Michelle Yeoh: Diễn viên gốc Á đầu tiên đoạt giải Oscar

by TYTNT

TRÙNG DƯƠNG

Tối Chủ nhật ngày 12 tháng 3 vừa qua nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc Á không khỏi thấy mình được thơm lây khi phim “Everything Everywhere All at Once”, với phần lớn diễn viên người Á châu đóng vai chính, được trao tới bẩy giải Oscar danh giá của Hollywood trong kỳ phát giải Academy Awards thứ 75. Đặc biệt hơn cả là diễn viên chính của phim, Michelle Yeoh, đã đoạt giải nữ diễn viên xuất sách nhất trong năm, bên cạnh Ke Huy Quan, gốc Việt-Trung Hoa, với giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Phim được khen ngợi vì tính cách nguyên thủy, về truyện phim, dàn dựng, diễn xuất, visual effects, trang phục, những cảnh đấu võ, nhạc đệm, và ráp nối. Phim còn chuyên chở một số quan điểm triết lý như hiện sinh, hư vô, và phi lý, bệnh trầm cảm, chấn thương do phân cách thế hệ, và căn cước người Mỹ gốc Á. Tóm lại, đó là một nội dung mà tôi gọi là “ôm đồm”, nôm na là “hổ lốn”, kể cả trong kỹ thuật thực hiện phim, như… món cơm chiên thập cẩm. Nhưng không vì thế mà phim “Everything Everywhere…” trượt giải Best Original Screenplay, tức truyện phim nguyên thủy hay nhất.

Trái, Michelle Yeoh là diễn viên gốc Á đầu tiên đoạt giải Oscar dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất tại buổi trao giải Academy Awards thứ 75. (Ảnh Myung J. Chun / Los Angeles Times) Phải, toàn bộ đạo diễn và diễn viên của phim “Everything Everywhere All at Once.” (Ảnh Rodin Eckenroth / Getty Images)

Phim xoay quanh Evelyn Quan Wang (do Michelle Yeoh đóng), một di dân gốc Trung Hoa chủ một tiệm giặt cùng với chồng, là Raymond (Ke Huy Quan), điều hành. Họ đến Mỹ định cư đã đuợc hai thập niên, có cô con cái là Joy (Stephanie Hsu), là người đồng tính luyến ái nhưng không đuợc mẹ chấp nhận. Tiệm giặt của họ đang bị sở Internal Revenue Service (IRS) kiểm tra sổ sách, trong khi Raymond tìm cách trao cho vợ đơn xin ly dị. Bên cạnh ông bố của Evelyn, một ông già gốc Quảng Đông không nói tiếng Anh, tới thăm gia đình nhân dịp Năm Mới.

Trong một buổi gặp gỡ căng thẳng với nhân viên sở IRS (Jamie Lee Curtis, giải nữ diễn viên phụ xuất sắc), Raymond bỗng bị một Raymond của muôn vàn vũ trụ (multiverse) nhập vào người. Anh ta giải thích với Evelyn là có nhiều vũ trụ khác song song với vũ trụ họ đang sống bởi vì mỗi chọn lựa của mỗi cá nhân tạo nên một vũ trụ khác. Và cá nhân đó có thể rút hoài niệm cũng như kinh nghiệm mình có được từ những vũ trụ đó để chống lại các thế lực đe dọa những điều quý giá mình muốn bảo vệ. Và từ đó họ đi hết từ vũ trụ này tới vũ trụ khác trong đó có lúc Evelyn từng là một hiệp sĩ đạo trong nhiều pha đấu võ chống lại kẻ xấu, là một ngôi sao màn bạc nổi tiếng, là nhân vật này, nhân vật khác, khoảng sáu, bẩy vai trò–tóm lại là các vai trò có vẻ phản ảnh những nhân vật trong các phim Yeoh đã từng đóng trong hàng 50 phim bà đã góp mặt, song hầu hết trong vai phụ, không bao giờ là một thứ siêu anh hùng, như trong phim “Everything Everywhere All at Once”.

Thú thật, sau khi “nhẩy vào” vài vũ trụ với các nhân vật qua những xảo thuật điện ảnh thực hiện bằng điện toán với tốc độ chóng mặt, những màn đấu võ liên tu bất tận, những lần các nhân vật thay trang phục và hoá trang liên miên, tôi… bị bỏ lại đằng sau. Phim dài cũng bình thường, là trên hai tiếng, mà sao tôi (đi xem ở ngoài rạp với con gái) mong chóng chấm dứt, mấy lần tưởng phim dứt mà vẫn chưa. Song vẫn gắng xem cho tới cùng xem kết cục thế nào.

Tôi sẽ không kể ra đây các kết cục ấy, để vị nào muốn xem không bị làm mất hứng. Song tôi thực tình không đồng ý với hai trong bẩy giải Oscar mà phim này nhận đuợc, đó là giải truyện phim nguyên thủy (original screenplay) hay nhất và phim (best feature film) hay nhất. Mặc dù tôi thấy chủ đề–một gia đình di dân phấn đấu để tạo một chỗ trong xã hội Mỹ với những phức tạp của đời sống, nhất là vai trò của người phụ nữ, một thứ “siêu anh hùng”, để gìn giữ vun sới cho gia đình–là chủ đề rất nên khai thác. [Được biết là vai này lẽ ra viết cho tài tử Jackie Chan, với Yeoh đóng vai người vợ, nhưng ông từ chối vì lý do riêng, nên hai nhà làm phim cùng có tên gọi là Daniel–Daniel Kwan và Daniel Scheinert–thay vai nam thành nữ chính, và mời Yeoh đóng vai chính.]

Yeoh, sinh năm 1962, gốc Trung Hoa ra đời tại Mã Lai, thoạt đươc huấn luyện trong ngành vũ nhưng sau một tai nạn bị thương, bà quay sang diễn xuất. Vào các thập niên 1980 và 1990, bà nổi tiếng nhờ đóng trong các phim võ hiệp Hongkong. Sau khi xuất hiện trong “Crouching Tiger, Hidden Dragon” dưới quyền đạo diễn Ang Lee, tài diễn xuất của bà được biết tới trong giới điện ảnh quốc tế.

Trước Yeoh, vào năm 1936, một diễn viên sinh quán ở Ấn Độ, Merle Oberon, là diễn viên đầu tiên gốc Á được đề cử giải nữ diễn viên xuất sắc nhưng bị trượt, trong phim “Dark Angel”, nhưng bà này che giấu gốc Á của mình và thường đóng vai một phụ nữ da trắng. Yeoh, ngược lại, không che giấu gốc gác của mình, được đề cử và trở thành phụ nữ gốc Á đầu tiên đã đoạt giải này. Bà vẫn từng nói là muốn trở thành một gương mẫu cho phụ nữ gốc Á mọi nơi. Khi nhận giải Screen Actor Guild Award ngày 26 tháng 2 vừa qua, bà đã nói: “Giải này không chỉ cho tôi, mà còn cho mỗi cô bé trông giống tôi.”

Bà Yeoh kể khi nhận bản phân cảnh truyện phim, bà đọc và thấy ở vai trò của nhân vật chính là điều bà vẫn mong đợi: Đây là một phim đặt một phụ nữ trung niên vào vai trò một anh hùng hành động (action hero). “Khi người ta nói tới một thứ ’siêu anh hùng’… thì luôn luôn đó là một gã đàn ông được chọn để đóng vai đó,” bà Yeoh nói trong một cuộc phỏng vấn với đài National Public Radio. “Tại sao không phải là một bà mẹ trung niên kia chứ?” Và Yeoh đã sống hết mình với vai trò này–đúng ra là nhiều vai trò một lúc trong phim. Hiển nhiên bà không hổ với giải Oscar nữ diễn viên xuất sắc nhất, diễn viên gốc Á đầu tiên đoạt danh dự này.

Yeoh nhìn nhận cái mà tôi gọi là “hổ lốn” ở trên về phim “Everything Everywhere”–có vẻ hai nhà làm phim trẻ này thích thú với việc thực hiện phim và không ngại thảy vào đó hầm bà làng đủ thứ mà họ biết và có khả năng–là một phim gói gồm tới năm thể loại. “Đó là một phim khoa học giả tưởng, một phim hài hước, một phim bi kịch, một phim hành động, một phim có chút kinh dị,” bà nói. “Thế nhưng tôi nghĩ cốt lõi của truyện là về một người mẹ và cô con.”

Bà nói là hai nhà làm phim đã tạo nên loại nhân vật mà mà giới điện ảnh Hollywood thường không để ý, đó là một “người vợ tầm thường… một phụ nữ bạn đi ngang qua khi tới Chinatown hay trong một siêu thị.”

“Tôi cảm thấy thật quan trọng khi bạn cho họ một tiếng nói rồi cho thấy họ đúng là nữ siêu anh hùng,” bà Yeoh nói. “Và cho họ cơ hội chứng tỏ chính mình, giá trị của mình, và [có dịp] ngời sáng.”

Trong bài diễn văn nhận giải, bà Yeoh phát biểu: “Xin cám ơn, cám ơn. Với tất cả các cô bé cậu bé đang xem tôi tối nay, đây là biểu tượng của hy vọng, của những gì có thể (bà dơ cao tuợng Oscar). Đây là bằng chứng là… hãy mơ ước lớn, và những giấc mơ rõ ràng là thành sự thật. Và quý bà, đừng để ai bảo mình là đã quá thì. Đừng bao giờ bỏ cuộc,” bà Yeoh nói.

Sau khi cám ơn các thành viên trong đoàn quay phim cũng như nhà phát hành, bà tiếp: “Tôi phải tặng phần thưởng này cho mẹ tôi, cho tất cả những bà mẹ trên thế giới, vì họ chính là các bậc siêu hùng và không có họ, không ai trong chúng ta có mặt ở đây hôm nay. Cụ năm nay đã 84 và tôi sẽ mang phần thưởng này về cho cụ.”

Bà Yeoh đã mang tượng Oscar về Mã Lai trao cho mẹ chưa thì không biết, nhưng ngay sau ngày lịch sử nhận giải Oscar danh giá, người ta thấy bà, lợi dụng hào quang bà đang có được, xuất hiện trên trang ý kiến của tờ The New York Times kêu gọi giúp đỡ nạn nhân thiên tai tại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.

Trong bài “The Crisis That Changed My Life 8 Years Ago Keeps Happening” (Cuộc khủng hoảng đã thay đổi đời tôi 8 năm trước vẫn tiếp tục xẩy ra), đăng trên tờ The New York Times ngày 13 tháng 3 vừa qua, bà nhắc lại chuyến đi thăm Nepal vào năm 2015 đúng lúc cuộc động đất 7.8 độ diễn ra tại đây. Cuộc động đất kinh hoàng đã giết chết hàng ngàn người, gây thương tích cho hàng chục ngàn và biến hàng triệu người thành vô gia cư. Khi Yeoh rời Nepal nhiều ngày sau đó, bà nói đã “không thể nào gạt ra khỏi đầu ý nghĩ thật là bất công khi tôi có một mái nhà để trở về, khác với hàng ngàn gia đình mà toàn cuộc đời họ bỗng hoá thành đống gạch vụn.” Bà cho biết đã trở lại Nepal nhiều lần sau đó, kể cả với tư cách là một đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, để tiếp tay với người dân đang sống trong sự giúp đỡ tối thiểu.

Khi các cuộc động đất chết người diễn ra ở Turkey và Syria tháng rồi, bà Yeoh đã nhận định: “Các cuộc khủng hoảng không chỉ là những thảm hoạ mà chúng còn để lộ sự bất bình đẳng sâu xa. Những người sống trong nghèo khó, đặc biệt là phụ nữ và các bé gái, phải lãnh đủ. Sau một thảm họa, thiếu thốn vệ sinh, y tế và an ninh ảnh hưỏng tới phụ nữ một cách bất cân xứng… Trong thời gian là một đại sứ thiện chí, tôi đã thấy tận mắt phụ nữ và các em gái là những người cuối cùng được trở lại truờng và cuối cùng nhận được các dịch vụ như nước sạch, chích ngừa, thẻ căn cuớc và hướng dẫn. Họ là những người đương nhiên cuối cùng được việc làm hay được vay nợ.” Theo Yeoh, để hồi phục hoàn toàn sau một tai ương, nhu cầu cá biệt của phụ nữ và các bé gái phải được đặc biệt đề ra trong các công trình cứu trợ nhân đạo.

Michelle Yeoh, giữa, thăm tu viện Amitabha Drukpa Nunnery tại Nepal sau vụ động đất năm 2015. (Ảnh Prakash Mathema/Agence France-Presse – Getty Images)

Kết thúc bài tham luận, người nữ diễn viên vừa đoạt giải Oscar danh giá nhất trong ngành điện ảnh viết: “Tôi năm nay 60 tuổi, và tôi vừa đoạt giải Oscar đầu tiên của tôi, và tôi cũng ý thức quá rõ xã hội trông đợi điều gì ở giới phụ nữ. Tôi cũng ý thức rất rõ là kinh nghiệm của tôi không thể nào so sánh được với các vị nữ lưu nơi tuyến đầu của các tai ương. Song nếu tôi có thể làm được một điều trong cái giây phút của niềm vui nghề nghiệp này của tôi, tôi muốn hướng ánh đèn sân khấu này vào những anh hùng vô danh, những phụ nữ đang tiếp tay xây dựng cộng dồng, săn sóc trẻ em và các vị cao niên cùng là đem thức ăn tới họ. Hãy đoan chắc là họ không vắng mặt trong các phòng họp mà các quyết định sẽ ảnh hưởng tới họ nhất.”

[TD2023-03]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights