BẮC KỲ DI CƯ
Bữa hổm, tới nhà thầy Tư tính xổ nho chùm cho đã nư, ai dè thầy Tư đi vắng. Sáu tui bực quá, lầm bầm: “lại dìa Diệt Nam lấy dợ nhỏ đây?” Tưởng mình lẩm bẩm một mình, ai dè bả nghe được, bả cải chính liền:
-Hổng phải đâu, Sáu ơi! Nói dzậy tội nghiệp ổng! Ổng không có máu xấu như dzậy đâu. Ổng dìa là để giúp mấy cô nhi diện nghèo khổ đó.
Nghe bả nói, tui mắc cở quá, bèn cười mím chi, xin lỗi bả. Bả cũng xuề xòa như ổng, nên cười khà khà:
-Thôi, bỏ đi Tám.
Rồi bả hỏi ngay:
-Sao? Hôm nay có chiện gì đây mà mặt xưng mày xỉa thế?
Tui thấy bả cũng trí thức như ổng nên “được lời như cởi tấm lòng,” tui bèn xổ ra một hồi:
-Bà biết không? Hôm rầy, tui vẫn đi xì pa cho khỏe. Mà mình già rồi, không thể tập thể thao được, nên chỉ ngồi đạp xe đạp, rồi ngâm mình nước nóng, rồi qua phòng xông hơi nước. Ở đây, toàn người mình không hà, Mỹ họ chạy xa hết, vì mình vào ngồi để nói chuyện um xùm. Mà cái phòng kín, nên âm thanh vang lắm, mấy trự người mình lại cứ oang oang, kể chuyện trời ơi đất hỡi, rồi cười ha hả, nghe như có súng cối bắn, nhức cả đầu. Tui chịu hết nổi, nên một hôm tui bèn nói: “Các bạn ơi! Làm ơn vặn đài ra dô cho nhỏ chút. Ở đây là của người Mỹ chứ đâu phải chợ Việt đâu.”
Nghe tui nói thì mấy trự kia im lặng được một lúc rồi mấy bữa sau, lại đâu vào đó, cứ um xùm lên. Tui phải nhắc nhở vài lần, thì có lẽ họ chuyền nhau sao đó, mà bây giờ im re.
Lại có vụ khác, thiệt xấu hổ. Có bà khoảng năm mươi mí mặc bít ki ni, nằm chàng hảng trên cái bệ dành cho mọi người ngồi chung, một chân co lên để trên bệ, một chân thả lỏng xuống đất, đắp khăn lên mặt, ngủ tỉnh bơ, coi thiên hạ còn thua cái củ khoai. Nhìn thấy nhợn, nhưng cái vụ này thì tui chào thua, bố bảo cũng không dám có ý kiến.
Nhưng vụ làm hư máy thì tui không bỏ. Số là cái “sensor” để tự động phát hơi nóng lên, người chủ đã gài mấy phút một lần thì xịt hơi nước nóng lên, chứ không để máy chạy liên tục thì sẽ cháy máy. Mà cháy máy thì lại mất cả tháng trời, phòng xông phải đóng cửa để sửa chữa. Mấy người mình khoái hơi nóng liên tục nên hễ thấy máy ngưng, là xịt nước vào máy. Có kẻ đổ nguyên chai nước mới múc ở hồ lên…
Chủ xì pa bèn phải viết tiếng Anh bên dưới máy, có hình chữ “STOP” và giòng chữ Anh ngữ “Please do not pour water on the sensor.” Vẫn chứng nào tật nấy, người mình tỉnh bơ đổ nước. Một thời gian, máy cháy. Đóng cửa mất tháng trời. Sau khi sửa lại, thì chủ xì pa lại dán thêm cái thông cáo mới chữ to, bên ngoài cửa, cũng bằng tiếng Anh: “Please do not pour water on the sensor.”
Phe ta tỉnh bơ, xịt nước. Máy lại cháy. Lại ngừng. Máy sửa xong thì thấy có một cái bảng mới, lần này đề bằng chữ Việt: “Xin đừng đổ nước vào máy” bên cạnh hàng chữ tiếng Anh. Tui đọc mà xấu hổ quá, không khác chi ở Nhật, trước các cửa hàng chỉ có chữ Việt: “Cấm ăn cắp,” có nghĩa là ở Nhật, tuy có nhiều giống dân khác nhau, mà chỉ có người mình ăn cắp thôi! Nhục quốc thể quá! Còn ở đây, ngoài người Mỹ còn người Đại Hàn, người Trung Hoa, người Trung Đông… mà chỉ có chữ Việt: “Cấm đổ nước vào máy.” Như vậy chỉ có phe ta làm hư máy!
Tưởng như vậy, thì phe ta xấu hổ, ngưng phá hoại của chung. Nào dè, chứng nào tật nấy, phe ta không đổ nước vào máy nữa thì lại phát minh ra phương pháp khác: lấy khăn mặt nhúng nước rồi bọc luôn cái máy sensor, cho máy lúc nào cũng chạy! Thiệt là thiên tài…
Chưa hết. Bữa hổm, tui thấy một trự kia tỉnh bơ lấy khăn bọc kín mít cái máy rồi đổ nước vào khăn, tui mắc cỡ với mấy người Mỹ kia quá, tui mới nói nhỏ:
-Bạn ơi! Sao lại làm như vậy? Bạn sẽ làm cháy cái máy nếu máy nóng chạy liên tục không nghỉ! Máy mà hư thì chúng ta lại không có chỗ mà tập.
Chàng kia lấy tay phẩy một cái về phía tui, coi như tui là con nít nói bậy, rồi phán một câu xanh rờn:
-Ăn thua mẹ gì! Máy này có mấy ngàn đô! Hư cái này thì mua cái khác. Chuyện nhỏ!
Tui đớ họng, hết nói, thấy hết thuốc chữa cho người Việt di tản mình. Chút xíu nữa thì tui nổi nóng, định dập cho tay đó một trận, nhưng rồi lại thôi, vì “xấu chàng thì hổ ai?” nếu gây gổ trong phòng tập, thì người Mỹ họ khinh cả hai bên.
Tui chỉ còn biết thở dài, và bỏ đi ra ngoài, mở máy dội nước cho trôi hết mồ hôi, rồi mới bước xuống hồ nước nóng. Lại gặp một ông xồn xồn kia, mà hồi trước tui có nhắc ổng là “nguyên tắc ở đây là phải tắm trước khi bước xuống hồ,” ổng cứ tỉnh bơ để nguyên mồ hôi, mồ kê từ phòng xông hơi ra mà bước xuống hồ, lấy nước vớt lên người cho trôi mồ hôi… xuống hồ! Khi nghe tui nhắc, ổng quạt lại tui:
-Nhằm nhò gì! Chút mồ hôi mà thấm gì với cả cái hồ nước này.
Ổng còn ngang ngược nói thêm:
-Ông chỉ dám nói với người mình. Có dám nói với người Mỹ không?
Tui cứng họng luôn.
Bà xã thầy Tư nghe tui kể chuyện xong, thì thở dài:t
-Hết thuốc chữa!
Người Việt mình quả thật là thiên tài mới nghĩ ra được cái vụ mấy giọt mồ hôi của mình hổng thấm vào đâu với cả hồ nước. Ông thiên tài này hổng để ý là sau khi ông mang mồ hôi lưng, mồ hôi ngực, mồ hôi nách và mồ hôi… mà bước xuống hồ, thì mấy người đang lim rim thưởng thức nước nóng vội bỏ chạy cả lên trên!
Thiệt tình!
Bắc Kỳ Di Cư