‘Long Vân hội ngộ’tại Hội chợ Tết Sinh viên năm Giáp Thìn

by Tim Bui
PHÓNG SỰ ‘Long Vân hội ngộ’ tại Hội chợ Tết Sinh viên năm Giáp Thìn

THANH PHONG

“Bà con mình ở California sướng quá, chả bù cho bên chúng tôi, không khí Tết không được như bên này, không có diễn hành, không có hội chợ Tết, không có chợ hoa, bên này vui thiệt, sướng thiệt, nhất là hội chợ Tết sinh viên, quá đông vui, thảo nào ai cũng muốn sống ở California.” Chị Vũ Mỹ Linh từ thành phố Hendersonvill, tiểu bang North Carolina về Little Saigon ăn Tết với gia đình nói với tác giả.

“Năm nay với cơn mưa tầm tã tưởng chừng không có chợ Tết, nhưng may mắn trời hết mưa nên các em sinh viên bắt tay ngay vào việc, quả là thần kỳ. Hướng Đạo chúng tôi luôn ủng hộ các em hết mình vì việc làm của các em trong sáng, có chủ đích phổ biến văn hóa Việt Nam nên chúng tôi ủng hộ hết mình, và rất vui thấy Hội chợ Tết Sinh viên quá thành công.” Ông Trưởng Hồ Đăng, nhiếp ảnh gia và là ủy viên liên lạc Trưởng niên Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam nhận định.

Cây Nêu: một phong tục xưa trong Ngày Tết

Mỗi năm vào dịp đầu Xuân, đồng hương Việt Nam tại Nam California cũng như từ phương xa đến Little Saigon đều cảm thấy ấm lòng, và vơi bớt nỗi buồn xa xứ, vì có Hội chợ Tết do Tổng hội Sinh viên Việt Nam thực hiện, năm nay là năm thứ 42. Mỗi năm hội chợ có một chủ đề riêng. Năm Giáp Thìn ban tổ chức chọn chủ đề ‘Long Vân hội ngộ’ tức rồng mây gặp nhau.

Đoàn rước Kiệu Quốc Tổ

Sau khi được thành lập vào ngày 17/9/1983, hàng năm Tổng hội Sinh viên Việt Nam đều tổ chức hội chợ Tết. Giai đoạn đầu từ năm 1985 đến 1988, hội chợ được tổ chức tại Centennnial Regional Park, Santa Ana. Sau đó dời về khuôn viên trường Đại học Golden West, rồi sau đó về Garden Grove Park và từ năm 2014 đến giờ, dời về Orannge County Fair.

Suốt chặng đường trải qua nhiều gian khổ, từ lúc đầu chưa có kinh nghiệm tổ chức, chưa được lòng tin của mọi người, nhưng với quyết tâm và lòng hăng say phục vụ lý tưởng của tuổi trẻ, mỗi năm hội chợ Tết càng thêm khởi sắc, càng thêm phong phú, càng được đồng hương thương yêu tín nhiệm, nên thành công là lẽ đương nhiên.

Quán nước bên đàng

Hội chợ Tết Sinh viên là một lễ hội không thể thiếu của người Việt tha hương. Hội chợ mang đến sự rình rang cho sinh hoạt những ngày Tết trên xứ người, nhưng quan trọng hơn, còn gìn giữ được nếp sống bình dị nhưng sâu sắc của tổ tiên và đồng thời phô bày được bản sắc văn hóa của dân tộc với người bản xứ.

Từ cây Nêu cao vút từng không, đến Làng Việt Nam với mái nhà tranh bên bụi chuối, từ bàn thờ ông bà đến quán nước bên đường với chiếc chõng tre, ấm nước trà, chiếc bánh chưng, bánh tét ngày Tết, từ ông Đồ già ngồi viết câu đối đỏ đến những em nhỏ tung tăng trong tà áo dài đứng quay số hay thích thú ngồi trên xe rồng chạy lên chạy xuống. Rồi đám cưới đầu Xuân với cô dâu chú rể trong quốc phục chỉnh tề làm lễ gia tiên, rồi cuộc rước dâu có lọng che đôi tân hôn, có con lân dẫn đầu và bà con hai họ ăn mặc thật bảnh bao rước dâu về nhà chồng, và còn nhiều nhiều nữa… nói lên nét văn hóa đặc thù của người Việt Nam.

Quán nước đầu làng

Những hoạt cảnh này là một bức tranh tóm lược mọi sinh hoạt trong một xã hội Việt Nam ngày xưa, mà giới trẻ người Việt sinh ra hay lớn lên ở đây, dù hàng năm chỉ thấy được trong dịp cộng đồng mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc, có lẽ cũng đủ để dần dà khơi dậy trong các ý muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mình. Đó là hoài bão của các em sinh viên trong việc tổ chức hội chợ Tết hàng năm này.

Và nỗ lực của các em có lẽ đã được đền bù xứng đáng.

Mặc dù phải mua vé vào cửa, rồi mua vé đậu xe, tất cả tốn khoảng 20 đôla nhưng theo nhiều người nhận xét, có đến hơn chục ngàn người tham dự Hội chợ Tết Sinh viên năm nay, ngoài đa số là đồng hương Việt Nam còn có người bản xứ và các sắc dân khác.

Rất nhiều gian hàng của các tổ chức tham dự hội chợ kéo dài ba ngày, như Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam , 6 Liên đoàn Hướng đạo trực thuộc, Hội H.O. Cứu trợ TPB/QP/VNCH, Hội Ái hữu Cựu Nữ sinh Gia Long, Hội Cựu Học sinh Bưởi – Chu văn An, Đoàn Thiếu nhi Thánh thể, Câu lạc bộ Hùng Sử Việt, CLB Tình Nghệ Sĩ, Liên Trường Việt ngữ Hải ngoại…

Các gian hàng về Y tế, thực phẩm đều tổ chức quay số trúng thưởng. Một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới cũng có gian hàng quảng bá, và một gian hàng của Quân Đội Hoa Kỳ tuyển dụng quân nhân, nhiều trò chơi khác nhau thu hút đa số các em nhỏ, người lớn thì xúm xít quanh các gian hàng ăn uống, rất nhiều cảnh đẹp gợi nhớ quê hương cho nhiều người chụp hình chụp ảnh kỷ niệm.

Đặc biệt năm nay đa số nữ giới nhất là các em nhỏ đi hội chợ Tết đều mặc áo dài, một số người Mỹ cũng thích thú mặc áo dài Việt Nam đi hội chợ, có anh còn mặc áo dài quẩy đôi quang gánh làm nhiều người cười vui khiến anh chàng thích chí cũng vui lây.

Ông Mỹ mặc áo dài quẩy đôi quang gánh

Trong hội chợ Tết năm nay, Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã lập Làng Việt Nam, tổ chức Đám cưới đầu Xuân, cung nghinh kiệu quốc tổ, chào quốc kỳ, rước vua và hoàng hậu với ông tiên chỉ làng, các hoa khôi liên trường, theo sau là các bô lão và dân làng mặc áo bà ba, chiêng trống, cờ quạt linh đình rước vua và hoàng hậu lên sân khấu. Sau nghi lễ chào cờ và mặc niệm, Câu lạc bộ Hùng Sử Việt do giáo sư TS Phạm Thị Huê làm Hội Trưởng cùng các thành viên lên sân khấu làm lễ dâng hương trước bàn thờ quốc tổ, thi sĩ Phi Loan đọc bài văn khấn do giáo sư Trần Huy Bích soạn, lời lẽ thâm sâu, văn từ trau chuốt. Sau đó, mục vua và hoàng hậu chúc Tết mọi người là những điểm chính, ngoài ra chương trình văn nghệ cũng rất phong phú, các cuộc thi đố vui, thi ăn phở, thi ăn dưa hấu và nhiều trò chơi khác như bầu cua cá cọp, lô tô… kéo dài suốt ba ngày nắng ấm.

Hội chợ Tết Sinh viên không chỉ là nơi mọi người đến vui Xuân, hưởng những ngày đầm ấm với gia đình và bạn bè. Giới quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng có những nhận xét thâm trầm hơn, nhưng nói chung đánh giá cao nỗ lực bảo tồn văn hóa của ban tổ chức.

”Các em là thế hệ trẻ nhưng vẫn muốn tiếp nối truyền thống văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, thành ra từ trước đến giờ chúng tôi trong câu lạc bộ Hùng Sử Việt luôn luôn hỗ trợ các em và mong mọi người cũng tiếp tục hỗ trợ để các em thành công trong tương lai.”  Giáo sư Trần Huy Bích, cố vấn Câu lạc bộ Hùng Sử Việt, nói.

Hai người Đại Hàn đi dự hội chợ Tết

Đại tá Trần Minh Công, Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chia sẻ:
“Tôi thấy rất vui khi các em sinh viên vẫn giữ được truyền thống của dân tộc và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp các em. Sinh viên luôn là tương lai, là hy vọng của đất nước. Tôi rất cảm ơn các anh em sinh viên và luôn ủng hộ các em vì biết rằng các em rất vất vả cực khổ trong việc tổ chức nhưng đã hăng say đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa cho các thế hệ mai sau.”

Ông Đồ Trần Văn Lương viết câu đối đỏ

Chị Đinh Minh Thu, hội trưởng Hội Ái hữu Cựu Nữ sinh Gia Long, nói lên tâm trạng chung của mọi người đến hội chợ với mục đích khuyến khích việc làm này của giới trẻ:

“Năm nào chúng tôi cũng đến ủng hộ Tổng Hội Sinh Viên tổ chức hội chợ Tết. Để có được thành công như hôm nay, các em đã phải họp bàn không biết bao nhiêu lần để phân công, phân nhiệm. Năm nay tôi thấy quá đông người tham dự và nữ giới đa số mặc áo dài thật đẹp, đó cũng là góp một phần với Tổng Hội Sinh Viên tô thắm cho văn hóa Việt Nam. Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long chúng tôi đi rất đông và có hai lần trình diễn văn nghệ, một ở sân khấu lộ thiên và một ở trong hội trường lớn được bà con tán thưởng.” 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights