Phải làm gì với ông chồng gặp đâu chầu đó?

by Tim Bui
Tôi

MẮT NÂU

Hỏi: Chào nhà văn Mắt Nâu. Tôi tên Linh 56 tuổi. Có ba con đã lớn, có luôn ông chồng không bao giờ biết từ chối, nghĩa là luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của người khác. Ai nhờ gì ông cũng gật đầu cũng nhận lời, tận tình giúp đỡ, lật đật bận rộn, không lúc nào thong thả, chẳng có cả thời giờ cho bản thân. Đôi khi tôi tự hỏi tính bao đồng này của chồng tôi tốt hay không tốt? Có thể gọi là ôm đồm, là gặp đâu chầu đấy? Hay gọi là làm việc thiện?       
Tôi quan niệm tốt với mọi người, mà không biết tốt với mình chưa hẳn là tốt. Tốt quá mức cần thiết, không biết suy xét có thể gọi là khờ hay ngu dại không? Tôi giải thích nhiều lần mà chồng không nghe. Phân tích mãi không chịu hiểu.
Góp ý thì ông ấy bảo đó là bản năng, là tính trời sinh không sửa đổi ngay được.  Và đổ thừa vì có vợ quá khôn ngoan, quá giỏi giang, làm việc gì vợ cũng không vừa lòng, bị cho là hậu đậu, chẳng tích sự gì … thà đi giúp người ngoài, khỏa lấp mặc cảm vô dụng.
Tranh luận hoài cũng mệt. Nghĩ tới nghĩ lui cũng nhức đầu. Tôi phải làm sao? Có cách nào nhẹ nhàng hơn xin mách nhỏ dùm. 

Đáp: Chuyện đời phức tạp, rắc rối… đôi khi chỉ vì vượt quá mức trung bình.   Trung bình là mức bình thường. Vượt quá bình thường đương nhiên mệt mỏi, vì trung bình là ở giữa, bình thường là dành cho tất mọi người, không nhiều không ít, không cao không thấp, biểu hiện  thăng bằng, trung hòa cuộc sống.

Tuy đây là luật bất thành văn, nhưng bình thường được đa số xác nhận, và được nằm trong thuyết trung dung – Hình tượng thăng bằng là  một cán cân trên mặt phẳng với hai đĩa cân ngang nhau,  được lấy làm biểu tượng cho ngành luật, vì luật pháp là cán cân công lý giúp công bằng ổn định trật tự xã hội.

Sự thăng bằng rất cần cho xã hội con người – Giúp ổn định đời sống, quân bình tư tưởng. Mất quân bình, tư tưởng lệch lạc, dễ bị tổn thương, tâm tư bất ổn như dây tơ lỡ phím, như đàn ngang cung. 
Vượt quá trung bình, nói lên tính cực đoan dễ gây ngộ nhận.
Thành ngữ Hán-Việt có câu “Thái quá bất cập,
Thành ngữ Pháp có câu “Tout texte c’est mauvais,”
Anh ngữ bảo rằng Too much is not good.” 
Thành ngữ Việt Nam thì nói xa gần “Ôm rơm nặng bụng,” “Ăn quá thì bội thực“…. 

Tất cả đều xác định, sự thái quá là không tốt – Ngay cả hiền lành quá (hiền quá hóa khờ khạo, hóa đần).  Tốt bụng quá (tốt quá hóa ngu), cũng dẫn đến hệ quả đáng tiếc chỉ vì sự quá độ tuân theo diễn biến và chuyển biến lòng người nơi cõi phàm trần tục lụy.
Và đã nhiều truyện ngụ ngôn ghi lại hệ quả xấu này như lời nhắc nhở cảnh tỉnh thế nhân.
Thoáng nghe cũng lạ: Ác quá, xấu quá, không tốt đã đành. Hiền quá, tốt quá cũng không tốt. Là sao?
Là vì trên trung bình hay dưới trung bình chỉ là ngắn hạn, không tồn tại để dung hòa nhịp sống, phục vụ lâu dài cho nhu cầu hạnh phúc đời người.
Trên đời chẳng có gì vĩnh cửu… Nhiều thì thặng dư. Ít thì không đủ. Dư hay thiếu đều mất cân bằng, tạo áp lực bất thường, bất ổn dẫn đến trạng thái bất an.

Trong trường hợp gia đình bà, một bên là người vợ quá khôn ngoan, quá linh hoạt, quá giỏi giang, quá đảm đang (cái gì cũng quá) … Bên kia là người chồng, trong mắt vợ, là người hậu đậu, vô tích sự. Sự kiện này đẩy người chồng vào tình trạng thấy mình bị xem thường, có mặc cảm tự ti, để biến thành kẻ ôm đồm, thích giúp người khác, không biết từ chối, vì khi đáp ứng được yêu cầu của mọi người, ông ta thấy mình được tôn trọng, là người hữu ích, trong mắt của những người ông giúp. Điều này giúp ông vượt qua được mặc cảm tự ti, bị xem thường…
Đấy là việc đang rơi vào tình huống “thái quá bất cập,” cả từ hai phía.
Sự bất cân xứng lâu dần tạo thành lệch lạc, dẫn đến sự mệt mỏi trong cuộc sống chung.
Trước tình trạng như vậy, phía này giải thích, phía khác không nghe. Bên này phân tích, bên kia không chịu hiểu. Khi vợ góp ý thì “chồng trả lời đó là bản năng, là tình trời cho không sửa đổi ngay được…
Hai quan điểm của hai cá tính cực đoan, phát sinh từ  tự ái… nghe  cũng nhức đầu.

Bây giờ người vợ hãy thử:
1) Cố gắng giảm tính đảm đang, tính linh hoạt, tính khôn ngoan cố hữu của mình. 
2) Thay đổi lối góp ý, đừng phân tích quá cứng làm phía kia tự ái, và càng bị tổn thương.
3) Giảm phê phán khiến người nghe mang mặc cảm hậu đậu, mỗi khi làm chưa đúng ý.
4) Ánh mắt dịu, nói lời nhẹ nhàng, hy vọng phục hồi mặc cảm vô-tích-sự của đối phương.
5) Tạo thói quen dựa vào chồng, cứ nhờ hết việc này đến việc nọ cho đồng cân đồng lượng.
6) Không thắc mắc gì cả, không lý giải tính ôm đồm kia là bao đồng hay từ thiện.
7) Khi công việc ở nhà nhiều, và thấy mình được trân trọng mỗi khi làm xong một việc, người chồng sẽ dần dà không cần thấy
mình phải ra ngoài để tìm cảm giác được quý trọng nữa.

Khi đã được như vậy thì từ ngữ không quan trọng nữa.

Một người mà ai nhờ cũng gật, cũng tích cực nhận lời… chẳng lẽ vợ nhờ, lại lắc đầu.
Thay đổi không gian sống, thay đổi lối cư xử. Dần dần sẽ tạo được thói quen mới. 
Hơi khó một chút nhưng nếu hai bên cùng quyết tâm thì có thể làm.
Tự ái và tự trọng sẽ vẫn còn nguyên, không mất đi đâu cả.

Thực hiện điều này dựa trên công án chuyển lòng người, nhờ chân tình, nhờ uyển chuyển, đặc biệt là lòng kiên nhẫn, vị tha và một chút hy sinh.

“Không thay đổi được bên ngoài … hãy thay đổi chính mình” 
Trong tôn giáo, trong đạo giáo, điều này gọi là Chuyển-Hóa-Tâm. Trong triết học cổ thư, đó chính là Đắc-Nhân-Tâm vậy.

Đắc-nhân-tâm: được lòng người
Một ẩn số lớn tuyệt vời ở trần gian
Dẫu cho núi bạc sông vàng
Lòng người thu phục cho ngàn đời sau

Chúc bà nhiều may mắn!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights