Đồng penny của Mỹ – nghịch lý kéo dài 50 năm

by Tim Bui
Đồng penny của Mỹ – nghịch lý kéo dài 50 năm

HÀ GIANG

Một trong những thứ tôi vô tình tích lũy, không biết từ bao giờ, là một lô tiền cắc, nói đúng hơn, là đồng một xu, tức penny, của Mỹ. Chúng nằm rải rác ở mọi góc kệ, ngăn kéo từ phòng ngủ ra phòng khách, từ phòng làm việc đến nhà xe…

Hôm ấy, khi thấy ngộp thở vì sự xâm lăng của đám penny, tôi quyết tâm lùng sục mọi ngóc ngách trong nhà, góp lại được mấy khay đầy nhóc. Khi mang đống xu một cent nặng gần 30 lbs (15 ký) này ra nhà băng định deposit, thì tôi mới biết là Wells Fargo không nhận tiền cắc rời. Họ trao cho tôi một xấp cuộn giấy, nói chỉ nhận những bó tiền cắc “đã được đếm và gói gọn gàng thành từng cuộn.”

Lôi đống tiền cắc đó về nhà, tôi đếm, bỏ vào cuộn, lau tay, đếm, cuộn, rồi lại lau tay, cứ loay hoay như thế gần như cả cuối tuần (tiền cắc không hiểu sao bẩn ơi là bẩn). Gói xong một được một loạt cuộn, tôi thấy mình có được gần… 50 USD! 

Deposit tiền xong, tôi nhẹ người vì dẹp xong được đám giặc ‘bỏ thì thương vương thì tội,’ nhưng cũng thấy là mình đã tốn quá nhiều thì giờ cho chúng.

Có đáng không? Tôi tự hỏi, rồi thầm nhủ lần sau đi chợ chắc gặp ai thối lại đồng một cent thì khỏi lấy, hay bỏ ngay vào hộp donation nào đó cho nhẹ người.

Nghịch lý kéo dài hơn 50 năm

Buồn tình lên mạng tìm hiểu tôi mới khám phá nhiều điều thích thú về một hiện tượng được mệnh danh là ‘Perpetual Penny Paradox’ (tạm dịch là Nghịch lý Miên viễn về đồng Penny), điều mà trước đây tôi chưa hề nghe.

Cũng không biết penny là loại tiền cắc được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử văn minh của loài người, mặc dù những đồng tiền một xu này hầu như không bao giờ được dùng đúng mức cho mục đích rõ ràng nhất (để mua hàng) của chúng.

Cơ quan US Mint chuyên đúc tiền cắc của Hoa Kỳ cho biết mỗi ngày họ đúc ra khoảng 30 triệu pennies, tức hơn 13 tỷ pennies mỗi năm. Đồng penny chiếm 50% số tiền cắc được cơ quan này đúc ra hàng năm, và phần lớn những đồng xu này, theo một tường trình năm 2022, đang không được lưu hành mà “nằm đâu đó trong lọ đựng tiền cắc tại tư gia của người tiêu dùng.”

Nhưng nghịch lý miên viễn về đồng penny là gì? Tại sao lại có cái tên ‘Perpetual Penny Paradox?’

Nghịch lý này muốn nói đến thực tế là, từ bao nhiêu năm nay, mặc dù biết tiếp tục sản xuất penny là điều bất lợi cho ngân sách quốc gia, nhưng nước Mỹ vì nhiều lý do, đã không quyết định dẹp bỏ đồng xu còn rất ít được dùng này.

Đúng vậy! Tranh cãi về đồng penny đã diễn ra khoảng nửa thế kỷ. Cuộc tranh luận trở nên sôi động vào thập niên 1970 khi Bộ Ngân khố Hoa kỳ, cơ quan điều khiển US Mint, công bố các nghiên cứu cho thấy chi phí sản xuất một penny cao hơn giá trị của nó.

Theo website dataforprogress.org thì phí tổn trung bình để đúc mỗi đồng penny là khoảng hai cents. Và chính phủ Hoa Kỳ mỗi năm tiêu khoảng 70 triệu USD tiền đóng thuế của dân vào việc đúc đồng penny mới. Như vậy, trong vòng 14 năm qua, nước Mỹ đã tốn khoảng 980 triệu USD cho việc đúc những đồng xu ngày càng ít người dùng này.

Ngoài việc giá sản xuất penny quá cao, còn có những lý do khác khiến nhiều người đề nghị nên dẹp penny đi:

a) Đồng penny không còn được dùng nhiều cho các giao dịch hàng ngày, vì giá trị ngày càng giảm của chúng. Hãy hỏi chúng ta thời nay có thể mua được gì với 25 cents, chứ đừng nói tới một cent?

b) Dùng penny tốn thì giờ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp giao dịch bằng tiền mặt phải đếm từng đồng bạc cắc, làm tăng thời gian cho cả khách hàng lẫn nhân viên tại những quầy tính tiền.

Ngoài giá sản xuất đắt đỏ, lý do khác được giới cổ động việc dẹp đồng penny nêu ra là không có người dùng. Thực tế cho thấy đa số khách tiêu dùng khi được thối tiền penny, thường ít dùng chúng để mua bán, mà vứt ở đâu đó. Một ước lượng của trang mạng coinnews.net cho biết có ít nhất 240 tỷ đồng penny nằm rải rác khắp Hoa Kỳ, khoảng 724 penny (tức 7.24 USD) cho mỗi người đầu người, tính cả người già và trẻ con.

Và tôi, kẻ đã tích lũy số penny lên đến 50 đôla quả là kẻ đã có… tội nâng cao mức trung bình nói trên.

Những nỗ lực không mang kết quả

Trước tình hình này, trong nhiều năm qua, không ít giới chức đã lên tiếng đề nghị dẹp bỏ đồng penny và tìm ra giải pháp thay thế, biện pháp mà nhiều nước khác trên thế giới như Canada, Phần Lan và Thụy Điển đã làm. Nhưng cho đến giờ, nước Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu gì muốn ngưng sản xuất đồng một xu này.

Từ 48 năm trước, trong những lá thư gửi Quốc hội, William E. Simon, khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngân khố, đã cầu xin các nhà lập pháp nên “nghiêm túc cân nhắc” việc từ bỏ đồng penny càng sớm càng tốt.

Một bản tường trình của Bộ Ngân khố trước đó cảnh báo rằng nhịp độ điên cuồng mà đồng penny đang ngày càng không được dùng sẽ sớm đẩy cơ quan US Mint vào “vòng xoáy không hồi kết” của mức “sản xuất ngày càng tăng” khi cơ quan này phải loay hoay thay thế những đồng penny không được sử dụng bằng cách đúc ra nhiều penny nữa cũng sẽ không được sử dụng. Tường trình này kết luận rằng đồng penny nên bị xóa sổ “muộn nhất là vào năm 1980.”

Một số dân biểu Mỹ cũng từng đưa ra một số ‘dự luật ngừng sản xuất penny,’ nhưng đến nay, gần cuối năm 2024, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn ì ạch, không có dự luật nào được chấp thuận!

Chẳng hạn, năm 1989, dân biểu tiểu bang Arizona Jim Hayes đưa ra Đạo luật “Price Rounding Act” (Làm chẵn giá) với mục đích dẹp bỏ đồng penny, nhưng sau  nhiều tranh cãi, đạo luật không được thông qua.

Năm 2013, Cựu Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng ủng hộ việc ngừng sản xuất đồng penny trong một cuộc phỏng vấn mà ông gọi nghịch lý đồng xu là một “ẩn dụ” cho những khó khăn chính quyền liên bang phải đối diện trong việc loại bỏ các dịch vụ lãng phí công quỹ. “Rất khó để loại bỏ những thứ không hiệu quả,” tổng thống Obama nói.

Sau đó, năm 2017, hai Thượng nghị sĩ John McCain và Mike Enzi lại đưa ra dự luật “Currency Optimization, Innovation, and National Savings” (Tối ưu hóa Tiền tệ, Đổi mới và Tiết kiệm Quốc gia). Dự luật này đề nghị cơ quan US Mint ngưng không đúc penny trong vòng mười năm, rồi sau đó xét lại xem đồng penny có thực sự cần thiết cho giao dịch thương mại không. Dự luật này chết tức tưởi vào cuối khóa Quốc hội thứ 115 mà không hề được Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện tổ chức phiên điều trần để thảo luận.

Steve Stivers, một dân biểu tiểu bang Ohio, trong thời gian phục vụ tại Hạ viện từ 2011 đến 2021, đã dẫn đầu nhiều nỗ lực thúc đẩy việc thay đổi luật đúc tiền cắc không thành công, nhận định rằng lý do Hoa Kỳ không thể ngưng đúc penny là vì quán tính “ngại thay đổi” của dân Mỹ nói chung và sự ì ạch của Quốc hội Mỹ nói riêng.

US Mint đúc 85,092,703 penny vào năm 1903, so với 13 tỷ hàng năm hiện giờ

Tại sao Mỹ chưa thể bỏ đồng penny?

Ngoài quán tính “ngại thay đổi” mà dân biểu Steve Stivers nói đến ở trên, một số người  đưa ra vài lý do khiến đồng một cent hàng năm vẫn cứ được sản xuất:

Truyền thống và biểu tượng: Được khắc hình Tổng thống Abraham Lincoln, một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất của nước Mỹ, đồng penny xu có một ý nghĩa văn hóa và lịch sử đặc biệt tại Hoa Kỳ. Nhiều dân Mỹ gắn bó với đồng penny vì lý do tình cảm, vì penny là biểu tượng họ đã quen thấy từ trước đến giờ.

Quan ngại về lên giá: Nhiều người e ngại rằng nếu đồng penny bị loại bỏ, người bán hàng sẽ tăng giá các món hành từ một cent lên thành năm cents, gây bất lợi cho người tiêu thụ.

Khó tìm giải pháp thay thế: Việc loại bỏ đồng penny đòi hỏi phải có sự điều chỉnh đáng kể cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và hệ thống ngân hàng. Nền kinh tế Hoa Kỳ hiện vẫn đang dựa vào tiền mặt trong nhiều lĩnh vực và tìm một giải pháp thay thế sẽ không dễ.

Nhưng không phải ai cũng nhìn vấn đề một cách đơn giản hay trong sáng như vậy.

Tom Jurkowsky, cựu giám đốc ban truyền thông của US Mint từ năm 2009 đến năm 2017 cho biết ông cảm thấy trong nhiệm kỳ của mình, chiến lược của Bộ Ngân khố (chuyên giám sát US Mint), là tránh thu hút sự chú ý đến đề tài có nên tiếp tục sản xuất đồng penny hay không. Lý do là bộ này e ngại sự phẫn nộ của công chúng nếu nhiều dân Mỹ thấy rõ sự phi lý trong việc chính phủ phải tốn hai cent để đúc được một penny, mà vẫn không chịu thay đổi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Caity Weaver của New York Times, ông Tom Jurkowski vạch ra rằng lý do chính Hoa Kỳ chưa thể bỏ đồng penny là vì một công ty nhỏ ở tiểu bang Tennessee có tên là Artazn.

Công ty Artazn từ gần 50 năm qua đã ký hợp đồng với Bộ Ngân khố để sản xuất “phôi” kẽm mà US Mint làm thành đồng penny. Hợp đồng này đã mang lại cho Artazn số doanh thu hơn một tỷ đôla, tính từ năm 2008.

Jurkowski nói những nỗ lực vận động hành lang của công ty Artazn là lý do lớn nhất khiến những dự luật đề nghị dẹp bỏ đồng penny đã chết yểu tại Quốc hội. Điều này có thể đúng một phần, nhưng theo dữ liệu của nhóm OpenSecrets.org, kể từ năm 2006, công ty Artazn đã chi chưa đến ba triệu đôla — một số tiền khá khiêm tốn cho vận động hành lang liên quan đến đồng penny.

Dân Mỹ nghĩ gì?

Một thăm dò ý kiến gần đây của Numismatic News, trang web chuyên cung cấp tin tức về tiền tệ, cho thấy nhiều đa số Mỹ ủng hộ việc ngừng sản xuất đồng penny.

Độc giả ký tên Gary, từ Minnesota, viết:
“Chúng ta tốn quá nhiều tiền khi sản xuất penny. Tuy nhiên trước khi ngừng đúc penny, công chúng và các doanh nghiệp cần được giáo dục cũng như có sự thống nhất về việc làm chẵn giá, chẳng hạn như món hàng $5.53 có thể tăng thành $5.55, ngược lại, món $5.52 có thể giảm xuống còn $5.50. Thêm vào đó, việc làm chẵn giá chỉ nên áp dụng cho các giao dịch tiền mặt.”

Độc giả Dewey DeFalco từ North Carolina góp ý:
“Cơ quan US Mint nên ngừng đúc đồng penny và đồng năm cents (nickel). Chúng đang được sản xuất với mức lỗ. Đồng 10 cents (dime) 1/10 đôla nên là đồng tiền cắc nhỏ nhất. Canada đã ngừng sản xuất đồng một xu cách đây 12 năm. Hoa Kỳ nên theo bước họ.”

Độc giả Jennifer Mitchell có ý kiến khác:
“Không, không nên loại bỏ penny. Mặc dù sản xuất với mức lỗ, giới tiêu dùng chúng tôi cần penny để đổi tiền hoặc trả tiền mua hàng với số tiền chính xác. Nếu penny không được sản xuất, người bán sẽ tăng giá hàng vốn đã cao, từ vài cents lên đến mười cents, chẳng hạn. Vả lại, chúng ta sẽ làm gì với những đồng penny đang lưu hành hiện tại?”

Đâu là lý do chính khiến nghịch lý đồng penny tại Mỹ sau suốt 50 năm vẫn không được giải quyết? Tại Quốc hội ì ạch hay tại ảnh hưởng của những vận động hành lang của công ty như Artazn.

Với áp lực kinh tế, với việc tín dụng ngày càng được dùng nhiều hơn tiền mặt trong việc mua bán và với những ví dụ từ các quốc gia khác, tôi nghĩ có lẽ dần dần Quốc hội Hoa kỳ sẽ có thêm động lực và bớt ì ạch, hay “ngại thay đổi.”

Trong khi chờ đợi, nếu bạn là người hay tích trữ đồng penny, hay bạc cắc nói chung, hãy mang chúng ra nhà băng deposit đi nhé. Điều này có thể giúp Bộ Ngân khố đỡ phải đúc thêm nhiều penny mới, tiết kiệm một chút cho ngân sách quốc gia…

Tham khảo:

https://sgp.fas.org/crs/misc/IF12293.pdf
https://www.dataforprogress.org/blog/2022/8/18/death-to-pennieshttps://www.nytimes.com/2024/09/01/magazine/worthless-pennies-united-states-economy.html
https://www.coinnews.net/2023/02/17/penny-costs-2-72-cents-to-make-in-2022-nickel-costs-10-41-cents-us-mint-realizes-310-2m-in-seigniorage/

You may also like

Leave a Comment