Ngoại ơi! “Tao Te Ching” là gì vậy ngoại?

by Tim Bui

TÂM NGUYÊN

Cuối tuần thỉnh thoảng tôi và cháu ngoại gái 16 tuổi hay đi chợ trời Golden West (trong khuôn viên trường Community College Golden West góc đường McFadden và Golden West).

Tuần này vừa đi vào dãy số 1 thì con bé cháu ngoại tôi đã sà vào gian hàng bán sách cũ. Sau một hồi lựa chọn sách thiếu nhi, nó đưa cho tôi quyển sách với tựa “Tao Te Ching”.

– Ngoại ơi đây là sách gì mà có hình mấy ông cụ già ngồi chơi cờ giống ngoại quá nè!”

Tôi cầm lấy cuốn sách và nói:

– Đây là cuốn “Tao Te Ching” tức là Đạo Đức Kinh đó cháu.

– Thế Đạo Đức Kinh là gì hả ngoại?

– Đó là kinh về đạo đức của ông Lão Tử viết đó cháu.

– Đạo đức là gì ngoại?

Tôi trả lời cháu: “Đạo đức là con đường hướng đến sự phát triển năng lượng thiện lành, sáng tạo hòa vào thiên nhiên và vũ trụ.”

Đọc dòng chữ: “That’s the way of developing positive source of energy to coexist peacefully with nature and the wonderful universe,” cháu ngoại tôi dường như có hiểu chút ít nên gật đầu thích thú: “Thế ông mua cuốn này đi nhé!”

– Đúng rồi để ông mua cuốn này rồi ông cháu mình cùng xem.

Hỏi giá tiền cuốn sách là tôi móc $2 tỳ ra trả tiền. Mân mê cuốn sách trong tay, tôi thầm nghĩ “chao ôi, chỉ có 2 đôla mà được quyển sách mới toanh, bìa cứng, giấy láng, giá in $25.00”.

Tối đến, bên ánh đèn phòng khách tôi dở ra cuốn Đạo Đức Kinh tiếng Việt và so với bản tiếng Anh trong chapter 1 và từ tốn giải thích cho cháu.

“The Tao that can be told is not the eternal Tao” (Đạo khả Đạo phi thường Đạo) có nghĩa là: Con đường sống biến hóa của vạn vật không thể diễn tả được, vì khi nói ra thì nó không còn là vi diệu.

“The name that can be named is not the eternal name” (Danh khả danh phi thuờng danh) nghĩa là: Mọi thứ quanh ta mà đặt được tên, thì đã làm thay đổi tính tuyệt vời uyên nguyên của nó.

Sau khi nghe giải thích, cô cháu ngoại tôi dường như hiểu rõ thêm những câu tiếng Anh trong sách, lộ vẻ thích thú qua đôi mắt tròn sáng: “Ông à, người Mỹ cũng thích tìm học lý lẽ của người Á Đông quá nhỉ!”

“Đúng vậy, hàng trăm dịch giả người Mỹ, Pháp, Đức đã dịch và chuyển ý quyển Đạo Đức Kinh ra cho dân họ đọc… vì đây là một trong những tư tưởng triết lý cao siêu của nền văn minh phương Đông, giống như những lời dạy của Socrate, Aristotle trong văn minh phương Tây vậy cháu à.”

Tôi bỗng vỡ lẽ, với một niềm vui len lén trong tim, là thì ra con cháu chúng ta cũng muốn học hỏi về tư tưởng Á Đông vì có lẽ
nó vẫn còn mang chất Á đông trong người. Và quan trọng hơn, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết rằng cơ hội thông đạt, chuyện trò với con em, cháu chắt của chúng ta về bất cứ đề tài nào cũng có ích, vì giúp các con cháu chúng ta luôn sống gần nguồn cội
và văn hóa quê hương.

Sự thích thú của cháu ngoại cũng cho tôi thấy là thú đọc và nghiền ngẫm không chỉ riêng dành cho những người lớn tuổi. Mà
hình như ở tuổi nào cũng được, miễn là người ta có cơ hội.

Trở lại với Đạo Đức Kinh, phải chịu khó nghiền ngẫm thì ta mới thấy cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử quả là pho sách cao siêu
chứa đựng nhiều ý tưởng huyền diệu mà lại rất thực tế.

Với 8 câu thơ đầu tiên Ngài Lão Tử đã cho chúng ta bài học quý giá:

“Con đường thăng hoa và tiến hóa của vạn vật tạm gọi là đạo sống, không thể dùng lời để diễn tả được, vì nó là đạo (con
đường) sống phi thường, vĩnh cửu, bất biến.

Vạn vật quanh ta mà đặt tên được, chỉ làm nảy sinh ra sự tranh chấp.

Danh vị chức tước không có tính trường tồn, bất diệt.

Lúc chưa có tên thì đó là gốc của trời đất. Và khi có tên thì đó là mẹ của muôn loài.

Thành thử khi dẹp bớt dục vọng và cảm giác thì sẽ thấy chỗ huyền diệu, nhiệm mầu của vạn vật.

Khi suy tư linh hoạt, phục vụ muôn loài thì sẽ thấy muôn vẻ diệu kỳ của con đuờng tinh tế đó.

Tất cả dục vọng, cảm xúc, cùng sự linh hoạt tuy khác nhau tên gọi, nhưng từ một nơi phát sinh. Đó là chỗ sâu kín, huyền diệu dưới nhiều tầng lớp.

Câu kết bài thơ như mở ra phương trời mới: The gateway to all understanding
(Chúng diệu chi môn), nghĩa là: Chỗ huyền iệu này là nơi phát sinh ra mọi sự biến hóa khôn lường của vạn vật.

_____________________

BẠN ĐỌC VIẾT

BẠN ĐỌC VIẾT là mục dành cho độc giả tham gia viết báo. Đề tài không giới hạn về thể loại và dài không quá 2000 chữ. Bài viết phải tôn trọng tôn chỉ của báo. Các bạn có thể viết những suy nghĩ riêng của bản thân, phóng sự, ký sự, ghi chép v.v…
Việc tham gia viết và gửi bài là sự yêu thương mà bạn đọc dành cho tờ báo. Chúng tôi rất vui lòng đón nhận tất cả các bài viết của các bạn trong và ngoài Hoa Kỳ. Tất nhiên, các bạn cũng vui lòng để cho chúng tôi biên tập phần chính tả và câu cú mà không ảnh hưởng tới nội dung bài viết. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút làm quà.
Xin gửi về email
TYTNTMagazine@gmail.com
Trân trọng,
TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights