Đã có ‘con anh con tôi,’ có cần thêm con chúng ta?

by Tim Bui
Có cần phải xé hôn thú với vợ cũ để giữ vợ mới?

MẮT NÂU

Hỏi: Em tên Thu, 40 tuổi, có hai con gái. Anh ấy cũng có hai con gái. Như vậy tụi em đang trong tình trạng ‘Con anh con tôi’ vậy theo chị có nên sinh thêm ‘con chúng ta’ không, vì cả hai cùng muốn có con trai. Và trong hoàn cảnh này, em có nên sánh vai anh ấy trong cuộc sống, hay nên lựa chọn vai trò thứ yếu bên anh ấy? Và nếu thế, thì tại sao?
Người ta nói ‘Xa mặt cách lòng’ nhưng cũng có câu ‘Xa mỏi chân/Gần mỏi miệng.’ Làm sao bây giờ? Và đàn bà hay ghen hơn đàn ông, tại sao vậy chị?

Đáp: Chào Thu. Đàn ông đi bước nữa là tục huyền. Phụ nữ đi bước nữa là tái giá. Hai bên có con riêng trước và gặp nhau, thỏa thuận cùng nhau đi thêm bước nữa là chuyện thường tình trong xã hội, vì đó là cuộc sống. Tuy nhiên chuyện ‘Con anh con tôi’ là vấn đề đầu tiên phải nghĩ tới khi muốn kết hôn lần thứ hai.

Thật ra thì trong cuộc sống chung, ai lại chẳng muốn có con chung để thắt chặt và xây dựng hạnh phúc gia đình. Đó cũng chính là vấn đề hết sức tế nhị, đòi hỏi sự thành thật, thông cảm, bao dung và hiểu biết. Nhưng đã đi tới quyết định chọn lựa sống chung, nghĩa là đã thấy đủ duyên để bước tới với nhau.

Ý kiến nào và của ai cũng không chính xác và thực tế bằng điều chính hai đương sự cùng cảm nhận, cùng đánh giá sự việc, dựa trên tình cảm, qua tính tình của đối phương và cá tính con cái của hai bên.

Việc hai bên cùng có con gái một là thuận tiện, hai là bất tiện, tùy cảm tính và cách hành xử của các cô con gái khác cha khác mẹ này. Tuy nhiên nếu duyên lành, thì tình thương sẽ hóa giải những mâu thuẫn có thể có.

Vì hai bên cùng muốn có con trai, thì đâu còn cách nào khác hơn là sinh ‘con chúng ta’. Câu hỏi này chỉ là câu hỏi, chứ không mang tính chọn lựa sự quyết định nữa rồi.

Khi các cô con gái này có chung một đứa em trai, âm dương sẽ là điều tuyệt diệu cho hòa điêu cuộc sống – Và nếu có thêm em gái, cũng là một hài hòa trong tương quan sống xum vầy lương thiện – Ngũ long công chúa đề huề an vị.

Trong xã hội quanh ta đã có biết bao cặp đôi hạnh phúc trong tình trạng ‘Con anh con tôi, con chúng ta – Họ đã điều hòa hành xử trong ánh mắt tình thương, trong lời lẽ vị tha, nhất là tuyệt đối không bao giờ phân biệt đối xử, gây chia rẽ làm tổn thương nhau.

Em hãy trân trọng xem đó là món quà thượng đế ban cho và đón nhận trong bản thiện.

Dù trong tình cảnh này hay tình cảnh nào chăng nữa, sánh vai trong cuộc sống là điều cần thiết. Đồng vợ đồng chồng là hình ảnh đẹp nhất để con người có thêm sức mạnh mà vui sống. Tuy nhiên em nên chọn thái độ đóng vai thứ yếu bên người ấy, như vậy sự sống chung có lẽ trọn vẹn hơn –   Đó cũng là tâm lý  muôn đời trong quan niệm và thành kiến nam nữ, nhất là trong xã hội Đông phương nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng.
     
Phái nam luôn được thỏa mãn tự ái khi là chủ gia đình. Phái nữ luôn hãnh diện mình là nội tướng điều khiển và nắm giữ hòa khí giềng mối gia đình.  Kết hợp âm dương, bổ sung hài hòa là một tuyệt vời mà tạo hóa đã kỳ vọng và mong muốn khi hình thành và khai sinh hai giới tính trên quả địa cầu, qua thân xác và trí tuệ hầu bổ sung nhau trong  kết hợp kỳ diệu của đời sống gia đình và chồng vợ.

-Trong mối quan hệ, việc ‘xa mặt cách lòng’ là điều không tránh khỏi. Nhưng khổ nỗi ‘xa mỏi chân, gần mỏi miệng’. Điều này cho thấy không có gì hoàn hảo ở cõi đời –  Đòi hỏi nhiều là điều khó sống,

Qua hai câu Hán Việt : “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn hà thời nhàn” (Biết đủ là đủ/biết nhàn thì nhàn) chúng ta hiểu nếu không biết đủ, con người muôn đời  sẽ khổ vì biết thế nào mới là đủ theo cái tính tham nảy sinh trong cá tính con người.

Có một thì muốn có hai, ba, bốn, hay hơn nữa… vốn là kỳ vọng khôn nguôi trong thế giới đầy ham muốn của nhục thân và ảo vọng mơ hồ tham muốn. Như vậy chúng ta phải chọn một điều kiện thích hợp, tương hợp nhất – Chẳng ai được  tất cả, chẳng ai mất tất cả, đó là lẽ công bằng của đấng trên cao.

Mỏi chân hay mỏi miệng đều có cái hay , và cả cái không hay – phải chấp nhận, trong thuyết tương đối vì ngay trong vật lý học, làm gì có thuyết tuyệt đối trên trái đất.

Đòi hỏi tuyệt đối là một căng thẳng khó bảo toàn lẽ sống an bình. Khi đói thì muốn được no – Khi no bụng rồi thì muốn ngon miệng, phủ phê.Khi lạnh thì muốn có che thân đủ ấm – Khi ấm rồi thì phải đẹp và sang trọng.

Nhu cầu không dừng lại trong cái ước muốn trùng trùng ảo vọng của con người. Nó được nảy sinh từ lòng bon chen, tính đố kỵ, như con gà tức nhau tiếng gáy – như con nhái muốn to bằng con bò, cố phình to, phình to để vỡ tung mà chết.

Ai cũng muốn mình là số một, và đó là thảm họa của cuộc sống.

– Đàn bà hay đàn ông, đàn nào cũng ghen cả, đó là bản năng, là bản chất của  háo thắng, muốn làm chủ của con người.

Nhưng người ta dường như thấy đàn bà ghen nhiều hơn, chẳng qua vì đàn bà không che dấu giỏi bằng đàn ông, do quan niệm xã hội của  người đàn bà nhỏ hẹp hơn, khép chặt hơn và trở thành loanh quanh hơn, bởi thành kiến xã hội bủa vây, xuất phát từ cấu tạo vật lý của thể chất mà tương tác, cộng với cái nhìn suy diễn theo quan điểm chủ quan của xã hội.

Sự ức chế ví như cái nồi áp suất, càng ép kín càng bung hơi xì mạnh chết người.

Ghen là quán tính – Trời còn ghen huống chi đàn bà ghen với đàn bà.

“Lạ gì bỉ sắc tư phong

 Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” 

(Kiều – Nguyễn Du)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights