YẾN TUYẾT
Là sinh hoạt thường xuyên ở Mỹ, các cuộc họp phụ huynh-giáo viên (Parent-teacher conference) đóng một vai trò quan trọng trong học đường, vì chúng tạo cơ hội cho phụ huynh và giáo viên cùng nhau sát cánh hỗ trợ việc học của trẻ em.
Trong các cuộc họp này, giáo viên thường chia sẻ với phụ huynh thành tích học tập, điểm mạnh và các lĩnh vực có thể cần thêm sự hỗ trợ của học sinh. Ngược lại, phụ huynh có thể đặt câu hỏi về lớp học hoặc tiến trình của con em mình và chia sẻ mối quan tâm cũng như quan sát của mình vì việc học của con cái. Cùng nhau, phụ huynh và giáo viên có thể thảo luận về các cách cải thiện kết quả học tập và đặt ra các mục tiêu để hỗ trợ trẻ ở nhà và ở trường.
Ở Hoa Kỳ, môt khi con cái ở trong tuổi đi học, phụ huynh nên chú ý đến một vấn đề rất cần thiết liên quan đến học vấn của con, đó là cuộc họp với người thầy hay cô giáo (Parents-Teachers Conference) của chúng, thường xảy ra một thời gian ngắn sau ngày tựu trường.
Trong trường hợp một gia đình vừa dọn đến chỗ ở mới và ghi danh cho con đi học ở một ngôi trường hoàn toàn mới lạ, thì cuộc họp với thầy cô mới rất quan trọng, vì qua đó phụ huynh có thể chia sẻ quan tâm về sự xúc động hay âu lo của con em tại môi trường mới. Và ngay cả phụ huynh cũng cần sự hỗ trợ của thầy cô hơn lúc bình thường.
Để giúp những phụ huynh có trở ngại với Anh ngữ, chẳng hạn như phụ huynh người Việt, hiện nay hầu hết các trường học tại quận Cam đều có nhân viên nói tiếng Việt để giúp họ vượt qua sự ngần ngại không muốn tham dự các cuộc họp.
Để buổi họp đạt được hiệu quả tốt nhất, các phụ huynh cần được chuẩn bị đầy đủ.
Bài báo của ký giả Beverly Burmeier, cũng là một phụ huynh học sinh, viết trên tờ Family Magazine, nói về sáu điểm chính có thể giúp những phụ huynh có con nhỏ đi học và cần dự những cuộc họp phụ huynh-giáo viên:
Đến đúng giờ: Mặc dù việc xếp đặt thì giờ để rời sở vài tiếng đồng hồ, hay mang con nhỏ đi gửi, thường khó khăn và gây bất tiện cho phụ huynh, nhưng chúng ta cần nhớ rằng các thầy cô giáo chỉ dành được một thời gian giới hạn cho mỗi cuộc họp. Cả thầy/cô giáo lẫn phụ huynh không ai muốn hấp tấp khi thảo luận, và buổi họp có thể đưa đến một vài điều bất ngờ mà cả hai phía đều học hỏi được (hoàn cảnh gia đình, bệnh tật…)
Chuẩn bị: Phụ huynh cần dự định trước là mình sẽ trình bày với thầy/cô giáo những điều gì, và lý do chính của cuộc họp này là để đưa đến một kết quả tốt cho việc học của đứa trẻ. Cha mẹ nên viết xuống những câu hỏi về bài tập của con để có thể nêu thắc mắc, đưa ra đề nghị, cũng như lắng nghe và ghi lại các lời khuyên của thầy cô, nhờ vậy cả hai đều không phí phạm thì giờ.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên đến gặp thầy cô với một danh sách than phiền quá dài trong khi không có một ý kiến gì về việc giải quyết khó khăn, vì như thế, cuộc họp sẽ không đi đến đâu cả.
Việc tấn công các thầy cô và đặt họ vào vị trí tự vệ ngay khi mới gặp gỡ sẽ không có tác dụng tốt, vì chỉ làm cho họ cảm thấy phụ huynh không phải là người có tinh thần hợp tác. Phụ huynh nên yêu cầu sự giúp đỡ của thầy/cô giáo bởi kinh nghiệm dạy học của thầy cô giúp họ có thể đưa ra những đề nghị hữu ích. Chẳng hạn như lập một thời khóa biểu cho việc làm bài tập ở nhà, cũng như làm sao để cả thầy cô lẫn phụ huynh cùng kiểm sóat và ký vào những bài làm đó. Nếu hai bên có được sự cộng tác này, học sinh sẽ phải làm bài tập cả ở nhà lẫn ở trường và không thể viện lý do “quên” được.
Chia sẻ những biến chuyển quan trọng: Thí dụ như Jennifer thường được điểm A nhưng bỗng nhiên bị điểm C; hay Robert vốn hiền lành nay khó chịu và muốn gậy gỗ; hoặc Tina khi nào cũng tỉnh táo, gần đây lại hay ngủ gật trong lớp… Thầy cô cần biết những biến chuyển này, vì đó là hiện tượng cho thấy có những thay đổi nào đó đang ảnh hưởng đến đời sống riêng của chúng.
Thầy hay cô giáo cần biết về những biến chuyển đã làm xáo trộn cuộc sống khiến ảnh hưởng đến việc học hay thái độ cư xử của học trò mình. Những biến cố lớn xảy ra trong gia đình như cha mẹ ly dị, bệnh tật, tai nạn, di chuyển chỗ ở, hay bất cứ một sự mất mát nào đó đều có thể đưa đến việc buồn chán hay gây ra hành động bất thường của đứa trẻ.
Cho dù chuyện thay đổi chỗ ở vì những lý do kể trên xảy ra ở nhiều nơi trên đất Mỹ, nhưng nếu con cái của bạn còn đang đến trường, thì có nghĩa là chuyện các em phải đổi trường học dĩ nhiên sẽ phải xảy ra.
Trước đây, những đứa trẻ ở trong tuổi cắp sách đến trường này thường được cha mẹ xếp đặt để có thể có một đời sống thứ tự và điều độ thí dụ như mấy giờ tối thì phải đi ngủ, lúc nào làm bài tập. Bên cạnh đó, chúng lại đang thỏai mái với không khí quen thuộc, với những tình bạn lâu dài và thân thiết ở trường học. Thế cho nên việc dời chỗ ở của gia đình sẽ xáo trộn đời sống đang êm đềm của chúng.
Nếu lý do của việc đổi trường là vì cha mẹ ly dị nhau và đứa trẻ sẽ phải ở với cha hoặc mẹ, thì lại càng làm cho vấn đề đổi trường trở nên tệ hại hơn và có thể ảnh hưởng sâu đậm đến việc học của chúng.
Trong một số trường hợp, việc thay đổi trường học có thể làm cho đứa trẻ vừa thích thú nhưng cũng vừa lo âu.
Dù sao đi nữa thì việc đổi trường học vẫn dễ dàng cho những học trò ở bậc tiểu học hơn là cho những em ở tuổi vị thành niên. Những em ở lứa tuổi này cần được hỗ trợ nhiều hơn trong việc giữ được sự lạc quan hay bình thản khi phải đổi trường. Ở tuổi này, các em vốn dĩ đã đang phải đối diện với những thay đổi về tâm lý và thể lý của tuổi dậy thì khiến chúng dễ nổi loạn, chán nản, bất mãn hay trầm cảm. Vì thế việc đổi trường, tuy thoạt nhìn có vẻ bình thường, nhưng có thể khiến cho các em xuống tinh thần và ảnh hưởng đến việc học ở trường mới.
Các em có thể cảm thấy bị lạc lõng vì không hòa mình được vào với nhóm bạn mới vì ở lứa tuổi này, trẻ em thường chỉ cảm thấy thoải mái bên bạn bè cùng ý thích và đã quen biết nhau từ lâu. Trong trường hợp này, sự hỗ trợ và thông cảm của cha mẹ và thầy cô giáo rất quan trọng.
Khi hiểu được tình cảnh gây ảnh hưởng đến đời sống của học trò, thầy/cô sẽ dễ thông cảm hơn cho các em, và sẵn sàng tìm cách giúp đỡ các em hơn, cũng như sắp xếp sao cho sinh hoạt của lớp học phù hợp với hoàn cảnh mới của học sinh đó. Nếu cha mẹ thông báo cho thầy/cô giáo biết trước mọi chuyện để chuẩn bị thì việc hỗ trợ các em sẽ dễ dàng và có kết quả hơn.
Lắng nghe: Trong một số trường hợp, có khi phụ huynh biết rõ con mình là đứa trẻ nghịch ngợm, lười biếng nhưng khi cho con đến trường, họ vẫn muốn và hy vọng thầy/cô sẽ tạo được ảnh hưởng tốt và giúp con mình trở nên những đứa trẻ tốt hơn. Thêm vào đó, phụ huynh cũng không muốn nghe người thầy/cô nói về hạnh kiểm xấu hay học vấn kém của con cái.
Ai cũng mong muốn được nghe những điều tốt đẹp và hay ho về con mình. Nếu thầy/cô giáo cho biết Johnny kém môn toán hay Anh ngữ và yếu trong môn đọc sách thì thông thường phụ huynh sẽ trút tức giận lên đứa nhỏ, chứ không hề nghĩ rằng như vậy thì mình cần phải hợp tác với thầy giáo để giúp con tiến bộ hơn.
Theo ý kiến của các chuyên gia thì khi chọn thái độ không chấp nhận sự thật này, phụ huynh không thể giúp con học khá hơn, hay có hạnh kiểm tốt hơn được.
Mặt khác, nếu phụ huynh giữ sư bực dọc ngấm ngầm với thầy/cô của con vì có thành kiến cho là người thầy/cô giáo ghét bỏ con mình (chứ thật ra nó là đứa học trò giỏi và ngoan) và vì thế, tìm cách tấn công thầy cô thì chỉ tạo ra kết quả xấu mà thôi. Mặc dù con cái có thể muốn được bạn về phe chúng, nhưng phụ huynh cần có một nhận xét công bằng về tình trạng của con và hợp tác với trường học để tìm ra giải pháp giúp con tiến bộ hơn. Phụ huynh nên đến gặp thầy/cô giáo với một thái độ cởi mở vì lợi ích của con mình.
Lập chương trình hành động: Một chương trình hành động có sự tham dự của tất cả các thành phần như phụ huynh, thầy/cô và học trò là phương cách tốt nhất để đạt hiệu quả. Trẻ con thường có khả năng tạo mẫu thuẫn giữa cha mẹ và thầy/cô khiến họ chống đối nhau. Thế nhưng, các con của bạn biết rằng cha mẹ chúng kính trọng thầy/cô và sẽ hợp tác với nhà trường, thì chúng sẽ khó trốn tránh trách nhiệm của mình và đổ lỗi hay bào chữa rằng việc học kém hay hạnh kiểm xấu của chúng là vì thầy/cô gây ra.
Trước buổi họp, phụ huynh cần hiểu những giấy tờ gì phải hoàn tất và những công tác nào mà mình cần giúp con thực hiện. Nếu thầy/cô đề nghị là con em của bạn cần học thêm những lớp dạy kèm trước hay sau buổi học, phụ huynh nên đảm bảo là con mình sẽ có mặt ở đó. Buổi họp giữa phụ huynh và thầy cô chỉ thành công một khi phụ huynh tin tưởng rằng con mình sẽ được thầy cô chỉ dạy để trở nên học trò giỏi hơn, cũng như khi phụ huynh hiểu rõ và gánh vác nhiệm vụ của mình trong việc giúp con học hành thêm ở nhà.
Theo dõi sự tiến triển của con em: Hãy thu xếp thời khóa biểu để bạn có thể liên lạc thường xuyên với thầy cô hơn, điều này sẽ khiến bạn có thể theo dõi việc học hành của con em. Bạn có thể liên lạc với thầy/cô qua thư từ, email, điện thoại, hay gặp mặt. Phụ huynh đừng quên thảo luận phương cách tốt nhất để trao đổi tin tức với thầy/cô giáo trước khi rời cuộc họp.
Hầu hết các thầy/cô đều thật lòng muốn giúp đỡ học trò tiến bộ và họ có những phương pháp khác nhau để đối phó và giúp đỡ các em.
Thầy/cô là những người đã chọn một nghề nghiệp đòi hỏi họ làm việc với trái tim và tấm lòng để xây dựng tương lai cho những đứa trẻ mà họ có bổn phận dạy dỗ nên người. Hơn ai hết, họ hiểu rằng phụ huynh mong ước con họ tiến bộ hơn, học giỏi hơn, thế nhưng nỗ lực của thầy cô sẽ khó đạt được kết quả tốt nhất nếu không có sự hợp tác của phụ huynh.
Sau khi rời trường học, khi con về nhà, bạn cần có thời gian ở cạnh con để nhắc nhở và thúc đẩy con thực hiện những quyết định lành mạnh cũng như khuyến khích con cố gắng học hành chuyên cần hơn nữa.
Nói tóm lại, các cuộc họp giữa phụ huynh và thầy/cô chỉ thành công một khi cả hai phía hỗ trợ lẫn nhau cho một mục đích chung là giúp các em học hành nên người.