Những bóng người trên… ‘ke ga’?

by Tim Bui
Những bóng người trên… ‘ke ga’?

HAI DỐT

Xin tạ lỗi với hương hồn nhà thơ Nguyễn Bính khi đổi tên bài thơ của ông.

Hệ thống xe điện ngầm [metro] của Sài Gòn đang vào thời kỳ hoàn thiện chuẩn bị hoạt động. Và nhiều người “bật ngửa” khi thấy hai chữ ‘Ke ga’, một chữ Việt chưa hề có trong tự điển tiếng Việt kể từ thời xa xưa, xuất hiện ở cửa metro này. Sau khi hình ảnh hai chữ này được đưa lên mạng xã hội thì dư luận trong dân chúng phản đối còn nhà cầm quyền thì bao biện!

Để hiểu thêm về hai chữ “kỳ cục” này, Hai tui xin giới thiệu bài viết của ông Matthew Chương, một người yêu tiếng Việt hết mức.

Năm 1878, hệ thống thiết lộ có mặt ở Sài Gòn do Công ty xe điện Pháp tại Đông Dương CFTI (Compagnie Francaise Tramway Électrique Indochine) thực hiện. Người Pháp đã xây dựng hệ thống xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn để phục vụ dân sinh. Ban đầu chỉ có tuyến chạy dọc theo “đường Dưới,” tức chạy cặp theo theo con đường ven rạch Bến Nghé vô Chợ Lớn, nay là đường Võ Văn Kiệt. Tới đầu thế kỷ 20 thì mở thêm tuyến “đường Giữa,” chạy từ Chợ Cũ theo đường Hàm Nghi rồi Trần Hưng Đạo vô Chợ Lớn. Ga trung tâm nằm ở trước Chợ Saigon Cũ trên đường Charner [nay là Nguyễn Huệ] và ga cuối là Chợ Lớn nằm ở góc đường nay là Hùng Vương [Drouhet]-Thuận Kiều. Tới cuối thế kỷ 19, hệ thống này mở thêm đường về phía Phú Nhuận dọc theo đường Hai Bà Trưng vô Gò Vấp rồi qua Hóc Môn [tỉnh Gia Định] và Lái Thiêu [tỉnh Thủ Dầu Một]. Xe điện này đến năm 1945 mới “hoàn thành nhiệm vụ!”

Ngày 20 tháng Bảy năm 1885, sau bốn năm xây dựng, chuyến xe lửa nối Sài Gòn – Mỹ Tho lăn bánh, đánh dấu sự ra đời của ngành thiết lộ Việt Nam và cũng là đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.

Người Pháp gọi “le train,” người Việt ở Nam Kỳ chuyển ngữ là “xe lửa”; “electric tramway” người Việt kêu là “xe điện;” người Pháp gọi “Quai de la gare,” người Việt chuyển ngữ là “sân ga.” Và chữ ga từ chữ “gare” đã được tiền nhân người Sài Gòn Việt hóa từ hậu bán thế kỷ 19. 

Trước đó, vào năm 1876 người Pháp cất một nơi dành cho tàu thuyền tiếng Pháp gọi là “Quai de commerce,” ở Cần Thơ, dọc theo bờ sông. 

“Quai” được Việt hóa là “bến”, sát nghĩa là “Bến thương mại” nhưng người Cần Thơ gọi là “Bến Hàng Dương”, vì dọc theo bến tàu này có trồng một hàng cây dương. “Bến Hàng Dương” dưới thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa thập niên 50 được chuyển thành “Bến Ninh Kiều” được dùng cho đến hiện nay. 

“Quai” là một nơi chốn, không gian để dừng lại. “Quai” dành cho tàu thuyền, người Việt ở Nam Kỳ gọi là “bến” (bến tàu). Còn “Quai” dành cho xe lửa, người Việt gọi là “sân” (sân ga). Cách nói uyển chuyển, linh động, hay ơi là hay!

Nhưng không rõ vì sao “Quai” biến thành … “ke”?

Hồi nẳm, nói nào ngay, cũng nảy nòi những kẻ không chịu nói tiếng Việt như mọi người xung quanh mà cứ ưng chêm tiếng Tây, ưng bắt chước Tây toàn tập mà đọc thành …“Ke ga”. Một thứ tiếng “Tây bồi”, không hơn không kém! Coi không giống con giáp nào hết, thành thử những kẻ ưng tiếng “bồi” ở Nam Kỳ bị lép vế! Người dân ở xứ Nam Kỳ đã gìn giữ được cách thức Việt hóa, là “sân ga”, là “bến tàu”, không “ke ga”, “ke com-mẹc” gì hết trơn!

“Quai” còn gọi “Plate-forme”, tiếng Anh: Platform là bến tàu, hoặc sân ga được xây dựng dọc theo đường rày cho phép hành khách và hàng hóa lên xuống. Thuộc tính (les attributes) của “Quai” tùy vào giao thông đường sông hoặc giao thông đường sắt mà có những thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật phân định (để trở nên “bến tàu”, hoặc “sân ga”), được nêu ra trong các hạng mục thiết kế chuyên môn. Bởi vậy, xin đừng nhập nhằng đem “thuộc tính” lủ khủ ráp vào “định nghĩa” khiến cho định nghĩa trở nên rối rắm, lập lờ!

Ngoài Bắc, năm 1902 mới có xe lửa tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tức 17 năm sau Sài Gòn – Mỹ Tho và gần nửa thế kỷ sau tramway Saigon-Cholon! Mãi đến lúc này, người Hà Nội mới biết “Quai de la gare”! Vốn quen nói tiếng Tàu nên họ kêu xe lửa bằng “tàu hỏa”, còn quai vì không biết tiếng Tàu gọi là gì nên họ xài luôn âm tiếng Pháp nên quai biến thành Ke ga! Và phần đông người Bắc vẫn kêu là “sân ga”. Song cũng có người vốn tự tôn mình là nhóm “người tinh hoa” trong xã hội nên nhất định bắt chước nói tiếng Tây “bồi” là … “ke ga” chớ không thèm nói tiếng Việt! Nhưng số “người tinh hoa” này không nhiều nên hai chữ “ke ga” được chôn từ rất lâu rồi nên hầu như không ai nghe, biết.

Cách đây không lâu, cũng giữa cái đất Sài Gòn xuất hiện bảng hiệu ghi “Ga tàu thủy” và đã bị dân tình phản ứng dữ dội khiến hãng tàu phải đổi lại thành “bến tàu”. Giờ đây, bỗng nhiên hai chữ “ke ga” lại xuất hiện ngay tại trung tâm Sài Gòn như một cái bạt tay vô mặt tiền nhân, những người đã dày công “Việt hóa”, lấy âm tiếng ngoại quốc chuyển thành tiếng Việt. Ví như chữ “dame” được Việt hóa thành “đầm” để chỉ tất cả những gì thuộc về hoặc liên quan tới phụ nữ như áo đầm, nhảy đầm… Hay quá phải không? Hay sao không xài mà cứ “ke ga”, cứ “ô tô”…? Phải chăng vì cái bình phong “thống nhất đất nước”, vì sự tự tôn là “tinh hoa của xã hội”, vì cứ cho tiếng Hà Nội là “tiếng chuẩn” nên… Nhưng đối với người Sài Gòn, người miền Nam, “ke ga” chính là một sự “thực dân hóa trong chữ nghĩa” bởi trong não trạng của miền Bắc thì miền Nam vẫn là “chiến lợi phẩm” dù chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ rồi! Làm sao hòa giải hòa hợp được khi não trạng ấy vẫn tồn tại?

Trời đất dù có nổi cơn gió bụi làm cho chữ nghĩa mờ mịt, dù phải chịu đựng gió máy đủ thứ, xin hãy cùng nhau dặn lòng ghi nhớ gìn giữ cách nói thuần Việt của người nước Nam. 

Đâu phải chỉ cho mình, mà còn cho con cháu về sau biết đàng mà nói cho đúng, viết cho trúng./.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights