Không nhận con!

by Tim Bui
Dẩy đi!

TÁM BÔN XA

Con cái là kết tinh của cha mẹ. Dù con ra đời trong điều kiện nào, người làm cha mẹ cũng bảo bọc con suốt đời, và không bao giờ “không nhận con”, điều ngày xưa gọi là “từ con” nếu đứa con ấy không có quá nhiều hành vi quá quắt! Đứa con sanh ra là cục vàng, rồi trở thành cục nợ của cha mẹ! Nhưng dù vàng hay nợ thì cha mẹ, nhất là người mẹ, cũng thương yêu bảo bọc con hết mình. Ngay cả những con vật như chó, gà, cá…cũng sẵn sàng bảo vệ con mình trước những giông bão của cuộc sống, chống lại những thế lực thù, ác.

Ấy vậy mà cũng có người mẹ không nhận con! Ai? Công ty SJC chớ ai.

Sau năm 1975, hiệu vàng Kim Thành nổi tiếng lừng lẫy ở Sài Gòn nhiều thập niên đã bị đánh sập. Thay vào đó là thương hiệu vàng SJC của chính quyền mới. Nếu trước đó, nhiều người cất giấu “vàng 2 miếng rưỡi” [tức một lượng vàng nay gọi là cây] của Kim Thành, thì dân có của lại tích vàng SJC chỉ có một miếng và mỗi miếng có số sê ri. Không chỉ người có của mà ngay cả những người nghèo, khi có dư chút ít cũng gom góp mua vàng để “tích cốc phòng cơ” là chuyện bình thường.

Thập niên 1990, SJC cho ra đời loại vàng “một chữ” tức miếng vàng trước số sê ri có một chữ cái. Vàng chứ đâu phải là rau trái gì đâu mà sợ hư thối khi để lâu. Vì vậy, dù sản xuất năm nào, thời kỳ nào thì vàng cũng là vàng. Và dân chúng hễ có tiền thường mua vàng “để đó” phòng khi có biến cố, đặc biệt là trong thời kỳ đồng tiền mất giá phi mã. Tám tui còn nhớ, ngoài hai vụ đổi tiền chỉ một đêm là đống tiền trở thành giấy lộn, thì tiền đồng ở Việt Nam liên tục mất giá.

Năm 1985, sau đổi tiền, tờ 50 ngàn là tiền có giá trị cao nhất. Nhưng cầm tờ 50 này rất khó mua bán vì…không ai có tiền thối lại! Nhưng chỉ vài năm sau, tờ 50 ngàn trở thành “tiền lẻ” vì giá trị không còn dữ dội như lúc đầu nữa. Rồi lần lần tờ 100, 500 ngàn đồng ra đời. Trước thì có tờ 200, 500 đồng, nay đã biến mất khỏi thị trường. Riêng tiền xu 1000, 5000 đã trở thành đồ cổ! Hiện nay, tờ tiền có giá trị thấp nhất là tờ 1000 đồng! Mà một ngàn đồng mua được cái gì? Xin thưa được một trái chanh! Ở Sài Gòn gửi xe gắn máy ở các công sở cũng phải trả từ 4 đến 5 ngàn đồng, thì tờ một, hai ngàn là cái đinh gì. Giờ thì dân chơi cầu ba cẳng chỉ nói đến tiền triệu, tiền tỷ chớ vài ba ngàn thì… đi chỗ khác chơi!

Sự mất giá phi mã của đồng tiền khiến dân có tiền phải giữ của bằng cách mua vàng cho chắc ăn. Bởi vàng không mất giá mà còn lên giá đều đều. Thập niên 1990, vàng 4 triệu đồng/cây. Đầu thập niên 2000, vàng lên 25 triệu đồng/cây, rồi nay thì chạy lòng vòng ở mức gần 80 triệu đồng/cây. Nếu có một đống tiền gửi trong ngân hàng chừng vài năm thì đống tiền đó trở thành giấy lộn so với giá vàng. Vì vậy, dân chúng có chút tiền là sắm vàng cất trong tủ, chôn trong hũ hoặc… giấu chỗ nào đó mà con cháu ứ biết! [Nó mà biết thì tiêu liền]. Tám tui biết một chuyện, có một anh bạn nhà có tiệm vàng ở Nha Trang hồi trước năm 1975. Khoảng năm 1980, thấy người ta vượt biên “vui quá” nên cũng muốn đi cho biết! Xin tiền cha mẹ thì ông bà không cho vì sợ con mình bị du kích bắt, sợ sóng to gió lớn, sợ… đủ thứ! Anh chàng ta mới đào nền nhà để kiếm vàng cha mẹ giấu! Mà đào nửa cái nhà cũng không kiếm được chỉ vàng nào hết! Vậy mới biết các bậc phụ huynh xưa nay giấu vàng thì chỉ có trời biết thôi! 

Và vàng của SJC là lựa chọn đầu tiên họ mua và để dành. Vậy mà…

Rồi tới cái ngày mà nhà cạn tiền, muốn bán vàng ra để chi xài thì… SJC từ chối mua với 1001 lý do. Nào là miếng vàng bị móp méo, nào là vàng cũ quá, nào là… He he từ thuở còn mặc quần lủng đít tới giờ Tám tui mới thấy, mới nghe cái chuyện tiệm vàng chê vàng “lọa như rứa!” Chẳng lẽ vàng bị móp, méo không phải là vàng? Chẳng lẽ vàng cũng không phải là vàng? Mà đã là vàng thì sao lại từ chối mua lại khi có đóng dấu thương hiệu của chính mình? Trộm nghĩ, giờ này mà mấy bà má còn giữ vàng trái núi hiệu Kim Thành có từ thời mồ ma thực dân Pháp đã cũ mèm, e rằng chỉ còn để coi chơi thôi chứ bán hỏng biết có ai mua không!

Đã vậy, bây giờ mua bán vàng miếng trong nước cũng “nhiêu khê” lắm lắm! Muốn mua được một cây vàng người mua phải trình thẻ căn cước, phải…phải… Nói chung là chính quyền muốn độc quyền vàng, muốn biết chắc trong tủ của dân chúng có bao nhiêu vàng để khi cần thì… Hèn chi các cái miệng thúi trong quốc hụi xứ Đông Lào cứ lõ con mắt dòm vô túi, vô tủ của dân chúng rồi la lên “vàng trong dân còn nhiều lắm!”  Bà nội nó! Nhiều ít gì thì cũng đâu phải của tổ tiên mày để lại mà mày dòm ngó! 

Thiệt mắc chửi thề quá!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights