Giai thoại về Lục tổ trong Thiền tông Trung Quốc Sơ tổ Đạt Ma

by Tim Bui
Giai thoại về Lục tổ trong Thiền tông Trung Quốc Sơ tổ Đạt Ma

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Bồ-đề-đạt-ma, dịch nghĩa là Giác Pháp, người Ấn Độ (~470-543). Ông được coi là người truyền bá và sáng lập ra Thiền học và Võ thuật tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết của Trung Quốc, ông đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. Ông cũng là cha đẻ của Thiền tông Trung Quốc.

Thiền tông Ấn Độ bắt đầu bằng Phật Thích-ca Mâu-ni truyền đến đời thứ 27 là Tổ Bát-nhã-đa-la. Bồ-đề-đạt-ma là truyền nhân của Bát-nhã-đa-la, là Tổ thứ 28. Vào thời nhà Lương (502-557), Bồ-đề-đạt-ma được mời qua Trung Quốc để truyền bá Phật pháp, và theo truyền thuyết thì đến cuối đời ông mới trở về Ấn Độ, vì vậy, có thể nói Bồ-đề-đạt-ma là vị Tổ cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ.

Sự tích truyền pháp của Tổ Bát-nhã-đa-la cho Bồ-đề-đạt-ma được kể lại:

Tổ Bát-nhã-đa-la hỏi: “Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?” 
Bồ-đề-đạt-ma đáp: “Vô sinh vô sắc”. 
Tổ hỏi tiếp: “Trong mọi thứ, cái gì vĩ đại nhất?” 
Bồ-đề-đạt-ma đáp: “Phật pháp vĩ đại nhất”.

Vào thời kỳ Nam Bắc triều ở Trung Quốc, vua Lương Vũ Đế một vương triều ở phía Nam rất chuộng đạo Phật, nhà vua đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Để phát dương Phật giáo Trung Quốc, Vũ Đế cho người qua Ấn Độ thỉnh Bồ-đề-đạt-ma qua kinh đô Nam Kinh để thọ giáo. 

Cuộc gặp gỡ giữa Bồ-đề-đạt-ma và Vũ Đế được các ngữ lục ghi lại như sau. 

Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”

“Tại sao không công đức?”

“Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”

“Vậy công đức chân thật là gì?”

Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian như xây chùa, chép kinh, độ tăng mà cầu được.”

Vua lại hỏi: “Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?”

“Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.”

“Ai đang đối diện với trẫm đây?”

“Không biết.”

Đó là những lời khai thị về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, nhưng Vũ Đế không lĩnh hội được. Cuộc gặp với Lương Vũ Đế cho Bồ-đề-đạt-ma thấy rõ là chưa đến thời truyền pháp tại Trung Quốc. Sau đó, theo truyền thuyết, sư vượt Trường Giang về Bắc bằng một chiếc thuyền con, đến Lạc Dương, lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn. Nơi đây, Bồ-đề-đạt-ma quay mặt vào vách không nói, tu thiền định trong 9 năm.

Sau thời gian thiền định, Bồ-đề-đạt-ma bắt đầu nhận đệ tử và truyền y bát của mình. Vào thời điểm này, xã hội ở Trung Nguyên còn xa lạ với các sinh hoạt Phật giáo. Những cảnh tượng như chư tăng trọc đầu, mặc áo cà sa, đi khất thực thường gây ra những chuyện thị phi. Để giúp đệ tử tự vệ khi xuống núi, Bồ-đề-đạt-ma dựa trên kiến thức võ học Ấn Độ, sáng chế ra vài đường quyền gọi là Đạt Ma quyền một trong những môn võ học căn bản của chùa Thiếu Lâm. Sau này các đệ tử kế nghiệp phát triển thành một ngành võ học nổi tiếng ở Trung Quốc gọi là võ Thiếu Lâm.

Căn cứ theo thuyết thì Bồ-đề-đạt-ma sống đến 150 tuổi, cuối cùng bị đầu độc và được an táng ở Hồ Nam. 

Có một vị tăng người Trung Quốc đi hành hương ở Ấn Độ về nói lại là có gặp Bồ-đề-đạt-ma trên núi Hùng Nhĩ gần biên giới Ấn Độ. Lúc đó, Bồ-đề-đạt-ma tay cầm một chiếc dép, cho biết mình trên đường về Ấn Độ. 

Về tới Trung Quốc vị tăng này vội báo cho đệ tử, đệ tử mở áo quan ra thì không thấy gì cả, chỉ có một chiếc dép. Vì tích này, tranh tượng của Bồ-đề-đạt-ma hay được vẽ vai vác gậy mang một chiếc dép.

Nhị tổ Huệ Khả

Đại sư họ Cơ, hồi nhỏ tên là Quang, quê ở vùng Võ Lao, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Cha sư đã lâu không có con nên thường cầu tự, một tối có ánh sáng lạ chiếu khắp nhà, mẹ sư từ đó mang thai. Từ bé sư đã có chí khí khác người, thông đạt các lý lẽ huyền diệu, không ham cầu tài sản, thường hay đi đây đó vãn cảnh.

Một hôm sư đọc Kinh Phật, trong lòng muốn tu hành giải thoát, bèn đến chùa Long Môn, núi Hương Sơn, Lạc Dương xuất gia với Pháp sư Bảo Tịnh. Sau đó thọ giới cụ túc tại chùa Vĩnh Mục. Sư đi khắp nơi học các giáo lý của Đại Thừa, Tiểu Thừa.

Năm 32 tuổi, sư trở lại Hương Sơn, suốt ngày chuyên tâm tọa Thiền trong 8 năm. Một hôm, đang lúc ngồi Thiền, bỗng thấy một thần nhân hiện ra, nói: “Ông muốn được đạo quả, sao còn nấn ná nơi đây. Truyền pháp đạo lớn không xa, nên đi đến phương Nam”. Sư biết là có thần linh giúp sức, nên đổi hiệu thành Thần Quang.

Hôm sau, cảm thấy đầu đau nhức như kim châm. Sư phụ là Bảo Tịnh định ra tay cứu chữa, bỗng trên không trung có tiếng: Đấy là đổi xương cốt, không phải đau nhức thường. Sư bèn đem chuyện thấy thần nhân thuật lại, thầy Bảo Tịnh thấy xương trên đầu sư nhô lên như năm đỉnh núi, bèn nói: “Hiện tướng điềm lành của ông tất sẽ chứng đạo. Thần báo ông phải sang phương Nam, ở đó có Đại sĩ Bồ-đề-đạt-ma chùa Thiếu Lâm, chắc đó là thầy ông đấy.”

Sư từ biệt thầy rồi đến Thiếu Lâm tham vấn đại sư Bồ-đề-đạt-ma, khi ấy sư 40 tuổi. Ban đầu Bồ-đề-đạt-ma chẳng để ý đến sự hiện diện của sư, để sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Để chứng minh Bồ-đề tâm của mình, sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ-đề-đạt-ma và sau đó được nhận là môn đệ. Tắc thứ 41 trong Vô môn quan có ghi lại cuộc đàm thoại đầu tiên giữa Bồ-đề-đạt-ma và Huệ Khả như sau:

Bồ-đề-đạt-ma ngồi nhìn vách tường. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói: “Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”
Đạt-ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”
Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”
Đạt-ma đáp: “Ta đã an tâm cho con.”

Sư ngay đó liền đại ngộ.

Khi Bồ-đề-đạt-ma có ý muốn hồi hương, trước khi về, gọi đệ tử trình bày sở đắc: “Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình.”

Đạo Phó bạch: “Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự.”
Sư đáp: “Ông được lớp da của tôi rồi.”

Ni Tổng Trì nói: “Chỗ giải của tôi như cái mừng vui thấy nước Phật, tâm bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa.”
Sư nói: “Bà được phần thịt của tôi rồi.”

Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch: “Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào khả được.”

Sư đáp: “Ông được bộ xương của tôi rồi.”

Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Sư bảo: “Ngươi đã được phần tuỷ của ta.”

Rồi ngó Huệ Khả, sư nói tiếp: “Xưa Như Lai trao Chánh pháp nhãn tạng cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ, luôn với áo cà sa để làm vật tin.”

Sư lại nói thêm: “Ta có bộ kinh Lăng Già bốn cuốn, nay cũng giao luôn cho ngươi, đó là đường vào tâm giới, giúp chúng sanh mở được cửa kho tri kiến của Phật. Nay được ngươi để truyền thọ y pháp, ý ta đã toại!”

Đại sư Huệ Khả được xem như vị Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc. Dưới sư có 17 đệ tử đắc đạo, trong đó Đại sư Tăng Xán là được tâm truyền y bát.  

Tam tổ Tăng Xán

Niên hiệu Thiên Bình, năm thứ hai đời Bắc Tề (550-577), Tăng Xán lúc đó vốn là cư sĩ, tuổi khoảng 40, người đầy bệnh tật, mụn nhọt. Nghe danh Tổ Huệ Khả giáo hóa pháp môn Thiền tông, sư ngưỡng mộ liền đến yết kiến và được đại ngộ.

Sư đến đỉnh lễ rồi hỏi: ”Đệ tử mình đầy tật bịnh, thỉnh Hòa thượng sám tội cho.”
Tổ bảo: ” Đem tội ra đây ta sám cho”. 
Sư im lặng lúc lâu, bạch: ”Con kiếm tội mãi mà chẳng thấy được.”
Tổ nói: ”Ta đã sám tội cho ông xong rồi đó.”

Từ nay, ông nên nương theo Phật, Pháp, Tăng mà an trụ. Cư sĩ bạch: ”Nay gặp Hòa thượng thì biết thế nào là Tăng rồi nhưng xin hỏi cái gì gọi là Phật và Pháp?” Tổ đáp: ”Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp. Pháp, Phật không hai, Tăng bảo cũng vậy”. Sư nói: ”Nay mới biết tánh tội chẳng ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, cũng như tâm ấy, Phật và Pháp không hai vậy”. Tổ biết đã ngộ, rất coi trọng, bèn cho cạo tóc xuất gia, nói:” Ông là bảo vật cửa Phật của ta, nên lấy tên là Tăng Xán” (Xán là một loại ngọc quý).

Ngày 18/3 cùng năm, sư làm lễ thọ giới cụ túc tại chùa Quang Phúc, từ đó mụn nhọt, bệnh tật của sư cũng giảm dần.

Sư ở lại thị giả Tổ Huệ Khả được 2 năm, một hôm Tổ bảo: “Bồ-đề-đạt-ma từ Thiên Trúc xa xôi đến đây, đã đem Chánh pháp nhãn tạng cùng tấm tín y mật truyền cho ta, nay trao lại cho ông, ông nên giữ gìn, đừng để đứt đoạn.”
 
Tổ trao y cà sa và pháp xong, nói: “Ông nhận giáo pháp của ta rồi nên tìm vào núi sâu ẩn dật chưa thể đi giáo hóa ngay được, không bao lâu nữa sẽ xảy ra quốc nạn.” 

Thời Hậu Chu (951-959), vua Võ Đế hủy diệt Phật pháp, sư tới lui núi Tử Sơn, huyện Thái Hồ. Chẳng ở nơi nào cố định trong hơn 10 năm, mọi người bấy giờ đều không biết đến sư.

Sau khi truyền y và tâm yếu cho đệ tử Đạo Tín xong, sư đến núi La Phù, ở đây trong 2 năm. Sau đó về ở chùa Sơn Cốc 1 tháng, mọi người hay tin đã kéo nhau đến thiết đàn cúng dường.

Vào niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ hai, Bính Dần, ngày 15 tháng 10, sư sau khi tuyên giảng tâm yếu Phật pháp cho bốn chúng xong, chắp tay dưới cội cây lớn mà tịch. 

Tứ tổ Đạo Tín

Sư thuộc họ Tư Mã, dòng họ lâu đời ở Hà Nội (sau này là Thẩm Dương), Trung Quốc, sau gia đình sư dời đến huyện Quảng Tế, Kỳ Châu. Lúc mới sinh ra, sư đã dị thường. Từ bé sư đã đọc kinh và ưa chuộng các môn học giải thoát của Phật giáo, như là đã có duyên từ trước.

Sau đó sư xuất gia và đến thời nhà Tùy (581-619), lúc mới 14 tuổi, sư đến lễ Tổ Tăng Xán:

Nguyện Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn cởi mở”. 
Tổ hỏi: ”Ai trói buộc ông?”. 
Sư nói: ”Chẳng ai buộc cả.”
Tổ nói: ”Vậy cớ gì phải cởi mở.”


Sư nghe vậy liền đại ngộ. Sau đó, ở lại theo hầu cận Tổ trong 9 năm, rồi thọ giới tại Cát Châu. Sư rất tận tâm hầu hạ thầy, Tổ thường nêu lẽ huyền vi ra hỏi sư để kiểm tra xem đã triệt ngộ chưa, rồi truyền y cà sa và pháp. 

Rồi Tổ căn dặn: “Xưa, Huệ Khả Đại sư truyền pháp cho ta, sau đó đến Nghiệp Đô hành hóa 30 năm mới tịch. Nay ta được ông thì còn nấn ná lại đây chi nữa?”

Sau khi kế thừa Tổ vị, sư chuyên tâm tọa Thiền, không nằm ngủ hay ngả lưng xuống chiếu trong 60 năm.

Đời Đường niên hiệu Vũ Đức, năm Giáp Thân, sư trở lại Kỳ Xuân, trụ tại núi Phả Đầu, người đến thọ học rất đông. Từ đây Thiền tông bắt đầu tiến lên giai đoạn mới, tăng sĩ không còn nay đây mai đó khất thực mà tu học định cư tại các Thiền viện. Ngoài ra, việc nghiên cứu học hỏi kinh sách không còn giữ giá trị tuyệt đối nữa mà thay vào đó là sự ứng dụng. Thực hành Phật pháp được coi trọng hơn hết và đó cũng là một trong những đặc điểm cơ bản đưa Thiền tông lên cao trong đời nhà Đường.

Đời Vua Đường Cao Tông, niên hiệu Vĩnh Huy, ngày 4 tháng 9, sư bỗng dặn dò môn nhân rằng: “Hết thảy các Pháp đều là giải thoát. Các ông đều phải tự hộ niệm, truyền bá đời sau.” Nói xong, sư ngồi yên thị tịch, thọ 72 tuổi, tháp lập ngay tại núi Phá Đầu. 

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn

Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép, sư họ Chu (lấy theo họ mẹ), quê ở huyện Hoàng Mai, Kỳ Châu, khi sinh ra đã có dị tướng. Lúc trẻ, sư đi chơi gặp một vị đại sư được khen rằng: “Đứa trẻ này chỉ kém Như Lai có bảy tướng.” 

Ngày nọ, Tứ Tổ Đạo Tín đến huyện Hoàng Mai, trên đường gặp sư, khi ấy sư còn là đứa trẻ 7 tuổi. Thấy sư thanh tú, kỳ lạ, khác hẳn những trẻ bình thường khác. 

Tứ Tổ hỏi: “Con tính (họ) gì?”
Sư đáp: “Tính thì có, nhưng không phải tính thường.”
Tổ hỏi: “Là tính gì?”
Sư đáp: “Là tính Phật.”
Tổ hỏi: “Con không có tính (họ) à?”
Sư đáp: “Tính vốn không, nên không có.” 

Tổ biết sư là pháp khí, liền bảo thị giả đến nhà sư, xin cho sư được phép xuất gia. Người mẹ cho là sư vốn có duyên xưa, mặt không lộ vẻ từ chối, liền cho con xuất gia theo Tổ làm đệ tử cho đến khi được phó pháp, truyền y bát. 

Sau khi Tứ tổ qua đời, sư thành lập một Thiền viện trên núi Hoàng Mai và truyền bá Thiền tông rộng rãi, hình thành nên pháp môn Đông Sơn lấy Kinh Kim Cương Bát Nhã thay thế cho Kinh Lăng Già. Tư tưởng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lấy việc liễu ngộ bản tâm làm tông chỉ, giữ gìn tâm trong sạch vô niệm làm cốt yếu của sự tham học. 

Niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai (674), sư nói với các môn đệ: “Việc ta nay đã xong, đến lúc phải đi thôi.” Rồi vào thất, ngồi an nhiên thị tịch, thọ 74 tuổi. Đệ tử xây tháp thờ tại Đông Sơn, Hoàng Mai. 

Sư có nhiều môn đệ, trong đó nổi bật nhất là hai vị đại sư hình thành nên hai tư tưởng Thiền khác nhau: Lục Tổ Huệ Năng sáng lập Thiền Nam Tông, chủ trương Đốn Ngộ, về sau trở thành Thiền tông chính tông và Thiền sư Thần Tú sáng lập Thiền Bắc Tông, chủ trương Tiệm Tu. 

Lục tổ Huệ Năng

Sư họ Lư, người Tân Châu thuộc vùng Lĩnh Nam (nằm ở phía nam của Động Đình Hồ, tương truyền từng là lãnh thổ của bộ tộc Bách Việt). Sư sinh trong một gia đình nghèo, cha làm quan bị giáng chức tới Tân Châu và định cư tại đây.

Khi sư lên 3 tuổi thì cha mất, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim Cương, sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, sư liền đến tìm học. Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi chép việc sư yết kiến Hoằng Nhẫn như sau:

Trong thời Hàm Hanh, có một cư sĩ họ Lư, tên Huệ Năng, từ Tân Châu đến ra mắt sư.

Tổ hỏi: Ông từ đâu tới?
Lư đáp: Lĩnh Nam.
Tổ hỏi: Đến muốn cầu việc gì 
Lư đáp: Chỉ cầu làm Phật.
Tổ hỏi: Người Lĩnh Nam không có Phật tánh, làm sao làm Phật được?
Lư nói: Người thì có Nam – Bắc, Phật tánh há cũng vậy sao?
Tổ biết là dị nhân, liền nạt rằng: Thâu nhận xuống nhà sau đi.

Lư đảnh lễ chân Tổ lui ra, rồi vào nhà giã gạo, nhận việc đạp cối lao nhọc, ngày đêm không nghỉ.

Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thần Tú, một đệ tử với tri thức uyên bác mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ lên vách tường hành lang như sau:

Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám

Ngũ Tổ thấy bài kệ, biết là Thần Tú chưa vào cửa được, nhưng vẫn khen ngợi bảo đại chúng thường ngày trì tụng, sẽ được kiến tánh. Vào lúc đó, Huệ Năng đang làm việc trong bếp, nghe tăng đọc bài kệ, biết liền kệ này chưa thấy “bản tánh,” vì không biết chữ nên nhờ người viết bài kệ của mình như sau:

Bồ đề chẳng phải cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không phải vật
Nơi đâu bụi trần bám

Nghe bài kệ, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, nên quyết định truyền y bát cho Huệ Năng nhưng sợ người di hại nên bôi bài kệ đi, bảo rằng cũng chưa thấy tánh. Hôm sau, Tổ lén đến nhà bếp, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế”. Lại hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, chỉ chờ người sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ ba cái trên cối đá rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý Tổ, nên canh ba vào thất. Tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh Kim Cương cho sư. Đến câu “Đừng để tâm vướng víu nơi nào,” sư hoát nhiên đại ngộ.

Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên sư có nhiều học trò xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau.

Ngày mùng 3 tháng 8 năm ấy, sư đến chùa Quốc Ân ở Tân Châu, tắm rửa xong vào ngồi xếp bằng an nhiên thị tịch. Ngày 13 tháng 11, mọi người cùng đưa sư đến nhập tháp tại nơi này, thọ 76 tuổi. 

Có thuyết cho rằng Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam

Theo thiển ý của tác giả thì căn cứ theo truyền thuyết, Lục tổ là người gốc ở Lĩnh Nam. Lĩnh Nam là quê hương của nhóm bộ tộc Bách Việt bao gồm 100 bộ tộc nhỏ sống rải rác ở các tỉnh Hồ Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và miền Bắc của nước Việt Nam. Bộ tộc Bách Việt bao gồm nhiều chủng tộc, trong đó có chủng tộc Lạc Việt sinh sống ở vùng mà ngày nay là miền Bắc của nước Việt Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử, trong khi những bộ tộc khác của Bách Việt bị thôn tính lãnh thổ và bị đồng hóa, Lạc Việt cuối cùng vẫn tồn tại, thay đổi qua nhiều tên khác nhau, và bây giờ gọi là Việt Nam.

Theo quan điểm lịch sử hiện đại, quốc gia Việt Nam có nguồn gốc dân tộc Lạc Việt, bắt nguồn từ vùng Bắc bộ, với tiếng nói như tiếng Mường ngày nay. Cho nên nói Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam thì gượng ép lắm. Nói Lục Tổ là người Lĩnh Nam thì nghe có vẻ hợp lý hơn.

Lý Thành Phương
(sưu tập và nghiên cứu)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights