Ga và Bến

by Tim Bui
CHỮ & NGHĨA - “Rợ” hay “chợ” mấy nhà?

HAI DỐT

Cuối tháng Hai, năm 2024, các trang mạng xã hội ở Việt Nam rần rần vụ “ga tàu thủy Bạch Đằng”. Và hầu hết ý kiến đều rần rần phản đối cái “ga” kỳ cục này tới mức giờ chót vào đầu tháng Ba 2024 thì chủ đầu tư “đành phải” phải đổi lại chữ “bến” quen thuộc với người Việt.

Từ 30 năm qua, chữ của miền Nam hay chữ của Việt Nam Cộng Hòa lần lần bị gạt ra khỏi cuộc sống bình thường. Sự Nam tiến của bên thắng cuộc ngày càng mạnh hơn, từ thường dân nghèo đến khai phá các vùng đất hoang hóa, cho đến dân nhà giàu thành thị, rồi tới các quan chức.

Về mặt chữ nghĩa, việc Nam tiến ban đầu chỉ có trên các văn bản của nhà cầm quyền, trong sách giáo khoa, trên hệ thống truyền thông và đi hơi xa xa các trung tâm văn hóa ở miền Nam.

Tới nay, dường như thì họ không còn gì “để mất” nữa nên mặc nhiên xuất hiện giữa Sài Gòn như là nhà riêng của họ. Trong chừng mực nào đó, bên thắng cuộc mặc nhiên thừa nhận những gì họ hùng hồn tuyên bố trước đây “giúp đỡ cho anh em miền Nam” là láo toét và thực chất cuộc chiến 20 năm là cuộc xâm lược! Bởi chỉ có thực dân mới “xóa văn hóa bản địa”, mà tiếng nói, chữ nghĩa là thứ văn hóa cao cấp nhất.

Ban đầu, dân chúng cho rằng bên thắng cuộc có lẽ “sợ” chữ nghĩa của miền Nam thiếu chất XHCN nên xóa bỏ hết! Pháo bông thì kêu bằng pháo hoa, bệnh tiểu đường thì kêu là bệnh đái tháo đường, phi trường thì biến thành cảng hàng không, bùng binh thì đổi thành vòng xuyến, ngã ba ngã tư thì kêu là nút giao…

Họ quên rằng, những chữ nghĩa mà miền Nam đang xài không phải do chính quyền cũ đặt ra mà do bao lớp tiền nhân người Việt có công gầy dựng miền đất này tạo ra. Phải mất nhiều thế hệ, nhiều công sức “Việt hóa” mới có những chữ ấy. 

Trở lại chữ bến và chữ ga.

Ông bà ta khi dùng chữ rất tinh tế, tránh hiểu lầm do phát âm, tránh hiểu lầm trong thực tế. Tỉ dụ chữ bẫy và bẩy rất giống nhau khi phát âm, nên miền Nam không nói thứ bẩy mà nói thứ bảy. Hay nghề buôn bán nước ngọt vào mùa khô ở những vùng bị nhiễm mặn cũng phổ biến. Vì vậy, ông cha ta dùng chữ “đổi nước” thay vì chữ “bán nước.”

Đối với các phương tiện thì rất rạch ròi. Thứ nào chạy dưới nước là tàu, ghe, xuồng… Còn thứ gì chạy trên đất liền đều là xe. Thứ gì có máy mà bay lên trời được thì gọi là “phi”. Do vậy, chỉ cần nói một tiếng thôi là biết đó là thứ gì. Tàu là chạy dưới nước chứ không có thủy hỏa gì hết! Xe thì có xe du lịch, xe vận tải, xe be [chuyên chở cây nguyên khối], xe đông lạnh, xe đò… chứ không có ô tô gì sất! Và nơi bán vé, bãi đậu xe, tàu đều là bến. Bến chứ không phải cảng! Dường như chữ “cảng” là tiếng Tàu rặt, chỉ dùng để chỉ những bến tàu đậu trên các cửa biển, hải cảng; hoặc nơi đi đến của máy bay, phi cảng, chứ người Sài Gòn hiếm dùng chữ cảng để chỉ các bến tàu bình thường!  

Đến khi người Pháp mở đường xe lửa thì chữ “ga” mới chính thức khai sinh. Ga là tiếng Việt hóa từ tiếng Pháp “gare”, xưa nay cũng dành riêng cho xe lửa hoặc xe điện. Còn lại thì không ai dùng chữ “ga” trong các trường hợp khác.

Nay thì thời thế thay đổi, chữ nghĩa Nam tiến rần rộ và dường như có chủ trương xóa bỏ toàn bộ chữ nghĩa của miền Nam nên chữ gì người miền Nam từng xài thì “không xài nữa.”

Tỉ dụ, đầu tiên người ta đổi tên sân bay Tân Sơn Nhất, vốn là tên riêng của một làng xưa nằm kế bên làng Tân Sơn Nhì thành Tân Sơn Nhất. Lần lần, người ta đổi toàn bộ tên các “bệnh viện” thành “bệnh viện”, “nhà bảo sanh” thì đổi thành “bệnh viện phụ sản”, “xe” thành “ô tô”, “rạch” thành “kênh”, “radio” thành “đài”…

Không thể không nghĩ rằng đây là một chủ trương “Bắc hóa” ngôn ngữ Việt, một ngôn ngữ vốn phong phú mà người Việt mỗi miền đều có cách nói, tiếng nói riêng.

Tại sao? Nhiều “trí thức xã hội chủ nghĩa” cho rằng đó là một cách để chứng tỏ “đất nước thống nhất” và “tiếng nói thủ đô là chuẩn”! Những người này và nhà cầm quyền Việt Nam quên hay cố tình quên mất là việc thống nhất/nhất đất nước là nằm ở cách quản trị đất nước sao cho thu hút được nhân tài góp sức chứ không dành riêng cho đảng viên cộng sản và thống nhất ở lòng người chứ không chỉ trên giấy tờ! Việc “tiếng nói thủ đô” có chuẩn hay không thì mọi người đều biết rõ rồi, Hai tui miễn bàn!

Sự kiện “ga tàu thủy Bạch Đằng” bị dư luận phản ứng mạnh mẽ là một chứng minh hùng hồn về “tiếng nói chuẩn” và sự “thống nhất lòng người” ở ngay trong nước.

Chứ còn ở hải ngoại thì sức mấy mà thống nhất nổi. Riêng việc nhà cầm quyền cấm một số người không được về thăm quê hương đã là một sự phân rẽ không thể chối cãi.

Bởi thực tế ngay trong nước, dù có đi lại dễ dàng từ Sài Gòn ra Hà Nội nhưng người hai miền vẫn có “cái gì đó” không bằng lòng với nhau. Đó là sự chênh lệch về văn hóa. Đó là sự hiểu biết về văn minh thế giới. Đó là sự dám học hỏi cái hay cái đẹp của nhau. Đó là cách xử thế trong giao tiếp. Đó là sự thực dụng đến mức không thể hiểu nổi…

Ăn nói bỗ bả kiểu “mày biết bố mày là ai không?”, mở miệng ra là chửi thề, không tôn trọng người khác… cùng nhiều thứ văn hóa “rừng rú” khác khiến người Việt đã khác nhau về tiếng nói lại càng xa cách hơn trong giao tiếp, làm việc.

Sự thực dụng của người Việt hiện nay từ phía ngoài vĩ tuyến 17 khiến mọi người ghê tởm. Cứ mở miệng ra là nói trăm tỉ, ngàn tỉ! Mở miệng là nói tới tiền bạc. Đến các cơ quan hành chính, cứ ve vẩy chút tiền thì xong việc ngay, bằng không thì…chờ nhé!

Hai tui nhớ có dạo một tờ báo nọ ở Sài Gòn bị “dừng phát hành” đột ngột. Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội hỏi lý do thì người có trách nhiệm cười nói “Vừa rồi, cơ quan các anh có tặng quà nhiều nơi mà chúng tôi chả thấy gì!” Quà mà người có trách nhiệm đề cập chính là đồng hồ treo tường hiệu Gimiko nội địa trị giá khoảng 8 đô la/cái. Nửa tiếng sau, 10 cái đồng hồ đem tới, người có trách nhiệm lại cười “Ối giời! Có văn bản cấm thì có văn bản giải tỏa! Khó gì!” Và chỉ 15 phút sau là có ngay văn bản phủ quyết văn bản cấm. 

Vậy đó, thứ văn hóa “tiền bạc, quà cáp” dù rất lặt vặt, không đáng kể luôn xuất hiện khắp nơi khiến người miền Nam không nào chịu nổi. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến ngay cả những chức sắc đương quyền cao chức trọng cũng ráng dành dụm (!) để kiếm một cái thẻ xanh ở Hoa Kỳ, hay một cái quốc tịch ở một quốc gia nào đó? Phải chăng thứ “văn hóa ăn vặt” ấy đã làm bộ mặt đất nước tối tăm và mọi người xa lánh?

Hai tui không rành về chính trị song qua sự kiện chữ nghĩa này cũng hiểu thêm rằng việc Nam tiến về mặt chữ nghĩa là một chủ trương ngầm của nhà cầm quyền có từ lâu tới nay mới lộ nguyên hình ngay trung tâm Sài Gòn.

Và đây là một trong những chủ trương khiến lòng người Việt hai miền, trong và ngoài nước ngày càng xa cách. Đây cũng là chủ trương làm lộ nguyên hình hai chữ “thống nhất đất nước” chỉ là cái bánh vẽ của một một mưu đồ “thực dân”.

Haizza! Biết làm sao cho tới ngày xưa hỡi người Việt năm châu?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights