MẮT NÂU
Hỏi: Tôi tên Lộc, sang Mỹ ở độ tuổi trung niên, sau đó lập gia đình có một con trai, hai con gái. Tôi là kỹ sư, làm việc cho chính phủ Mỹ. Vợ tôi xấp xỉ tuổi tôi, một phụ nữ lanh lợi, nhan sắc trung bình, đảm đang, khôn ngoan, sắc sảo, thích lý sự, trả treo, cầu toàn, khéo miệng, ưa bắt lỗi, đòi hỏi nguyên tắc gần như tuyệt đối, đặc biệt ca ngợi Hoa Kỳ, ca tụng người Mỹ, nhất là cá tính không chịu thua ai về mọi mặt.
Tôi là con trai duy nhất. Sau nhiều năm, tôi bảo lãnh mẹ già (79 tuổi) sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Mẹ tôi sống với chúng tôi – bà chưa lẩm cẩm, chưa đau bệnh, biết cam phận, có tính nói to, chắc do lãng tai, mọi thói quen còn khách sáo theo kiểu Việt Nam. Biểu lộ tình cảm với cháu nội bằng vài món quà dân giã quê hương mang theo. Thích ra vườn ươm vài gốc cà chua, trồng rau thơm, đon đả khi có bà con họ hàng tới thăm hỏi. Mọi thiện chí tự nhiên đó của mẹ tôi, vợ tôi đều phê phán, bắt bẻ chê bai khó chịu. Kèm theo những lời bình luận triết học mang tính chân-thiện-mỹ. Luôn thuyết giảng tôi về chữ hiếu như: “không phải cái gì cũng chiều theo mẹ là thương mẹ, là có hiếu, có hiếu là phải sửa sai những điều mẹ chưa hoàn chỉnh hoặc không đúng…”
Tôi làm việc mưu sinh, mang về quyền lợi (benefit) cho vợ con. Mọi thứ khác, vợ tôi toàn quyền quán xuyến, chỉ đạo. Cái tình cảm gắn bó, gần gũi, hòa đồng giữa hai mẹ con tôi từ thuở bà góa bụa khi rất trẻ… cứ phai nhạt dần theo lèo lái khôn ngoan mang tính “xây dựng vị tha” của vợ.
Đón mẹ qua Mỹ Sống chỉ vài tháng… dài như cả thế kỷ.
Cuối cùng, mẹ tôi dọn ra khỏi nhà ở tuổi 81, nhờ có người bạn thân trong ngành địa ốc (Real Estate) giúp xin chương trình “housing” (ở xa nơi tôi sống). Trong nhiều năm ra riêng, bà nhẫn nhục học thi quốc tịch bằng chữ Việt, tập quen sinh hoạt mới, nhớ vài câu tiếng Mỹ căn bản để phòng thân hay lỡ bị đi lạc. Sau nhiều năm như vậy, mẹ tôi qua đời ở tuổi 97. Cũng bị một ít bệnh người già, và sống nhiều năm một mình nhờ chế độ an sinh xã hội và y tế Hoa Kỳ.
Nay tôi cũng già (82), cũng bệnh. Không muốn nghĩ về quá khứ, lâu lâu ngồi ôn lại để thấy mình không hiểu nổi mình, và thấy buồn. Có phải mạng số tôi “thân cư thê” không nhỉ?
Vài người bạn nói riêng với tôi: “Anh giỏi tu và đã đạt đạo nhờ bà vợ sắc sảo, khôn ngoan đáo để.” Thưa cô, tôi nên vui hay buồn? Xin lỗi. Tôi viết hơi dài…
Đáp: Thưa ông Lộc, cuộc đời tự nó vốn dĩ dông dài. Quá khứ đi không bao giờ trở lại.
Nhân gian thường chép miệng nói câu “giá mà…” Nhưng “giá mà” để rồi vẫn cứ là như thế. “Giá mà” đã trở thành câu tán thán, tự thán muôn niên.
Ai cũng sẽ già nếu trời còn cho sống. Đó là lẽ tự nhiên của trời đất, và chết là điều tuyệt đối không người nào tránh khỏi. Sinh mệnh và tuổi tác là thiên cơ tuyệt mật, là huyền bí cơ trời. Thời gian thì đã qua, mọi sự thì đã rồi… giờ vui buồn, đâu giải quyết được gì.
Tuổi tác lặng lờ trôi như dòng định mệnh vô thường tàn phai trên mái tóc. Như dấu chân chim bình thản vẽ sau đuôi con mắt.
“Thân cư thê” cầu an, cũng là một khôn ngoan để yên thân, hưởng thụ đời lưu vong trên đất khách.
Việc ngồi ôn lại chỉ là hoài niệm. Có mãn nguyện không là ở tại tâm mình. Đời mấy khi có ai hoàn toàn mãn nguyện. Được nọ, mất kia… chính là cuộc đời trầm luân dâu bể.
Sự nghĩ ngợi, sự giằng co âm thầm trong tư tưởng, và sự nín nhịn cho qua tháng ngày… là chuỗi thử thách để hoàn thiện bản thân tu tập:
Đầu đời “thân cư mẹ” – giữa đời “thân cư vợ” – cuối đời “thân cư con” – hết đời “thân cư đất…”
Buồn, vui do mình, và chỉ chính mình cảm nhận. Chẳng ai can dự vào được số kiếp của ai. Nên không dám trả lời.
Quyết định nào đi sau một hành động đã rồi, đều trở thành muộn màng, vô nghĩa. Quá khứ trải qua như một đoạn đường dài im lặng, chứng minh sự quyết định và sự chọn lựa của một đấng nam nhi chỉ biết cần cù làm việc, không bàn tới nữa.
Nam nhi một khi đã chọn, chắc hẳn đó là điều cốt lõi được cho là chính yếu và quan trọng? Nghĩa là mọi thứ khác được coi (hay bất đắc dĩ được coi là thứ yếu).
Nó có chính đáng hay không chính đáng, vui hay không vui, chúng ta không bàn ở mục này.
Mọi rắc rối đã qua rồi. Còn chăng là tâm niệm của riêng mình. Một chút bâng khuâng, một chút suy tư, coi như nén hương tâm dâng lên người mẹ già quá vãng.
Ngày tháng còn lại thì cũng sẽ qua. Còn những gì khác nữa, là do ông thượng đế chiếu theo luật nhân quả/gieo trồng mà quy định.
“Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
(Ca dao)
Đời người như một giấc mơ
Giấc mơ tan tác, bài thơ muộn phiền
Muốn cho đời sống được yên
Bám víu số mệnh, mà nên chuyện đời
Nghiệp duyên do bởi ông trời
Giây tơ vương vít, đời người chóng qua
Trăm năm quay trở “Về nhà”Ngôi nhà vĩnh cửu – ngôi nhà ngàn năm
Là xong một kiếp con tằm
Con tằm rút ruột, con tằm vương tơ
Thành thật chúc ông tìm được sự thanh thản cho tâm hồn.