Thanksgiving – Tạ ơn ai?

by Tim Bui
Thanksgiving - Tạ ơn ai?

PHẠM QUỐC BẢO & PHƯƠNG LÝ

Vợ chồng tôi vừa dọn nhà sang khu chung cư housing mới xây, cũng được mấy tuần lễ nay rồi. Mặc dù cả vợ lẫn chồng đều chỉ mang vác mấy thứ tùy thân nhẹ, nhân công của công ty chuyển nhà lo hết cả. Thế mà hiện đồ đạc vẫn còn ngổn ngang bừa bộn vì mệt quá, chưa lại sức để xếp đặt được bất cứ thứ gì. Già rồi, nó vậy đấy…

Sáng nay thức giấc, thấy bức tranh cổ này tôi mua cách đây cũng phải đến trên hai chục năm rồi, nó được dựng ở sau cánh cửa phòng ngủ từ hồi nào. Ai đã để nó ở chỗ đấy? Và để đó làm gì? Tôi chẳng nhớ nữa và tôi cũng chẳng mất công mở miệng hỏi bà vợ… Nhưng tự dưng sao tôi nảy ra ý định đem tặng lại bạn, người mà tôi biết rằng xưa nay vốn rất thích tranh cổ. Tôi mới gọi phôn cho ông ấy.

-Tôi có bức tranh cổ, tôi muốn tặng cho ông, ông có muốn lấy không?

– Ồ.. cảm ơn.. cảm ơn lắm lắm, tôi lấy.

– Ông có đang rảnh đó không?

– Rảnh chứ!

– Lái xe đến tôi lấy đi.

– Sẵn sàng. Nửa tiếng nữa, được không?

– Đương nhiên rồi. Tôi đã gói bức tranh lại sẵn ở đây. Nhân tiện, tụi mình ra tiệm nước gần đây, ta làm với nhau một ly cà phê chứ?

– Thú quá. Không trở ngại gì.

Bữa tiệc Lễ Tạ Ơn đầu tiên, có dân Da Đỏ thổ dân tham dự

 Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ đâu?

– Đây, anh coi bức tranh tôi tính tặng lại anh. Tôi thích mới mua, nhưng chỉ biết đây là một bức tranh cổ.

– Để tôi xem.

– Tôi nhớ là đã mua nó trăm bạc, trong một buổi dạo ngoài chợ trời, cách đây cũng phải trên hai chục năm rồi.

– Nó xem ra là ‘giả cổ’, nghĩa là được vẽ mới lại theo một bức tranh cổ chính gốc.

– Này, anh nhìn kỹ vào một số chi tiết mà xem: Ở góc dưới bên phải bức tranh thường là chỗ ghi tên hay bút ký của tác giả. Bức này không có. Hơn nữa nét vẽ khá thô nhưng lại còn rất rõ nét; màu sắc bạc kiểu khác, chứ không phải phai nhạt theo thời gian, và những khoảng trống trong tranh không xỉn lại mà vẫn bóng.

– Anh có đoán được nội dung chăng?

– Theo sự hiểu biết giới hạn của cá nhân tôi thì nội dung bức tranh này diễn tả bữa tiệc của Lễ Tạ Ơn đầu tiên vào cuối tháng 11 năm 1621 tại Plymouth, nay thuộc tiểu bang Massachusetts, Đông Bắc nước Mỹ.

– Ngày lễ này tại sao lại được thực hiện?

– Trước khi có ý kiến riêng, tôi thấy cần phải nêu ra nội dung của sự kiện này vốn đã được ghi lại trên mạng lưới điện toán. Nghĩa là chúng ta cần xác nhận một trong những nguyên nhân sự hiện diện của Lễ Tạ Ơn đầu tiên xuất hiện: “Vào tháng Ba năm 1621, nhóm đại diện thổ dân da đỏ vốn cư ngụ tại Plymouth, thuộc miền đông bắc tiểu bang Massachusetts bây giờ, họ đã đồng ý ký kết một thỏa ước sống chung hòa bình với đại diện nhóm người Anh vừa di dân sang tái định cư tại đấy. Thỏa ước đã được coi như hai bên giao ước sống chung hòa bình cho giai đoạn nửa thế kỷ sau đó, và cũng đáng ghi nhớ là thỏa ước này đã đưa đến sự kiện buổi Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) đầu tiên được tổ chức long trọng vào tháng 11 năm đó.

– Nhóm di dân gốc từ Anh quốc hả anh?

– Vâng. Nhóm người mới tái định cư ở một nơi mà họ đặt tên là Plymouth, tên của quê hương cũ của họ ở Anh. Nhóm di dân này tự gọi mình là The Pilgrims. Họ gồm những dân cư vốn sống ở nước Anh có tôn giáo là một chi nhánh Thanh Giáo (Puritan Calvinist) ly khai (Separatists) khỏi giáo hội Anh. Họ muốn tránh bị đàn áp bởi chính quyền Anh, nên đã di dân sang ở nước Hòa Lan ( Hà Lan- Holland – Netherlands). Rồi vì mong có một nơi an cư mới, năm 1620, họ lại một lần nữa lên con tàu Mayflower di cư sang lập nghiệp tại Tân Thế Giới (Châu Mỹ). Họ thiết lập thuộc địa Plymouth và đẻ ra giáo hội Thanh Giáo Mỹ.

– Ồ… Rồi sao nữa , anh?

– Theo tôi tìm hiểu từ https://www.britannica.com/topic/Thanksgiving-Day, thì trên hai thế kỷ sau đó, có những ngày kỷ niệm Lễ Tạ Ơn tương tự, vẫn hằng năm được tổ chức tại các vùng thuộc địa Anh và các tiểu bang. Rồi sau này khi nước Mỹ được thành lập, năm 1798, Quốc Hội Hoa Kỳ chính thức thông báo cho các tiểu bang về ngày lễ này. Năm 1863, tổng thống Abraham Lincoln công bố Thanksgiving là ngày lễ quốc gia, được cử hành vào tháng 11 hằng năm. Và cuối cùng, vào ngày 26 tháng 11 năm 1941, Tổng Thống Roosevelt ký ngày Lễ Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật và giữ mãi cho đến bây giờ.

Tạ ơn gì? Tạ ơn những ai?


– Như vậy, nhóm di dân gốc từ Anh quốc kia là nhóm người mở đầu cho lịch sử lập quốc của nước Hoa Kỳ?

– Chiếu theo mấy trích dẫn ở trên, thì có thể nói họ là một trong những nhóm khác nhau đã đến sinh sống, lập nghiệp, và lập nên tiểu bang Massachusetts bây giờ.

– Thế còn, theo anh, tại sao lại gọi là Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving?

– Trước khi nói ý kiến riêng, tôi lại xin trích ra đây đoạn trong website: “Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ hằng năm được tổ chức tại nhiều vùng khác nhau ở Hoa Kỳ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia. Ý nghĩa ban đầu là mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã giúp cho cuộc sống no đủ và an lành.

– Tạ ơn Thiên Chúa, thì tôi hiểu được là bởi vì nhóm di dân gốc Anh này rất sùng đạo Thanh Giáo. Còn nội dung “mừng thu hoạch được mùa” là làm sao?

– Ấy, như hồi nãy tôi có đề cập về sự kiện của The Pilgrims: “Trong năm 1621, những người di dân này vừa đến cư ngụ ở Plymouth đã cùng với thổ dân Mỹ chia sẻ nhau bữa tiệc được mùa như đã được mô tả lại trong bức tranh cổ ở trên. Những người di dân, ban đầu, đã được những người thổ dân da đỏ ở đây trợ giúp để có thể sống còn ở vùng đất mới. Bữa tiệc được mùa này, ngay sau đó đã trở thành Lễ Tạ Ơn đầu tiên của những người Pilgrims tỏ ơn với những người thổ dân da đỏ.”
Hai chi tiết mà tôi vừa trích ra từ nguyên văn của websites minh chứng rằng buổi lễ Tạ Ơn này ở nước Mỹ đã bao gồm hai ý nghĩa trong nội dung: tạ ơn Thiên Chúa và tạ ơn nhóm thổ dân đã cưu mang, trợ giúp họ sống còn trên vùng đất mới định cư. 

– Ồ.. Cảm ơn anh đã mày mò kiếm ra những chi tiết liên hệ hiện diện ở trên google để tóm tắt cho tôi hiểu lai lịch vấn đề. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi tiếp nhận, công việc này đã như gián tiếp kích thích cho cá nhân tôi phải nên chịu khó biết thắc mắc mà tự khám phá – tìm hiểu lấy thì hơn…

– Tôi phải cảm ơn anh chứ: Chính là anh muốn tặng tôi bức tranh này, nếu không thì chưa chắc gì tôi mới có dịp tìm hiểu đến nơi đến chốn như vậy.

Lễ Tạ Ơn của các nước khác trên thế giới

– Nói chuyện với anh, tôi cảm thấy hứng thú hẳn. Bây giờ lại xin gạn hỏi thêm điều này nha: 

“Ngoài người Mỹ ra, thì các dân tộc khác có ngày Lễ Tạ Ơn hay không vậy anh?”

– Cũng theo nghiên cứu từ các trang Webs thì: “Truyền thống lấy một ngày hay một mùa để cảm tạ ơn trên đã có từ thời xa xưa mà các dân tộc trên thế giới muốn chứng tỏ lòng biết ơn của họ, để làm các vị thần bớt nóng giận. Từ đó nghi lễ cứ tiếp tục.”

Tại Hy lạp thời cổ đại, hàng năm có tổ chức lễ hội để cúng dường Demeter, nữ thần chăm nom mùa bắp, làm tiệc tùng và nhiều hội để cùng vui với nhau.

Mỗi năm, người La Mã tổ chức một kỳ lễ hội cho mùa gặt lớn, tên là Cerelia để thờ lạy Ceres với những trò chơi, diễn hành và lễ lạc. Lễ gặt hái Sukkot vào mùa Thu của người Do Thái vẫn còn tồn tại từ ba ngàn năm đến nay.

Một trong những biểu tượng của sự tạ ơn, là cái sừng dê biểu hiện sự phồn thịnh. Cái sừng tượng trưng mùa màng tốt, là do chuyện thần thoại Hy Lạp: Zeus tặng cho Amalthea cái tù và bằng sừng dê như một cử chi biết ơn bà đã nuôi ông bằng sữa dê lúc ông còn nhỏ, rằng sừng này sẽ mang lại sự phồn thịnh cho những ai bà muốn ban phước.

Trong nhiều thế kỷ, lễ tạ ơn bên Âu châu có những lý do khác nhau như thắng trận, mùa gặt hái thành công lớn, vua vừa được làm bịnh.

Hiện nay, có tám quốc gia trên thế giới chính thức tổ chức lễ Tạ ơn là Argentina, Brazil, Canada, Nhật, Đại Hàn, Liberia, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ.”

Thế dân Việt chúng ta có ngày lễ nào gồm những nội dung tương tự như Lễ Tạ Ơn của dân Mỹ hay không anh?
– Trong nhất thời, tôi nghĩ là Tết Nguyên Đán.

– Anh nói làm sao… Tết Nguyên Đán đánh dấu ngày đầu một năm mới âm lịch.

– Ăn mừng năm vừa qua cuộc sống được êm đẹp và chào đón một năm sắp tới, Tết ta từ xa xưa bắt nguồn ở sinh hoạt nhà nông rảnh rang nhờ vừa gặp hái xong vụ lúa- thóc cuối năm. Ca dao Việt có câu ” Vụ năm cho đến vụ mười”…

– Anh muốn nói rằng Tết ta có nội dung cảm tạ đất đai đã cho mùa màng tốt tươi chứ gì.Tôi đồng ý điều ấy. Nhưng ngoài ra thì cái khung cảnh nghi ngút khói hương, thờ cúng Trời – Phật – Tổ tiên!

– Ấy. Trời – Phật – Chúa – Thượng Đế là thuộc lãnh vực tôn giáo. Còn Tổ tiên ta thì cũng là người vậy! Anh ạ. Tôi thấy rằng có khác biệt chăng chỉ ở tên gọi, mỗi xứ một khác, dân tộc nào cũng có những biểu tượng riêng. Chứ nội dung ý nghĩa của hai thứ Lễ và Tết này chẳng hề khác gì nhau. Tôi cho là vậy.

Là những người Việt sống trên đất Mỹ. Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, chúng tôi cũng muốn tỏ lòng biết ơn đến đất nước và người dân này đã mở lòng cho chúng tôi có cơ hội được dung thân.

Happy Thanksgiving !!! 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights