Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 8 Nữ nghệ sĩ cải lương với vai nhân vật lịch sử

by Tim Bui
Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu - kỳ 8

THANH HIỆP

Sau một thế kỷ tồn tại và phát triển, sân khấu cải lương đã để lại cho đời biết bao giá trị khi khắc họa nét đẹp của người phụ nữ ở mọi thời đại. Tôi viết nhiều bài vọng cổ về những phụ nữ chống giặc ngoại xâm nhưng ít chọn đề tài này để viết tuồng sử. Tuy nhiên tôi được cái duyên chấp bút nhiều tuồng lịch sử, trong đó có “Thái hậu Dương Vân Nga” (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) và “Tiếng trống Mê Linh” (Đoàn Thanh Nga). 

Với tôi, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng và oanh liệt. Các nghệ sĩ cải lương đã đưa các nhân vật lịch sử từ các trang sách thành những hình tượng sống động ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả mộ điệu. Riêng tôi, tôi lại thích nhấn mạnh số phận các nhân vật có đời sống cam khổ, vượt qua bất hạnh của cá nhân để nắm lấy vận mạng của chính mình và của đất nước. Phải nói, khi tôi xem “Thái hậu Dương Vân Nga” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trên sàn tập, mới thấy đó là một công trình để đời.

Được gọi là “cải lương chi bảo,” nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết là người luôn tìm tòi sáng tạo với tinh thần cầu tiến. Ở bất kỳ môi trường biểu diễn nào, từ sân khấu lớn đến sàn diễn nhỏ, cô cũng thể hiện sinh động nét tài hoa thiên bẩm cộng với sự duyên dáng, đáng yêu của riêng mình. Cải lương có cô đã sang, lại đẹp hơn qua phong cách diễn lãng mạn, vận dụng những bài học từ thế hệ bậc thầy của sân khấu như Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân… mà khai thác chiều sâu tâm lý. 

Ưu thế này đã giúp cô tạo nên một phong cách diễn xuất rất riêng, để sau gần 50 năm gắn bó với nghề, hễ nhắc tới những thành công của Bạch Tuyết, người ta thường nhắc tới nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả Trúc Đường- Hoa Phượng- Chi Lăng), hay một vai diễn để đời qua lớp độc diễn trong tuồng “Hoàng hậu hai vua” của tác giả Lê Duy Hạnh – đạo diễn Minh Hải, là một nét đẹp sáng tạo mềm mại nhưng chứa đựng bên trong một cá tính mạnh mẽ. 

Có thể từ lâu rồi, khi dựng và diễn Thái hậu Dương Vân Nga người ta không thể không nhắc tới một người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh là Thanh Nga. Bản dựng của đoàn Thanh Nga theo kịch bản của Huy Trường ngày đó gây tiếng vang rất lớn. Có ngày đoàn diễn 3 suất, vé phải mua trước một tháng mới có thể vào xem. 

Và Bạch Tuyết đã thể hiện một Dương Vân Nga bằng tâm huyết kế thừa người đi trước. Để vai diễn thành một kỷ niệm chung đối với các thế hệ nghệ sĩ trẻ trưởng thành sau 1975 như: Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Trinh Trinh, Tâm Tâm, Vương Hà… Thích nhất là lớp diễn của cô khi nghe nhà Tống đòi Đại Cồ Việt phải nộp Long bào, mà trên sàn tập thì tôi lại được xem Ngọc Giàu hóa thân rất tuyệt. Đến khi công diễn, thì Ngọc Giàu diễn hai cảnh, Bạch Tuyết diễn hai cảnh. 

Nói đến nhân vật lịch sử, tôi còn chịu vai diễn Nguyễn Thị Lộ trong tuồng “Rạng ngọc Côn Sơn” của Nguyễn Xuân Phong do Ngọc Giàu đóng. Đạo diễn Đoàn Bá đúng là người đạo diễn có trong tay “cung đàn mùa Xuân.” Tuồng nào rơi vào tay anh đều toát lên sức tươi tắn như ngày Xuân đang về.

Hỏi:

“Nàng ở nơi nào bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu đó hết hay còn
Xuân xanh độ chừng bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?”

Để nhận được câu trả lời:

“Thiếp ở Tây Hồ, bán chiếu gon
Cớ sao ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có nói chi con!?”


Nhắc đến mấy câu thơ trên khán giả của sân khấu cải lương không thể không nhớ đến cách ca ngâm của Ngọc Giàu. Một giọng ca lẫn vai diễn đã đi vào huyền thoại, tạo nên vẻ đẹp của lòng chung thủy và đức tính dám hy sinh cho lẽ phải của người phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói từ trước đến nay đã có rất nhiều nghệ sĩ hóa thân thành công nhân vật Nguyễn Thị Lộ trong các tác phẩm sân khấu về vụ án Lệ Chi Viên. Nhưng riêng Ngọc Giàu, cô đã làm cho vai diễn mang một phong cách nghiêng về lối “tiếp cận hiện thực,” để vai diễn mang sức hấp dẫn sống động trong từng động tác nhỏ nhất.

Có lần tôi hỏi Ngọc Giàu về vai này, cô tâm sự, vai Nguyễn Thị Lộ cần một tâm hồn khoáng đạt, giàu biểu cảm. Cho nên khi tập cô dồn hết tâm trí vào nhân vật, để khi rứt ra khỏi ánh đèn sân khấu mà bên tai vẫn còn văng vẳng từng giai điệu, lời ca. Cô yêu vai diễn này vì đây là một nhân vật đại diện cho sự vươn tới trình độ tri thức của người phụ nữ ở thời đại phong kiến. Nguyễn Thị Lộ với cương vị Lễ nghi học sĩ, người dìu dắt, uốn nắn cho các cung tần mỹ nữ cái đạo làm người nhưng bi kịch của bà là phải hy sinh vì một tội lỗi không do mình gây ra. Cái chết của nhân vật đã để lại lẽ phải cho ngàn năm. 

Còn với nhân vật lịch sử của Diệu Hiền, tôi chịu nhất “Nhụy Kiều tướng quân” – Một vai đào võ xuất sắc mà đạo diễn Nguyễn Mỹ đã giúp Diệu Hiền lấy lại phong độ sau một thời gian dài “đứng hình.” Tác giả Hoàng Anh Chi viết theo cấu trúc rất đơn giản, tôi có đọc bản gốc, còn lại Nguyễn Mỹ thêm thắt, viết liền ngay trên sàn tập theo cái “rơ” diễn của Diệu Hiền, từ đó mà làm nên một vai diễn kiệt tác, không ai thay thế được thần thái của Diệu Hiền qua vai này.

Tôi còn nhớ khi HTV thực hiện chương trình “Những cánh chim không mỏi” của nghệ sĩ Diệu Hiền, cô tái diễn vai Triệu Thị Trinh, người phụ nữ anh hùng trong vở “Nhụy Kiều tướng quân,” cô tới nhà mời tôi: “Thầy ráng đi xem nha thầy, con biết thầy đau lưng, ngồi lâu không tiện nhưng xem hết vai Nhụy Kiều thầy về cũng được.” Nghe nói vậy, tôi hỏi: “Ủa sao vậy? Sao chỉ để xem vai Nhụy Kiều.” Vẫn cái giọng cắc cớ, tôi hỏi. Cô cười “Thì Nhụy Kiều bây giờ già xù rồi nhưng lửa vẫn hừng hực đó ông Thầy!”

Diệu Hiền hồi đó không giấu chuyện yêu thầm tôi. Ông bà xưa hay nói yêu đơn phương bằng hai chữ “đau ma”. Tôi không biết, đến sau này Diệu Hiền khi diễn vở Nhụy Kiều tướng quân, mới bộc bạch cho tôi nghe.

Cô thường nói: “Nghệ thuật không bao giờ dành sẵn cho một ai vai diễn hay, chỉ có từ cuộc sống, người nghệ sĩ bước vào nghệ thuật và đem sự trải nghiệm của mình làm cho nhân vật có độ bền sáng tạo. Tôi đã sống với Triệu Thị Trinh bằng nỗi niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ khao khát hòa bình, căm thù chiến tranh.”

Gác lại những ngôn từ tôn vinh tài năng của Diệu Hiều, cô vẫn là người nghệ sĩ được xem là mẫn cảm với vai diễn, dù vai chính hay chỉ là vai phụ. Suốt 50 năm theo nghề, cô đã có nhiều vai diễn khắc họa nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Bao giờ nhân vật của cô cũng biết vươn lên bằng nghị lực. Chính sự dày dặn kinh nghiệm đã giúp cô phả vào nhân vật nét sắc sảo, oai phong của một nữ anh hùng xem việc nước nặng hơn việc nhà.

Trong cái mạnh mẽ có phần nam tính đó, Diệu Hiền đã làm khán giả xao xuyến vì một chút tình yêu dành cho chàng tướng trẻ Lê Minh được hư cấu trong tuồng. Ai đã từng xem vở “Nhụy kiều tướng quân” sẽ bắt gặp sự ăn ý giữa cô và nghệ sĩ Hoài Thanh (vai Lê Minh) trong lớp diễn chia tay. Từ ánh mắt, nụ cười và động tác của hai người đã được diễn thật tinh tế. Sau này Linh Châu, Tô Châu, Linh Tâm diễn vai này cũng đạt. Nói chung Diệu Hiền luôn nâng đỡ đàn em.

Thế hệ đào nữ sau 1975, phải kể đến Phương Hồng Thủy. Cô đã diễn vai Trưng Trắc tiếp bước đàn chị đi trước rất bản lĩnh. Phải nói, sàn diễn cải lương sau này có rất nhiều tuồng lịch sử được tái dựng, trong số đó vở “Tiếng trống Mê Linh” (tác giả Việt Dung- Viễn Điền- đạo diễn Ngô Y Linh) được công chúng đánh giá là vở diễn hay nhất. 

Ngày đó, các nghệ sĩ: Thanh Nga, Thanh Sang, Văn Ngà, Hùng Minh, Bảo Quốc, Kim Hương, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Hà Mỹ Xuân, Hoàng Giang… đã bằng tài năng vẽ nên một bức tranh hào hùng về cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng. Tôi đã được Thanh Nga mời viết bản “Mê Linh biệt khúc” để cô đưa vào lớp tiễn Thi Sách.

“Sắc son một dạ đền ơn nước, muôn dặm đường trường gió ngựa tung.
Gươm báu khắc sâu lời nguyện ước, quên mình rửa sạch mối thù chung.
…Bầu trời Nam u tối, quân thù gieo bạo tàn.
Ta vui riêng đâu đành lòng, đem máu xương cùng muôn dân son sắt nhớ nhau chớ quên câu thề…
Kìa hồn thiêng sông núi, nghe từ xa vọng về. Ta chung lo ngăn giặc thù, mai mốt đây nhìn non sông tươi thắm. Ngày Về Vinh Quang!”


Cho đến ngày nay, khi nhắc đến hình ảnh cương trực, chính đại của những nữ anh hùng trong lịch sử, khán giả cải lương không quên nhắc đến hai vai Trưng Trắc của Thanh Nga, mà sau chị là Phương Hồng Thủy, đã tiếp bước để đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Nếu Trưng Trắc của Thanh Nga nhiệt huyết, hùng dũng làm người xem khâm phục, thì Trưng Trắc của Phương Hồng Thủy kiều diễm, mạnh mẽ khiến người xem thương cảm. 

Phương Hồng Thủy sau này theo chồng định cư sang Atlanta – Mỹ, ở cùng một thành phố với Mỹ Châu, mỗi lần về thăm mẹ nuôi là “sầu nữ” Út Bạch Lan và tôi, cô đều tâm sự, cháu là diễn viên trưởng thành sau năm 1975, nên được thừa hưởng nhiều sáng tạo khuôn mẫu của thế hệ đi trước. Trong lòng cháu, Thanh Nga là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Hình ảnh Trưng Trắc của bà cho đến bây giờ không ai dám cho rằng mình đã vượt qua. Và chưa có vai diễn nào cháu phải khổ luyện nhiều như vai Trưng Trắc. Sâu lắng bên trong kịch bản là quan điểm  rất mới của tác giả đối với cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng.
 
Tôi đồng quan điểm với cháu Phương Hồng Thủy, vở tuồng cho thấy ở chế độ phong kiến, những định kiến khắc khe về sự yếu đuối của người phụ nữ đã được các nhân vật cố gắng xóa bỏ. Và chiến công của hai bà Trưng đã trở thành biểu tượng của ý chí quật cường, khí phách hiên ngang của dân tộc. 

Nhắc tới nhân vật phụ nữ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, không thể không nhắc đến nàng công chúa Ngọc Hân của Mỹ Châu. Khán giả vẫn khó quên hình ảnh Mỹ Châu đầy tâm trạng trước nợ nước, tình nhà khi nhập thần vào vai để đời này.
Mỹ Châu theo nghề từ nhỏ, con đường sự nghiệp đều tuân theo lời mẹ. Hồi bé xíu đã biết đờn tranh, khi đi thu âm đã lén lấy cây đờn tranh của tôi mà rải một số bài bản. 

Mỹ Châu thông minh, nhạy bén, luôn nhập cuộc hết mình với sáng tạo. Cô thật sự là người thiết kế đội hình để góp phần làm rạng danh tuồng “Tâm sự Ngọc Hân” của tác giả Lê Duy Hạnh. Trong tuồng, yếu tố văn học được xem trọng khi tác giả khẳng định Ngọc Hân không phải là nàng công chúa duy nhất trong lịch sử Việt Nam biết làm thơ, song tác phẩm Ai tư vãn của bà đã tìm được sự đồng cảm mãnh liệt đối với số phận của người phụ nữ trong mọi thời đại. Nét đẹp của tuồng này không chỉ nằm ở sự đanh thép, mang tính lý luận mà còn là một bức tranh trữ tình, gợi cảm. 

Là một tác phẩm xuất hiện đầu những năm 1980, tác giả Lê Duy Hạnh đã dám nhìn thẳng vào việc đề cao Ngọc Hân – một nàng công chúa đại diện cho những người nhạy cảm với thời cuộc, sáng suốt chọn lựa con đường chính nghĩa. Chính vì thế bà được dân gian ca ngợi như một hồn thơ cao quý như chính tình yêu của bà dành cho Quang Trung hoàng đế. Mỹ Châu đã từng diễn điêu luyện qua nhiều vai hay, độc đáo ở giọng ca, thần thái lạnh lùng nhưng đầy sức hút qua nhiều tuồng đình đám, và cô đã hạnh phúc khi được đắm mình trong cảm xúc của những nhân vật phụ nữ anh hùng trong lịch sử, trong đó có Ngọc Hân công chúa. 

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights