Tranh cãi “Đất rừng phương Nam” Có cần phải gay gắt đến thế?

by Tim Bui
Tranh cãi “Đất rừng phương Nam” Có cần phải gay gắt đến thế?

PHAN THỊ SÓNG BIỂN

Sau một tháng được trình chiếu ở Việt Nam, gây nhiều tranh cãi ỏm tỏi gần như ngay sau đó, cuốn phim “Đất rừng Phương Nam” đã bò qua đến Mỹ, với tên “Song of the South,” cho bà con người Việt hải ngoại ở đây có dịp thưởng thức vào dịp Thanksgiving.

Rất thích xem phim, nhưng đã lâu lắm rồi tôi không đi xem phim ở rạp vì… lười, vì xem phim ở nhà vừa thoải mái hơn, vừa có thể nằm xoài trên ghế sofa, nhâm nhi bất cứ món gì mình muốn, hay trả lời phôn nếu cần, và nếu phim… hơi chán.

Nhưng tranh cãi rùm beng về “Đất rừng Phương Nam” đã khiến tôi, với bản tính tò mò  đã anh dũng vượt qua được cái lười. Để rồi, trong không khí se lạnh của những ngày sắp Giáng Sinh, tôi khăn gói quả mướp, à quên, lỉnh kỉnh với khăn quàng cổ, áo choàng vai, lái xe đến rạp hai ngày liên tiếp để xem cuốn phim này, không chỉ một lần mà hai lần, mỗi lần với một người bạn khác.

Nhưng tại sao lại phải xem đến hai lần?

Xem xong lần đầu với chị bạn, khi thấy mình thích cuốn phim bị nhiều người “vùi dập” này quá, say mê theo dõi từ đầu đến cuối, hoàn toàn đắm mình vào câu chuyện, có lúc vừa rớm nước mắt đó đã bật cười, tôi bỗng nghĩ là chắc đầu mình có cái gì đó “không ổn.”

Thích nhưng chưa… tự tin

Không tự hoài nghi sao được, khi tôi đến xem phim với đầu óc dày đặc những lời phê bình đã đọc trên mạng, và trong một tâm trạng rất “đề cao cảnh giác.” Thấy tôi băn khoăn, chị bạn lên tiếng:

-Sao phim hay mà em lại thấy mình thích là không ổn?

-Phim này bị nhiều người ở Việt Nam chê và lên án khủng khiếp lắm chị ơi!

-Phim tốt mà. Bị chê cái gì? Chị thấy hay, không có vấn đề gì.

-Ui, um xùm tranh cãi trên mạng xã hội từ hồi phim mới ra tới giờ, chị không biết hả?

-Không, chị không theo dõi mấy vụ này. Nhưng họ chê cái gì, em?

-Người chê là phim làm không đúng lịch sử, người khác nói là cho một số nhân vật mặc quần áo giống cách trang phục của Tàu là thái độ ủng hộ Trung Quốc. Cũng có người nói chiếu cảnh người Trung Quốc đánh nhau chống Pháp là ngầm ý cho người Tàu credit trong việc giúp Việt Nam đánh Pháp giành độc lập. Người thì chê tài tử Trấn Thành v.v…

-Chị thấy phim hay, diễn xuất tốt, cảnh đẹp, và khi xem không hề có cảm giác người làm phim có mục đích ủng hộ Trung Quốc. Với lại đây là phim hư cấu mà, có phải phim tài liệu đâu mà phải đúng lịch sử?

-Thật ra thì cũng có nhiều người đi xem về nói họ nói phim hay và rất thích. Nhưng những người này bị nhóm chỉ trích phản đối, thậm chí còn nhao nhao lên án nữa đó chị. Ồn ào trên mạng cả tháng nay rồi…

Ra khỏi rạp, chúng tôi rủ nhau đi ăn, tán gẫu, nhưng câu chuyện cứ xoay quanh “Đất rừng Phương Nam.”

Chị bạn cuối cùng kết luận là bất cứ cuốn phim bị chê vì lý do gì, chị vẫn thấy nó hay, và cuốn phim, lôi cuốn được độc giả “khó tính như chị,” thì theo chị, nên được xem là thành công.

Tôi thì vì vẫn bị ám ảnh với những lời chỉ trích, nên không dám cả quyết.

Chỉ biết cứ nhớ mãi nỗi xúc động dâng trào của mình ngay khi mới vào phim, với cảnh sông nước miền Nam đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, cá tôm đầy ắp, chợ nổi đông đúc với những người chèo đò, cảnh dân quê gần gũi với nhau trong thôn xóm. Đặc biệt là âm thanh cuốn hút, với những câu hò, mà chỉ mới nghe người hát cất lên là đã bị ném ngay vào nỗi bồi hồi có tên là… nỗi buồn xa xứ.

“Hò ơ ờ ơi…
Ai về miền đất phương Nam
Cho tôi nhắn gửi ơi… ờ…
Cho tôi nhắn gửi ơi ờ
bao niềm nhớ thương

Nhắn ai đi về
miền đất phương Nam
trời xanh mây trắng
xuôi dòng Cửu Long giang
Mênh mông rừng tràm
Bạt ngàn dừa xanh…”



“À à ơ ơ ớ…
Ai đi nhớ nhé đừng quên
Đò ngang bến đỗ ngày đêm tôi chờ
Tôi chờ vạn kiếp vẫn chờ
Mong người trở lại thăm đò thăm quê…”


Làm sao có thể quên? Hoài niệm quá khứ có lẽ là điều luôn luôn lẩn khuất trong tâm trí của kẻ xa quê…

Đặc biệt ám ảnh tôi là cảnh một gánh cải lương, khi đang trình diễn trước đông đảo khán giả, bị quân lính Pháp xua vào tấn công để tìm ba An và “những kẻ phản loạn”, rồi  những người dân quê bất bình đã cùng vượt sợ hãi, đứng dậy phản đối, và lập đi lập lại lời trích trong Bình Ngô Đại Cáo của các diễn viên trên sân khấu:

“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”


Nhưng bỏ tâm trạng nhớ nhà, tình yêu nước, và tinh thần chống ngoại xâm mà “Đất rừng phương Nam” đã gợi ra, điều gì đã khiến tôi và chị bạn cùng bị cuốn phim thu hút từ màn mở đầu đến lúc kết cuộc? Câu trả lời chỉ có thể là phim … hay thôi. Nhưng nếu hay như vậy thì sao lại bị chê quá trời quá đất vậy?

Tôi về nhà với tâm trạng bối rối.

Vẫn cứ… thích

Tối hôm ấy, rất tình cờ, một người bạn nước ngoài ghiền xi nê của tôi, gọi phôn rủ đi xem “The last Wife”. Thế là tôi nắm cơ hội, quyết định thuyết phục bạn đi xem “Song of the South” cho bằng được:

“Phim này là một phim gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, bị nhiều người chê này nọ, nhưng hôm qua tôi đã đi xem rồi và rất thích, nên muốn bạn đi xem cùng và cho biết ý kiến xem một người không phải là người Việt sẽ đánh giá nó ra sao.”

Thâm ý của tôi là muốn tự trắc nghiệm xem khi xem phim lần thứ hai, đã biết diễn tiến của câu chuyện, đã thấy cảnh đẹp của miền đồng bằng sông Cửu Long, và đã trải qua những cảm xúc hoài niệm quê hương, tôi có tỉnh táo hơn được tí nào để thấy ra những điều bị cho là “sai trái” của cuốn phim như thiên hạ phê bình không?

Lại thêm hai tiếng nữa ngồi trong rạp. Thêm hai tiếng nữa bị thu hút từ đầu đến cuối. Dĩ nhiên khi xem lần thứ nhì, tôi nhận ra thêm một vài chi tiết về phim mà hôm trước không để ý. Nhưng không gì thay đổi. Vẫn có những phút rơm rơm nước mắt đó, rồi lại cười khúc khích ngay sau đó.

Chưa cần hỏi, tôi cũng biết người bạn ngồi bên cạnh tận tình thưởng thức cuốn phim, vì thỉnh thoảng liếc mắt thấy bạn chăm chú theo dõi cho đến giờ chót.

-Phim hay quá. I love it. Bạn nói khi tôi chưa kịp lên tiếng.

-Nhưng bạn thích phim ở điểm nào? Tôi gạn hỏi.

-Nhiều điểm. Cốt truyện lôi cuốn. Cảnh đẹp, rất đẹp về cả cảnh thực lẫn kỹ thuật quay. Bố cục, phối cảnh, màu sắc được phối trí rất tốt. Tôi thấy mình bị dẫn đi từ khung hình này sang khung hình khác, và phải nói là không ngờ Việt Nam đẹp như vậy.

-Tại bạn chưa đến Việt Nam bao giờ. Tôi lẩm bẩm.

-Cốt truyện có nhiều chỗ cảm động. Nhạc và âm thanh rất hay, tôi dĩ nhiên không hiểu mấy bài hát cổ xưa [câu hò] của nước bạn, nhưng thấy nó gợi một cảm giác nostalgia. Mọi diễn viên đều lột tả được vai trò, và đặc biệt là cậu bé vai chính. Người bạn nói tiếp.

-Tóm lại tôi thấy đây là một phim hay, đáng xem. Tôi thích lắm. Bạn tôi kết luận, rồi hỏi:

-Người ta chê phim vì cái gì?

Dĩ nhiên bạn tôi, vì không hiểu về lịch sử, tình hình chính trị, môi trường phim ảnh Việt Nam, cũng như quán tính của người Việt, đã ngớ người ra trước sự giải thích của tôi.

Không chỉ bạn, cả tôi, người đã xem phim hai lần, và đã theo dõi không biết bao nhiêu bài viết, cũng như bàn luận trên mạng xã hội, vẫn không hiểu rõ tại sao đã có những lời chê bai quá gay gắt với thái độ gần như “đập cho mà chết,” mà tôi đã đọc được.

Tại sao phim bị chỉ trích?

Trước khi viết về những lời chỉ trích này, có lẽ cần tóm lược truyện phim, dù không tiết lộ quá nhiều chi tiết.

“Đất rừng Phương Nam” được dựng trong khung cảnh Việt Nam vào thập niên 1920, trước năm 1930, thời rất nhiều dân Việt, trong đó có người Việt gốc Tàu, lập ra những hội kín để đấu tranh chống Pháp, lúc đó đang cai trị nước ta.

Chuyện phim xoay quanh hành trình tìm cha của bé An, một cậu bé sống với mẹ ở đô thành của khu vực Nam Kỳ Lục tỉnh. Ba của An là một người yêu nước, đã gia nhập một hội kín với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Khi danh tính của ba An bị bại lộ, mẹ An dẫn con rời khỏi đô thành, đi tìm chồng dưới sự giúp đỡ của thầy giáo Bảy. Trên đường đi họ gặp cuộc biểu tình phản đối việc Võ Tòng – một thành viên của tổ chức Nghĩa quân Lục tỉnh – bị bắt giữ. Mẹ An vô tình bị lính Pháp bắn chết trong vụ xô xát giữa lính Pháp và người biểu tình. Út Lục Lâm – một tên ăn trộm không người thân thích, vô tình thấy cảnh tượng này, quyết định giúp An rời khỏi đó và đi tìm cha. Trải qua một hành trình đầy những nguy hiểm, bé An đã có lúc phải theo Út ăn cắp để kiếm sống, nhưng rồi An và Út lạc nhau. Cuộc phiêu lưu đưa An đi qua lục tỉnh Nam Kỳ với thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và run rủi cho An gặp những con người đậm tình quê hương, kín đáo là thành viên những hội kín kháng chiến chống Pháp, như nhân vật Tiều, một người Hoa đã cưu mang An và dậy An học võ.

Như đã nói ở trên, phim bị chê là làm sai lệch lịch sử, cho nhiều nhân vật ăn mặc giống người Tàu, và ngầm ý cho nói là người Trung Hoa, chứ không phải người Việt, đã can đảm đứng lên kháng chiến chống Pháp. 

Phê bình khác với thóa mạ

Viết đến đây, những cảm xúc nhớ quê, lòng yêu nước đã lắng xuống đủ để tôi đưa ra một vài nhận xét, hy vọng là khách quan, về tranh cãi này.

Việc góp ý với sự chân thành cũng như tinh thần xây dựng là điều cần thiết cho mọi tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và cần được trân trọng, với điều kiện những góp ý này thấu tình đạt lý. Nhưng tình trạng xúm vào chê bai, chỉ trích, thậm chí thóa mạ kiểu vùi dập, đánh hội đồng, hay chính trị hóa một sự việc không liên quan đến chính trị, rồi kêu gọi tẩy chay, là điều hoàn toàn không nên làm, cũng không nên được khuyến khích.

Nhận định là phim đã làm sai lệch lịch sử có thể không sai, nếu “Đất rừng phương Nam” là một cuốn phim tài liệu. Nhưng đây là một phim có tính cách hư cấu, sáng tạo, dù được gợi ý từ cuốn sách có cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, phát hành năm 1957, với bối cảnh là miền Tây Nam Bộ, vào nửa cuối thập niên 1940, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm miền Nam Việt Nam.

Tương tự, chỉ trích là trang phục của một số nhân vật trông giống của người Hoa cũng không sai, nếu đây là một cuốn phim tài liệu, nhưng với một phim hư cấu có tính cách sáng tạo, thì có lẽ điều này không thích hợp. Buồn cười nhất là việc mọi người lôi việc mặc áo Tàu, đội mũ Tàu của nhân vật Tiều, một người Hoa nói tiếng Việt lơ lớ với giọng Tàu ra để thóa mạ.

Việc “Đất rừng phương Nam” dùng tên Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn (hai tổ chức của người Tàu) đặt cho những tổ chức chống Pháp bị tấn công kịch liệt nhất, cho rằng đây là quan điểmphò Trung Quốc’ của đoàn làm phim, một điều không thể tha thứ được trong một đất nước có tinh thần bài Trung Quốc rất cao độ.

Cần mở ngoặc một chút về hai tổ chức này: Nghĩa Hòa Đoàn là tổ chức có mục đích “phù Thanh, diệt Dương” có nghĩa là “ủng hộ Thanh triều, tiêu diệt người Tây” được thiết lập vào cuối nhà Thanh. Trong khi Thiên Địa Hội được lập lập ra với mục đích “phản Thanh phục Minh” (đánh đuổi quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, khôi phục giang sơn của nhà Minh).

Một lần nữa, nếu đây là phim lịch sử, thì việc dùng tên Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn (hai tên này đã được nhóm làm phim đổi sau khi bị chỉ trích) là điều đáng chê trách. Còn một phim hư cấu được làm với mục đích giải trí, theo tôi thì nên có cách đánh giá khác.

Dĩ nhiên phim “Đất rừng phương Nam” cũng có những khuyết điểm của nó, như đối thoại dùng nhiều chữ thời nay, không hợp với khung cảnh của Việt Nam cách đây 70 năm, việc kịch hóa việc bé An “uống máu ăn thề” khi gia nhập hội kín của ông Tiều. Nhưng những điều này không bị giới chỉ trích phim nhắc đến. (Tôi để ý đến những chi tiết này khi xem phim lần thứ hai, nhưng không vì thế mà bớt thích “Đất rừng Phương Nam.”)

Buồn cười là sau khi đọc những lời bình chỉ trích “Đất rừng phương Nam” trên những trang mạng xã hội, tôi nhận thấy đa số những người chỉ trích gay gắt là những người chưa hề đi xem phim (họ nói như vậy, tuyên bố tẩy chay, không thèm xem v.v…) Nhiều người đặt những câu hỏi mỉa mai “tại sao lại để văn hóa, nghệ thuật nước ngoài xâm chiếm?” “Tinh thần bài Trung để đâu rồi?” v.v…


Tệ hơn nữa, một số người còn tấn công người đi xem phim là “con dân Việt Nam mà không biết giữ tinh thần bài Trung” và chê người khen phim là “ngu xuẩn và bị mê hoặc,” đến nỗi người xem và thích phim đã có thái độ rất… e dè khi thú nhận là mình thấy phim… hay.

Tinh thần “bầy đàn” và “đánh hội đồng” được thấy rõ nhất trong việc Facebook hiện đang đầy rẫy những nhóm có tên “Anti Đất rừng Phương Nam” với các thành viên thường xuyên vào tấn công cuốn phim tội nghiệp.Những điều này cho tôi thấy thực trạng đáng buồn về một quán tính chưa được hay của người Việt.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights