HÀ GIANG
Không hiểu sao cứ vào dịp Quốc Tế Phụ Nữ là tôi hay nghĩ đến mẹ. Vào dịp Quốc Tế phụ nữ mà cộng đồng lại tổ chức lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng như năm nay, thì nỗi nhớ lại càng… kinh khủng.
Mẹ là dòng suối dịu hiền.
Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
là mắt sáng trăng sao
là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.
Mẹ là lọn mía ngọt ngào
mẹ là nải chuối buồng cau
là tiếng dế đêm thâu
là nắng ấm nương dâu
là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…
(Bông hồng cài áo – Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ)
Mẹ tôi đã từ giã cõi đời này gần ba thập niên rồi, nhưng với tôi, cho đến giờ, mẹ vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận.
Mẹ là một hỗn hợp tuyệt vời của một người đàn bà Việt Nam cổ điển, luôn chăm lo thu vén cho gia đình, có tài nấu ăn thần sầu quỷ khốc; và khả năng chèo lái một giang san đầy biến động, lóc nhóc tám đứa con, mà đứa nào cũng rất… cá tính. Mẹ khá dịu dàng mềm mỏng với chồng, nhưng vẫn có lối suy nghĩ, hành xử rất độc lập và quyết đoán, khi cần. Một thí dụ của hành xử độc lập này là quyết định của mẹ, trong gang tấc, cho tôi và đứa em trai đi theo người quen, lên tàu của Hải Quân Công Xưởng, rời Việt Nam chiều ngày 29/4/1975, trong khi bố tôi không có nhà vì đang chạy đi nghe ngóng tình hình cuộc chiến Việt Nam những ngày cuối.
Lớn lên trong thời loạn lạc, mẹ không được học nhiều, vậy mà tư tưởng của bà, có lẽ nhờ mê đọc sách và hay suy nghĩ, không khác gì tư tưởng của những phụ nữ được cho là “feminist” thời nay.
Viết đến đây, tôi phải mở ngoặc để viết về “feminism” một chút. Tháng Phụ Nữ mà phải không? Chúng ta lại vừa có lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng nữa!
Cụm từ “feminism”, nữ quyền và “feminist”, người tranh đấu cho nữ quyền, chẳng hiểu vì sao, từ lâu hay bị đánh giá bằng cái nhìn hơi tiêu cực.
Đến nỗi, trong những buổi nói chuyện trà dư tửu hậu với những người bạn cả nam lẫn nữ, thỉnh thoảng khi được (hay bị) hỏi: “Are you a feminist?” tôi thường ngần ngừ không biết trả lời cho thế nào cho chính xác.
Trả lời “không” thì chắc chắn là không đúng rồi, vì tôi đương nhiên ủng hộ nữ quyền, nhưng nói “có” thì cũng không đúng luôn, vì tôi không phải là người lúc nào trong lòng cũng “tức anh ách” với cảm giác là phụ nữ bị phái nam chèn ép và phải làm đủ mọi cách để được bình quyền. Tôi cũng không hiểu tại sao chữ “feminist” hay bị người đời gán cho tính cách cực đoan của những người đấu tranh cho sự bình đẳng của nữ giới.
Vì thế, thay vì trả lời, tôi hay ấm ớ, trước tiếng cười ồ của mọi người:
“Đâu cần phải đòi bình đẳng với nam giới nhỉ? Thời nay hình như nam giới mới đang phải đòi bình quyền đấy chứ?”
Những lúc đó tôi không hiểu tại sao mình hay nghĩ đến mẹ. Cho đến một ngày kia, trong dịp tham dự một lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng, tôi chợt nhớ bật ra ý nghĩ rằng mẹ mình có lẽ là một “feminist” thứ thiệt.
Bố tôi hồi đó hay đi làm xa nhà, nên có lẽ để lấp đầy nỗi nhớ chồng, mẹ lúc nào cũng tay chân bận rộn. May vá, nấu nướng, lay hoay học làm rượu, làm trà… Tôi thì những khi không đi học hay phải làm bài tập, hay luẩn quẩn bên mẹ, tiếng là để chờ mẹ sai vặt, nhưng thật ra là để nghe mẹ tâm sự, dặn dò, hay nghe bà nói về đủ mọi thứ trên đời.
Những lúc bố đi xa, mẹ chắc cô đơn lắm. Bà hay có thói quen vừa làm việc gì đó vừa ngâm nga hát, khi một mình. Nhưng khi có tôi, đứa con gái đầu lòng, bên cạnh, thì lúc nào mẹ cũng tíu tít kể chuyện.
Mẹ hay khuyên tôi phải chăm lo học hành, và sau này lớn lên, dù lấy được người chồng giàu có, vẫn “phải có sự nghiệp của riêng mình”, vì như thế mới có được suy nghĩ và đời sống độc lập, “không bị chồng và gia đình chồng coi thường.”
Chỉ có một feminist mới dạy con gái, lúc đó mới trên dưới 10 tuổi, như vậy.
“Vả lại lỡ chồng chết sớm, thì con còn có nghề nghiệp vững chắc mà nuôi con, và kiến thức để dạy con.” Mẹ nói thêm.
Chỉ có một feminist mới khuyên con là trên tất cả, sự tự tin, biết mình là ai, cũng như được làm những gì mình thích là một trong những điều mang đến hạnh phúc cho bản thân, và tự mình phải hạnh phúc thì từ đó mới mong mang được hạnh phúc đến cho gia đình và cho người xung quanh.
Một lần, lúc hai mẹ con đang nhặt rau nấu một mâm cơm thịnh soạn để đón bố đi làm xa về, mẹ bất chợt hỏi tôi:
-Con có biết tại sao sau một 1.000 năm, qua biết bao nhiêu thế hệ bị Tàu đô hộ, mà nước mình vẫn dành lại được độc lập không?
-À, tại người Việt Nam là một dân tộc bất khuất. Cô giáo con nói vậy.
-Đúng rồi, nhưng nhờ ai mà người Việt giữ được tinh thần bất khuất đó?
Tôi lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của mẹ, rồi nghĩ ra câu trả lời, mà tôi cho là hay, và ngóng cổ chờ mẹ khen.
-Nhờ Hai Bà Trưng, bà Triệu phải không mẹ?
Mẹ cười, bảo tôi cũng đúng, nhưng chưa đúng với điều mẹ muốn nói.
-Cả lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, mà mình chỉ có Hai Bà Trưng, một bà Triệu, và thêm cả bà Bùi Thị Xuân nữa thì không đủ con ơi. Con có biết hồi đó người Tàu họ áp dụng chính sách “sát phu, hiếp phụ” để đồng hóa người mình không?
-“Đồng hóa” và “sát phu hiếp phụ” là gì mẹ?
-Đồng hóa là biến người Việt mình thành người Tàu, không cho mình còn là người Việt nữa. Còn sát phu là giết đàn ông, hiếp phụ là hãm hiếp phụ nữ. Nghĩa là đàn ông thì họ giết đi, còn đàn bà thì họ hãm hiếp để cho mấy bà đó mang thai. Mục đích của họ là sau này những đứa con đó lớn lên sẽ chỉ biết cha nó là người Tàu, thần phục nước Tàu và không biết gì đến nước Việt cả.
-Ác quá hả mẹ?
-Họ xâm lăng nước mình 3 lần, đô hộ mình gần 1.000 năm. Và liên tục áp dụng chính sách “sát phu, hiếp phụ” tàn ác này trong suốt thời gian đó. Bị đô hộ suốt 1.000 năm mà chúng ta vẫn không bị đồng hóa, và cuối cùng vẫn đuổi được họ ra khỏi Việt Nam, thì theo con những người phụ nữ Việt Nam, mà chồng đã bị giết, phải làm sao?
-Thì họ phải nuôi con?
-Đúng rồi. Đàn ông đa số bị giết rồi. Những người đàn bà này không những phải nuôi con, mà còn phải dạy con, kể cả những đứa con vì bị hãm hiếp mà có, rằng chúng ta là người Việt, và nước mình đang bị những người Tàu này đô hộ, và mình phải tìm mọi cách đuổi cổ họ ra.
-Nhưng con họ có giòng máu Tàu mà cũng được dạy là người Việt nữa hả mẹ?
-Đúng. Mẹ nghe nói nhiều cụ đời trước kể lại cho nhau rằng phụ nữ Việt Nam mình dưới thời Bắc thuộc từ đời này qua đời khác dạy con, dù con họ có thêm giòng máu Tàu đi nữa, thì cũng vẫn dạy là chúng thuộc giòng máu Việt Nam kiêu hùng, và phải dồn hết sức lực để đánh đuổi quân ngoại xâm. Mẹ nghĩ các cụ nói đúng. Vì nếu phụ nữ không dạy con như vậy thì chắc chúng ta khó đánh đuổi được quân Tàu ra khỏi bờ cõi.
Những điều mẹ nói lúc ấy thật mới lạ, tôi chưa bao giờ nghe được ở trường. Tôi nói với mẹ như vậy, để nghe bà giải thích:
-Mẹ nghĩ cô giáo con chắc cũng không biết. Nhiều người không biết, vì vai trò của người phụ nữ trong lịch sử 1.000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam dưới thời Bắc thuộc không được lịch sử đánh giá đúng mức. Sách vở chỉ dạy chúng ta về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân, v.v… Nhưng con phải nhớ lúc đó nước mình theo chế độ mẫu hệ, nên người mẹ rất quan trọng trong gia đình, và gia đình là nền tảng của xã hội. Con biết sách vở của mình thiếu sót gì không? Sách vở quên không dạy chúng ta là phụ nữ Việt Nam nào cũng là một bà Trưng bà Triệu.
Sau này lớn lên nghĩ lại, tôi nghĩ khi nói chuyện với tôi có lúc mẹ đã quên mất là tôi còn quá nhỏ, không hiểu được những điều mẹ nói. Nhưng bà vẫn cứ nói, vì cần một người để trò chuyện, và tôi trở thành “người bạn” bất đắc dĩ của bà. Còn tôi, nhờ được nghe mẹ nói về những đề tài như vậy, đã từ từ được hấp thụ tư tưởng, phải nói là rất cấp tiến của bà, lúc nào không hay.
“Phụ nữ Việt Nam nào cũng là một bà Trưng bà Triệu!” Chỉ có một feminist mới đưa ra được nhận định được như vậy.
Đã lâu không có dịp nhớ về câu nói bất hủ đó của mẹ.
Tuần này biên tập bài về Lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng, tôi nổi hứng muốn kiểm chứng điều mẹ nói về chiến dịch “sát phu, hiếp phụ” của Tàu, cũng như cách dạy con của các bà mẹ trong thời Bắc thuộc.
Thật không thể tưởng tượng nổi, khi Google search, trong hàng triệu tài liệu và bài viết được bỏ lên mạng, tôi chỉ tìm thấy được một bài duy nhất nhắc đến cụm từ cụm từ “sát phu, hiếp phụ.”
Đó là bài Việt – Trung: ‘Những điều không thể nói’ của TS Vũ Cao Phan, đăng trên Vietnamnet từ năm 2012. (1) Bài viết này có mục đích phản biện chi tiết một bài viết đăng ở Trung Quốc về lịch sử giữa hai nước mà tác giả cho là không trung thực.
Nhưng dù phản biện, giọng văn và cách viết gương nhẹ của tác giả cho tôi có cảm tưởng những chính sách tàn ác của Trung Quốc với mình ngày xưa, như “sát phu hiếp phụ” hiện ở Việt Nam đang bị hạn chế không được đào sâu.
Sự hạn chế, hay viết lại lịch sử này, có thể là đề tài cho một bài viết khác. Cho bài này, tôi chỉ xin tạm trích một đoạn:
“Lịch sử thành văn của nước Việt – nghĩa là những điều được ghi lại trên giấy trắng mực đen – xuất hiện khá muộn, hàng ngàn năm sau công nguyên. Hai lý do chủ yếu: chữ viết xuất hiện muộn và cả một thiên niên kỷ mất độc lập được gọi là “thời kỳ Bắc thuộc” – một ngàn năm Bắc thuộc. Lịch sử Việt Nam trong những năm tháng này còn là một phần lịch sử Trung Hoa, điều dù muốn hay không cũng phải thừa nhận. Và dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, với Việt Nam một ngàn năm ấy là một ngàn năm không bình yên, nói một cách khiêm tốn.
Liệu có cần thiết phải nhắc lại những chuyện “sát phu, hiếp phụ”, “bỏ xác cho hổ đói lên rừng bắt chim chả, chặt ngà voi; chịu để giao long ăn thịt xuống biển mò ngọc trai, kiếm đồi mồi” cung phụng các quan cai trị? Rồi một ngàn năm độc lập, những cuộc xâm lược từ phương Bắc đã để lại những gì tưởng chỉ cần nhắc đến một câu của thi hào Nguyễn Trãi thế kỷ thứ XV, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ dưới hầm tai họa”, viết trong ” Đại cáo bình Ngô”…
Thế thôi, không thể tìm thêm chi tiết nào về chính sách “sát phu hiếp phụ” man rợ của Tàu thời đó.
Về suy diễn của mẹ là “phụ nữ Việt Nam mình dưới thời Bắc thuộc từ đời này qua đời khác dạy con, dù con họ có thêm giòng máu Tàu đi nữa, thì cũng vẫn thuộc giòng máu Việt Nam kiêu hùng”, vẫn dùng Google search, tôi cũng không kiểm chứng được, vì không tìm được bài viết hay văn kiện nào.
Mở ChatGPT (một khí cụ của trí tuệ thông minh – AI) ra hỏi, thì tôi được câu trả lời tương đối khá hơn.
Mời quý vị theo dõi hỏi đáp dưới đây với ChatGPT:
Hỏi: Những phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của chính sách “sát phu, hiếp phụ” để đồng hóa người Việt của Tàu trong thời Bắc thuộc đã dạy con họ rằng chúng là người Việt hay người Tàu?
ChatGPT: Trong thời kỳ Bắc thuộc, chính sách “sát phu, hiếp phụ” được những kẻ xâm lược thực hiện nhằm đồng hóa người Việt, trong đó có hành động bắt buộc phụ nữ Việt kết hôn và sinh con với người Hán. Mặc dù không có tài liệu lịch sử cụ thể chi tiết về cách những phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh này dạy dỗ con cái của họ, có thể suy luận rằng trong bối cảnh đầy thách thức và khắc nghiệt đó, nhiều người Việt, trong đó có phụ nữ, đã nỗ lực giữ gìn và truyền đạt bản sắc văn hóa cũng như lòng yêu nước cho thế hệ sau.
Dù bị áp đặt và chịu sự đàn áp từ phía người Hán, người Việt vẫn tìm cách duy trì và bảo tồn ngôn ngữ, phong tục, truyền thống và giáo dục con cái về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Điều này thể hiện qua việc, dù ở trong hoàn cảnh nào, người Việt luôn tìm cách khẳng định và giữ vững bản sắc dân tộc của mình.
Ngoài ra, qua nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống lại sự đô hộ của người Hán, có thể thấy rằng tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc đã được gìn giữ và nuôi dưỡng một cách mạnh mẽ trong lòng người Việt, bất kể là nam hay nữ. Điều này càng được củng cố qua việc các nữ anh hùng như Hai Bà Trưng và Bà Triệu đã trở thành biểu tượng của sự chống cự và không khuất phục trước kẻ thù, là nguồn cảm hứng cho cả phụ nữ và nam giới trong việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như độc lập của dân tộc.Dù không có tài liệu cụ thể về câu hỏi này, nhưng dựa vào bối cảnh lịch sử và tinh thần dân tộc, có thể suy luận rằng người Việt, trong đó có những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi chính sách “sát phu hiếp phụ”, đã cố gắng giáo dục con cái mình theo tinh thần và bản sắc của người Việt.
Nếu chúng ta dựa theo những gì trí tuệ thông minh nói thì suy diễn của mẹ tôi xem ra khá hợp lý, phải không quý vị.
Bố tôi cũng là một người truyền cho tôi nhiều cảm hứng về lòng yêu nước, về tinh thần phục vụ xã hội mà tiếng Mỹ gọi là “social responsibility”. Nhưng với quan điểm và vai trò của phụ nữ thì có lẽ tôi đã được ảnh hưởng nhiều từ mẹ, từ những ngày còn tấm bé.
Mẹ ơi, trong lòng con, mẹ là một phụ nữ Việt tuyệt vời. So với người cùng thời, và có lẽ so với cả người thời này, mẹ có suy nghĩ rất cấp tiến của một feminist, dù có thể mẹ chưa bao giờ nghe đến chữ “feminist” và hiểu nó có nghĩa là gì.
“Phụ nữ Việt Nam nào cũng là một bà Trưng bà Triệu!”
Chú thích:
https://vietnamnet.vn/viet-trung-nhung-dieu-khong-the-khong-noi-103648.html