Những bài ca Noel đi qua tôi trong chiến tranh

by Tim Bui
Những bài ca Noel đi qua tôi trong chiến tranh

TRẦN HỮU NGƯ

Tôi như gắn chặt những trang viết của mình vào chiến tranh. Trước 1975, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn có một tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”. Riêng tôi, sau 75, tôi có tập tùy bút “Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh”.  Và tôi đã xuất bản 6 tập sách không thiếu “mùi chiến tranh”.

Vì sao?

Theo tôi, chỉ riêng về lĩnh vực âm nhạc: Nếu không có chiến tranh sẽ không có nhạc hay và nhiều thứ quý hiếm khác mà sau hòa bình đốt đuốc đi tìm cũng không thấy.

Chiến tranh là chất liệu để người nhạc sĩ viết nên những bài tình ca quê hương, những mối tình của đôi lứa dang dở, những hợp tan, những đau khổ xé trời, những niềm vui không trọn vẹn, những nỗi chết không rời, dù tương lai có xa, dù cái chết có gần, vẫn cam lòng mà chịu vì coi đó như định mệnh đã an bài!

Nhạc miền Nam trước 75, nhất là nhạc Boléro là những tiếng lòng, trong đó đôi khi là những tiếng kêu bi thương giữa anh và em – giữa chúng ta – giữa tất cả những người mang chung một số phận, một thứ định mệnh đã an bài, đứng trước đôi bờ sinh tử…

Có điều làm mọi người yêu mến nhạc miền Nam là, nó được sinh ra trong chiến tranh, nhưng lại rất thanh bình, vì đó là bản chất của người miền Nam hiền như cây lúa, thật như đếm, cởi lòng để trao đi, mà không cần nhận lại, không triết lý ba xu, không nịnh bợ, nâng bi…

Bây giờ là hòa bình, nhưng không có nhạc thanh bình, vì giữa hòa bình và thanh bình, tưởng gần, nhưng còn cách xa một trời một vực! Có người bạn nói với tôi:

    -Hòa bình rồi mà nhạc gì mà như giặc, hát như tiếng nổ AK? Can đảm lắm mới nghe hết bài!

   Ô, nghe nhạc mà phải can đảm!

   Trở lại “Những bài ca Noel đi qua tôi trong chiến tranh.”   

Tôi là người ngoại đạo, nhưng những đêm Noel tôi cũng quần áo chỉnh tề đến nhà thờ như một con chiên ngoan đạo để… xem người ta làm lễ! Và biết đâu, trong giờ phút “Cao cung lên” này, tôi để lòng mình trôi theo tiếng nhạc bất tận, êm-đềm, tiền kiếp thoáng hiện và “tôi như được hóa sinh:”

   “… Cao cung lên khúc nhạc thiên thần chúa   
Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương
   Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn…”

Những bài hát Noel của một thời chiến tranh đã làm cho con người ngoại đạo như tôi khó mà quên được. Những bài nhạc Noel còn đó, chiến tranh hay hòa bình, Noel vẫn là nhạc Noel. Thời gian là Giáng Sinh, không gian là đêm, thời cuộc là chiến tranh, vậy mà có những cặp tình nhân, vợ chồng  tay trong tay dìu nhau đến nhà thờ. Bây giờ nhớ lại, tôi tiếc nhớ những mùa lạnh đêm Noel thời của chiến tranh:

   “… Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
    Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
    Trong Hang Bê Lem ánh sáng tỏa ra tưng bừng
    Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng…”

Nhạc Noel nổi đình nổi đám là những liên khúc Happy Christmas, Christmas Time… có một bài “đinh” là Silent Night mà một linh mục nghèo tên là Mohr viết  năm 1816.

Silent Night như là hành khúc mở đầu đêm Noel, về sau được nhạc sĩ Hùng-Lân (người nổi tiếng với ca khúc “Khỏe vì nước”) viết lời Việt có tên là “Đêm thánh vô cùng”: 

   “… Đêm thánh vô cùng   
Giây phút tưng bừng
   Đất với trời se chữ Đồng…”

Nhưng tôi vẫn thích những bài ca Noel Việt Nam như: “Bài thánh ca buồn” (Nguyễn Vũ), “Bóng nhỏ giáo đường” (Phượng Linh, tức Nguyễn Văn Đông), “Chiều bên giáo đường” (Lê Trọng Nguyễn), “Cao cung lên” (Hoài Đức – Nguyễn Khắc Xuyên), “Hang Bê Lem” (Hải Linh – Minh Châu) “Trong giáo đường đêm Noel ấy” (Nguyễn Thiện Tơ), v.v… 

   Và bài viết này, tôi muốn hỏi rằng: 

   -Cô bé Bạch Quyên, một giọng ca thần đồng trong băng nhạc “Sơn ca 3,” trong ca khúc “Lá thư trần thế” của nhạc sĩ Hoài Linh, ngày ấy, bây giờ là ai? Còn sống và đã trôi dạt phương nào? Tam ca cất giọng trong “Lá thư trần thế” gồm Duy Khánh, Thanh Tuyền và Bạch Quyên. 

    Duy Khánh, một làn hơi dài như có lửa ấm, trịnh trọng đầy tự tin: 

   “… Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên
   Vì xa thành phố xa quá nên quên
   Đêm nay ngôi hai trời xuống
   Ánh sao lung linh muôn màu
   Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu…”

   Rồi…Thanh Tuyền, như tiếng sáo diều cao vút, để nén khổ đau mới thốt nên lời:
   “… Lạy Chúa con là thiếu phụ miền quê
   Chồng con vì nước nên đã ra đi
   Hai ba năm chưa thỏa chí
   Hết Thu qua Xuân sang Hè
   Con đợi tàn Đông mới tin về…”

   Rồi… cô bé Bạch Quyên thơ ngây, trong trẻo thốt ra như một tiếng lòng:

   “… Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh
   Vì cha là lính con thiết tha xin
   An vui cho người đầu tuyến
   Tuổi thơ yên tâm sách đèn
   Để mẹ hiền con hết ưu phiền…”

Một bài ca đẹp quá, dễ thương quá! Một hiện thực của chiến tranh dằn xé giữa sống và chết trong một bi ca quên làm sao được!  

Khó có ai làm lu mờ hình ảnh ấy, cho dù người ấy là ai. Nhưng “Lịch sử chiến tranh” vẫn còn đó, chỉ khác ở chỗ tô hồng hay nhuốm màu đau thương mà thôi. Bài hát cũng là lịch sử, nếu không ưa vì ganh tỵ cũng được, cà nanh cũng được, nhưng xin đừng ngộ nhận mà chụp mũ nó!  Những bài ca mang vết thương chiến tranh đều vô tội. Xin mượn lời của cố nhạc sĩ Lê Thương, dù ông nói đến nhạc “Tiền chiến”, nhưng tôi thấy nó giống nhạc “trước chiến tranh 1975”:

 “… Nhiều người (nhạc sĩ) đã chết trong thời binh lửa hoặc đang sống đó đây không bạn bè. Hát lên nhạc phẩm xanh mướt của tuổi thanh xuân, chắc sưởi ấm được tâm hồn họ ngoài xa cách…” (Trích trong Văn hóa Xưa & Nay trang 32 số 82b tháng 12 năm 2000).

Làm sao mà quên được “Lá thư trần thế”, bài hát khi vừa mới ra đời, đã ra được công chúng đón nhận từ năm 1968, và nhạc sĩ Hoài Linh  cũng đã qua đời từ năm 1995.

Tôi, một người ngoại đạo, nương theo hồi chuông thánh lễ, xin thành kính đốt nén nhang tưởng nhớ Hoài-Linh, và “Lá thư trần thế” sống mãi trong tôi, cho dù chiến tranh đã chấm dứt từ lâu.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights