở Hoa Kỳ được bắt đầu bằng  nghi lễ do bà Anna Jarvis tổ chức tại Nhà thờ Andrews Methodist Episcopal Church ở Grafton, West Virginia vào năm 1907. Thật ra, bà đã từng đề xướng ngày lễ Mẹ từ năm 1905, để tôn vinh thân mẫu của mình, bà Ann Reeves Jarvis, đã chết trong sự tiếc thương của cả gia đình vì bà Ann Reeves Jarvis là một phụ nữ đảm đang mọi phương diện, đã dạy dỗ con cái bằng cả tình thương.

Mãi đến hai năm sau, đề nghị của bà mới được nhà thờ Methodist chấp nhận. Cho đến nay, trong ngôi nhà thờ này, bàn thờ từng làm nghi lễ Ngày lễ Mẹ đầu tiên vẫn còn được coi là “International Mother’s Day Shrine”, “Cung thánh của Ngày Lễ Mẹ Quốc Tế”.

Từ đó, bà Ann Jarvis đã không ngừng nghỉ chiến đấu cho ngày này được tôn vinh chính thức, nhưng bị Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ qua, không những thế còn bị diễu cợt là nếu đã có ngày lễ mẹ ruột thì phải có ngày lễ mẹ vợ nữa. Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận, đến năm 1911, tất cả các tiểu bang đều chấp nhận ngày này là Chủ Nhật thứ hai trong tháng Năm. Đến 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson ký sắc lệnh công bố ngày này là ngày lễ quốc gia để tôn vinh các bà mẹ.

Tại Việt Nam, tuy không có ngày lễ Mẹ, nhưng từ năm 1975, một sự kiện trọng đại đã khiến cho cứ đến tháng Năm, mọi người dân Miền Nam phải nhớ đến những người mẹ, người vợ của các Quân, Cán, Chính phải đi tù khổ sai mà nhà nước Cộng sản buộc phải gọi là “đi cải tạo”.

Thực tế, nếu không có những người phụ nữ miền Nam chung thủy, đảm đang, tận tâm hy sinh cho chồng, con ở trong tù, thì số người chết trong tù cộng sản có lẽ đã lên đến cả vài trăm ngàn người, có thể nói là chết gần hết, đúng theo ý định của cái gọi là Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa.

Khi chiến tranh chấm dứt, Nhà Nước Cộng Sản, được sự thúc đẩy của khối Cộng Sản Quốc Tế, muốn giết hết lực lượng Quân, Cán, Chính Miền Nam cho khỏi hậu hoạn, nên đã buộc toàn thể Quân, Cán, Chính miền Nam vào những trại tù khổ sai, lao động cật lực, mà không cung cấp thực phẩm, thuốc men, để cho họ chết dần mòn trong các nơi rừng thiêng nước độc từ Nam ra Bắc, y hệt như nhà trừng giới Siberia của Nga sô. Nhà nước Cộng sản đã ra lệnh cho các cai tù phải trừng phạt tối đa tất cả những người nào dám nói lời chống đối Cách Mạng, cho nên, rất nhiều người đã bị bắn tàn nhẫn. Điều quan trọng nhất là nhà tù khổ sai không cung cấp thuốc men cho người bệnh, do đó, cứ mắc bệnh là chết. Trong ba, bốn năm đầu, các tù nhân là bác sĩ Quân Y cũ, được chỉ định vào tổ Y Tế, thì không phải là được khám bệnh cho tù nhân khác, mà công việc chính là đi hót phân, gánh phân đi tưới rau. Mãi mấy năm sau, họ mới chính thức được phân công làm trong bệnh xá, chăm sóc các tù nhân bị bệnh khác. Nhưng khám bệnh là một chuyện, xin thuốc chữa bệnh lại là chuyện khác. Khi các vị bác sĩ báo cáo với cai tù để xin thuốc thì thường được phát cho Xuyên Tâm Liên, bệnh ung thư cũng Xuyên Tâm Liên, tiêu chảy cũng Xuyên Tâm Liên, hoặc “thuốc Khắc Phục”. Mục đích chính của Nhà Nước là cho “bọn Mỹ Ngụy chết dần đi, vợ chúng: ta lấy, con chúng: ta sai, nhà cửa chúng: ta hưởng!”

Vấn đề thực phẩm cho tù nhân là chuyện cực kỳ bất nhân. Những năm đầu là gạo Trung Quốc, lấy từ những bao gạo mà trong thời chiến, Trung Cộng thả sông cho trôi xuống phía Nam, nên khi phát cho tù nhân thì các bao gạo đã biến thành đá bên ngoài, với giòi, sâu lúc nhúc bên trong. Một bao gạo đưa cho tù chỉ lấy được khoảng một phần ba là những hạt gạo rỗng ruột, vì bị giòi ăn hết, nên thả vào chậu, thì gạo nổi lềnh bềnh. Tù nhân, vì ý chí sống còn, phải ăn hết cả gạo rỗng và giòi, sâu. Rau cải thì vài tháng mới phát một lần mà toàn là rau ôi, nát. Khi hết gạo thì phát khoai lang. Khoai được chở trên xe tải vào sân trại, đổ thành núi, để giữa trời, nên hai phần ba là khoai lang sùng, hôi ẩm. Anh em tù phải nghiến răng mà nuốt cả khoai sùng để đi tháo dạ, chết một mớ. Sau đợt khoai sùng thì tới đợt bobo là thực phẩm của ngựa. Lãnh bobo về là chia phiên ra giã cho nhừ, rồi mới đổ vào nồi nước, quậy lên thành cháo bo bo, rắc muốc vào là húp. Qua thời bobo đến thời khoai mì. Những năm đầu ở các trại xa trong rừng thì nhận khoai mì sắt lát cả vỏ. Khoai mì đổ thành núi giữa sân, anh em vác cào ra, cào vào bao gạo, mang về, khuấy nước, húp. Vì có cả vỏ khoai mì là chất độc, nên sau vài ngày húp cháo khoai mì cả vỏ, mắt anh em chảy mủ vàng khè. Chỉ khi nào Tết đến thì được phát chuối, mỗi người được vài nải, ăn trừ cơm. Có một lần Tết, cả trại gần ngàn người được làm thịt một con heo, phát cho mỗi người được vài miếng. 

Với chính sách giết dần như thế, thì nếu không có những người mẹ, người vợ đi “thăm nuôi” chồng, con, chắc chắn các tù nhân đã chết đói, chết bệnh hàng loạt. Gọi là đi “thăm nuôi” thì phải có tiền mà lúc ấy, đào đâu ra tiền? Chồng đi tù, việc làm bị cấm, không tới tay những người vợ tù cộng sản. Trong một xã hội khủng khiếp, đe nẹt, bắn giết, những người phụ nữ miền Nam, nếu không chấp nhận làm vợ những tên cướp rừng rú, miệng hôi như cóc chết, thì đành phải lao vào trận chiến sống còn.  

Những người phụ nữ miền Nam, trước 1975, những phu nhân Tướng Lãnh, những bà vợ Đại Tá, Trung Tá, Thiếu Tá, các bà Bộ Trưởng, Giám đốc, Phó Tỉnh, Phó Quận, Trưởng ty… từng là những thiếu phụ nõn nà, sang trọng, quần là áo lượt, nếu không ngồi xe díp thì cũng xe hơi, vậy mà sau khi tiễn chồng, con vào tù là bỏ hết trang điểm, mặc quần đen, áo cánh nâu, xắn tay áo lên, xông ra đường, ra chợ, tìm mọi cách để mua cho chồng ký gạo, ký đậu, ký đường. Các bà vợ cấp Úy, Cảnh Sát trước đây từng đi dạ hội, khiêu vũ bây giờ biến thành con buôn. Mới đầu bán đồ trang sức, nhẫn, vòng, dây chuyền, quần áo. Sau khi hết quần áo, thì gỡ giường, tủ, bàn, ghế ra bán. Nhiều bà mệnh phụ phu nhân biến thành bà bán cháo, bà bán bánh cuốn. Một số đi buôn lậu. Các bà buộc, gói vài bao thuốc là vào bắp đùi, bụng, ngực, đi từ Sài Gòn ra các tỉnh. Một số buộc thịt heo vào bụng như người có thai, đi loạng choạng vì nặng. Những bà còn son trẻ thì cột bao gạo vào sau xe đạp, rồi đạp xe băng rừng đi bán… lấy tiền nuôi chồng. Có những bà vợ, khi xưa là hoa hậu, hoa khôi, bấy giờ ngồi rán từng miếng bánh mì, gói từng lọ mắm ruốc, chuẩn bị cả tháng trời mới được đi thăm. Tội nghiệp mấy đứa bé thèm thuồng nhìn mẹ kho thịt cho bố, mà chảy nước miếng, nước mắt chảy đầy cằm, nghiến răng nghe mẹ dỗ: “Nín đi con, chút nữa mẹ cho miếng bánh, còn để dành cho bố con ở trong tù, kẻo bố chết đói.”

Chuẩn bị xong, đến vấn đề lên đường. Chỉ một số nhỏ may mắn có chồng ở tù gần Sài Gòn, gần tỉnh lỵ, còn đa số ở trong rừng sâu, Cà tum, Bù Đăng, Bù đốp… một số bị đưa cực Bắc như Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, chim kêu, vượn hú, cọp beo rắn rết. Vậy mà từng đoàn phụ nữ gánh gồng, lủi thủi leo đèo, vượt suối, không tiếng thở than. Tối ngủ trong lán, trong rừng, các bà phải ngồi quay lưng lại với nhau, tay nắm chặt bao tải, kẻo gặp kẻ trộm cắp, giết người. Không ít các nữ anh thư đã bỏ mạng trong rừng sâu, có người bị cọp vồ, người bị hiếp dâm cắt cổ, cũng không ít tai nạn dọc đường. Những phụ nữ đi lên tận cực Bắc phải ngồi xe lửa chung với đám buôn lậu hung dữ, bọn cướp cạn mất nhân tính, lũ công an độc địa. Tất cả những tang thương, đau đớn mà những người phụ nữ miền Nam phải gánh chịu thì không bút mực nào tả xiết. Chưa kể đến khi lên tới trại thì được tin chồng đã chết bệnh, chết đói trong tù. Chưa kể khi về nhà, lại phải chiến đấu chống cơn cám dỗ của cán bộ phường, Quận? Lũ cướp có súng ban ngày thay nhau hành hạ các người vợ tù, nếu không cướp được tiết trinh của họ thì hè nhau đẩy những người vợ tù lên khu Kinh Tế Mới để chết rục nơi đó? Chưa kể đến khi chồng về nhà lại phải thắt bụng lo cho chồng vượt biên… Tuy họ không biết cầm súng, nhưng những phụ nữ miền Nam đã chiến đấu anh dũng không kém những người lính trận, chỉ khác là họ chiến đấu trong nước mắt, trong âm thầm, chịu đựng một mình, không người yểm trợ, không cấp chỉ huy, không có lính và không hề hy vọng thắng trận. 

Như thế thì nước mắt nào chảy xuống đủ để gột rửa những đau, hận, buồn, thương của người phụ nữ anh thư miền Nam sau 1975? Như thế thì bao nhiêu huy chương mới đủ để gắn lên ngực những người vợ tù cộng sản? 

Tôi viết những dòng này trong tháng Tư năm 2024, để mong chúng ta có một ngày vinh danh hàng triệu người phụ nữ miền Nam chung thủy, những người vợ tù cộng sản rất anh hùng, những người phụ nữ Miền Nam là những Nữ Thần Tự Do rất xứng đáng là dòng dõi Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những người đã chung tay bảo vệ miền Nam yêu quý. 

Chu Tất Tiến
Tháng Tư năm 2024

You may also like

Leave a Comment