Mai Nguyễn, người nông dân đặc biệt

by Tim Bui
Mai Nguyễn, người nông dân đặc biệt

YẾN TUYẾT

Không giống như hình ảnh của nhiều nông dân Việt Nam chân lấm, tay bùn được mô tả trong nhạc của Phạm Duy hồi xưa, hay nông dân Mỹ với thân hình lực lưỡng mà chúng ta thường thấy ở các nông trại xa xôi trên đất Hoa Kỳ, cô nông dân người Mỹ gốc Việt tên Mai Nguyễn mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết này là một phụ nữ trẻ, tràn đầy sức sống,  có nụ cười vui tươi và hãnh diện về nghề nông của mình. 

Mai Nguyễn năm nay 40 tuổi, sinh ra và lớn lên ở San Diego, California. Cô xuất thân từ một gia đình người Việt tị nạn (ông bà Nguyễn Trung Nam và Ngô Thu Thủy). Cả cha lẫn mẹ của Mai là những người dấn thân hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục và xã hội ở quận hạt thuộc miền cực Nam California này từ gần năm thập niên qua.

Người phụ nữ trẻ này hiện vẫn sinh sống ở San Diego với chồng là cố vấn ở một Đại Học Công lập địa phương và là mẹ của hai đứa con gái nhỏ xinh xắn hai và năm tuổi. 

Sau khi tốt nghiệp trung học ở San Diego, Mai được cha mẹ hỗ trợ trong việc chọn môn học mà cô yêu thích, khi ghi danh vào Đại Học Berkeley ở miền Bắc California. Đó là môn Khoa Học Môi sinh/Khí quyển (Atmospheric Science- Geography).

Sau khi tốt nghiệp cử nhân về môn học nhằm vào việc tìm tòi và học hỏi về khí hậu thay đổi có thể ảnh hưởng đến đời sống của con người trên trái đất này, ở trường đại học Berkeley, vốn nổi tiếng về việc đào tạo những người trẻ lý tưởng, ôm giấc mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và nhân bản hơn, Mai Nguyễn bắt đầu hành trình phục vụ của mình khởi đầu bằng việc dọn qua Canada và ghi tên học chương trình Tiến Sĩ-master’s degree ở Toronto University về ngành Waste Politics Government Management (tạm dịch: Quản lý việc Phế Thải qua chính sách của chính phủ).

Có thể nói cho đến nay, nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn chưa tìm hiểu về những ngành học khác ngoài những nghề nghiệp quen thuộc mà họ biết từ khi còn ở Việt Nam như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư hay nhà thương mại. 

Do đó, Mai Nguyễn là một trường hợp hiếm có trong cộng đồng người Việt nói riêng và trong một thế giới ưa chuộng vật chất như ở Hoa Kỳ nói chung, khi chọn lựa hướng đi tương lai bằng con đường liên quan đến ngành Nông nghiệp. 

Đương nhiên, song song với việc chọn nghề, Mai còn mang trong lòng ước mơ và hoài bão góp phần vào nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền, quyền được đối xử bình đẳng, cũng như ước muốn được chia sẻ lý tưởng bảo vệ môi sinh qua lĩnh vực nông nghiệp với lòng tận tụy và sự dấn thân.

Mai Nguyễn giữa đồng lúa mì ở nông trại của mình trong mùa thu hoạch

Trước khi trở thành một “nông dân” và sau khi tốt nghiệp đại học, vì ưa thích việc trồng trọt, Mai làm việc ở một số chợ bán nông sản (farmers markets) địa phương. Sau đó, cô đi về Việt Nam và xin làm việc thiện nguyện trong một số trại tị nạn Đông Nam Á để đến gần hơn với đời sống khó khăn của những người bất đắc dĩ phải rời bỏ quê hương của mình để “tha phương cầu thực.” 

Mai cũng từng làm việc trong một thời gian ngắn cho một cơ quan của chính phủ tìm hiểu về việc bảo vệ môi trường và quản lý vật liệu phế thải ở miền cực Bắc của Hoa Kỳ (North American Arctic).

Những chặng đường làm việc trong các môi trường khác nhau nói trên đã đưa cô sinh hoạt tại nhiều nơi chốn từ quận hạt Mendocina cho đến Sonoma ở California, băng qua Thái Bình Dương để về Việt Nam và Campuchia trong mục đích tìm hiểu về lối sống và cách thức trồng trọt của người dân sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.Và qua những kinh nghiệm đó, Mai đã tìm thấy sự liên hệ giữa việc nối kết con người, hạt giống, và sư bình đẳng. 

Mai Nguyễn cho biết lúc mới bắt đầu bước vào nghề nông, cô chỉ nghĩ đến việc trồng trọt rau cải, củ quả bằng cách dùng chất hữu cơ (organic) ở tại địa phương mà thôi.

Mai nhớ lại khi lớn lên, cô có dịp sống chung với bà ngoại và nhìn thấy thói quen để dành những thức ăn dư làm phân bón trồng rau cải ở sau vườn của bà.

Bà ngoại Mai thường kể chuyện về vùng quê ở Việt Nam, người ta trồng rau đậu và thường dùng những phân bón hữu cơ như rơm rạ cũ, phân gà hay phân bò để bón phân nên các rau cải, quả củ thường tốt và lành mạnh hơn.

Mỗi ngày các nhà nông này đem thực phẩm từ vườn nhà trực tiếp ra chợ bán nên người mua có những thức ăn tươi và bổ dưỡng dùng trong việc nấu nướng trong gia đình.

Khi đề cập đến sự liên hệ giữa trồng trọt với lịch sử của gia đình mình, Mai cho biết cô lấy làm vinh dự được là thành viên của một hệ thống xưa cũ gồm những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ và các cô dì, chú bác của cô.

Ý tưởng đó khiến Mai dưa lên chính kinh nghiệm là một người đến từ công đồng di dân Việt Nam, vốn là xứ nông nghiệp, áp dụng vào nghề nông mà cô muốn tham gia ở Hoa Kỳ.

Mai nói với cô việc dấn thân vào lĩnh vực này là một kết nối có ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại.

Những hạt lúa, hạnh phúc trong lòng tay

Trong thời gian làm việc tại các farmers markets, Mai có dịp sinh hoat trong môi trường của những nhà nông địa phương, lợi tức của họ đến từ thực phẩm do họ sản xuất với những số vốn nhỏ nhoi.

Cô biết được việc những nhà nông này thiếu sự tài trợ của chính phủ để mua những dụng cụ hay máy móc giúp sự trồng trọt và sản xuất của họ hữu hiệu hơn.

Mai nghĩ rằng khi có cơ hội, cô sẽ tranh đấu để những nhà nông này được chính phủ tài trợ cũng như được sự hỗ trợ của người tiêu thụ, nhờ đó, họ có thể tiếp tục sinh tồn trong nghề nghiệp mà họ yêu thích, cùng lúc, giúp người khác khỏe mạnh nhờ dung thực phẩm được chăm bón và nuôi dưỡng từ vật liệu thiên nhiên.

Bên cạnh đó, khi có dịp giao tiếp với những nhà nông đến từ công đồng thiểu số có cùng một trải nghiệm giống nhau như cộng đồng người Cam Bốt, Lào hay Nhật Bản và ngay cả cộng đồng người Trung Hoa, Mai nhận ra rằng cho dù tại Hoa Kỳ, những người di dân được tự do trong nhiều lĩnh vực nhưng họ không tránh khỏi việc bị đối xử phân biệt vì màu da, ngay cả trong ngành nông nghiệp.

Mai nói: “Nông dân da màu trong các cộng đồng Á Châu hay Người Mỹ gốc Phi châu vẫn chưa được đối xử công bằng, điều này được thấy qua những nhận xét sai lầm về vai trò và đóng góp của họ trong lĩnh vực nông nghiệp.Chẳng hạn như việc đóng góp của người Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp vào thập niên 1940 đã giúp biến những vùng đồng lầy hoang dã trở thành những mảnh đất hoa màu phì nhiêu.

Cho dù một số chủ nhân ngày nay trở thành triệu phú nhờ sư cần cù và chăm chỉ làm việc của cha ông họ, những nông dân người Nhật của thế hệ trước đã từng bị chính phủ tước đoạt tài sản khi người Mỹ nhìn họ là kẻ thù sau khi Nhật bỏ bom Trân Châu cảng hồi đệ nhị thế chiến.

Chính sách khắt khe của chính phủ dưới thời lãnh đạo của một số tổng thống bảo thủ đối với di dân da màu đến Mỹ làm việc cũng gây ảnh hưởng đáng kể trên việc thiếu hụt nhân công làm việc trong ngành nông nghiệp khiến vất giá có thể leo thang.”

Mai hy vọng người tiêu thụ sẽ tìm hiểu rõ về hoạt động của các nhà nông da màu để đừng có những nhận xét không đúng về nhóm người mà cô là một thành viên.

Bột lúa mạch (Wheat flour) do Mai sản xuất

Mai nói thêm: Tôi tổ chức nhiều sinh hoạt với các nhà nông thiểu số và nhận thấy khi người ta đề cập đến các nông dân da màu thì nhiều người cho rằng lực lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi, không đáng kể. Trong khi đó, dựa trên báo cáo của cơ quan nông nghiệp thì phần lớn nông dân là những người da màu như người châu Á, người Mễ Tây Cơ và người Mỹ gốc Phi Châu, trong số đó có rất nhiều phụ nữ là những người làm nên thực phẩm cho xã hội sử dụng.

Cùng lúc đó, người tiêu thụ hay những người viết chính sách không công nhận hay không biết có rất nhiều người da màu đã và đang là chủ nhân của các nông trại, chứ không phải chủ nhân trong lĩnh vực này chỉ là người Mỹ trắng mà thôi.

Do nhận xét sai lầm đó mà những nông dân da màu thường bị chính phủ lãng quên. Điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng vì các người đề ra ngân khoản tài trợ không hề chú ý đến nông dân da màu để hỗ trợ họ.”

Mai cho rằng khí hậu thay đổi và sự bất bình đẳng giữa người với người là nguyên nhân chính mà nhân loại đang phải đối diện. Do đó điều kiện để rau cải, củ quả phát triển rõ ràng có liên quan mật thiết đến sự phát triển của con người. 

Mai nhấn mạnh: “Chúng ta có thể sống trong một thế giới hòa bình, nơi mà mọi người có thể phát triển và chúng ta có cơ hội nhận ra vẻ đẹp của trái đất qua nhiều hình thái khác nhau.”

Cô nói:

“Tôi trồng trọt với mục đích làm thay đổi khí hậu và làm vững mạnh các điều lệ liên quan đến thực phẩm.

Tôi mơ ước tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ để mọi người có thể đóng góp ý kiến của mình trong việc quyết định điều lệ và trao đổi các thông tin ích lợi.”

Tiếp xúc với khách hàng

So với các nước theo chế độ Cộng sản như Việt Nam, người nông dân lệ thuộc vào guồng máy cai trị của chính quyền và phải tuân theo những luật lệ bất công của giới cầm quyền. Trong khi đó ở Hoa Kỳ, chúng ta có cơ hội nói lên tiếng nói của những người “thấp cổ bé miệng” và sát cánh với họ trong việc tranh đấu về sư bình đẳng vì chúng ta cũng là người da màu như họ.”

Mai mong rằng, quyền được đối xử bình đẳng giúp tương lại của các nông dân da màu sẽ tốt đẹp hơn.

Từ suy nghĩ đó, Mai Nguyễn đã cùng vài người bạn đồng chí hướng thành lập một cơ quan vô vụ lợi và cô làm giám đốc cho cơ quan này từ năm 2018-2020. Cô cũng kêu gọi sự hợp tác của các nông dân trẻ cùng nhau thành lập tổ chức như National Young Farmers Coalition để tranh đấu công việc trồng trọt lành mạnh cho thế hệ sau.

Vào năm 2022 , Mai còn tranh đấu với Bộ Canh Nông thuộc chính quyền của tiểu bang California để chính sách bảo vệ nông dân da màu được chính thức ban hành và trở thành luật của tiểu bang này.

Với sự hỗ trợ của cha mẹ cộng với tiền dành dụm của mình, vào năm 2014, Mai Nguyễn mua môt nông trại rộng 50 mẫu có tên Green Mill tại thành phố Sebastopol thuộc Sonoma County để trồng lúa mạch (Wheat).

Mai vừa làm lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của nông trại do cô làm chủ và mời người  viết là dì ruột của cô đến thăm viếng nông trại nhỏ đó để thấy tận mắt công việc của cô cháu gái.

Trải qua kinh nghiệm trồng rau cải và củ quả, trong mười năm qua, Mai chú trọng đến việc trồng trọt và sản xuất lúa mạch (Wheat). Và cô rất thành công trong lĩnh vực này vì rất nhiều nông dân gọi cô là “Nữ hoàng Hạt giống -The Grain Queen.”

Những loại bột được chế tạo từ lúa mạch của cô mang tên MAI được nhiều tiệm bánh và nhà hàng từ San Francisco đến Los Angeles mua để sử dụng trong việc nấu nướng và làm bánh.

Mai cho biết hiện bột làm từ lúa mạch của cô đã được Sở Giáo Dục tai San Diego và San Francisco đặt mua để dùng làm các thứ bánh, cung cấp cho các học sinh những thức ăn lành mạnh như bánh mì, muffins, pizza, pasta… 

Khi được hỏi tại sao chọn Bắc California làm nông trại mà không chọn Orange County là nơi có nhiều đất đai rất tiện cho việc trồng trọt. Mai cho biết là cô từng muốn mua đất ở Orange County để trồng lúa mạch nhưng không thực hiện được vì không tranh được giá cả với những người mua đất giàu có, mang đầu óc thương mại, xây dựng nhà cửa để bán hay khu thương mại.

Cô hy vọng những nông dân da màu, trong số có người Việt, tại quận Cam sẽ kết hợp để mở rộng tầm hoạt động của họ hầu cung cấp những nông sản lành mạnh, tốt cho sức khỏe cư dân địa phương.

Cô khuyến khích người tiêu thụ ở quận Cam nên hỗ trợ những nông dân bán sản phẩm của họ tại các Farmer’s Market và đừng so sánh hình thức mà cần chú ý đến phẩm chất của nông sản không dùng phân hóa học để trồng trọt.

Trong hơn mười năm qua, căn cứ trên vô số hoạt động và nhiều vai trò mà Mai phụ trách trong lĩnh vực Nông Nghiệp như là một nông dân chuyên lo trồng trọt, thuyết trình viên và huấn luyện viên canh tác, người tranh đấu cho nhân quyền và bảo vệ môi sinh, cô đã được trao tặng những giải thưởng đáng quý như sau:

Mai Nguyễn tại một buổi thuyết trình

Trong một buổi sinh hoạt với giới nông dân da màu tại Hoa Kỳ

Năm 2024, Mai là một trong năm thành viên được chọn nhân giải thưởng James Beard Leadership Award là giải thưởng danh dự trong lĩnh vực nhà hàng và thức ăn ghi nhận công lao của những nhà hoạt động tranh đấu cho vấn đề sức khỏe công cộng và quyền bình đẳng trong màu da và giới tính.

Năm 2020, Mai được giải thưởng Rachel’s Network Catalyst Award dành cho những phụ nữ da màu trong việc xây dựng một thế giới lành mạnh, an toàn hơn.

Năm 2019, giải thưởng “Grits 50 Analyst Award

Năm 2018, giải thưởng “Berkeley Food Institute, Changemaker

Năm 2017, giải thưởng “US- Federation of Worker Cooperatives Torchbearer Award”

Năm 2016, giải thưởng “The Food Change, Changemaker

Nông dân Mai Nguyễn đúng là một người trẻ tiêu biểu, đại diện cho khuynh hướng sống dám dấn thân theo đuổi mơ ước và thực hiện lý tưởng của mình.

Độc giả muốn biết thêm chi tiết, xin xem https://www.farmermai.com/about hay https://www.instagram.com/farmermainguyen/

You may also like

Leave a Comment