Tuỳ bút tháng Sáu

by Tim Bui
Tuỳ bút tháng Sáu

KHÔI AN

Buổi chiều, hơn bảy giờ mà nắng vàng còn lưu luyến. Trời ấm, ngày dài. Tháng Sáu đã sang. 

Đối với nhiều người Việt, nhất là lớp sinh sau 1975, tháng Sáu không có gì đặc biệt. Nhưng đối với những cựu chiến sĩ  của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), ngày 19 của tháng Sáu là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng. 

Năm 1965, sau gần hai năm miền Nam Việt Nam lao đao trong các biến cố chính trị, hai uỷ ban do những quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đứng đầu đã tuyên thệ nhận trách nhiệm trị an, lãnh đạo, và bảo vệ đất nước tại một buổi lễ long trọng ở Sài Gòn vào ngày 19 tháng Sáu. Từ đó, ngày 19 tháng Sáu là một ngày vinh dự của QLVNCH và được gọi tắt là Ngày Quân Lực. 

Tuy nhiên, sau khi miền Nam sụp đổ, những ký ức đẹp của ngày 19 tháng Sáu đã bị bao phủ bằng nỗi cay đắng của một quân đội, trải dài hai thế hệ trai Nam Việt, bị bán đứng trong cuộc thương lượng của những lái buôn chính trị quốc tế. 

Từ đó đến nay, ngày 19 tháng Sáu trở thành ngày các cựu chiến binh VNCH nhìn lại những buồn vui, thăng trầm của đời chiến sĩ và tưởng niệm vô vàn xương máu của tuổi trẻ miền Nam đã đổ xuống trong suốt 20 năm bảo vệ Tự Do.

Riêng đối với tôi, ngày 19 tháng Sáu cũng giống 30 tháng Tư, là một ngày đầy bâng khuâng. Một ngày để nhìn về thời thơ ấu mà ngậm ngùi. Và, một mốc thời gian để ôn lại cảm nghĩ về các cựu chiến sĩ VNCH. 

Cha tôi không là quân nhân, và tôi còn rất nhỏ khi miền Nam mất, nhưng tôi quý người lính Cộng Hoà bằng tình cảm tự nhiên. Với tôi, họ cũng giống như trường xưa, xóm cũ, là một phần của miền đất mà tôi đã rời xa, nhưng quyến luyến mãi không thôi.

Một lần, tôi vô tình gặp được một cuộc triển lãm quân trang, quân dụng của quân đội Hoa Kỳ tại một công viên ở tiểu bang Montana. Có những chiếc xe lạ mắt đã được dùng trong nhiều cuộc chiến khác nhau, nhiều loại súng, và rất nhiều đồ dùng của quân đội. Trong số đó, có vài chiếc hộp nhôm đựng thức ăn và bidong nước nằm lỏng chỏng trên một cái bàn nhỏ, ít ai chú ý. Nhưng chúng làm tôi bồi hồi như gặp lại được những người bạn cũ. Vì chúng chính là loại quân dụng mà các chiến sĩ VNCH đã dùng, những thứ mà tôi đã thấy nhiều lần khi còn nhỏ. 

Khoảnh khắc đó làm tôi nhận ra rằng ký ức tuổi thơ của tôi đan bằng những chuỗi hình ảnh với rất nhiều bức về người chiến sĩ VNCH. 

Tôi sinh ra và lớn lên chỉ quanh quẩn ở Sài gòn, vì thế Việt Nam trong tôi rất ít cảnh sông nước êm đềm, ruộng đồng xanh mướt, thay vào đó là những hình ảnh đường phố với xe nhà binh, dây thép gai, và những người lính.
Sài gòn trong thời của tôi là nơi yên bình và chiến tranh cùng sống bên nhau. Sát bên ngôi trường nữ trung học Trưng Vương cổ kính, tháp ngà của những thiếu nữ ngây thơ, là hàng rào thép gai chặn ngang lối vào căn cứ Hải Quân. Trên các con đường, xe của người dân chạy bên cạnh xe Jeep và xe vận tải quân đội sơn màu lá úa. Bên cạnh khu chợ cá Trần Quốc Toản náo nhiệt là những trại lính có chòi gác và những bức tường bằng bao cát bao quanh những khoảng sân vắng vẻ chói lóa dưới nắng.

Sài gòn trong thời của tôi cũng là nơi sự vô tư của hậu phương hiện diện ngay bên cạnh cái khốc liệt của cuộc chiến. Những chiếc xe chở đầy những người lính da đen sạm, áo trận còn bám đầy bụi, chạy vút qua cổng trường, trước những ánh mắt dõi theo của đoàn nam sinh mắt sáng, môi tươi và đám nữ sinh ngây thơ, tíu tít như một đàn bướm trắng. Ngay trong xóm tôi, binh sĩ đóng quân trong khuôn viên của một hãng bào chế thuốc đối diện nhà tôi. Ngày đó, hình ảnh người lính quen thuộc như một phần của đời sống tôi.  Rất nhiều chú, bác, anh họ tôi là quân nhân.

Năm 1968, họ bế tôi trên tay lúc chạy loạn. 

Năm 1972, mỗi tối tôi đều theo dõi hình ảnh họ trên Ti vi. Những chiến sĩ mặt hốc hác nhưng mắt sáng ngời, tay cầm súng, tay dắt dân chạy loạn. Những người lính rất trẻ nhảy từ trực thăng xuống, loạng choạng dưới sức nặng của ba lô trĩu lưng nhưng lập tức đứng thẳng lên, ôm súng lao vào vùng lửa đạn mịt mù.

Rồi năm 1975, tôi thấy họ bơ phờ đi bộ trên mọi nẻo đường Sài gòn, và gặp họ nằm chết cô đơn trên cầu Phan Thanh Giản, khi con bé – tôi – đi lang thang để vơi nỗi buồn mất nước.

Ngay từ nhỏ tôi đã hiểu các chiến sĩ VNCH hy sinh rất nhiều để giữ đất nước cho tôi sống. Tôi quý mến họ, đậm đà và hồn nhiên, tựa như điều đó là hiển nhiên trong cuộc đời của những đứa bé miền Nam sinh ra và lớn lên trong trận chiến như tôi.

***

Tôi vượt biển, đến Mỹ khi vừa lớn, rồi bỏ một thời gian dài để tập trung vào đời sống mới. Tôi tránh lang thang đến những miền quá khứ vì ngại cảm giác đau lòng khi nhớ về những đoạn đường không thể trở lại. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một bài văn, một khúc hồi ký, hay một đoạn phim với nhạc lính và hình ảnh những người chiến sĩ đội nón sắt, vác súng trường lầm lũi đi qua những con phố nghèo. Lúc đó, mắt tôi đã quen với hình ảnh những quân nhân Hoa Kỳ cao to, vạm vỡ, tôi nhận thấy rằng người lính VNCH quá gầy, nét mặt quá đăm chiêu, và hành trang trên lưng quá nặng. Mỗi lần như thế, lòng tôi luôn luôn đắng đót, bùi ngùi. 

Và cứ như thế, thời gian trôi qua…

Hai mươi năm…

Bầy trẻ thơ nay đã lớn, và chàng trai nay đã già…

(Phan Văn Hưng, 1995) 

Lần đầu nghe câu hát đó, tôi lặng người. Câu hát cứa vào lòng tôi nỗi khắc khoải của đứa trẻ-thơ-đã-lớn nhìn những chàng-trai năm xưa mỗi năm một già đi. Rồi thắt lòng khi nghĩ đến ngày chúng tôi trở thành thế hệ duy nhất đã sống qua cuộc chiến Việt Nam!

Cho đến lúc đó, tôi mới tìm đến các bác, các chú, các anh để bày tỏ – một cách muộn màng – lòng quý mến. Tôi đã trở thành thân thiết với ý nghĩ và cả nỗi đau của họ qua những buổi nói chuyện và những bài viết.

Tôi nhớ mãi câu nói đậm nét miền Nam chân chất của Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, người hùng Xuân Lộc, “Bác chuẩn bị trận mạc xong xuôi rồi chờ tụi Việt Cộng tới. Bác nghĩ ‘Tụi bay tới đây, tụi tao oánh cho tụi bay coi!’” Hào hùng, đơn giản như thế đó, dù biết rằng địch đang siết chặt gọng kìm.

Tôi cũng không thể quên một kỷ niệm với Cựu Đại Tá Đồ Sơn của Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Tôi hỏi “Ở bên Mỹ bình yên, đầy đủ, ở Việt Nam bom đạn ngút rời, mà sao Bác nói ở Việt Nam vui hơn, thưa Bác?” Ông không trả lời, nhìn qua cửa sổ, như lặng người đi. Nét buồn trên mặt ông làm tôi chợt hiểu nỗi đau dai dẳng, sự uất ức khôn nguôi của những vị chỉ huy bị ép buông súng.

Tôi đã có duyên đọc những đặc san và website của lính như Sóng Thần (TQLC), Gia Đình Mũ Đỏ, Trang Biệt Động Quân… Qua đó, tôi biết về những tâm tình của lính, từ kỷ niệm thời học sinh, chuyện tình yêu, đến những trận đánh một mất một còn và cả những đau đớn trong tù đày sau 1975. Có người nhiều tình cảm như anh Vĩnh C, người xởi lởi như chú Cần Thơ, người nghiêm trang, cẩn trọng như chú Long Hồ, người kín đáo, chừng mực như chú Tây Đô, hay cả người khó tính và đanh đá như anh HV… Nhưng họ đều giống nhau ở những gian khổ, nỗi đau, và tình “huynh đệ chi binh” tha thiết. 

Họ giống nhau ở cái tâm tình khi trở lại chiến trường tìm xác bạn, ở cái bàng hoàng đau đớn của người bác sĩ quân y khi lau rửa cái xác nát mặt và nhận ra đó chính là người bạn thân vừa dựa lưng tâm tình đêm trước. Họ cùng chịu nỗi “tủi nhục đến tê tái cả người” của những mãnh hổ sa cơ bị dắt đi diễu qua các khu phố chợ nơi họ từng đổ máu giữ gìn. Họ đều từng viết những lời thương nhớ ngắn mà đẫm xót xa vào ngày giỗ của những người anh em gục ngã trên chiến trường mấy mươi năm trước. Họ cùng nhớ mãi nỗi đau xé lòng của người tù khi vuốt mắt người bạn một thời kiêu dũng vừa gục chết khi ăn nhầm trái độc vì quá  đói trong tù ngục CS. Họ đều từng có cảm xúc “như rơi xuống địa ngục” giống như vị cựu sĩ quan trong tù cải tạo khi lỡ tay làm đổ lon nước gạo mà anh em trong tù giao cho nấu để ăn mừng Giáng Sinh. Hầu hết họ là những “viên ngọc nát,” vẫn lấp lánh khí tiết dù trong lúc khốn cùng.

Khi bạn bè hỏi tại sao tôi đặc biệt quý trọng người lính VNCH, tôi đã trả lời, “Tại vì tôi là một người… nhát gan.” Tôi đã rùng mình trước những khổ đau họ phải chịu. Tôi nghĩ nếu mình phải đi qua những nỗi đau như thế, chắc tim mình sẽ vỡ vụn ra!

Những gian khổ của người lính, nhất là người lính bị ép phải thua trận, làm sao nói hết. Và, đời sống ấm no, đôi khi sung sướng đến xa hoa của “bầy trẻ thơ đã lớn,” có phải được lót đường bằng sự hy sinh của họ? Đối với riêng tôi, câu trả lời là “Chắc chắn như thế!”

Tháng Sáu cũng là tháng kỷ niệm D-Day, ngày mà Mỹ, Anh và các đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp, mở đầu cuộc chiến đem lại tự do cho Tây Âu và chấm dứt Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Nhìn những cựu chiến binh rạng rỡ tự hào nhận lời cám ơn của các nguyên thủ quốc gia, tôi càng thương người chiến sĩ VNCH. Rất nhiều người cũng đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, đã hy sinh cả thời thanh xuân. Nhưng, điều họ nhận lại là tù ngục, là những cay đắng và nỗi đau không thể nào quên.

Tuy nhiên, có vài người bạn thấy ái ngại cho tôi. Họ nghĩ tôi sẽ thất vọng khi biết nhiều hơn về các cựu quân nhân VNCH. Một người bạn bác sĩ kể về vài thân chủ cựu chiến binh VNCH thường xuyên đòi hỏi sự ưu tiên, và sử dụng phung phí các trợ cấp y tế bởi vì họ tin đó chỉ là một phần nhỏ của số nợ mà chính phủ Mỹ phải trả họ. Một người bạn kể về những người cựu chiến binh với những cảm xúc quá mạnh tới mức cực đoan, phản cảm. Vài người bạn khác kể về những cuộc họp nơi các người lính xưa chưa bàn được gì đã cãi nhau. Và chính tôi cũng chứng kiến vài cảnh “dậu đổ, bìm leo,” vu khống cấp trên, chê trách anh em chỉ vì tranh giành hư danh. Và tệ hơn cả là sự bất hoà, chia rẽ trong vài tập thể. Tôi từng nghĩ: tại sao những người có thể chết cho nhau trong thời chiến lại không thể đoàn kết, thông cảm, thương mến nhau khi cuộc sống đã an bình và thời gian chỉ còn ít ỏi?

Vì thế, có những người, ngay cả thân nhân của các chiến sĩ VNCH, đã chọn cách đứng xa vì, theo họ, “Ở xa thì thương, ở gần thì thường.” Nhưng tôi không chọn cách đó, bởi vì tôi đã có duyên hiểu nhiều hơn về các cựu quân nhân. Tôi biết những trường hợp xấu chỉ là cá biệt.

Ngoài những tình cảm mà tôi đã thấy trong các bài viết, tôi cũng từng gặp những “chàng” lính ngang tàng, đã từng đầu đội trời, chân đạp đất, nay kiên nhẫn đứng cả ngày trước cửa chợ để bán vé cho nhạc hội cám ơn thương phế binh. Tôi biết có vị nằm trên giường bệnh cuối đời vẫn chỉ lo lắng ai sẽ thay mình giúp đỡ chiến hữu còn kẹt ở quê nhà. Tôi cũng biết về những người tìm cho ra đồng đội đau yếu, neo đơn để an ủi, săn sóc họ cho tới giờ phút cuối.

Vì thế, tôi luôn quý và biết ơn các chiến sĩ, và tôi biết rất nhiều người trong thế hệ gạch nối cũng nghĩ như tôi. Tôi cũng muốn chia sẻ niềm mong ước của thế hệ chúng tôi là các cựu chiến sĩ VNCH thương quý, nhường nhịn, đoàn kết, và thông cảm cho nhau. 

Bởi vì, đám con cháu chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được tiếp tục ngưỡng mộ những người mà chúng tôi từng ngưỡng mộ, cho dù họ đã già đi theo năm tháng.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights