“Đào, phở và piano” cạn cợt, cẩu thả

by Tim Bui
“Đào, phở và piano” cạn cợt, cẩu thả

TRẦN TRIỀU

“Mai” và “Đào” là hai phim chiếu vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Mai là phim tư nhân phủ sóng hầu hết các rạp ở Sài Gòn, nghe nói tiền vé lên đến bốn năm trăm tỷ đồng. “Đào” là phim nhà nước tài trợ, chiếu ở Hà Nội, được một vài tờ báo, trang mạng xã hội tung tin là “khán giả mua vé sập mạng”, khán giả “khóc từ đầu đến cuối”! Nghe nói tiền vé phim này thu vô cũng được vài chục tỷ đồng!

Người Sài Gòn nghe “tin đồn” liền xếp hàng mua vé để coi vì sao phim “sập mạng”, người coi “khóc” khi phim được đem vô Sài Gòn chiếu. Bài dưới đây là ý kiến của một khán giả Sài Gòn sau khi coi phim.

Tôi xem “Đào, phở và piano” được gần một nửa thì hết kiên nhẫn và phải bỏ về.

Dưới đây là nhận xét khó chịu về phim, theo góc nhìn cá nhân.

Phim mở đầu với bối cảnh nhóm quân bám trụ Hà Nội, có những cảm tử quân quyết bảo vệ Hà Nội vào mùa Đông 1946, khi hầu hết người dân đã di tản về quê. 

“Hoạt cảnh” là thứ tôi thấy chứ không phải phim điện ảnh. Cảnh chiến tranh giữa cảm tử quân Việt Nam với khí tài đơn sơ chống lại lính Pháp hiện đại được dựng và diễn y như hoạt cảnh. Hoạt cảnh tức là học sinh hoặc nhân viên một công ty, đơn vị nào đó tái diễn một cảnh trong lịch sử. Ở đó có sự cố gắng diễn và nó thể hiện thô sơ, vụng về và vì vậy cũng thiếu chân thực, không tạo ra cảm xúc.

Bạn hình dung, mình xem phim điện ảnh mà như xem hoạt cảnh, khó chịu vô cùng. Bởi đơn giản là bối cảnh đổ nát, khói lửa, chết chóc làm chưa “tới”.

Cảnh đổ nát trông như dùng xốp và xịt sơn lên, vô hồn, rất ít khói và không có bụi khi đổ nát.

Ngay như cảnh “đinh” nhất trong phân cảnh này là “cảm tử quân dáng thư sinh ôm bom ba càng lao thẳng vào địch”, tất nhiên là hy sinh. Nhưng do các chi tiết khác làm không tới, không tạo được cảm xúc nên chi tiết “đinh” đó không tạo được bi tráng, chẳng tạo được xúc động, khiến khán giả trơ ra.

Hết phân cảnh này, khán giả bắt đầu có cảm giác sốt ruột và chuẩn bị thêm kiên nhẫn để xem tiếp với hy vọng “thứ hay ho hơn đang ở phía trước”. 

Nhưng không. Những chi tiết cẩu thả và phi lý khiến khán giả bị đẩy lên sự khó chịu, càng coi càng thấy phim sượng và cảm thấy tức tối khi xem.

Về bất hợp lý, xin được kể 2 chi tiết. 

Cô tiểu thư Hà thành rất quý cây piano. Trong đống đổ nát của thành phố, lực lượng bảo vệ thủ đô cùng cô cẩu cây đàn từ trên lầu xuống để giữ lại nó. Nhóm người ở trên lầu và ở dưới đất đang bu lại, loay hoay với cây đàn cồng kềnh thì có loạt súng bắn đứt sợi dây, đàn rơi xuống, bể. Anh đội trưởng của quân ta bảo là Pháp bắn. Ủa, sao Pháp chạy đến bắn sợi dây cho hư cây đàn, mà không bắn vào nhóm người đang cẩu đàn? Nhóm cẩu đàn vẫn ở đó, ngẩn ngơ nhìn cây đàn hỏng mà không ai bị bắn. Chưa kể câu hỏi, nếu cây piano không rớt hể thì cô gái nọ sẽ chuyển nó đi đâu?

Chi tiết thứ 2, ông phán Tây học mê ca trù (ca sĩ Tuấn Hưng đóng) vẫn ở lại thành phố, tận hưởng phong lưu giữa đổ nát của thành phố, dưới sự “bảo vệ” của lính Pháp.

Nhưng vì ông mê cái đẹp nên dũng cảm chở dùm cành đào cho cảm tử quân lao qua chiến tuyến, đưa đến cho quân ta thưởng thức. Phi lý ở chỗ, lý do “yêu cái đẹp” có đủ mạnh để ông ấy liều mạng lái xe chở cả đào lẫn người lao qua vòng tuyến Pháp, bị bắn suýt chết mấy lần.

Mang cái đẹp đến cho người khác, mình phải hy sinh tính mạng? Và một kẻ phong lưu, thích chơi bời hưởng thụ thì có cái khí chất “vì cái đẹp mà bất chấp tính mạng” đó không? Có thể là có nhưng đạo diễn phải thể hiện rõ hơn lý do tại sao có chứ không phải chỉ thích là làm. Trong bối cảnh đó, ông ấy làm liều vậy rồi làm sao có thể trở lại biệt thự? Ăn trắng mặc trơn vậy, có kẻ hầu người hạ vậy sao có thể về quê để chịu cảnh tay lấm chân bùn? Ở đây, đạo diễn khiến khán giả (dù cố) cũng không thấy được sự hợp lý.

Vì các chi tiết khác được dàn dựng quá mỏng và yếu, nên đến khi chi tiết (được xem là điểm nhấn của phim) cô tiểu thư Hà thành chơi một bản nhạc với dương cầm cho các anh lính nghe giữa chiến trường đổ nát đã không đạt được hiệu ứng “xúc động trước cái đẹp.” Vì đơn giản là khán giả đang bị ức chế, lợn cợn, khó chịu với các phân cảnh trước đó.

Đó là chưa kể, khi xem cảnh này, nhiều người xem liên tưởng ngay đến cảnh kinh điển trong điện ảnh thế giới có trong phim “Piano.” Lúc đó, người nghệ sĩ Do Thái đàn cho tên Đức Quốc xã nghe một bản dương cầm giữa đổ nát chiến tranh. Cảm giác của của khán giả lúc đó là đang xem cảnh “vừa không hay, vừa có vẻ là sao chép.”

Hoá trang cẩu thả là một trong những yếu tố gây hại cho bộ phim. Cành đào – chi tiết đóng “vai chính” của phim được dùng là một cành đào giả trân. Giả và vụng đến mức nhìn vào thấy giả ngay: các bông hoa lớn bằng nhau, được kết đều trên cành, màu và hình dáng cánh hoa cứng. Cành đào là linh hồn của bộ phim, lại tạo cảm giác giả rõ ràng vậy thì sao mang lại cảm xúc?

Trong nhà tiểu thư Hà thành, lúc chưa có chiến tranh, có một bình hoa hồng được đạo diễn làm tiền cảnh cho cảnh nữ chính chơi piano, cũng cho thấy rõ là bình hoa hồng đỏ là hoa giả làm bằng vải. Hoa đào, nếu trái mùa có thể kiếm hoa giả nhưng trông nó đẹp hơn, thật hơn, thiếu gì. Hoa hồng, tiếc gì một bó hoa thật mà phải dùng hoa giả?

Rồi phân cảnh được xem là “lãng mạn cách mạng” nhất: đôi lứa lên sân thượng tòa nhà để ngọt ngào bên nhau đêm cuối và ngắm thành phố từ trên cao. Lúc này, bối cảnh là năm 1946, nhưng nữ chính mặc “quần què” gây cảm giác “coi thường khán giả.”

Quý cô có thể hình dung, đó là chiếc quần người ta thường mặc “bảo hộ” khi vận váy hớ hênh vào năm 2024. Vậy mà năm 1946, cô tiểu thư mặc cái quần đó, đứng lên xoay mấy vòng. Lúc đó tôi trộm nghĩ, quần này thật quen thuộc, mình đã thấy nó ở đâu, à thấy nó quảng cáo 35k/ quần trên Shopee.

Kể sơ để thấy sự cẩu thả và vô lý của phim, từ đó gây sượng sùng, chán nản về mặt cảm xúc khi xem phim.
Có mấy bài báo viết rằng khán giả đã khóc từ đầu đến cuối. Tôi không hiểu tại sao lại khóc được? Tôi không tin là có nhiều người khóc khi xem phim này. Bạn bè của tôi, ai từng khóc khi xem, có thể comment được không ạ? Tôi mong là tôi sai. Có lẽ khóc vì tiếc tiền mua vé!

Một anh bạn tôi bảo rằng, thương ekip làm phim, chỉ 20 tỉ mà phải làm phim chiến tranh, thiếu thốn trăm bề. 

Nhưng quan điểm của tôi lại khác. Tôi cho rằng, làm ra bộ phim tệ như vậy thì 20 tỷ vẫn là đắt. Làm ra phim đáng xem, 100 tỷ vẫn là rẻ. Nếu nhắm không đủ kinh phí thì đừng làm. 

Tôi có tự vấn rằng mình có nên viết ra những lời nặng nề này không? Vì ekip làm phim đã rất vất vả, viết vậy thì nhẫn tâm quá.

Nhưng các bạn ạ, 20 tỷ đó là tiền Nhà nước. Nhưng Nhà nước làm gì có tiền, bản chất là tiền của người dân đó. Tôi và bạn đóng thuế mỗi ngày đó.

Tức là ekip làm phim đang dùng tiền của người dân để làm. Thì người dân có quyền đòi hỏi chất lượng, thậm chí đòi hỏi cao hơn phim tư nhân chứ. Tôi cho rằng, các món khác có thể hay, có thể dở. Ví dụ ít tiền thì ăn hủ tiếu gõ, nhiều tiền thì ăn Liến Húa. Nhưng sản phẩm nghệ thuật, một là không làm, hai là phải làm hay, không được nhàng nhàng. Nếu nhắm không đủ kinh phí hoặc không đủ khả năng thì không làm.

Tôi vẫn không tin rằng các rạp cháy vé phim Đào, phở và piano. Tôi vào xem, rạp vỏn vẹn 7 người. Nếu chỉ đọc báo thì…

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights