MẮT NÂU
Hỏi: Thưa chị, em tên Thủy, năm nay 51 tuổi, đang đi làm, sống một mình, cha mẹ đã mất, anh em và các con của họ ở xa. Em chỉ có anh trai, em trai, không có chị hay em gái hay cháu gái. Người cô ruột em ở xa, thường xuyên gọi phone nhắc nhở khuyên em phải lấy chồng hoặc ít ra nên có bạn trai để có người bầu bạn chuyện trò và giúp nhau khi cần. Sống tự lập đã quen, em không muốn lệ thuộc người khác, và em sợ nhất là nếu chẳng may gặp người không tốt. Mặt khác, thú thật, đôi lúc em cũng hơi ngại và sợ mang tiếng “gái già,” đồng thời đôi khi cũng có chút cô đơn, lẻ loi, sợ sệt trong những đêm dài mất ngủ.
Chị có lời khuyên nào giúp em thoát khỏi tâm trạng rắc rối này không? Và rối rắm có phải là bế tắc không?
Đáp: Tuổi 51 là tuổi thân lập thân. Sống độc lập, không thích lệ thuộc là điều hoàn toàn tự nhiên, không có gì khác thường hay cá biệt. Và đó tâm trạng rất bình thường của hầu hết những ai từng quen sống một mình.
Sống một mình đã lâu, nay nghĩ tới phải thay đổi và sửa đổi những thói quen cũ, là điều ưu tư, đắn đo, là một đấu tranh tư tưởng, tạo áp lực cho bản thân không nhỏ.
Có người cô ruột ở xa, thương cháu gái sống một mình, thường xuyên khuyên cháu lập gia đình hoặc có bạn trai cho đỡ đơn độc. Mà hơn nữa. chính bản thân đương sự đôi khi cũng cảm thấy cô đơn sợ sệt trong những đêm dài mất ngủ… Hay là, thử nghe lời cô, có bạn trai bầu bạn chuyện trò xem sao? Biết đâu tìm được niềm vui!
Cảm giác sợ gặp người không tốt là chuyện đương nhiên, nhưng đã muốn, thì phải thử và hy vọng. Ví như không mua vé số thì chẳng bao giờ trúng số. Tất cả những sự thể nêu ra, là lẽ thường để có cơ hội thay đổi tư duy theo chiều hướng tích cực hơn, và… không bàn thêm nữa.
Riêng cái suy nghĩ sợ mang tiếng “gái già,” thì nên gạt bỏ tư tưởng này ra khỏi đầu, bỏ hẳn một tư tưởng cổ hủ lỗi thời lạc hậu, không nên băn khoăn suy nghĩ.
Tiếng với tai chẳng là gì cả và không nuôi sống mình. Dư luận xã hội không hẳn luôn xuất phát từ lòng tốt, người đời thích xăm soi, sân si và ích kỷ, đa số thích “xem kịch đời” như một mua vui, nói xấu người khác, để chứng minh mình tốt. Ấy, miệng đời là thế.
Mình thương mình cái đã, bình tâm gác lại mọi xầm xì không cần thiết. Đời chẳng mấy ai tử tế, đa số tìm vui trên nỗi buồn người khác để thấy hạnh phúc tăng lên khi xung quanh đầy bất hạnh – Một hành vi tội tình, đáng thương và tội nghiệp.
Là “gái già” hay trẻ chẳng liên quan đến ai. Quan trọng là cuộc sống, cuộc đời là của mình, chứ không phải của ai khác.
Đừng để hai chữ “gái già” ám ảnh, mất vui, tâm hồn giao động, đôi khi làm chúng ta bị sai lệch, ngộ nhận ý nghĩa cuộc sống.
Sống vì mình, sống cho mình, giúp tha nhân khi có thể, là thượng sách.
Thị phi của người đời là một tệ trạng xấu xa, dẫn đến tổn thương từ những vô thức không cần thiết.
Còn về chị em gái hay cháu gái, không hẳn cứ cùng phái mà dễ gần gụi thông cảm hơn anh em trai hay cháu trai.
Thực tế cho thấy cháu trai, em trai hoặc anh trai, có khi dễ thông cảm, dễ chia sẻ thương yêu nhiều hơn em gái, chị gái hay cháu gái. Khác phái ít nảy sinh ganh ghét đố kỵ như người cùng phái, một điều gần như trở thành quy luật tương giao trong luật Âm Dương của đất trời.
Có âm có dương, dường như mọi sự hanh thông, hài hòa, tốt đẹp, êm ái nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn chúng ta thấy con trai hay thương mẹ. Người cha hay thương và cưng chiều con gái, một điều tự nhiên trong luật cân bằng giới tính không thể giải thích và có lẽ cũng không cần giải thích. Nhiều khi chị em gái ngay trong gia đình lại đố kỵ ganh ghét nhau, cho nên không đặt vấn đề tình thương hay sự cảm thông theo giới tính.
Ngoài xã hội cũng tương tự. Cùng phái (nhất là nữ với nữ), thường ghét ghen, tị nạnh, đả kích nhau thậm chí nói xấu nhau nhiều hơn là giữa nam và nữ.
Tóm lại, nếu muốn thử thời vận cho vui, hay muốn thử thay đổi cuộc sống. Hãy “làm theo những gì con tim mách bảo,” một câu nói nghe hơi cải lương vọng cổ, nhưng ngẫm lại tiếng nói con tim cũng hoàn toàn hợp lẽ.
Thời phong kiến, con người nghĩ ra nhiều trò rắc rối, cố tạo nhiều quy luật rườm rà phức tạp, tạo áp lực lung tung và hãnh diện cho đó là gia phong, là khôn ngoan sắc sảo, đến nỗi chúng ta vờ quên đã làm tổn thương nhau, chỉ vì danh tiếng hão huyền, vì tư lợi nhỏ nhen, tự ái, háo thắng, và dĩ diện, cốt chứng tỏ cái tôi (chấp ngã) trong cả vô thức và ý thức, chẳng hay ho lợi lộc gì.
Điều duy nhất giúp ta có thể giảm bớt rắc rối là tự mình buông bỏ như:
Không tự gây áp lực, không quan trọng hóa vấn đề, không thắc mắc bon chen, không đưa chuyện làm quà, không thổi phồng tin vịt theo trường phái “Mackeno”, và chỉ nên quan tâm những điều đáng quan tâm.
Bắt chước Ba con khi: Không Nghe – Không Thấy – Không Biết.
Mọi sự mọi điều đã được ông xanh an bày từ lúc bước vào cõi trần tục lụy. Và cuối cùng: Rắc rối đơn giản chỉ là rắc rối thôi, không hề là bế tắc.
Chúc em gặp một người tốt, hợp tính để có người đồng hành ở chặng đường còn lại.
Mới năm mươi, nửa chặng đường
Nửa kia còn lại, vô thường lá bay
Mặc cho ai tỉnh ai say
Bình chân vay trả, trả vay nhẹ nhàng
Già hay trẻ chẳng muộn màng
Sống tùy duyên phận, mộng vàng sắc không