Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi – kỳ 3

by Tim Bui
Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi - kỳ 3

LÊ NGUYỄN

Từ ngã tư Phú Nhuận, con đường Võ Di Nguy chạy ngược về khu An Nhơn, Thông Tây Hội quận Gò Vấp, vào thập niên 1950, hầu hết nhà cửa hai bên đường là khu dân cư, rất ít hàng quán, cửa hiệu. Một trong những di tích lâu năm ở đây là chùa Kỳ Viên tự, nằm cách đường lộ vài trăm mét. 

Gần hẻm chùa Kỳ Viên, có một ngôi nhà, tầm thường với hầu hết mọi người, nhưng thật quan trọng đối với tâm hồn của một cậu học trò mới lớn. Đó là ngôi nhà có tấm bảng nhỏ in hàng chữ màu xanh dương, mang tên “Nguyễn Minh Hiếu”, bên dưới là mấy dòng tiếng Tây tiếng u, đại ý cho biết người có tên trên là một kỹ sư hóa học. Trong ngôi nhà đó, có cô con gái ông kỹ sư, tên Nguyễn Thị Thoại Nữ, khoảng 13-14 tuổi, học chung trường trung học Chu Mạnh Trinh, thấp hơn mình một lớp. Ở tuổi mới lớn, cô có một vẻ đẹp sắc sảo và cuốn hút lạ thường, nhìn rồi cứ muốn nhìn mãi.

Một buổi ra chơi, Thoại Nữ bỗng liếc mắt nhìn chàng trai lớp Đệ Tứ 14-15 tuổi, nhoẻn miệng cười, con mắt có đuôi. Lòng chàng trai đa cảm xao xuyến từ đó. Một buổi trưa tan học, cô gái lững thững đi về nhà trên đường Võ Di Nguy, chàng trai đạp xe đến gần, vận hết tám thành công lực, hơi thở dồn dập, lắp bắp một câu:

– Thoại Nữ ơi, tôi có chuyện này muốn nói với Thoại Nữ…

Cô gái vẫn nhìn thẳng phía trước mà đi, mặt không để lộ chút biểu cảm nào. Còn chàng trai thì quê quá, gò lưng, cúi đầu đạp xe chạy một mạch về nhà!

Vậy mà, từ đó, cứ chiều chiều, tắm rửa xong, chàng trai đi bộ một vòng từ nhà trên đường Thái Lập Thành, qua ngõ chùa Kỳ Viên, bọc ra đường Võ Di Nguy, đi qua ngôi nhà có bảng tên Nguyễn Minh Hiếu, nhìn vào, tìm một bóng hồng. Bóng hồng đâu không thấy, trong 10 lần thì hết hơn 9 lần chỉ thấy ông bố kỹ sư đang khoa chân múa tay cùng đám bạn bè!

Tâm trạng lúc bấy giờ thật thấm thía với những vần thơ của thi sĩ Đinh Hùng:

Khi mới lớn, tuổi mười lăm, mười bảy,
Làm học trò, mắt sáng với môi tươi,
Ta bước lên, chân vẫn dạo bên người,
Ngoài cặp sách, trần ai xem cũng nhẹ!

… Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay?
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ … 

Mỗi buổi chiều như thế, đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, song chàng thiếu niên đa cảm vẫn không sờn lòng, vì biết rằng sẽ không thể chịu đựng được một cảm giác thiếu vắng, ray rứt nếu không làm như thế.

Từ nhà người đẹp Thoại Nữ đi thêm quãng nữa sẽ đến một nơi mà nay chỉ còn trong ký ức những người trên 70 tuổi. Đó là nhà thuốc Nhành Mai, nổi tiếng với thuốc dưỡng thai bào chế bằng Đông dược. Những năm từ thập niên 1950 trở về trước, cụm từ “thuốc dưỡng thai Nhành Mai” được nhiều người biết đến qua những tấm bảng gỗ quảng bá tên thuốc gắn vào hông những chiếc xe thổ mộ chạy xuôi ngược khắp vùng.

Vào nửa sau thập niên 1950, nhà thuốc Nhành Mai không còn hoạt động nữa, thuốc dưỡng thai Nhành Mai cũng sớm trở thành một ký vãng trong tâm trí những người nay ở vào lớp tuổi thất thập, bát thập cổ lai hy. Khi đó, nơi nhà thuốc Nhành Mai tọa lạc bỗng trở thành trụ sở của Hội Thông Thiên học, và qua các tài liệu do chính hội này phổ biến mà mình có dịp xem qua đôi lần thì hình như đây là một nhánh của Hội thánh Tin Lành.

Đối diện với nhà thuốc Nhành Mai lúc bấy giờ là ngôi trường tiểu học quen thuộc của lớp học trò sinh vào thập niên 1940. Trường có tên Minh Đức, vị hiệu trưởng cũng là người thầy duy nhất, là một người thấp đậm, lái chiếc mô tô bề thế hơn hầu hết các xe hai bánh lúc bấy giờ. Thầy thường lái mô tô đến trường tiểu học Chấn Hưng nằm trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) thăm và nói chuyện rôm rả với thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Vàng (sẽ kể sau) ở trường này.

Qua khỏi trụ sở Thông thiên học vài mươi mét, ta sẽ gặp ngã ba Võ Di Nguy – Nguyễn Đình Chiểu, con đường sau nối liền với hai đường Võ Di Nguy và Nguyễn Huệ, qua ngã ba Nguyễn Đình Chiểu-Thái Lập Thành (xin xem bản đồ).

Ngay góc đường Võ Di Nguy – Nguyễn Đình Chiểu, tồn tại không biết từ đời thuở nào một tiệm cà phê – hủ tíu của người Hoa có tên “tiệm thằng Thùng”. Vào nửa đầu thế XX, nhiều tiệm cà phê của người Hoa không có bảng hiệu, dân trong vùng có thói quen lấy tên người con trai nhỏ tuổi của ông chủ tiệm đặt cho tiệm. 

Thời đó, có một thói quen không biết hình thành từ bao giờ, đó là khi một chú bé con đi vào tiệm cà phê với người lớn, không uống nổi ly cà phê sữa nóng, các ông bố thường đổ cà phê vào chiếc đĩa lót đế ly cho mau nguội, rồi cậu bé cứ thế mà khom người xuống uống. Tôi đã được nhiều phen uống kiểu cà phê này!

Cũng tại tiệm thằng Thùng, tôi được nghe giai thoại về những chiếc bánh bao rỗng ruột. Khách ngồi vào bàn, dù kêu món nào cũng được bày trước mặt những dĩa xíu mại và bánh bao như một sự kích thích, khêu gợi sự thèm ăn. Một số thực khách cỡ 15 – 17 tuổi vào tiệm kêu cà phê, nhân lúc tiệm đông đúc, ồn ào, bóc miếng giấy bên dưới cái bánh bao, móc ruột ăn sạch, rồi áp miếng giấy lại như cũ, cái bánh bao trở về nguyên trạng về mặt hình thể, song mất đi toàn bộ cái ruột! Không rõ lúc ấy, ở các tiệm cà phê khác, hiện tượng “bánh bao rỗng ruột” có nhiều như ở “tiệm thằng Thùng’ không?

Song nói đến con đường Nguyễn Đình Chiểu, Phú Nhuận, mà không nhắc tới cái chợ chồm hổm khởi đầu từ ngã ba Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu là một thiếu sót lớn. Ngôi chợ tồn tại từ thập niên 1950 hay trước đó nữa, án ngữ ngay trước cửa nhà của các cư dân sống dọc theo con đường này và chạy dài đến gần nửa con đường.

Bên phải con đường, khoảng giữa chợ, có ngôi nhà của một nhân vật khá nổi tiếng về sau, vào nửa sau thập niên 1950 đã mang cấp bậc Thiếu tá. Đó là ông Lê Quang Liêm, sau là Trung tá Tỉnh trưởng Khánh Hòa, và sau nữa là một trong những chức sắc cao cấp của giáo phái Hòa Hảo tại Long Xuyên.

Khi vừa đi hết khu Chợ nhỏ kéo dài, ta sẽ gặp một ngã ba, nơi đường Thái Lập Thành (sẽ kể sau) đâm ra đường Nguyễn Đình Chiểu.

Ngay ngã ba này có trụ sở của một công ty điện nước thời Pháp thuộc. Đến nửa đầu thập niên 1950, tấm bảng bằng kim loại sơn bóng loáng vắt ngang cánh cổng rộng lớn của đơn vị trên còn mang dòng chữ Pháp “Compagnie des Eaux et d’Electricité”, viết tắt là CEE. 

Từ công ty CEE tiếp tục đi theo đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ gặp một khu vực rộng lớn mà người địa phương gọi là “chùa Cao Đài.” Trước năm 1956, đây là nơi đóng quân của một đơn vị quân đội Cao Đài khá đông đảo. Không biết họ hoạt động ra sao, chỉ nhớ là thỉnh thoảng họ tổ chức một đêm nhạc kịch có thu tiền vé, có lẽ để gây quỹ. Chính trong một đêm nhạc kịch của đơn vị Cao Đài này mà cậu bé 10 tuổi được xem nhạc cảnh “Lời người ra đi,” lấy từ nhạc phẩm cùng tên của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ấn tượng về nhạc phẩm nghe lần đầu trong buổi nhạc kịch này mạnh đến nỗi, từ đó cứ nghe đến Lời Người Ra Đi là hình ảnh đêm diễn ấy hiện lên, rõ ràng như mới hôm nào!

Cuối đường Nguyễn Đình Chiểu, một dòng suối cạn và rất sâu buộc con đường phải chạy vòng vèo để có thể tiếp cận với con đường Nguyễn Huệ ở điểm dễ đi nhất. Như vậy ta có thể hình dung con đường Nguyễn Đình Chiểu tiếp giáp với 3 con đường chạy gần song song nhau là Võ Di Nguy, Thái Lập Thành và Nguyễn Huệ
Từ ngã ba Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục đi theo đường Võ Di Nguy, khách bộ hành sẽ gặp cổng xe lửa số 10 trước khi chuẩn bị đi vào khu vực của quận Gò Vấp..

2.2.2024
(Còn tiếp)

Layout 3 trang. Có hai hình phía dưới

C:\Users\win 10\Documents\tôi yêu\xuân 2024\phunhuan.jpg

Bản đồ ngả tư Phú Nhuận

C:\Users\win 10\Documents\tôi yêu\xuân 2024\phunhuan 1.jpg

Ngã tư Phú Nhuận

You may also like

Verified by MonsterInsights