Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 14 Những nhà báo bị ám sát: Nam Quốc Cang (1914-1950)

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 14 Những nhà báo bị ám sát: Nam Quốc Cang (1914-1950)

TRẦN NHẬT VY

Trước hết phải nói về cái tên này. Theo ông Trần Tấn Quốc, Nam Quốc Cang là tên ghép của ba nhà báo Nguyễn Kỳ Nam [Nam Đình-Nguyễn Thế Phương], Trần Tấn Quốc [Trần Thế Vinh, Trần Cao Lãnh, Trần Chí Thành] và bà chủ báo Tin Điển Anna Lê Trung Cang. Cái tên này là bút danh chung ký trong mục Trớ Trêu của báo Tin Điển. Dầu là ai viết cũng đều ký tên Nam Quốc Cang.

Năm 1945, làng báo Sài Gòn tiêu điều vì chiến tranh. Việt Minh chiếm Sài Gòn rồi Pháp tái chiếm, dân chúng tản cư đi khắp nơi, nhiều dãy phố vắng như chùa bà Đanh chỉ có chuột chạy, mèo ngao!  Hầu hết các tờ báo đều đóng cửa tản cư chỉ còn vài tờ không biết chạy đâu mới trụ lại, trong đó có tờ Sài Gòn của bà Bút Trà!

Trong tình hình như vậy, bà Anna Lê Trung Cang muốn ra báo! Bà Anna là con gái của ông Huyện Lê Trung Cang, chủ báo Điển Tín trước đó. Vốn có máu làm báo trong huyết quản, năm 1946, bà Anna xin ra một tờ báo với cái tên lật ngược lại tên báo cũ Tin Điển. Bà mời hai nhà báo quen thuộc với làng báo cũng như với gia đình là ông Trần Chí Thành và Nam Đình giao tờ báo mới cho họ. Tờ báo hoạt động với chủ nhiệm Anna Lê Trung Cang, giám đốc quán xuyến mọi việc là Nam Đình (lúc này bắt đầu lấy thêm bút danh Nguyễn Kỳ Nam) và nhà báo Trần Chí Thành làm chủ bút, cũng là thời điểm ông bắt đầu sử dụng bút danh Trần Tấn Quốc.

Trong hồi ký 1945-1954, ông Nam Đình viết về tình hình Sài Gòn tháng 9/1945, sau khi Nhật đầu hàng.

“…lửa đỏ rực trời.

Khánh Hội bị dân quân đánh lấy bót lại nhưng sáng ngày lại rút ra ngoài…

Sài Gòn không đèn, không nước…Sài Gòn bị bao vây…Chánh phủ tung truyền đơn yêu cầu đồng bào tản cư.

“Cùng nhân dân địa phương Sài Gòn-Chợ Lớn-Tân Bình.

Chúng tôi, ủy ban nhân dân Nam Bộ khuyên đồng bào ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Tân Bình, ai không có phận sự gì, ai có thể về tỉnh, thì mau tản cư, thứ nhứt là đờn bà, trẻ em và người già cả.”.

…Tình cảnh của những người đi tản cư: bao nhiêu sự nghiệp nào nhà cửa đồ đạc đều bỏ lại. Có gia đình bồng bế ra đi với vài chiếc va li…

…Sài Gòn hòn ngọc viễn đông! Không đèn, không nước, không chợ búa…”

Ngoài những tin bài thông thường, báo Tin Điển có một mục mang tên Trớ Trêu do nhà báo Ngọa Long Nguyễn Kim Lượng đặt. Đây là mục châm chọc, đâm thọt những chuyện thời sự tương tự mục Chuyện Thường Ngày hay Bút Bi ở báo Tuổi Trẻ hàng ngày hiện nay. Khi tìm kiếm bút hiệu cho mục này cả ba người thống nhất chọn tên Nam Quốc Cang do ông Kỳ Nam đề nghị. Hễ ai viết bài của mục Trớ Trêu đều ký tên chung là Nam Quốc Cang.

Nhưng Trớ Trêu thời gian đầu không ngon lắm vì cả bộ ba phụ trách tờ báo đều thú nhận không có năng khiếu viết “châm chọc” hay “đâm thọc.” 

Ông Trần Tấn Quốc liền nghĩ đến một người quen có tài viết đâm thọc là ông Nguyễn Văn Sinh, bút danh Mắt Xanh, từng viết cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn, khi đó đang tản cư ở Biên Hòa. Vậy là ông Mắt Xanh được mời về và giao cho mục Trớ Trêu. 

Mắt Xanh Nguyễn Văn Sinh theo hồ sơ mật thám Pháp ghi “Nam Quốc Cang tức Nguyễn Văn Sinh, sanh ở Quảng Ngãi năm 1914, nguyên giáo sư tư thục Quốc Bảo ở Sài Gòn. Nguyên biên tập viên các báo Tân Thời, Thời Sự, Dân Quý, Nghĩa Thầy, Renaissance Indochinoise. Cộng tác với Nhựt, làm thông ngôn cho Sở Hiến binh Nhựt. Viết bài cho báo Tân Á và hãng thông tấn API của Nhựt. Cảm tình viên cộng sản, Uỷ viên uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Cộng tác với báo Tin Điển, tờ báo chủ trương thống nhứt và thân Việt Minh.”  

Ông Sinh quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, từ miền Trung vô Sài Gòn từ năm 1940 dạy học rồi làm báo. Ông viết cho khá nhiều báo trước khi bị bắn.

Ông Nguyễn Văn Sinh có lối viết văn móc họng nghe rất đã. Ông đã từng nhiều lần bị “kẻ lạ mặt” chặn đường “hỏi thăm sức khỏe” vì những bài báo viết theo kiểu móc họng đó.

Khi có ông Sinh lãnh, mục Trớ Trêu của tờ Tin Điển độc giả hoan nghinh. 

Xin đọc bài Trớ Trêu trên Tin Điển số 163 ra ngày 9/10/1946:

“…Đội mão mang hia, chẳng mặc quần,

Trời hỏi vì sao ăn mặc thế?

Thưa rằng: hạ giới nó duy tân!”

Đó là ba câu thơ của một thi sĩ đã tâng ông Thổ công trong dịp ngài về chầu Thượng đế, hôm 23 tháng chạp.

Tôi sực nhớ lại ba câu thơ ấy khi vừa hay tin viên đại diện của Pháp quốc cộng hòa ở Nam Kỳ quốc đã thân hành đến tận nơi tặng cho đồng bào của nhà lãnh đạo Mạc Cà Rông ở Darlac sáu ngàn đôi “bít tất.

Đồng bào của “lãnh tụ” Mạc Cà Rông từ ngày “khai quốc” tới nay chỉ biết đi chưn không và chỉ biết che thân thể bằng một cái “củng” mà thôi.

Cặp chưn không và cái củng của họ từ đây sẽ có dịp làm quen với đôi “bít tất,” một sản phẩm của văn minh cơ khí.

Nhờ ai?

Cũng nhờ phong trào duy tân, như lời ông thổ công đã tấu với thượng đế.

Nhưng chúng tôi là những người đã từng được hân hạnh hưởng những ân huệ của phong trào duy tân vật chất xin nhắn nhỏ với đồng bào của nhà “lãnh tụ” Mạc Cà Rông câu này:

Đi bít tất thì phải mang giày hay mang dép. Nếu không thì bít tất mau lủng lắm!

NAM QUỐC CANG

Nam Quốc Cang-Nguyễn Văn Sinh với mục Trớ Trêu chuyên chọc ngoáy, móc họng, móc sườn nhanh chóng được bạn đọc Tin Điển tin cẩn. Họ vừa đọc vừa cười bằng nụ cười rất đểu. Và tờ Tin Điển vốn đã được mật thám Pháp và chánh quyền Nam Kỳ Tự Trị khi đó do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng, cho vô sổ bìa đen vì chủ trương “thống nhất” chống lại thuyết “phân ly” của nhà cầm quyền đương thời, nay thêm Trớ Trêu thì báo càng được nằm đầu sổ! Dĩ nhiên, tờ báo không chỉ có Trớ Trêu mà còn có nhiều bài vở, tin tức khác rất “nhạy cảm” đối với nhà cầm quyền. Tỉ dụ như khi đưa tin về Hiệp định sơ bộ 6-3, Tin Điển chạy tít “Nam Kỳ đã được thống nhứt” và ghi là tin của AFP. Song nhân viên kiểm duyệt của Ty thông tin Sài Gòn khi so hai bản tiếng Việt và tiếng Pháp thì thấy AFP chỉ viết “Việc thống nhứt Nam kỳ sẽ do cuộc trưng cầu dân ý” chớ không có chữ nào viết ‘đã thống nhứt” hết. Nhân viên này liền báo cáo gấp cho giám đốc thông tin người Pháp. Ngay lập tức có lịnh “Tịch thu tất cả số báo Tin Điển đã in rồi; đồng thời mở cuộc điều tra.

Vì vậy, cảnh sát mới rần rần chạy xuống nhà in báo Tin Điển không cho máy in chạy và đi rảo ngoài đường tịch thu tất cả các tờ báo đã bán, đồng thời “hốt” ký giả Nam Đình lên xe cây đưa về bót. 

Lính báo cáo “không tịch thu được tờ báo nào.

Ông Nam Đình kể trong hồi ký:

Họ quay qua tôi mở cuộc điều tra. 

Anh đã chạy được bao nhiêu rồi?

Tôi biết số báo đó bán mạnh, “cặp rằng” xin thêm vài ngàn số nữa nên tôi cho thợ máy in thêm; chớ thường vào 5 giờ sáng là in xong 30 ngàn số. Hơn nữa, thời đó không có tổng phát hành, mà chỉ có cặp rằng thôi, nên muốn nói bao nhiêu cũng được, không sợ đính chánh! Nên tôi trả lời:

Báo mới lên khuôn chưa chạy được bao nhiêu.

Ai chịu trách nhiệm những tin tức trong tờ báo?

Tôi.

Vậy thì anh bị truy tố về tội thông tin thất thiệt. Anh loan tin về Hiệp ước sơ bộ “Thống nhứt Nam kỳ” có hại cho cuộc trị an ở xứ này. Anh chịu trách nhiệm hết.

Trong khi lính tráng gác máy in, gác nhà in và bắt tôi thì thầy thợ nhà in lén trốn lần ra ngoài, chỉ còn Ngọa Long ở đó chờ tin tức. Khi cô Lê Trung Cang hay tin lật đật chạy tới công an gặp tôi. Tôi lén nói nhỏ:

Cô ở đây nói chuyện với họ để tô về nhà in sắp lại đoạn 3 của Hiệp ước. Rồi sau này họ truy tố tôi sẽ chịu hết trách nhiệm.

Cô Lê Trung Cang liền nói với thanh tra mật thám Pháp:

Báo mới chạy, tôi xin cho Nguyễn Kỳ Nam về sửa bài đó lại. Tôi ở đây chịu trách nhiệm nếu Nguyễn Ký Nam không trở lại đây. Vả lại, ông cầm giữ chủ bút của tôi làm sao sửa đoạn lầm lỗi đó?

Thì ra họ cần bài đính chánh hơn cầm giữ tôi nên tôi được về và sửa lại đoạn 3 rồi in ngay số báo khác…. Viên thanh tra đi cùng tôi về nhà in cầm tờ Tin Điển mới in chạy về bót Catinat. Và mọi chuyện coi như đã giải quyết.

Song cái gì phải đến đã đến. Tháng 8/1946, Tin Điển bị chánh quyền đóng cửa! Sau đó, ông Nam Đình gặp cao ủy Pháp đòi ra báo lại với lời hứa “không đả phá chính sách của người Pháp và chánh quyền Nam Kỳ tự trị.” Thế nhưng…

Tháng 11/1946, Bác sĩ Thủ tướng Nam Kỳ tự trị Nguyễn Văn Thinh treo cổ chết tại nhà riêng cũng là “phủ thủ tướng” trên đường Verdun [Lê Văn Duyệt nay là Cách Mạng Tháng 8] thì bác sĩ Lê Văn Hoạch lên thế và vẫn giữ nguyên đường lối như cũ. Báo Tin Điển vẫn giữ nguyên chủ trương “Thống nhứt” đối chọi với chủ trương “Phân ly,” nghĩa là Nam Kỳ là của người Nam Kỳ của chánh quyền đương thời, nên cuối năm 1946 tờ báo lại bị đóng cửa. Lần này thì hết cứu, hết đòi!

Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam chép lại một đoạn trong Hồi ký của nhà báo Trần Tấn Quốc năm 1956:

Theo lịnh của Cao ủy Pháp, cuối năm 1946, hai tờ báo Tin Điển và Tin Mới bị thâu giấy phép. Cả hai tờ đều do cô Lê Trung Cang làm chủ!… Sau cái chết của ông Bộ trưởng thông tin Võ Đồng Phát vì bị phục kích gần Trung Lương, nhà cầm quyền đóng cửa 17 tờ báo. Nhưng thời ấy, xin phép ra báo cũng không khó nên báo mọc lên như nấm!…Sau khi hai tờ Tin Mới và Tin Điển chết, chúng tôi xin phép ra báo mới. Đó là tờ Việt Thanh in mướn ở nhà in của ông Đinh Xuân Tiếu ở số 54 Frère Louis [Nguyễn Trãi]. Tuy mới “ra đời” nhưng Việt Thanh được độc giả ủng hộ vì tên tuổi của những cây viết từng “quậy” ở Tin Điển, Tin Mới, đặc biệt là mục Trớ Trêu của Nam Quốc Cang.

Báo mới ra được chừng tuần lễ thì Nam Quốc Cang bị “lên trái” [bịnh trái rạ]. Ngày nào cầm viết nổi thì gửi bài để làm…buồn chánh phủ tự trị, ngày nào bị hành thì mặc tôi!

Vẫn với chủ trương Thống nhứt, vẫn móc họng nhà cầm quyền… tờ Việt Thanh nhiều lần bị khủng bố và bị đóng cửa.

Báo đóng cửa thì ký giả thất nghiệp. Bà chủ báo thì buồn quá bèn bỏ sang Pháp (bà có quốc tịch Pháp), còn các nhà báo thì cũng ly tán mỗi người đi một đường kiếm sống! 

Năm 1948, ông Sinh xuất hiện ở mục châm biếm hàng ngày trên báo Thời Cuộc của ông Đinh Xuân Tiếu với bút danh Nam Quốc Cang. Do là bạn bè, đồng nghiệp nên chẳng ai thiết gì một bút danh của một tờ báo đã …đóng cửa, nên từ đó Nam Quốc Cang trở thành của riêng của ông Sinh.

Ông Sinh làm việc cho báo Thời Cuộc được mấy năm, đến đầu tháng 5/1950 thì…Sáng hôm đó, có bốn người ngồi uống cà phê trong hẻm số 54 đường Frère Louis (Nguyễn Trãi) kế bên nhà in Sông Gianh của ông Đinh Xuân Tiếu, chủ báo Thời Cuộc, gồm các ông Đinh Xuân Tiếu, Nam Quốc Cang, Lư Khê Trương Văn Em, chủ nhiệm báo Ánh Sáng và Huỳnh Hoài Lạc quản lý tờ Thời Cuộc. Bỗng nhiên có hai thanh niên xuất hiện và bắn ông Tiếu. Mấy người còn lại đứng bật dậy, rồi Sinh và Lư Khê cũng bị bắn, Lạc chạy thoát. Cả ba người bị bắn đều chết. Cái chết của mấy nhà báo, đặc biệt là Nam Quốc Cang, người chuyên viết châm biếm, chọc ghẹo, đâm thọc thiên hạ được người đọc và anh em trong làng yêu mến, đã gây nên một luồng sóng phẫn nộ. Người ta nghi ngờ đủ thứ nhưng mũi dùi lớn nhứt đều tập trung vào nhà cầm quyền, vì đó là nơi bị Nam Quốc Cang châm chọc nhiều nhất. Thế nhưng “chúng tôi đã cố gắng hết sức” cho đến nay hung thủ và chủ mưu cuộc ám sát nọ vẫn còn “trong vòng điều tra!” Theo dư luận thời đó thì Nam Quốc Cang bị Việt Minh bắn chết dù ông không phải là mục tiêu, là “thiệt hại phụ” vì ông ngồi uống cà phê chung với Đinh Xuân Tiếu, người đã bị vô sổ bìa đen của Việt Minh! Thật hư ra sao tới nay vẫn chưa ai trả lời chính xác.

Đám tang của Nam Quốc Cang được làng báo tổ chức khá rình rang một thời thu hút khá đông người đưa. Ông được đặt đường ở quận 1 TPHCM.

(Kỳ tới: nhà báo Delachevrotiere)

You may also like

Leave a Comment