Du lịch Caribbean

by Tim Bui
Du lịch Caribbean

BAN BIÊN TẬP – TYTNT

Vùng biển Caribbean thuộc Đại Tây Dương ở phía Nam của Key West, thành phố cực Nam của tiểu bang Florida. Vị trí trên bản đồ của Caribbean nằm ở phía Đông Nam vịnh Mexico, phía đông khu vực Trung Mỹ, và phía bắc khu vực Nam Mỹ. Có tất cả 13 nước độc lập ở khu vực Caribbean. Số lãnh thổ còn lại thuộc các nước Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Vùng Caribbean, còn được gọi là Tây Ấn (the West Indies), với hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài hơn 4.000km. Địa danh “Tây Ấn” có nguồn gốc từ chuyến thám hiểm của Christopher Columbus năm 1492 khi ông khám phá ra châu Mỹ. Vì ngộ nhận là đã đặt chân lên Ấn Độ nên ông gọi vùng đất đó là “Ấn Độ” (The Indies). Người đời sau phải thêm chữ “Tây” (West) vào để phân biệt với Cộng Hòa Ấn Độ (khu vực Nam Á) mà sau này người Âu châu gọi là “Đông Ấn”.

Địa danh Caribbean xuất xứ từ tên gọi của bộ tộc thổ dân châu Mỹ Carib sinh sống ở vùng này khi người Âu châu tới thám hiểm vào thế kỷ thứ 15. Vào thế kỷ thứ 16 các quốc gia Âu châu tranh nhau chiếm cứ khu vực này và khai thác thuộc địa. Các thương thuyền thường xuyên ghé đây mua bán, tạo nên cơ hội cho nạn hải tặc nhóm họp để đánh cướp. Nhóm hải tặc này ngày xưa gọi là “Hải tặc Caribbean”.

Với địa thế và khí hậu nắng ấm và nhiều bờ biển đẹp với nước màu turquoise (xanh cẩm thạch), Caribbean đã trở thành địa điểm ưa chuộng của du khách. Các chuyến tàu du hành (Cruise Ship) thường ghé đây nên kinh tế khu vực cũng đã phát triển với ngành du lịch làm trọng tâm. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Caribbean (Caribbean Tourism Organization) thì hằng năm có 12 triệu du khách đến chơi, trong số đó có khoảng 8 triệu du khách qua ngã tàu du hành.

Caribbean Map

Tour Cruise Ship có hai lộ trình là Western Caribbean và Eastern Caribbean, mỗi lộ trình đi qua những vùng khác nhau với những bờ biển đẹp, rừng nhiệt đới, khu sắc tộc văn hóa khác nhau. Có nhiều hãng Cruise có chương trình đi qua vùng này như Carnival, Royal Caribbean, Norwegian,… đa số đều khởi hành từ các thành phố ở Florida. Nếu bạn có hứng thú thì tùy theo tình hình gia đình, nên tham khảo với Travel Agent để chọn một Package thích hợp.

Dưới đây là một trải nghiệm của một gia đình ở San Diego đi Cruise Ship 8 ngày Eastern Caribbean với hãng Royal Caribbean trên chiếc tàu mang tên Celebrity Apex khởi hành từ cảng Fort Lauderdale, tiểu bang Florida.

Tour Eastern Caribbean

Chúng tôi đặt chuyến bay của hãng Alaska Airlines khởi hành buổi sáng từ San Diego và dự trù đến Fort Lauderdale lúc 4 giờ chiều, một ngày trước khi xuống tàu. Trước hôm khởi hành vài ngày, sự kiện chiếc máy bay 737 model MAX 9 bị nổ ở cửa làm nhiều chuyến bay sử dụng model này bị hủy bỏ. Chúng tôi được chuyển qua hãng JetBlue khởi hành ban đêm và đến Fort Lauderdale vào sáng sớm của ngày lên tàu.

Chúng tôi giữ lại một phòng ở khách sạn ở Fort Lauderdale và vào đây ngủ tiếp chờ đến trưa mới được xuống tàu. Trả phòng lúc 12 giờ trưa, chúng tôi đến một quán Việt Nam ở gần đó làm một tô phở vì biết rằng tuần lễ sắp tới phải ăn toàn đồ Mỹ.

Lên tàu

Chiếc Uber 7 chỗ chở chúng tôi đến cảng Everglades. Khi vào cảng thấy có bảng hướng dẫn vào các Terminal khác nhau cho từng Cruise Ship như ở phi trường nên không sợ bị lạc. Chỉ cần nói tài xế chở đến Fort Lauderdale Cruise Ship Terminal và nhìn bảng kiếm Terminal cho chiếc Celebrity Apex của mình là Ok ngay.

Thủ tục check in tương tự như đi máy bay, bao gồm Boarding Pass đã in sẵn ở nhà và Passport. Nếu đi tuyến này bạn có thể dùng Passport Card thay thế cho Passport Book. Vợ chồng người bạn đồng hành không mang theo Passport mà chỉ có copy trong Iphone, Cruise Ship không đồng ý cho họ lên tàu. Họ chỉ đồng ý copy của bằng quốc tịch Mỹ, bạn mình phải gọi về nhà nhờ email bằng quốc tịch Mỹ qua gấp. Thật là một cú đứng tim cho họ!

Celebrity Apex - Wikipedia

Khởi hành

Tàu rời cảng lúc 3 giờ chiều, chạy 48 tiếng đồng hồ với vận tốc 20 hải lý/giờ (khoảng 32km/giờ) vượt qua con đường biển dài 900 hải lý (1.400 km) để đến điểm dừng chân đầu tiên là San Juan – Puerto Rico. Trong hai ngày đầu tiên trên tàu, chúng tôi có dịp tìm hiểu khắp nơi và làm quen với các sinh hoạt trên tàu. 

Chiếc Apex này mới có vài tuổi nên còn mới và sạch sẽ lắm. Tàu chở được khoảng 2,900 khách với khoảng 1,300 nhân viên phục vụ. Có 4 nhà hàng lớn sang trọng trong giờ ăn chiều, một nhà hàng buffet mở cửa suốt ngày, ngoài ra còn có một số nhà hàng nhỏ với các món ăn đặc thù khác, có món thực khách phải trả tiền. Thức ăn, nếu ăn uống căn bản thì lúc nào cũng phủ phê, khách không phải trả tiền chỉ trừ nước đóng chai, cà phê đặc biệt, và rượu bia là có phụ thu.

Internet thì phải trả khá đắt. Nếu có nhu cầu thì khách phải tốn đến $50/ngày hay $230 một máy cho suốt cuộc hành trình. Tàu có phòng tập thể dục, sân pickleball, hồ bơi, hồ nước nóng, sân chạy bộ thoải mái ở trên boong nằm ở tầng thứ 15 là tầng cao nhất. Có rạp hát phục vụ phim ảnh, ảo thuật, và văn nghệ. Cũng có một casino phục vụ nhu cầu giải trí đen đỏ. Và cũng có một nhà giữ trẻ.

San Juan – Puerto Rico

Tàu cập bến San Juan lúc 3:30 chiều ngày thứ 3 của cuộc hành trình. Chúng tôi sắp hàng lên bờ với cái thẻ Boarding Pass để check out là đủ. 

Đang loay hoay chưa biết đi đâu thì một người bạn trong nhóm tình cờ gặp lại một bạn già cũng đi chung chuyến. Ông này đã từng đi tuyến này mấy lần nên khá rành đường xá. Ông ấy đề nghị với số giờ ít ỏi (3:30 pm – 10:00 pm), đoàn đừng nên đi xa, chỉ đi bộ dọc theo bờ biển đến Downtown rồi quành theo con phố về là xem như đã đủ trải nghiệm phong cảnh địa phương.

Ông bạn già dắt chúng tôi lội dọc theo bức tường dài và cao với những thành lũy xây trong thời người Tây Ban Nha chiếm đóng ở đây. Chúng tôi dừng lại ở một công viên với các Fountain phun nước nghỉ chân một chút rồi lội lên một cái dốc để vào khu vực mua sắm cho du khách.

Puerto Rico là vùng lãnh thổ của Mỹ với dân số hơn 3 triệu người nên mọi sinh hoạt theo kiểu Mỹ, nói tiếng Mỹ, xài tiền đô la, nhạc Mỹ… Khi chưa đến đây, chúng tôi cứ tưởng tượng là sẽ nghe nhạc Mễ khắp nơi, nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược.

Trời buổi chiều nóng nực, trên đường về chúng tôi tấp vào một tiệm kem có máy lạnh để giải khát và chấm dứt tour mini vòng thành phố.

Castillo San Felipe del Morro

Philipsburg – St. Maarten

Buổi chiều đó, tàu tiếp tục chạy 182 hải lý để cập điểm kế tiếp là St. Maarten (tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp là St. Martin) vào lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau. Chúng tôi có nguyên một ngày để tham quan hòn đảo này.

Lên bờ chúng tôi có đủ thì giờ tham khảo với những người tour guy và quyết định làm một tour ba tiếng đồng hồ vòng đảo. Giá cho private tour này là $160 cho 4 người. Còn nếu đi chung xe bus lớn thì mỗi người là 28 đô.

St. Maarten có diện tích khoảng hơn 50 km vuông với dân số 50 ngàn người. Diện tích này tương đương với Côn Đảo mà dân số Côn Đảo chỉ có khoảng 10 ngàn người. Đảo này thuộc chủ quyền của hai nước Pháp và Hòa Lan mỗi bên độ phân nửa. Dân chúng hai bên sống hài hòa với nhau và không có đường biên giới. Sinh hoạt phía Hòa Lan thì theo kiểu Mỹ vui nhộn với quán Bar, nhạc kích động còn phía Pháp thì nhẹ nhàng và yên tĩnh hơn.

Mặc dù là thuộc địa của các nước văn minh, nhưng cuộc sống người dân có vẻ lạc hậu lắm. Đường xá thì chỉ một lane đi, một lane về, vì vậy với ba chiếc Cruise Ship đổ lên gần 10 ngàn người cùng một lúc, đường xá trở nên kẹt cứng.

Người tài xế của chúng tôi khá thân thiện, bà ấy tận tình giải thích bằng tiếng Anh rất thông thạo vì ở đây người dân học và nói tiếng Anh từ nhỏ bên cạnh tiếng Hòa Lan và thổ ngữ địa phương. Cuối hành trình chúng tôi muốn dùng bữa trưa trước khi trở về Tàu. Bà ấy mô tả các loại thức ăn Tây và Hòa Lan tương đối giống nhau với nhiều cheese. Ngoài ra có thức ăn địa phương của người bản địa, điều mà chúng tôi thích nhất.

Bà ấy chở chúng tôi đến một nhà hàng địa phương gần cảng. Thức ăn hôm đó bao gồm: Súp thịt dê, cá chiên giòn, đui bò hầm, cà ri dê, dùng với cơm nấu đậu. Thức uống là nước trà cherry với mật ong. Hóa đơn tổng cộng cho 4 người là 60 đô. Đồ ăn rất hợp khẩu vị. Thật là một trải nghiệm tuyệt vời với gia đình!

undefined

Charlotte Amalie – St. Thomas (US Virgin Island)

Vượt 110 hải lý, tàu đến St. Thomas từ tảng sáng. Chúng tôi được phép lên bờ từ 7 sáng cho đến 3 giờ chiều. Hôm nay sau khi xuống quán Cafe de Ciao dùng bữa sáng với Capuchino và Almond Croissant, chúng tôi lên bờ đi chuyến shuttle ra Downtown mất độ 10 phút với cước phí $6/người.

Vòng quanh Downtown đa số là tiệm bán nữ trang và hột xoàn, kế tiếp là các kiosk bán quần áo và đồ kỷ niệm, xen kẽ là một số nhà hàng các loại. 

Qua trao đổi với các người bán hàng, được biết đảo này thuộc US Virgin Island là một vùng lãnh thổ của Mỹ. Nơi này được quản trị bởi chính phủ liên bang Mỹ. Người dân ở đây có quốc tịch Mỹ, chịu ràng buộc bởi các luật lệ địa phương, tuy nhiên không có quyền bầu cử và ứng cử vào các vai trò của chính quyền liên bang.

Mặc dù là một hải đảo xa xôi, nhưng hệ thống đường xá, mặc dù không tốt như ở trong đất Mỹ, nhưng có hai lane mỗi bên, tốt hơn so với vùng St. Maarten. Vật giá thì có vẻ hơi cao hơn trong đất liền.

Nhóm khác trong đoàn chúng tôi đi qua phía bên kia của đảo nơi có một bãi biển đẹp với nước trong vắt, họ khen là rất riêng tư không bị những người rao tour và bán hàng làm phiền như ở bên St. Maarten.

Nghe người tour guy nói thức ăn địa phương có món Pate và Johnny bake nên chúng tôi muốn ăn thử cho biết. Món Pate thì giống như Pate Chaud của Việt Nam, nhưng không hợp khẩu vị thành ra mọi người chỉ cắn vài miếng rồi quăng đi không tiếc nuối.
Thấy các nhà hàng đều bán đồ Ý hoặc đồ Mễ cũng không có gì lạ. Chúng tôi tấp vào tiệm KFC với hy vọng đổi khẩu vị gà chiên cho đỡ ngán. Nhưng cũng vậy, gà chiên cũng tệ như các món khác.

Puerto Plata – Dominican Republic

Tàu ghé cảng Puerto Plata sau chuyến hải trình 344 hải lý. Puerto Plata là một thành phố phồn thịnh của nước Cộng hòa Dominican Republic. Quốc gia này có khoảng 14 triệu dân, lãnh thổ chia phân nửa hòn đảo với nước bạn Haiti. Trước kia Dominican Republic từng là thuộc địa của Tây Ban Nha nên mọi sinh hoạt ở đây rất giống như ở Mễ Tây Cơ, người bạn láng giềng của Mỹ quốc.

Cũng giống như các điểm dừng chân trước, Puerto Plata cũng có những bãi biển đẹp, rừng nhiệt đới, khu di tích lịch sử, và một khu vực trung tâm (Central). Trên bờ cảng, có một khu mua sắm xây dựng theo hình vòng cung với một swimming pool ở trung tâm bao bọc bởi các Bar rượu và nhà hàng phục vụ thức ăn theo cùng kiểu của Mexico.

Đã có chuẩn bị trước, nhóm chúng tôi nhảy xuống hồ bơi cho các trẻ vọc nước một lát. Sau đó thì mướn một chiếc taxi làm một private city tour một tiếng đồng hồ với giá 60 đô la. Người tài xế nói tiếng Anh khá rành, ông ấy chở chúng tôi lên đỉnh núi nhìn xuống thành phố và cho biết khu vực phía dưới là nơi ở của người bình dân, ở triền núi này thì có giới trung lưu khá hơn, sau đó ông đưa chúng tôi lên cao hơn một chút nói có những biệt thự, bên trong có những chiếc xe đắt tiền của những người giàu có. 
Chúng tôi sau đó đến khu Central với những căn nhà có hàng trăm năm tuổi. Ở đây có những gian hàng xập xệ bán trái cây, thức ăn đường phố, quán Bar, với tiếng nhạc Spanish rất giống như ở Tijuana, thành phố sát biên giới của San Diego.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết người tài xế lái xe cho công ty du lịch với lương 350 đô mỗi tháng. Gia đình ông ấy mướn một căn nhà nhỏ ở khu vực bình dân với giá 75 đô/tháng.

Cuối cuộc hành trình, chúng tôi yêu cầu được dùng bữa trưa với các món ăn đặc sản địa phương. Chúng tôi gọi một con cá chiên ăn với cơm trắng và xà lách, một phần taco ba cái, với mỗi phần có hai con tôm chiên bột, một phần khoai tây chiên và hai ly cocktail Margarita. Đồ ăn khá ngon miệng với giá cả khá nhẹ nhàng.

undefined

Trở về cảng Fort Lauderdale

Bốn ngày thăm viếng các khu vực ở Eastern Caribbean trôi qua nhanh chóng. Tàu chạy 36 tiếng với tốc độ 18 hải lý/giờ để trở lại cảng khởi hành. Chặng đường về, vì đi ngược sóng, cho nên dù biển khá êm nhưng chúng tôi cũng bị lắc lư con tàu.
Chúng tôi có được một ngày cuối cùng trên tàu để hưởng thụ những tiện nghi, những nhà hàng với các món ăn chưa kịp thử qua, và những khoảnh khắc yên tĩnh nhìn những làn nước vô tận ở bốn phía chung quanh mình. Mọi người trong đoàn có một tuần lễ nghỉ ngơi và sẵn sàng trở về nhà để tiếp tục sống với  “tuổi con trâu”.

Vài ý kiến chia sẻ với bạn đọc

Bạn nên đến trước ngày khởi hành một ngày để đề phòng chuyến bay bị trễ.

Không cần mang theo Passport Book nếu bạn có Passport Card. Tuy nhiên phải có Real ID vì ở phi trường có khi họ không chấp nhận Passport Card.

Chuẩn bị thủ tục check in lên tàu ở nhà và in Boarding Pass lên tàu sẵn.

Tuyến du lịch này có nhiều bãi biển ấm và đẹp, bạn nên chuẩn bị đồ tắm và kem chống nắng cho gia đình.

Nếu tàu của bạn khởi hành ở Fort Lauderdale và nếu khách sạn ở đó mắc quá, bạn có thể bay đến Miami và ở khách sạn gần phi trường. Chúng tôi biết có khách sạn Embassy Suite Airport Miami có bao ăn sáng với giá chỉ khoảng $175/đêm. Bạn có thể đi Uber qua cảng Fort Lauderdale với khoảng đường 30 miles, mất 40 phút, với giá $50.

Ăn uống nên có kế hoạch ăn xen kẽ giống như ở nhà. Nếu phải ăn Buffet thì mỗi ngày nên có kỷ luật cho chính mình, ăn chỉ một món thôi. Nếu không thì cuối hành trình bạn sẽ cảm thấy ngán không muốn ăn và thèm đồ ăn Việt.

Đi Cruise là lúc để nghỉ dưỡng, trong đó tập thể dục là phần không thể thiếu được. Buổi sáng trong không khí biển trong lành, một bộ vươn tay vươn chân mười phút thật là lý tưởng. Chạy bộ hay đi bộ trên boong tàu ở tầng trên cùng cũng là một sinh hoạt lành mạnh. Buổi chiều bạn có thể sử dụng phòng tập trên tàu khá rộng rãi với đầy đủ trang bị của một phòng Gym. Nếu không có phần thể dục thì bảo đảm sau một tuần lễ trên tàu, bụng của bạn sẽ bị “phệ.”

Lời khuyên cuối cùng, đây là một cơ hội tốt để relax sau những ngày làm việc vất vả. Bạn nên hưởng thụ thời gian quý báu này với gia đình, quên đi những muộn phiền “lên voi xuống chó” trong cuộc sống và khi trở lại có nhiều năng lượng hơn và sống tốt hơn.

Chúc mọi người luôn vui vẻ, mạnh khỏe, và thành công trong công việc của mình!

Ban biên tập
Tạp chí TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights