TRẦN HỮU NGƯ
Hồi nhỏ, đi học trường làng, tôi đã nghe thầy, cô, hát những bài hát mà “tôi nghe sao nó hay quá, lạ quá”, và cho đến bây giờ tôi còn thuộc. Nhân lúc ra chơi, hoặc những ngày cắm trại là tập hát. Và thầy cô thường tập những bài hát xen kẽ những giờ học của lũ trẻ ngơ ngác thường nhìn ra đồng ruộng, con trâu… hơn là nhìn bảng!
Tôi không bao giờ quên một bài hát mà thầy cô đã tập chúng tôi. Bây giờ “lên mạng” tìm cũng không có:
“… Cái tàu cau vừa rơi ngoài vườn
Thằng Cu kéo vô hò la
Lấy sợi cương buộc ngay vào mồm
Nhảy lên quất phi khắp nhà
Ngựa tàu cau biết đau
Ngựa tàu cau hí vang phi mau…”.
Một bài hát đẹp về ca từ, lẫn giai điệu… Không có gì phải suy tôn, không có gì phải “kính cẩn”, không bị đầu độc, không nuôi hận thù, chỉ một tàu cau vừa rụng ngoài vườn. Hồn nhiên như buổi mai nghe chim hót, buổi trưa nghe cu gáy, buổi chiều nghe tiếng quẫy đuôi của con cá ngoài ao… của một thời tuổi trẻ trong chiến tranh.
Ô, bây giờ trẻ con nghe nhạc gì nhỉ? Thật là dễ nói, nhưng khó viết.
Những ngày ở trường làng, tôi đã nghe, tôi đã thuộc bài hát: “Nhớ bến Đà Giang.” Lúc này, chưa ai cho cho tôi biết bài này là của nhạc sĩ Văn Phụng. (Ngày xưa cũng có cái “ngộ” là biết hát, nhưng không bao giờ để ý đến tên nhạc sĩ. Ngay cả học sinh phải chào cờ hàng ngày, nhưng không biết tác giả bài “Quốc ca” và phút mặc niệm “Hồn tử sĩ.”
Sau này tôi mới biết “Nhớ bến Đà Giang” là của Văn Phụng:
“… Ai qua bến Đà Giang
Cho tôi nhắn vài câu
Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau
Chia ly đã từ lâu
Ôi mong nhớ làm sao
Bao nhiêu bóng người thân mến năm nào…”
(Đà Giang, một con sông ở vùng Tây Bắc thuộc đường Ba Khan -Tân Mai – Phúc Cạn huyện Mai Châu Tỉnh Hòa Bình. Và có phải Mai Châu là địa danh trong bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…?”
Và nhạc sĩ Văn Phụng viết bài nhạc này năm nào, ở ngoài Bắc, hay đã viết sau di cư 1954? Và tôi đoán chắc rằng, có ông có một kỷ niệm đẹp trên dòng sông này:
“… Đà Giang nước biếc
Thuyền theo sóng triền miên
Người ơi có nhớ
Lòng ta vẫn mong chờ…”
Có không ít nhạc sĩ, tự hát nhạc của mình, như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Duy Khánh… và Trần Thiện Thanh, hát nhạc của anh “trên từng cây số!” Nhưng tôi chưa nghe nhạc sĩ Văn Phụng hát nhạc của anh bao giờ?
Ca sĩ Châu Hà vợ của Văn Phụng, hát nhạc chồng đã làm “Cung đàn Văn Phụng” vang xa. Giọng hát Châu Hà chịu ảnh hưởng những bài thánh ca, vì thiếu thời chị đã học ở trường dòng và thẩm thấu âm thanh của tiếng đàn Piano.
Nhạc sĩ Văn Phụng có chừng 60 nhạc phẩm. Đó là những bài hát sang trọng, nhưng dễ gần, dễ nghe, dễ thuộc và ai cũng hát được.
Tôi có 3 CD mang chủ đề “Ghé bến Saigon” của Văn Phụng, gồm 33 bài hát, nhưng Châu Hà không hát trong CD này. Chị hát một CD riêng “Tiếng hát Châu Hà với Cung đàn Văn Phụng”:
–Ghé bến Sài Gòn
-Tôi đi giữa hoàng hôn
-Mưa rơi thánh thót
-Tiếng hát với cung đàn
-Mưa trên phím ngà
-Suối tóc
-Mưa
-Trở về Huế
-Trong đêm vắng
-Bên lưng đèo
-Hoài vọng
-Giang hồ
-Em mới biết yêu đã biết sầu tình …|
Nhưng, những bài hát làm nên tên tuổi của Văn Phụng và người ta nhớ lâu (đa số là những người bình dân học vụ) lại là những bài hát sang, nhưng rất gần với dân chúng biết nghe nhạc bằng tai: Ghé bến Saigon (Thời đó ai cũng muốn ghé bến Sài Gòn), Ô! Mê ly (Cuộc đời nghệ sĩ vui với cây đàn), Bức họa đồng quê.
Nhạc phẩm “Bức họa đồng quê” của Văn Phụng, ngoài nhạc sĩ, anh còn là họa sĩ đã vẽ lên một “hoạt cảnh” đồng quê có trời, có lúa, có những chàng trai, cô gái, em bé quê tưng bừng đồng lúa trĩu hạt. Trong giai điệu Cha-cha-cha, bây giờ nghe lại tôi muốn đứng dậy mà nhảy, tưởng tượng trên đồng ruộng bao la:
“… Chàng trai xay xay xay
Thôn nữ giã giã giã
Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng
Vầng trăng nhô lên cao
Soi sáng khắp lối xóm
Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò…”
Nhưng, tôi đã quên, hình như cách đây chừng hơn một tháng, bài hát “Bức họa đồng quê” được TVT1 dàn dựng trong chương trình nói về “Lúa”, tôi thấy nó lạc lõng quá, so với những bài hát “hạt gạo làng ta” vì “Lúa” miền Nam khác với “Lúa” miền Bắc?
Lúa miền Nam “không người lái” còn lúa miền Bắc “có người lái?”
Từ “Nhớ Bến Đà Giang,” tôi lần theo nhạc ông, chừng dưới 60 bài, nếu so với các nhạc sĩ khác thì nhạc ông “quý hồ tinh, bất quý hồ đa.” Có một điều làm tôi ngạc nhiên lẫn thán phục trong nhạc phẩm “Mưa” (Văn Phụng-Văn Khôi). Tôi đếm có tới “41 chữ mưa” ở đầu câu! Chưa có một nhạc phẩm nào viết về mưa nhiều hơn mưa của Văn Phụng. Trong giai điệu Valse, mưa ngập ngừng, mưa triền miên, mưa dai dẳng, “mưa chi mà mưa dữ rứa?” Nhưng mưa không gây lụt lội, mưa không bất nhân, mà mưa rất nhân từ, mưa hiền hậu:
“… Mưa rơi rơi trên đường
Mưa rơi suốt canh trường
Mưa rơi ướt phố phường…
Mưa không muốn ai buồn
Mưa yêu non nước này
Mưa yêu mến dân cày
Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy…”.
Mùa mưa ngồi trong mà nghe nhạc “Mưa” thật là lãng mạn, và tưởng mình là một triết gia chỉ nghe mưa mà cuộc đời tưởng không còn khô cằn.
Nhạc sĩ Văn Phụng qua đời tại Indonesia năm 1999, thọ 69 tuổi. Văn Phụng – Châu Hà cặp nghệ sĩ của muôn năm cũ, và định mệnh là sợi dây tơ hồng của những cặp vợ chồng: “Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa!”
Trân trọng đốt nén nhang cho anh Văn Phụng, và chúc chị Châu Hà mãi mãi hát bài “Suối tóc”:
“… Lòng anh muốn viết lên đôi vần thơ
Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa
Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta
Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ…”