Dịch… Thành phố!

by Tim Bui

HAI DỐT

Hai chữ này, hồi trước năm 1975 dân Sài Gòn hiếm khi nghe được, thấy được. Giờ thì, ở trong nước, nó đang tràn lan trở thành…dịch! Mấy thị xã, huyện lỵ, tỉnh lỵ khi xưa giờ được hoặc đang háo hức “lên thành phố!”
Họ cứ nghĩ hễ nơi nào đông dân, dịch vụ tốt lên, nhà cửa khang trang, đèn đóm ban đêm cũng sáng như ban ngày là phải lên thành phố.

“Thành phố” là gì?

Hì hì! Hỏi kiểu này hơi khó trả lời đa. 

Khó không vì nó quá…dễ trả lời mà vì nó có thể ẩn chứa những cái bẫy chết người! 

Định nghĩa của người xưa “chỗ xây tường bao phủ như đồn lũy lớn, cùng làm ra một chỗ đầu mối việc trong một xứ; chỗ đô hội” (Đại Nam quấc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Saigon Imprimerie Rey, Curiol&Cie 1895-1896, trang 942-943). Còn tự điển thời nay thì định nghĩa “Nơi có phố xá đông đúc và nhiều dân cư” (Tự điển tiếng Việt 2001, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 928). Chỉ sau 120 năm, hai chữ “thành phố” đã biến nghĩa đi rất xa và rất… Tàu!

Phố, trước đây Hai tui đã có lần nói tới, trong tiếng Hoa có hai chữ 怖, 圃 nghĩa gốc là “vườn rau”, “tiệm, quán”. Người Hoa ở Chợ Lớn hay dùng chữ “tiệm, quán” 怖 và phát âm tiếng Quảng Đông là “fô”, “tỉm” như chạp phô [tiệm tạp hóa], tỉm sấm [tiệm ăn sáng]… Do đó, trước 1975, ở miền Nam và Sài Gòn chỉ có “phố” ở quanh các chợ thôi.

Còn thành thì… Việt Nam đâu có mấy cái! Cả xứ Nam Kỳ chỉ có thành Gia Định, thành Vĩnh Long là thuộc loại… thành. Còn lại là đồn, lũy. Mà thành thì chỉ có quan quân ở chứ dân sức mấy mà vô đó.

Vì vậy, với người miền Nam không có khái niệm “thành phố” mà chỉ có “phố chợ”, “thành thị”, “đô thành”, “đô thị” mà thôi. Còn bên Tàu thì từ mấy ngàn năm nay quen vung tay múa chân, quen xâm lấn chỗ này, nước nọ nên họ cũng bị người ta xâm lấn, cướp phá nên phải có thành để thủ. Và thành của họ có dân chúng, có chợ búa, nhà cửa, phố xá nên hễ có thành là có phố! Nghĩa là ở đâu có thành là có người ở đông đúc, nhà cửa xây dựng tráng lệ. 

Còn nước ta, chỗ đông đúc, nhiều người ở thì có chợ nên kêu là “thị” như “thị trấn”, “thị tứ”, “thị thành”… nhà cửa đơn sơ dựng bằng cây lá… Hễ giặc tới là bỏ chạy hoặc đốt bỏ, mai mốt về dựng lại.

Nên lưu ý, người Việt mình hay nói “dựng nhà”, “cất nhà” chứ ít khi nói xây nhà. Bởi nhà ngày xưa cất đơn sơ, dùng toàn nguyên liệu có sẵn quanh vùng như cây tạp, lá dừa, cỏ tranh… Cứ vài ba năm cây tạp, lá dừa, cỏ tranh mục phải làm lại. Và không có nhiều thợ cất nhà mà hàng xóm xúm vô giúp nhau dựng lại nhà, xong nhậu một bữa là…vui! Không tốn kém nhiều và cũng không cần khoe khoang chi, có chỗ che mưa, tránh nắng là Ok. Chỉ có những nhà thiệt giàu, những nhà quyền quý mới “xây nhà” vĩ đại, tốn kém để chứng tỏ ta đây thôi. Do vậy, ở miền Nam chỉ có “đô thị”, “đô thành”… Hồi trước 1975, Sài Gòn là Đô thành có chức Đô trưởng chứ có thấy thành phố, chủ tịch chi mô! Còn các nơi thì có tỉnh lỵ, quận lỵ…

Giờ thì cả nước Việt Nam đau đáu với hai chữ “thành phố.” Nhiều thị trấn nho nhỏ cũng đua nhau lên “thành phố.” Tỉ dụ như Dĩ An nằm giữa Thủ Đức và Biên Hòa, cái xứ xưa khỉ ho cò gáy, nay dân chúng đông đúc liền trở thành “thành phố.” Hay Thủ Đức, một quận của tỉnh Gia Định, nay cũng là “thành phố!”

Tại sao lại là “thành phố?”

Xin thưa, nhiều “lãnh đạo” địa phương trả lời rằng “cho nó oai.”

Thiệt vậy, chỉ vì oai thôi chứ dân chúng có được “con mẹ” gì đâu. Nếu được, cái dễ thấy nhất là thuế tăng lên cao hơn trước. Nếu là thị xã, huyện lỵ thì thuế chỉ 1-2%, giờ là thành phố thì tăng lên 4-5%! Giống như chuyện nhiều ông bà Việt kiều về thăm quê hương đều khen nức nở chuyện đường xá đi lại được mở khắp nơi. Mấy chỗ khi ho cò gáy, mấy chỗ đầm lầy nước đọng hồi xưa không ai ở giờ thì đông đúc, đường xá ngon lành, xe chạy băng băng.

Xin thưa với các vị, họ mở đường là để “bán đất.” Cả miền Nam giờ đất công, đất cướp của dân… đều bị bán sạch sành sanh! Phải mở đường thì mới bán đất được.

Mà bán đất thì dân cũng có được gì đâu? Tỉ như vùng Thủ Thiêm đó, xưa sình lầy mênh mông, không có mấy người ở. Nay dân bị đuổi sạch để lấy đất bán. Không biết bán hết đất rồi thì tới bán cái gì nữa đây? Nghe nói, người ta đang gom mấy cái quận ngoại ô hồi xưa như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi để nâng lên thành “thành phố.” Và có thành phố rồi thì người ta tính tới chuyện “cho mướn lề đường!” Nghĩa là lề đường trước nhà mình giờ không còn là của mình nữa. Từ cửa nhà ra đường một thước là của mình, còn từ ngoài một thước trở ra là của “nhà nước” và họ có quyền cho người ta mướn để buôn bán, giữ xe…

Mà muốn lên thành phố cũng đâu có dễ! Giống như ngâm lúa để gieo mạ cũng phải “ba sôi hai lạnh” mới được. Còn lên thành phố thì phải họp hành, nghị quyết, xin xỏ rồi chia chác, chấm mút mới được. Bằng không thì…

Chỉ vì cái oai của một số người, một số công chức mà toàn dân phải chịu gánh nặng thuế má, nghe nó cứ sai sai làm sao ấy. Nhưng mặc thiên hạ đàm tiếu, miễn tiền thầy bỏ túi là được rồi! 

Bó tay!

Nói tới nhà, Hai tui nhớ tới câu người Huế hay truyền tụng là “Họ Thân không nhà, họ Hà không quan”. Câu này hỏi một vài người có tuổi hay ngồi ở cà phê Gypsy biết rành nè. Khi mới nghe câu này, Hai tui ngạc nhiên lắm. Bởi Hai tui từng có cô bạn gái họ Thân nhà cửa ngon lành chớ đâu có homeless! Rồi Hai tui được giải thích rằng, ngày xưa ở đất Thần Kinh hai họ Thân và Hà là hai họ lớn, quyền uy một cõi. Người họ Thân “không bao giờ ở nhà bình thường mà chỉ ở dinh thự”, còn họ Hà thì “không làm quan lóc cóc leng keng mà toàn là đại quan”. Thì ra thế!

Lại có câu hỏi “Tại sao có nhiều thành phố nhưng thành phố tập trung các cơ quan đầu não không kêu là “thủ thành”, “thủ phố” mà lại kêu là “thủ đô?” Nghe hỏi Hai tui cũng lùng bùng lỗ tai. Ai biết trả lời giúp!  

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights