Chuyện báo chí Sài gòn xưa – kỳ 5 Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968) – người đem “phấn son tô điểm sơn hà”

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài gòn xưa - kỳ 5 Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968) - người đem “phấn son tô điểm sơn hà”

TRẦN NHẬT VY

Ông Nguyễn Đức Nhuận người Gò Công, là một nhà kinh doanh. Vốn là một điền chủ giàu có, lên Sài Gòn ông Nhuận chuyên kinh doanh vải và các mặt hàng nhập cảng. 

Theo nhà báo Thiếu Sơn thì ông Nhuận là người “có đầu óc kinh doanh, hào phóng, trượng nghĩa, hay giúp đỡ mọi người. Cả những không quen biết mà thấy nên giúp đỡ là ông giúp.” (Thiếu Sơn, Bài học Nguyễn Đức Nhuận, báo Đuốc Nhà Nam số ra mắt ngày 9-10-1968). Ông Nhuận và vợ là bà Cao Thị Khanh là người biết kính hiền đãi sĩ, biết đối xử và trả thù lao xứng đáng cho những người hợp tác với mình và để anh em làm việc thoải mái chứ không như các chủ báo khác. Có lẽ vợ chồng ông lên Sài Gòn không lâu trước khi làm báo và cái duyên nợ với nghề báo đã khiến ông Nhuận cho ra đời tờ Phụ Nữ Tân Văn, một tờ tuần báo sống được 6 năm nhưng dư âm tới nay vẫn còn vang. 

Sự ra đời của tờ báo này, phải nhắc tới một người ít xuất hiện tên tuổi trên tờ báo là ông Cao Văn Chánh, em ruột bà Nguyễn Đức Nhuận nhũ danh Cao Thị Khanh.

Ông Cao Văn Chánh từ đầu thập niên 1920 đã có làm báo với một số bạn bè như Trịnh Hưng Ngẩu, Bửu Đình…trong nhóm “bạn trẻ” jeune amis. Tờ báo ra được một hay hai số gì đó thì bị chánh quyền đóng cửa vì “chủ nhiệm và chủ bút chưa đủ tuổi thành niên.” Khi ấy, ông Trịnh Hưng Ngẩu mới có 16 tuổi còn ông Chánh khoảng 15! Vốn có sẵn máu “giang hồ”, từng du học ở Pháp và máu làm báo nên ông xúi anh chị mình làm báo! 

Cũng phải nói thiệt rằng, các vị điền chủ ngày xưa vốn tánh “ăn chắc mặc bền,” ít dám phiêu lưu về mặt tiền bạc. Thế nhưng họ lại rất sĩ diện luôn ham mê hai chữ “có học,” sợ thiên hạ chê mình keo kiệt, dốt và giàu có mà không dám chơi! Cách nay hơn chục năm ở Đồng Tháp có một ông nông dân đã dám “chơi cho thiên hạ biết mình biết chơi!” Ông này thấy thiên hạ khoe tiền của, khoe xe hơi dữ quá nên bực mình. Một ngày đẹp trời nọ, sau mùa lúa ông ra Cần Thơ mua một chiếc xe hơi Toyota rồi mướn xà lan kéo về nhà. Khổ nỗi nhà ông ở trên cồn, xung quanh là sông nước lấy đường đâu cho xe hơi chạy! Vậy là ông đóng một cái giàn cây trước nhà rồi để chiếc xe hơi trên đó cho bà con chòm xóm coi chơi! Chỉ sau một đêm, “tay chơi” này nổi tiếng khắp nước. Vụ này báo chí trong nước hồi ấy cũng có đăng. 

Bởi cái tánh như vậy nên khi “thằng em” Cao Văn Chánh xúi làm báo, vợ chồng ông Nhuận cũng lưỡng lự lắm. Bởi nghề buôn bán vải, cùng nhiều mặt hàng nhập cảng khác họ kiếm khá nhiều tiền. Nhưng buôn bán làm sao “nổi tiếng” bằng nghề làm báo? 

Vậy là ông bà quyết định xin phép ra tờ báo chuyên về phụ nữ lấy tên là Phụ Nữ Tân Văn với slogan in đậm dưới măng sét:

Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam

Tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời ngày 2/5/1929, do ông Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và bà Cao Thị Khanh làm chủ nhân kiêm quản lý. Tòa soạn tờ báo đặt ở trên lầu tiệm vải của họ tại số 42 Catinat (Đồng Khởi) sau dời về số 48 Vannier (Ngô Đức Kế) bên hông chợ Sài Gòn Cũ. Trong gia đình, có lẽ chỉ có em của bà Khanh là ông Cao Văn Chánh, bút danh Cao Chánh là từng làm báo. 

Cao Chánh học ở Hà Nội về Sài Gòn tham gia viết cho tờ báo tiếng Tân Thế Kỷ. Tờ báo ra đời vào tháng 11 năm 1926 và bị đóng cửa vào tháng 4 năm 1927 vì “chống chính quyền” lúc bấy giờ. Sau vụ báo Tân Thế kỷ bị đóng cửa, Cao Chánh buồn bỏ nghề không làm báo nữa. Thiếu Sơn viết “Ông Cao Văn Chánh tự Thạch Lan. Ông này viết báo từ hồi còn nhỏ tuổi, khi ông lãnh trách nhiệm bĩnh bút hai tờ Công Luận và Nam Kỳ Kinh Tế thì ông chưa đầy 20 tuổi. Rồi lần lượt thấy ông viết những tờ Essor Indochinoise, Action Indochinose, Tân Thế Kỷ…Trên Phụ Nữ Tân Văn thỉnh thoảng cũng có bài của ông, lời lẽ hiên ngang khí phách, tư tưởng tiến bộ và thiên tả rõ ràng. Rồi ông cũng đi Tây học thêm ít năm. Nhưng tới khi về nước thì ông lại ít hoạt động hơn trước. Rồi thấy ông im hơi kín tiếng luôn. Té ra ông đã có vợ mà vợ ông là cô Nguyễn Thị Khang, người phụ nữ Bắc được lựa đi dự cuộc đấu xảo ở bên Tây và cũng là một nữ sĩ. Hai vợ chồng được bà chị giúp đỡ cho buôn bán phát tài rồi cả hai đều không cầm bút nữa. Một hôm tôi gặp Cao Văn Chánh ở một bữa tiệc. Ông ăn mặc rất sang, có một xâu chìa khóa đút túi quần. Ông móc xâu chìa khóa cho tôi coi rồi nói “xâu chìa khóa này có nhiều quyền lực hơn cây viết. Phải làm giàu, phải thành tư bổn. Chỉ tư bổn mới sai khiến được người ta.” (Thiếu Sơn, Hồi ký một đời người, tạp chí Phổ thông số 13 tháng 6 năm 1959). Song do cái máu nghề nghiệp thúc đẩy nên Cao Chánh xúi anh chị làm báo và thỉnh thoảng viết đôi bài chơi!

Còn bà Cao Thị Khanh (1900-1962), chị ruột của Cao Văn Chánh, là con của ông Cao Văn Nhiêu và bà Nguyễn Thị Mỹ ở Gò Công, vốn là điền chủ nhiều ruộng vườn. Bà cùng chồng lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề kinh doanh. Rồi thời thế đưa đẩy khiến bà trở thành “chủ nhân” của một tờ báo, một nghề dễ nổi tiếng và cũng lắm thị phi! Và cũng chính vì nghề làm báo mà vợ chồng bà xảy ra nhiều chuyện không vui!

Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo đấu tranh cho nữ quyền thứ 2 ở Việt Nam sau tờ Nữ Giới Chung ra đời năm 1918. Song Phụ Nữ Tân Văn sống lâu hơn và có dấu ấn đậm đà hơn. Báo ra hàng tuần là tờ báo dám ăn dám nói và là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Sài Gòn được phát hành ra miền Bắc. Ông Thiếu Sơn “Khi các báo im lặng thì độc giả miền Bắc lại trông đứng tờ Phụ Nữ Tân Văn vì đây là tờ báo duy nhất ở Sài Gòn viết về vụ án Nguyễn Thái Học ở ngoài Bắc.” Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn vẫn còn là đất “của người Pháp” tương tự như Hongkong và Trung Hoa lục địa trước năm 1997. Đông Dương khi ấy do người Pháp quản trị bao gồm “5 nước” là Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cam Bốt [Kampuchia] và Lào [Ai Lao]. Việc thông thương, đi lại giữa 5 nước rất dễ dàng song các sản phẩm văn hóa thì ít ỏi hoặc khó khăn do điều kiện giao thông yếu kém. Người Nam Kỳ là dân thuộc địa Pháp, nhiều người có quốc tịch Pháp, nên đi lại ở Đông Dương không hạn chế. Nhưng người ở những “nước” khác muốn vô Nam Kỳ phải có giấy phép. Do nhiều hạn chế ấy mà báo chí ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 cho tới năm 1929 hiếm khi được phát hành ở miền Bắc. Thậm chí cho tới năm 1954, vẫn còn khó khăn. Do vậy, người miền Bắc ít được đọc báo xuất bản ở Sài Gòn, trừ một số ít quan chức, trí thức quan tâm… Chưa kể, báo Sài Gòn viết bằng tiếng miền Nam nhiều người Bắc đọc không hiểu! Do đó, khi phát hành được ở miền Bắc, chủ yếu là ở Hà Nội, Phụ Nữ Tân Văn được đông đảo bạn đọc chú ý, dĩ nhiên là khi có tin tức ở miền Bắc.

Báo tập họp được khá nhiều nam nữ anh tài cả Trung nam Bắc của làng viết báo thời ấy như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Phan Thứ Khanh, cô Vân Đài, Ngọc Khanh nữ sĩ (sau là phu nhân của nhà báo Thiếu Sơn và sau nữa đi tu với pháp danh Huệ Thuần), Phan Thị Nga, Nguyễn Thị Kiêm tức Manh Manh nữ sĩ… Những tài danh này đã góp phần đáng kể vào việc làm nên tên tuổi tờ báo cũng như nhiều chuyện ngoài mặt báo cho tới nay vẫn còn tiếng khen.

Ngoài chuyện dám ăn dám nói (báo đã từng bị cấm phát hành ra miền Bắc vào đầu năm 1931 vì đưa nhiều tin tức về vụ Nguyễn Thái Học), Phụ Nữ Tân Văn còn đi đầu trong làng báo xưa nay một số chuyện. Đó là tổ chức chương trình  quyên góp “đồng xu học sinh” giúp đỡ cho học sinh hiếu học mà nghèo đi du học, tổ chức xây dựng Hội dục anh là nhà nuôi trẻ mồ côi, tổ chức Hội chợ Phụ Nữ lấy tiền xây dựng Hội dục anh, mở đầu nền thơ mới, đi đầu trong việc kêu gọi bình đẳng phụ nữ…
“Đồng xu học sinh” ngày nay là việc các tờ báo tổ chức chương trình quyên góp tiền của độc giả khắp nơi giúp cho học sinh nghèo hiếu học, tương tự chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ hiện nay. Chương trình Đồng xu học sinh của Phụ Nữ Tân Văn ra đời từ ngày 16/5/1929 với lời kêu gọi “một cây làm chẳng nên non/ Ba cây cụm lại nên hòn núi cao.” Việc quyên góp bằng cách mua báo. Cứ 2000 độc giả mua báo thì tặng một học bổng. Sau đó một thời gian thì báo đủ tiền trợ cấp cho hai em sinh viên đi Pháp du học. Sau này hai em Hiếu và Hai, một trở thành kỹ sư, một là thạc sĩ! (Xin chú ý, thạc sĩ khi ấy là học vị cao hơn tiến sĩ ngày nay).

Báo từng đứng ra mở cuộc trưng cầu dân ý để tuyển lựa một số nhân vật được quốc dân yêu mến nhất thì quốc dân đã ồ ạt bỏ phiếu cho cụ Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng bỏ xa những gương mặt đang ồn ào như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Báo cũng là tờ báo đầu tiên, nếu có thể nói như vậy, đăng tiểu thuyết của người đang ở tù! Đó là các tiểu thuyết “Mảnh trăng thu”, “Cậu Tám Lọ” của nhà văn Bửu Đình lúc ấy đang bị cầm tù ở Côn Lôn (Côn Đảo). Và đang khi “Mảnh trăng thu” đăng từng kỳ trên báo thì ông Bửu Đình vượt ngục Côn Nôn và chết mất xác trên biển năm 1931.
Nguyên ông Bửu Đình (1898-1931) là người của Hoàng tộc nhà Nguyễn nhưng lại có tinh thần chống thực dân Pháp. Ông là chắt nội của Hoàng tử Tĩnh Gia, con trai vua Minh Mạng, thuở nhỏ học chữ Hán ở nơi cha tại chức là tỉnh Bình Thuận, rồi vào trường quốc học Huế. Năm 19 tuổi ông bỏ nhà đi dạy học tư, rồi làm báo. Năm 1926, ông là chủ bút tờ Tân Thế Kỷ và cộng tác với một tờ báo khác như Nam Kỳ Kinh Tế Báo của Nguyễn Háo Vĩnh…ông cũng là công chức bưu điện Sài Gòn. Ông thường diễn thuyết, liên kết với những người yêu nước để đánh thức đồng bào về nền dân chủ, hô hào xóa bỏ chế độ phong kiến thành lập chế độ Cộng hòa.

Năm 1926, ông đứng đầu cuộc đình công của nhân viên bưu điện Sài Gòn nên bị đổi đi Tua Chàm (Phan Rang). Ở đây đời sống khó khăn, bị bệnh nên ông trở về Chợ Lớn để trị bệnh và sau đó nghỉ việc và chuyên nghề báo.

Năm 1927, ông về Huế chúc thọ Phan Bội Châu rồi diễn thuyết tại Kim Long và bị bắt. Hội đồng Tôn Nhơn Phủ kết tội ông “khi quân,” bị đổi sang họ mẹ là Tạ Đình, kết án 9 năm tù giam ở Lao Bảo. Tờ Tân Thế Kỷ do ông làm chủ bút cũng bị đóng cửa. Trong tù ông tiếp tục vận động tù nhân chống chính quyền nên bị đày ra Côn Đảo vô thời hạn. Tháng 11 năm 1930, ông tổ chức vượt ngục không thành. Năm sau 1931 ông lại vượt biển lần nữa và lần này thì…

Khi ở trong tù, ông tiếp tục viết và gởi về cho báo Phụ Nữ Tân Văn. Và tiểu thuyết “Mảnh trăng thu” đăng từ số 40 ngày 20/2/1930. Có thể nói đây là một việc độc đáo hầu như chưa có tờ báo nào xưa nay dám làm. Người ta không rõ ông chuyển bài như thế nào từ Côn Nôn về Sài Gòn với điều kiện giao thông liên lạc của năm 1930!

Một điều “dữ dằn” hơn của Phụ Nữ Tân Văn là “kêu gọi bình đẳng nam nữ” qua tài năng của nữ ký giả trẻ tuổi Nguyễn Thị Kiêm bút danh Nguyễn Thị Manh Manh. Vấn đề này chúng tôi sẽ trở lại khi viết về bà nữ ký giả đầu tiên của làng báo Việt Nam [có nhiều bài báo ký tên “thị nọ thị kia” nhưng thật ra là bút danh của mấy ông] và cũng là một trong những nữ nhà báo trẻ nhất khi trở thành nhà báo, 17 tuổi.

Thành lập Hội dục anh để nuôi trẻ em mồ côi, nghèo là một hoạt động ngoài mặt báo hết sức có giá trị của Phụ Nữ Tân Văn. Tới nay, cơ sở của hội này vẫn tồn tại nằm đối diện chợ Thái Bình, quận 1 Sài Gòn. Để vận động, tổ chức Hội dục anh, Phụ Nữ Tân Văn đã làm khá nhiều việc, trong đó có việc tổ chức hội chợ ở Vườn ông Thượng [vườn Tao Đàn] để gây quỹ. Đây là một hành động đáng quý. Tiếc thay, hội chợ này cũng để lại tai tiếng cho Phụ Nữ Tân Văn và khiến cho chủ báo ngán ngẫm sự đời dẫn đến đóng cửa tờ báo. 

Năm 1932, Hội chợ phụ nữ đã gây quỹ được gần 10.000 đồng (một số tiền khổng lồ thời đó). Số tiền ấy tạo được cho Hội dục anh một cơ sở khang trang để rồi từ đó phát triển nuôi được cả ngàn trẻ em nghèo và mồ côi. 

Sau khi Hội chợ chấm dứt thì một cuộc bút chiến nổi lên giữa các báo ở Sài Gòn mà đi đầu là tờ Trung Lập của ông Trần Thiện Quí và tờ Phụ Nữ Tân Văn. Tờ Trung Lập khá nặng lời và Phụ Nữ Tân Văn cũng không vừa. Kết cuộc tờ Phụ Nữ Tân Văn lại mất dần độc giả và bị cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng việc làm ăn nên ông bà Nhuận chán nản dẹp luôn tờ báo.

Năm 1962, bà Nhuận mất ở Pháp, còn ông Nhuận thì vẫn ở Sài Gòn. Sau mấy năm bị tai biến, ông Nhuận mất năm 1968 tại Sài Gòn. Con trai đầu của ông bà là ông Nguyễn Đức Vĩnh, ngay từ thời đầu kháng chiến đã tham gia Thanh Niên Tiền Phong và đã hy sinh năm 1945 tại Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương).
(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights