Sơ lược quá trình phát triển nền văn học Việt Nam

by TYTNT

Quốc gia nào cũng có nền văn học của họ. Văn học của một dân tộc phản ảnh sự tiến hóa của xã hội trải qua hàng ngàn năm từ khi xã hội được hình thành, qua những thăng trầm của lịch sử, và phát triển cho đến ngày nay.

Một trong những nhiệm vụ thiêng liêng của người công dân trong một nước, nhất là người có cơ hội đến trường, là bảo tồn nền văn học của nước mình và góp phần phát triển nó để đạt đến cứu cánh chung của xã hội là “chân-thiện-mỹ”.

Với mục đích bảo tồn và phát triển, loạt bài viết về văn học Việt Nam là để giúp chúng ta cùng nhau ôn lại nền văn học Việt Nam, hệ thống hóa và lưu lại trong thư viện mạng, cũng như giúp giới trẻ định hướng để làm văn hóa Việt càng ngày càng phong phú hơn. Mọi ý kiến và tài liệu đóng góp của quí độc giả sẽ rất được trân trọng.

Quá trình phát triển

Nghành khảo cổ học gần đây của Việt Nam phát hiện ngày càng nhiều Trống Đồng. Trên mặt của các Trống Đồng này mô tả người, thú, đồ vật, và các sinh hoạt xã hội khác nhau như giã gạo, nhảy múa, chuyện trò, thuyền và người đánh trống, đàn hưu… Điều này chứng minh từ thời đại Hùng Vương, người Việt đã có nền văn hóa với nhiều đặc tính khá rõ rệt, thể hiện qua nhiều thần thoại và truyền thuyết. Những thần thoại và truyền thuyết này, khi người Việt có chữ viết đã được ghi lại trong quyển Lĩnh Nam chích quái.

Lĩnh Nam là một vùng đất cổ ở phía nam của Động Đình Hồ và dãy núi Ngũ Lĩnh thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay, nơi được xem như là quê hương của nhóm Bách Việt. Nhóm Bách Việt bao gồm nhiều bộ tộc như Âu Việt, Lạc Việt, Sơn Việt, Mân Việt, Nam Việt,… sống rải rác trong các tỉnh Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc bây giờ và
miền bắc của nước Việt Nam ngày nay.

Lĩnh Nam chích quái là một quyển sách cổ, thu thập những câu chuyện kỳ dị xảy ra trong vùng Lĩnh Nam. Quyển sách này đã theo chân người Lạc Việt đến đồng bằng bắc bộ qua nhiều thế kỷ. Phần đầu của quyển sách kể lại truyền thuyết về họ Hồng Bàng, phần sau chứa đựng nhiều giai thoại của người Lạc Việt. Truyền thuyết này về sau được sử gia Ngô Sĩ Liên dưới thời nhà
hậu Lê đưa vào phần mở đầu của lịch sử Việt Nam trong quyển Đại Việt Sử ký toàn thư vào năm 1479.

Từ những năm an bình dưới thời các vua Hùng trong khoảng năm 2800 TCN, đến thời An Dương Vương, và sau đó là thời kỳ nhà Triệu, giới quí tộc cai trị đất nước đều dùng chữ Hán trong khi đại đa số bình dân thì không biết chữ cho nên trong thời kỳ đầu lập quốc đã hình thành hình một nền văn học dân gian hay còn gọi là văn chương bình dân truyền khẩu. Vào lúc đó,
vì chưa có chữ viết, mọi sáng tác chỉ lưu truyền qua chuyện kể và ngâm nga.

Sau này khi xã hội phát triển hơn, văn học dân gian được hệ thống hóa và viết lại thành nhiều thể loại, phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống văn học dân gian Việt Nam bao gồm sử thi, truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, ca dao, câu đối, vè, thơ, và chèo.

Trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc (179 TCN – 905), mặc dù xuất hiện một số trí thức trong cộng đồng, nhưng với chính sách ngu dân của giới thống trị, những người trí thức này chỉ phục vụ mục

tiêu của chính quyền đô hộ. Văn học viết chỉ phát triển một cách rất hạn chế trong lãnh vực Phật giáo và được truyền bá trong giới trí thức bằng Hán tự. Văn chương bình dân tiếp tục nẩy nở mạnh trong giai đoạn này.

Cho đến khi người Việt giành lại độc lập, bắt đầu từ thời nhà Đinh, năm 968, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, văn học viết của người Việt bắt đầu khởi sắc. Hệ thống giáo dục được hình thành, ban đầu chỉ hạn chế trong giới quí tộc cầm quyền, dần dần được mở rộng đến các tầng lớp khác trong quần chúng. Văn học viết bắt đầu phát triển mạnh.

Cho đến thế kỷ thứ 18, trường học, khoa thi đều dùng chữ Hán như “phương tiện giao tế tao nhã” để ghi chép lịch sử, truyền đạt ý chỉ, thể hiện quan hệ, tình cảm vua-tôi và các tầng lớp nho sĩ. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, văn học viết dần có được những vận hội mới, tạo được vị trí độc lập của mình sau thời gian dài. Ba dòng tư tưởng Nho-Phật-Lão trở thành nguồn cảm hứng cho văn chương học thuật. Bên cạnh đó, đời sống tích cực gần thiên nhiên của con người thời kỳ này còn
mang lại cho văn học nhiều ẩn dụ cao nhã nhưng cũng rất nhân tình.

Sau một thời gian dài tiếp xúc với nền văn hóa Trung Quốc tiên tiến hơn nhiều mặt, người Việt đã biết cách chuyển hóa chữ Hán trên nền tảng văn hóa Việt, đọc theo thanh điệu của tiếng Việt mà ẫn hiểu được một cách chính xác các giá trị tư tưởng, văn hóa, triết học của Trung Quốc lẫn của người Việt.

Về mặt thể loại, hình thức; văn học viết thời kỳ đầu chủ yếu là thơ với hai loại: cổ thể và cận thể – tôn trọng khuôn phép mẫu mực của thơ ca Trung Quốc; ngoài ra theo Dương Quảng Hàm (trong quyển Văn học Việt Nam) thì văn viết trong thời kỳ đầu “có nhiều thể, nhưng có thể chia ra làm ba loại lớn” gồm:

– Văn vần: loại văn có vần như trong các bài thơ lục bát, thơ đường luật, thất ngôn bát cú…
– Câu đối: tức loại văn không có vần mà có đối.
– Văn xuôi: tức loại văn không có vần mà cũng không có đối.

Từ truyền thống văn hóa có sẵn, Hán học tiếp sức cho người Việt hình thành nền văn học độc lập của dân tộc và là nền tảng, cơ sở để sáng tạo ra chữ viết đầu tiên: chữ Nôm.

Từ cuối thế kỷ thứ 18 trở đi, khi chữ Nôm hình thành thì văn học viết có vài chuyển biến trong sáng tác: văn học từ chiếu cung đình dần thâm nhập vào đời sống thường nhật (văn chương bình dân) và cái tôi cá nhân bắt đầu được đề cập đến. “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là những thành tựu nổi bật của chữ Nôm trong văn học Việt Nam.

Từ khi có việc truyền bá chữ Quốc Ngữ vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 19, diện mạo văn học có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Ngoài ảnh hưởng các dòng tư tưởng truyền thống phương Đông, sự thâm nhập của phương Tây mang đến cho văn học viết con đường “hiện đại hóa” từ hình thức, thể loại đến tư tưởng và nội dung sáng tác. Riêng về thể loại nếu so sánh văn học viết Việt Nam giữa hai thời kỳ lớn: Văn học trung đại và văn học hiện đại thì có thể hiểu một cách tổng quát
về các thể loại chính như sau:

– Thời kỳ văn học trung đại (từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ thứ 19) gồm: tự sự và trữ tình.
– Thời kỳ văn học hiện đại (từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay) gồm: tự sự, trữ tình, kịch.

Sau hơn 10 thế kỷ hình thành và phát triển, văn học viết Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định và vẫn đang tiếp tục “dòng chảy” của mình để có thể hội nhập vào nền văn học chung của thế giới.

Văn học mạng

Từ đầu thập niên 2000, khái niệm “web fiction” đã xuất hiện trong các giáo trình và luận văn khoa học đa cấp độ dưới tên gọi văn học mạng. Nghĩa là gồm các tác phẩm hoặc luận văn phê bình được xuất bản trên không gian ảo, tức là internet và intranet.

Theo sức phát triển nhanh của làn sóng công nghệ thông tin toàn cầu, dòng văn học này không được xếp vào dạng khẩu truyền hay thành văn, mà tồn tại độc lập nhưng vẫn có sự tương hỗ với các thể loại lâu đời hơn này.

Bài viết này dựa trên một số tư liệu trích từ Wikipedia tiếng Việt và được bổ sung thêm một số nghiên cứu của ban biên tập tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.

Trong những phần kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể văn học Việt Nam qua các thời kỳ.

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights