Những thói quen trong đời sống

by Tim Bui
Những thói quen trong đời sống

YẾN TUYẾT

Ai trong chúng ta mà chẳng có một vài thói quen bạn nhỉ. Có những thói quen tốt và những thói quen xấu, do mình tự nhận biết hay không hề biết. 

May ra, thói quen xấu có thể được người thân nói cho biết để sửa đổi. Thói quen tốt thì cứ giữ càng lâu càng tốt.

Những thói quen của chúng ta, nếu được giữ quá lâu, sẽ dần dà lẫn vào đời sống và có thể trở thành cá tính, trở thành cái tật của một người hồi nào không hay.

Nhiều người nói với tôi rằng đã là thói quen thì không sửa được. Theo ý tôi, việc gì do mình bắt đầu thì mình phải là người kết thúc, nếu muốn.

Tôi nghĩ thói quen chỉ là sự lập lại của hành động hay suy nghĩ nào đó trong một thời gian dài. Do đó, nếu thấy nó không tốt, làm phiền hay có hại cho bản thân mình và người khác thì nên dẹp bỏ đi. Còn thấy nó tốt đẹp thì gìn giữ.

Lẽ dĩ nhiên, thói quen tốt của người Việt Nam mình thì nhiều lắm. Có thể kể những thói quen tốt đó là lòng thương người, sư hy sinh, tính nhẫn nại, tiết kiệm, sự tháo vát, thông minh, chịu khó v.v…

Thế nhưng, người Việt mình cũng có khá nhiều thói quen xấu mà tôi cho rằng cần xét lại để từ bỏ hay sửa đổi.

Và bài viết này sẽ nêu ra những thói quen mà nhiều người cho là không tốt đó.

Chẳng hạn như một người có thói quen nhậu nhẹt. Ngày nào mà không uống rượu là không chịu được vì đã uống từ Việt Nam khi còn trẻ. Qua Mỹ, rượu lại rẻ nên tiếp tục uống và vẫn leo lên xe ngồi sau tay lái như thường.

Mà một khi uống quá độ thì thường một người say ít khi kềm chế hay kiểm soát được lời nói hay hành động của mình.
Thế là vợ con họ phải chịu cảnh bị chửi rủa, la hét, đánh đập.

Đã có những người vợ hoặc chịu đựng than khóc, đau khổ tiếp tục sống với cảnh giận dữ gây gỗ, xô xát với chồng. Hoăc phải chọn việc chia tay vì họ tội nghiệp những đứa con phải lớn lên trong môt gia đình có hình ảnh của một người cha dữ tợn, miệng sặc sụa mùi rượu, luôn văng tục, mắt đỏ, chân tay múa may.

Ở Mỹ, việc say rượu gây ra tai nạn chết người như chơi khi lái xe. Biết bao nạn nhân vô tội đã mất mạng, hay bị thương tật vĩnh viễn chỉ vì những người có thói quen mê đắm “ông lưu linh” này.

(Một vài quý vị nam độc giả “có tửu lượng cao” sẽ nói bà này nói ai chứ tôi thì rất “im lặng và dễ thương” khi uống rượu. Xin thưa rằng quý ông có lẽ chỉ là 1/1000 trong số những người đàn ông uống rượu có những hành động kể trên). 

Đã nói về rượu chè thì không thể không kể đến thói quen xấu của tính hay cờ bạc.

Tôi biết với một số đàn ông lẫn đàn bà Việt Nam, đánh bạc là một môn giải trí không thể thiếu trong cuộc đời.

Ở Orange County, hầu như tuần nào họ cũng phải đi Las Vegas hay đi đến những sòng bài gần đây ở Temecula, mọc lên như nấm, do người Mỹ da đỏ làm chủ nhân.

Một người quen làm ở sòng bài cho tôi biết hàng ngày, họ chứng kiến cảnh mấy người mê cờ bạc, cầm thế tất cả những gì họ sắm sửa được bằng mồ hôi và nước mắt của cả gia đình. Có những người vì thói quen này mà hôn nhân tan nát, vợ chồng xào xáo vì việc thua cờ bạc ảnh hưởng đến tài chính của gia đình khiến vợ con thiếu thốn.

Đã có nhiều cuộc ly dị vì môt trong hai vợ chồng mê cờ bạc. Đã có những người trở thành vô gia cư vì cờ bạc.

Tôi nghĩ rằng thói quen hút thuốc của các ông Việt Nam cũng nên xếp vào thói quen không tốt.

Sống ở Mỹ, chúng ta có lẽ phải cảm ơn sự tranh đấu lâu dài của các nhà khoa học và y tế qua việc chứng minh những nguy hại do thuốc lá gây ra qua như gây ra ung thư phổi và các bệnh hen suyễn, nhờ đó luật cấm hút thuốc được ban hành và áp dụng ở những nơi công cộng như nhà hàng, trong rạp xi nê hay trên máy bay.

Chúng ta có thể thở hít không khí trong lành khi không bị khói thuốc mịt mù bao quanh nữa. Và thói quen không chịu được mùi thuốc lá hòa nhập vào đời sống của mình rất ư là tự nhiên.

Thế nhưng, khi nhớ lại hồi còn trẻ lớn lên ở Việt Nam, tôi đã từng chấp nhận một cách vui vẻ việc chung quanh mình phần lớn đàn ông đều hút thuốc, những người này gồm có ba tôi, các ông anh ruột, người yêu và bạn bè.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thật sự ân hận vì sự thiếu hiểu biết của mình nên đã góp phần vào việc cung cấp cho người thân của mình không biết bao nhiêu gói  thuốc lá có tên Bastos xanh, Capstan, Marlboro, Pall Mall, Dunhill…

Bởi vì lúc ấy, tôi từng ngây thơ lầm lẫn xem thói quen hút thuốc của quý vị đàn ông là đáng yêu!

(Tôi có thể đổ tội cho các ông thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ Việt Nam thời đó vì văn thơ hay nhạc gì của họ hầu như lúc nào cũng toàn tả cảnh khói thuốc bay mơ màng bên ly cà phê hay ly rượu đắng. Hình ảnh đó có vẻ lãng mạn nên tôi chấp nhận và “yêu” nó một cách rất ư là tự nhiên)!

Hình như chung quanh tôi vào thời đó, vị nam tử nào không hút thuốc có thể bị cho là “nhà quê” thì phải?!

Ở Mỹ bây giờ, một số đàn ông Việt Nam vẫn còn giữ thói quen này cảm thấy “bị đối xử phân biệt” khi luật pháp chỉ cho họ hút thuốc ở những khu vực riêng biệt.

Tôi không dám gọi hút thuốc là thói quen xấu hay tốt vì cũng ngại ngùng lắm. Tôi chỉ dám lấy thống kê của hội ung thư phổi ra dọa, nhưng tôi biết cũng chẳng ăn thua gì với những người có thói quen này.

Thêm vào đó, tôi cũng đã từng nghe một câu nói can đảm nhất của một ông chồng: “vợ thì bỏ được chứ thuốc lá thì nhất định không bỏ.”

Được biết, những thói quen như mê cờ bạc, uống rượu thường xuyên được các chuyên viên y tế xếp vào các loại bệnh nghiện.

Ở Mỹ, nếu một người thật sự muốn cai nghiện rượu, hút thuốc hay cờ bạc, đều có nhiều chương trình giúp cai nghiện miễn phí do chính phủ thiết lập qua sở y tế của tiểu bang California Health Department – với chương trình Substance Abuse Programs để giúp họ bỏ các thói quen nguy hại đó.

Các chương trình cai nghiện còn do các cơ quan vô vụ lợi hay tư nhân với lệ phí chữa trị nhiều hay ít.

Chúng ta còn thấy trong xã hội có một số đàn ông có thói quen “ngoại tình” hay nói nôm na là“thích của lạ.” Họ có gia đình rồi nhưng vẫn không ngừng tán tỉnh những phụ nữ khác khi có dịp. Họ sẵn sàng dấn thân vào những liên hệ ngoài hôn nhân. Họ xem ngoại tình như môt sinh hoạt cần có của đời sống riêng. Khi người vợ biết chuyện thì họ hứa hẹn chấm dứt với người bồ nhưng sau đó lại tìm người khác thay thế, tính nào, tật nấy.

Tôi cho rằng người nào biết thói quen không thể giữ chung thủy với một người được thì họ nên sống độc thân để đừng làm khổ vợ con.

Có một vài thói quen dù nhỏ nhưng vẫn thấy xảy ra hàng ngày trong cộng đồng mình và theo tôi không đẹp mắt và có thể làm phiền người bên cạnh như xỉa răng một cách công khai và tự nhiên ở nhà hàng hay buổi tiệc sau khi ăn xong.

Và nữa, sau khi ăn, cái tăm vẫn còn được một số người “tiếc nuối,” ngậm trên môi họ trong một thời gian rất lâu, khi đang lái xe, đi shopping… 

Kế đó là thói quen vứt rác bất cứ chỗ nào và coi thường vệ sinh công cộng.

Tôi hơi buồn khi thấy rác rưởi trước nhiều cửa tiệm thương mại ở khu Little Saigon, được coi là thủ đô của người Việt tỵ nạn ở Mỹ!

Đã và đang có những cánh cửa bước vào văn phòng của một số cơ sở thương mại và y tế đầy dấu tay bẩn thỉu không bao giờ được lau chùi. Trong phòng chờ đợi, bạn có thể thấy sách báo cũ rách rưới, cây cảnh đầy bụi bặm không được quét dọn.

Có phải vì thói quen của một số nhỏ chủ nhân là tiết kiệm, không muốn tốn tiền thuê người đến làm vệ sinh mỗi tuần một lần?  Hay vì thói quen của họ là không cần coi trọng khách hàng vì tiệm mình khi nào cũng đông khách? 

Khi đến những tiệm ăn Nhật, cũng là người Á Đông, sao những nơi đó lại sạch đẹp và trang nhã thế, và việc này khiến tôi lấy làm tiếc khi nhiều tiệm ăn Việt Nam không được như vậy.

Phải kể đến thói quen “không niềm nở” của một số người bán hàng hay ở tiệm ăn Việt Nam làm cho mình quyết định sẽ không đến tiệm này lần thứ hai.

Cô bạn tôi ở Bỉ qua thăm và khi được dẫn đi môt số cửa hàng bán quần áo trên đường Bolsa, khá ngạc nhiên khi thấy dù đã 11 giờ sáng mà việc “phải mua mở hàng” xưa như trái đất từ Việt Nam vẫn được người bán hàng áp dụng như môt cách ép buộc người mua, khiến cô ấy không thỏai mái.

Hy vọng “thói quen hiếu khách” của người Việt Nam mình sẽ được phục hồi trong những dịch vụ như thế này vì ở Mỹ. Việc phục vụ khách hàng “customer service” rất quan trọng trong thương mại. Chắc chắn, nếu chủ nhân biết áp dụng, cơ sở của họ sẽ thành công hơn nữa.

Khi có dịp đi dự một buổi nói chuyện hay trình diễn ca nhạc, tôi còn thấy thói quen của một số người trong vai trò điều khiển chương trình, hay trong vai trò diễn giả, làm phiền đến sức kiên nhẫn và chịu đựng của khán giả khi họ có thói quen cầm đến microphone là “nói dai, nói dở, nói dài!”

Cuối cùng, sống trong thời đại điện tử, thói quen dùng Facebook để viết “nhật ký đời tôi” qua hình ảnh của chính mình mà tôi tạm đặt tên là “thời đại tự mê” đang lan tràn như lửa cháy trên mạng.

(Tôi không dám xếp loại thói quen này là tốt hay xấu nhưng chỉ thấy hơi buồn cười).

Nếu rảnh rỗi, không có chuyện gì làm và thử vào Facebook của một người quen nào đó để biết đời sống của họ như thế nào, bạn sẽ thấy mỗi ngày hàng chục cái hình mới của chủ nhân Facebook “đi đâu và làm gì” được báo cáo đầy đủ. Có lẽ họ chờ nhận những lời “comments” (ý kiến) với hy vọng sẽ là lời khen tặng. Vài giờ sau đó, họ sẽ kiểm soát để thấy có ai viết comments hay không để trả lời cám ơn.

Và như vậy một người có thói quen nói trên sẽ bận rộn lắm.

Thói quen tốt và xấu rất nhiều trong đời sống, nói hoài cũng không hết chuyện.
Và dĩ nhiên, thói quen mà chúng ta có, dù tốt hay xấu, như đã nói từ đầu, sẽ do chúng ta chọn lựa để cho phép nó ở lại hay ra đi, phải không bạn?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights