Chuyện báo chí Sài Gòn xưa (kỳ 8) – Bà Bút Trà – Kỳ nhân của làng báo Việt

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa (kỳ 8) Bà Bút Trà - Kỳ nhân của làng báo Việt

TRẦN NHẬT VY

Chuyện bà Tô Thị Thân trở thành bà Bút Trà cũng là chuyện khá ly kỳ trong giới báo chí Sài Gòn một thời. 
Nhà báo Ngọa Long (Nguyễn Kim Lượng) kể lại trên tờ Văn Học số 136 chuyên đề về nhà văn Phú Đức – Nguyễn Đức Nhuận ra ngày 15-9-1971.

Năm 1926, tờ Công Luận Báo (1) mở “trận” tấn công các tiệm cầm đồ “bồ rô căn tưa” (brocanteur). Đây là những tiệm cầm đồ bình dân “nhưng các tiệm cầm đồ hay cầm giấy, thời kỳ 1926 đã chặt đầu, lột da dân nghèo, họ tự ý định tiền lời và còn có ngàn lẻ một cách để bóc lột khách hàng, khi thiên hạ đồ khổ kêu rêu.”

Công Luận Báo “đã gãi nhằm chỗ ngứa của đồng bào, nên được độc giả hoan nghênh vô cùng. Chứng rằng đa số bình dân, đầu tắt mặt tối thời bấy giờ, ăn bữa no lo bữa đói, nên ai ai cũng là nạn nhân của bọn cá mập chủ nhơn các tiệm cầm đồ.”

Trận chiến kéo dài nhiều ngày lôi kéo nhiều tờ báo tham gia thành một phong trào rộng lớn. “Từ tiệm từ tiệm, từ Sài Gòn lần vô Chợ Lớn, tiệm nào cũng “bị lột mặt nạ và lên án.” “Dư luận không chỉ nhằm vào quyền lợi của người cầm đồ bị bóc lột mà còn quay mũi dùi ngay vào hành động tham nhũng, thủ lợi và cả đời tư của từng chủ nhân.” Giới chủ tiệm, phần đông là người Hoa, liền tìm cách ngăn lại, trước khi nó trở thành một trận cuồng phong. Và cách tốt nhất là thương lượng với mấy tờ báo chủ lực của việc tẩy chay mà đi đầu là tờ Công Luận Báo. Và bà họ Tô, người Long An, vợ một chủ tiệm cầm đồ người Hoa, được cử làm người đi hoà giải. 

1-Công Luận Báo ban đầu là bản tiếng Việt của tờ L’Opinoin, số đầu tiên ra ngày 29/8/1916, hàng tuần ra 2 số thứ Ba và thứ Năm do ông L. Héloury làm giám đốc, Nguyễn Kim Đính làm Tổng lý và ông Lê Sum làm chủ bút. Đến năm 1918, mới chính thức lấy tên nhựt báo Công Luận Báo, tờ nhựt báo đầu tiên của nước ta, có khuynh hướng thân chính phủ, luôn đề cập đến các vấn đề thời sự nhưng cũng là báo đăng nhiều tiểu thuyết. Báo sống đến tháng 10 năm 1939 ra được 9.021 số (Theo Nguyễn Ngọc Phan sachxua.net). Bản tiếng Việt của tờ báo này có một bộ biên tập khác và thời kỳ báo tấn công các tiệm cầm đồ, ông Nguyễn Đức Nhuận, bút danh Phú Đức đang khá nổi tiếng với nhiều bộ tiểu thuyết ăn khách, làm chủ bút.

“Bà họ Tô, nguyên là vợ ông X, chủ nhơn một tiệm bờ rô căn tưa, có quyền lợi rất quan trọng; vả lại bà là một người Việt khéo lời ăn tiếng nói, nên được cử đi thương thuyết với tờ Công Luận, tờ báo đã châm ngòi lửa chiến tranh. Rồi một chiều nọ, bà họ Tô ăn vận sang trọng và ngồi xe hơi đến tòa soạn báo Công Luận ở đường Pellerin, xin được gặp ông chủ bút Nguyễn Đức Nhuận”. 

Công Luận Báo là cơ quan của tư bản Pháp chủ trương không đá động đến vấn đề chính trị nên báo đã kiếm thêm người, nhứt là những người giỏi chữ Nho, để phiên dịch và theo dõi những chuyện xảy ra ở Trung Quốc. Do đó mà tờ báo “có thêm một ông Nguyễn Đức Nhuận giỏi chữ nho, tự là Bút Trà.” Ông Nhuận gia nhập làng báo Sài Gòn từ năm 1922 nhưng gần hết năm 1923 thì im hơi bặt tiếng một thời gian, dường như ông trở về Quảng Ngãi. Sau trở vô Sài Gòn và gặp lúc tờ Công Luận đang cần người, vì hồi này ký giả đàn anh Nam Đình cũng đã chán ngán tờ Công Luận mà rũ áo phong sương rồi, nên ông Bút Trà được mời làm thư ký toà soạn.”

Có tài liệu cho rằng, ông Bút Trà chỉ làm “lon ton” (nhân viên sai vặt, tùy phái) ở Công Luận Báo! Ngày xưa, trong tờ báo thường có một hai nhân viên “lon ton” chuyên nghiệp! Người này không có chức danh chánh thức nhưng khá quan trọng trong tòa soạn. Khi chủ bút cần một cuốn sách để tra cứu, lon ton đi kiếm. Cầm bài đi nhà in, lon ton chạy. Mua một tô hủ tíu khi chủ bút đói bụng, lon ton đi mua. Viết hết mực, lon ton kiếm cây khác… Nói chung một ngàn lẻ một chuyện không tên mà chủ bút yêu cầu thì lon ton lãnh trọn. 

Khi bà họ Tô đến xin gặp thì ông chủ bút Nguyễn Đức Nhuận (*) đã có thiệp mời đi dự tiệc long trọng ở dinh Thượng Thơ. Do đó, chủ bút mới bàn với Thư ký tòa soạn “Này nhé tôi Nguyễn Đức Nhuận mà ông cũng là Nguyễn Đức Nhuận nhưng vì lát nữa đây tôi phải đi dự tiệc ở dinh Thượng thơ, vậy bà ấy muốn gặp Nguyễn Đức Nhuận thì ông cứ nhận đi mà tiếp khách dùm cho tôi.

Ông Bút Trà ái ngại hỏi “Nhưng nếu bà ấy không tin thì sao?”

Phú Đức trả lời khôi hài “Có gì mà không tin, bà ấy đã tìm ngay đến tòa soạn của mình, thì ông cứ vỗ ngực cho bả biết ông là Nguyễn Đức Nhuận. Nếu bả không tin nữa thì ông móc túi lấy danh thiếp, nếu cần trình luôn giấy thuế thân cho bả coi… có phải Nguyễn Đức Nhuận không?”

Ông Bút Trà mỉm cười đắc chí nhưng rồi lại còn hỏi tới “Bây giờ vấn đề tôi là Nguyễn Đức Nhuận thì đã có thể làm cho bả phải đủ tin rồi. Còn vấn đề… nếu bả yêu cầu điều gì thì tôi làm sao giải quyết cho ra người có thẩm quyền chủ bút đây?”

Ông Phú Đức cười đáp “Ngay khi được tin bả đến đây là tôi đã hiểu hết rồi. Chính bả là bà X. chủ tiệm bờ rô căn tưa mà mình đang lên khuôn đó. Bả đến đây không ngoài mục đích yêu cầu mình ngưng loạt bài. Tôi cũng đã được lịnh của đại tá Sée khuyên nên chấm dứt phong trào đừng quấy động nữa. Vậy cũng là vừa. Vậy tôi giao cho ông trọn quyền hành động, để làm thỏa mãn bà ta, với điều kiện nào cũng được hết”.

Đại tá Sée mà ông Phú Đức nhắc đến, chính là người đại diện của nhóm “chủ” Công Luận Báo. Thời kỳ này báo chí ở Sài Gòn vẫn là thuộc địa của Pháp và nằm trong vòng cương tỏa của luật báo chí 30/12/1898 dành riêng cho Đông Dương. Theo luật này thì “tất cả những tờ báo in bằng tiếng Việt, Hoa hay bất cứ thứ tiếng nào ngoài tiếng Pháp, phải có sự cho phép trước của Toàn quyền Đông Dương” (Huỳnh Văn Tòng-Lịch sử báo chí Việt Nam).

Trước đó, ngày 29/7/1881, Tổng thống Pháp đã ban hành tự do báo chí trên toàn nước Pháp, trong đó có Nam Kỳ “Tất cả các loại báo sẽ được phát hành không cần sự cho phép trước và không tiền ký quỹ”. Nhưng Đông Dương ở quá xa nước Pháp nên người điều hành có khi có nhiều quyền hơn tổng thống! Luật vua thua lệ làng là thế! Để ra được tờ Công Luận Báo, ông Nguyễn Kim Đính phải nhờ vả rất nhiều vào giám đốc tờ báo tiếng Pháp L’Opinion, ông De Lachevrotière, một nhân vật có nhiều ảnh hưởng và là người đứng đầu nhóm tư bản ngân hàng sau lưng tờ báo.

Cũng cần nói thêm, việc báo chí đả kích giới doanh thương không phải điễn ra lần đầu ở Sài Gòn. Năm 1919, báo chí đã từng đả kích giới doanh thương người Hoa tạo thành một cuộc tẩy chay lớn. Sau đó lại có đợt tẩy chay hàng hoá của người Ấn. Nay việc tẩy chay các tiệm cầm đồ, chánh quyền Pháp không can thiệp nhưng khi sự việc kéo dài họ e rằng sẽ có thể động đến người Pháp nên ra lịnh ngưng lại. 

(*) Nguyễn Đức Nhuận (1901-1970), chủ bút Công Luận Báo, là nhà văn có bút hiệu là Phú Đức. Ông là người ở Gia Định (Bà Chiểu-Bình Thạnh hiện nay), nguyên là thầy giáo nhưng chán nghề nên viết tiểu thuyết. Nhờ tài viết tiểu thuyết rất ăn khách nên Công Luận Báo mời ông về “làm báo” với chức danh chủ bút nhưng thực tế ông chỉ viết tiểu thuyết đăng báo, không màng tới những công việc khác trong tòa soạn. Tiểu thuyết của ông được đánh giá là “không có gì xuất sắc nhưng ăn khách vì lời văn trong sáng, viết theo giọng Sài gòn nên độc giả ưa thích”. Xin lưu ý, ở Sài Gòn trước đây, hầu hết tiểu thuyết trước khi in thành sách đều được đăng báo hàng ngày (feuiellton). Ông Phú Đức sau nầy còn làm chủ tờ Bình Dân, chỉ đăng tiểu thuyết của ông và vài đồng nghiệp.  

Đèn xanh đã bật, ông Bút Trà ra tiếp bà họ Tô, với lời mào đầu “tôi bận nhiều công việc lắm, chỉ tiếp chuyện bà trong 5, 10 phút thôi” nhưng họ đã kéo dài cuộc gặp gỡ “cả tiếng đồng hồ”. Sau lần gặp gỡ này thì báo Công Luận chấm dứt trận tấn công các tiệm cầm đồ. Giới chủ tiệm đã khen ngợi bà họ Tô hết lời và tổ chức “khao quân có mời báo chí”. Riêng với “Công Luận Báo thì họ dành một tiệc lớn, một là đền ơn đúng mức, hai là cũng để làm đẹp mặt bà họ Tô” ở nhà hàng Soái Kình Lâm. Dĩ nhiên, ông Nguyễn Đức Nhuận Phú Đức được mời và ông Nguyễn Đức Nhuận Bút Trà đi dự.  

Trong buổi tiệc, giới chủ người Hoa có mời một lão phú thương “được tôn kính như cha đỡ đầu, trong công cuộc làm giàu, nên họ trân trọng mời lão đến như là để chủ toạ”. Ông Bút Trà đương nhiên được giới thiệu với ông ấy. Vì ông ấy không rành tiếng Việt nên ông Bút Trà nhân cơ hội trổ tài bút đàm. Lão phú thương lấy làm thích ý được nói chuyện với một ông chủ bút người Việt.

Là người giỏi chữ Nho, ông Nguyễn Đức Nhuận đã bút đàm rất thoải mái với giới chủ người Hoa thậm chí ông còn làm thơ tặng cho họ. Còn bà họ Tô “đã không giấu được vẻ mặt sung sướng, đôi khi bà nhìn về phía ông Bút Trà, con người trẻ tuổi mà tài cao ấy để rồi đôi mắt buông nhìn về xa xăm và đôi má…ửng hồng”.

Trời về khuya, có người yêu cầu ông Bút Trà tặng cho bà họ Tô một câu thơ, gọi là để thưởng. Ông Bút Trà đã lập tức viết hai câu thơ chữ Nho, các hoa thương chuyền nhau coi và đều khen hay, tình tứ, rồi ông tự ngâm bằng tiếng Việt “Đời tôi lắm lúc không bằng mộng/Tỉnh mộng thân mình sống lẻ loi”. Nghe xong bà họ Tô sung sướng gật đầu khen hay rồi mỉm cười. 

Thế là sự việc được giải quyết, và Nguyễn Đức Nhuận có bút danh Bút Trà trở thành bạn của giới chủ người Hoa, đặc biệt là bà họ Tô. Đó là bà Tô Thị Thân, người Long An. Thỉnh thoảng anh em trong toà soạn thấy bà họ Tô đến thăm ông.

Ông Bút Trà cho đăng trên báo Công Luận một vài bài thơ “sặc mùi hương tình”, trong đó có bài Sơ Ngộ mà anh em thời ấy gọi là Sơ Nị! Ngộ tiếng Việt nghĩa là gặp gỡ, nhưng trong tiếng Quảng Đông có nghĩa là tôi và nị là anh, chị, em…ở ngôi thứ hai. “Giai nhân tài tử đâu xa nhỉ/Gặp gỡ bàn chi chuyện lạ quen/Hương lửa đừng so hơn với thiệt/Văn chương mang lấy nợ là duyên/Cho hay hậu kiếp do tiền kiếp/Ai biết thiên nhiên ấy ngẩu nhiên/Thịnh khí miễn sao ngày siết chặt/Lo chi sớm muộn chẳng như nguyền.” Nhà văn Bình Nguyên Lộc viết trong hồi ký Văn Nghệ lúc cuối đời:

Bà Tô-Thị-Thân là người đàn bà Việt Nam thuộc vào hạng phụ-nữ Việt Nam cao lớn nhất nước.  Bà có đẹp hay không vào thuở đó? Tôi bảo đảm là bà ấy rất đẹp. Nhưng tình trạng giàu có của bà với lại sắc đẹp của bà thật ra chẳng có gì đáng kể đối với tài tháo-vát của bà mà tôi sẽ kể ra dưới đây.

Bà ấy kết hôn với một ông nhà giàu người Tàu. Ông ấy làm chủ đến hai mươi cơ sở doanh thương ở Sài Gòn-Chợ lớn, cả hai mươi cơ sở đều do bà ấy đứng tên làm chủ chính thức, ông Tàu kia không thích chường mặt ra, theo thói quen của người Hoa kiều ở miền Nam nước ta’.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (*) có người anh họ là Tô Văn Giỏi, làm kế toán cho bà Tô Thị Thân và rất được tin tưởng. Tin tưởng là vì ông họ Tô, vì bà Thân có chồng Tàu, làm ăn với Tàu nhiều nên nhiễm thói quen của người Tàu là chỉ tin tưởng người trong họ và xem như người thân cật ruột.

“Năm tôi 17 tuổi, báo chí Sài Gòn đua nhau chửi “các tiệm cầm đồ hút máu dân, cần phải rút giấy phép lại… Bà Tô Thị Thân phẫn nộ nhưng bề ngoài vẫn tươi cười. Một hôm bà hỏi anh Tô Văn Giỏi “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thiệt giỏi mà ăn lương rẻ không? Về sau mỗi lần anh em tôi nhắc đến bà Bút Trà là chúng tôi không bao giờ quên cái điểm giỏi mà ăn rẻ hết. Thiệt là đáng tức cười. Bà ấy đứng vào quan điểm người lái buôn để nói chuyện mà người lái buôn nào cũng thế cả, đòi hàng tốt mà giá rẻ, chớ không riêng gì bà ấy.

Nghe hỏi, anh Giỏi tôi rất bối rối. Anh ấy nào có quen biết với ông nào viết nhựt trình đâu. Nhưng vốn được bà Thân tin là nhân viên lỗi lạc, nên anh không dám thẳng thắn thú nhận mình dốt. Anh ấy hỏi bậy một câu để hoãn binh “Chi vậy thưa bà chủ?”. “Chị muốn lập một tờ nhựt trình để chửi cái tụi đã chửi chị”. Anh Giỏi tôi rụng rời. Không bao giờ anh ấy nghĩ đến chuyện động trời như vậy. Từ lâu nay, con buôn nào bị báo chí chửi cũng chỉ hành động một trong ba cách: Thứ nhứt cắn răng mà chịu. Thứ nhì hối lộ các ký giả viết bài chửi bới. Thứ ba thuê du côn đánh ký giả đó.

Bà Tô Thị Thân là người nghĩ ra giải pháp thứ tư. Mà bà là người chẳng viết được câu văn nào cả. Thật là oanh liệt! “Được bà chủ để em lo cho”. Anh Giỏi nói liều nhưng phần nào có cơ sở, anh ấy nghĩ đến tôi. Tại sao? Thuở đó tôi bắt đầu ham văn chương lắm, mặc dầu tôi cũng như bà Bút Trà, chưa biết viết câu văn nào hết. Anh Giỏi biết tôi hay tìm chơi với nhà văn, nhà thơ. Và hai nhà văn mà tôi thường tới chơi là Lê Hoằng Mưu biệt hiệu là Mộng Huê Lầu và Trương Quang Tiền (giấy tờ ghi là Quan)”. Khi ấy ông Lê Hoằng Mưu đã già thôi viết báo, còn ông Tiền, người ra tờ An Hà Nhựt Báo ở Cần Thơ năm 1917, người đầu tiên ra báo ở tỉnh xa, và không thành công, cũng đã thôi viết báo mà chuyển sang nghề viết cải lương. 

(*) Bình Nguyên Lộc (1914-1987), tên thật là Tô Văn Tuấn, người Tân Uyên, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ông nguyên là công chức kho bạc ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) sau đổi về làm việc tại Sài Gòn. Truyện ngắn đầu tiên của ông là Phù Sa đăng trên tờ Thanh Niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (khoảng năm 1943-1944). Ông viết văn, làm báo ở Sài Gòn từ thập niên 1940 cho đến 1975. Năm 1985, ông định cư ở Mỹ và mất năm 1987. Ông là một trong nhà văn có sức sáng tác rất mạnh, hiện nay còn rất nhiều tác phẩm của ông chưa in hoặc thất lạc. Ước tính ông viết khoảng 100 truyện dài, 1000 truyện ngắn và một số biên khảo lịch sử có giá trị. 

Vì vậy, khi “anh Giỏi gặp cầu cứu để khỏi mất mặt với bà Thân. Tôi chẳng biết Ất, Giáp gì về báo chí hết nhưng tôi nhận lời và đi tìm Trương Quang Tiền tức thì. Tôi đâu có dè Trương Quang Tiền và Lê Hoằng Mưu đã lụt nghề rồi, bị bọn sau vượt quá xa, chẳng giúp ích gì được cho bà Tô Thị Thân hết, nếu hai ông ấy mà nhận lời đi nữa. Nhưng anh Trương Quang Tiền lại giúp tôi bằng cách khác, và nhờ vậy mà hai nhân vật đang tối tăm, hoá ra vang danh một thời, đó là bà và ông Bút Trà, ông này tôi cũng có gặp đôi lần, tại nhà Trương Quang Tiền, mà tôi chỉ “kính nhi viễn chi” thôi”. Ông Tiền không nhận lời nhưng giúp tôi bằng cách khác, đó là giới thiệu ông Bút Trà”.

“Ông Bút Trà là người điếc không sợ súng. Ông tin rằng ông sẽ thành công nên ông nhận lời. Và tờ Sài Gòn Hoạ báo (*) ra đời. Nói là Hoạ báo nhưng báo không có bức tranh vẽ nào hết và người đứng tên là bà Tô Thị Thân. Bà là chủ bút thực sự trăm phần trăm. Chính bà chọn bài lai cảo, chính mắt bà xem lại bài của nhân viên tòa soạn chớ ông Bút Trà chẳng trổ tài được lần nào hết. 

(*) Nhiều tài liệu đều nói tờ báo đầu tiên của ông bà Bút Trà là tờ Sài Thành, ra số đầu tiên khoảng năm 1932-1933 rồi đổi thành Sài Gòn và sau năm 1950 trở thành Sài Gòn Mới. Theo Lê Ngọc Trụ thì năm 1932-1933 có một tờ nguyệt san tên Hoa Báo, số đầu ra ngày 31/12/1932 và đình bản sau khi phát hành số tháng Giêng 1933, và năm 1933 có tờ tuần báo tên Sài Thành Họa Báo do Trần Văn Quang làm chủ nhiệm, quản lý Đào Thao Vy. Có thể ông Bình Nguyên Lộc nhớ lầm hoặc ông bà Bút Trà đã từng có một tờ báo mang tên Sài Gòn Họa Báo bị lịch sử bỏ quên? Khi viết hồi ký này, năm 1987, ông Lộc đã yếu lắm rồi, ông mất vào tháng 3-1987. 

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights