Thầy Giáo Làng – Kỳ 10

by Tim Bui

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Bãi Biển Thuận An

Học tiếng Pháp trở thành một thử thách đối với Tâm. Chàng đã quen thuộc bản chữ cái, nhưng bây giờ chàng phải đối phó với một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là chàng phải tập tạo ra những âm thanh mới lạ và nói ra những chữ hoàn toàn không quen thuộc. Ngay từ đầu, việc phát âm đã là một trở ngại lớn lao với Tâm. Chàng ngập ngừng, nói thử, vấp ngã, rồi cứ thử đi thử lại.

Cũng may Giang là một cô giáo kiên nhẫn và không biết mệt, một người luôn luôn khích lệ học trò. Mai thỉnh thoảng cũng tham gia để giúp Tâm luyện phát âm hoặc chia động từ. Cô em tinh nghịch này thích xâm phạm sự độc quyền của chị mình với Tâm, nhưng nàng cũng thành thật muốn giúp chàng tiến bộ. Cả hai chị em thay phiên nhau bắt chàng lặp đi lặp lại những chữ và câu tiếng Pháp ngày ngày qua ngày khác. Khi đi bộ về nhà trọ, Tâm thường lẩm bẩm tiếng Pháp mới học, nhưng hai chị em vẫn luôn luôn sửa chàng trong các buổi học tại nhà của họ.

Giang cho Tâm mượn bất cứ quyển sách nào chàng muốn. Mỗi ngày sau khi trở về nhà trọ, chàng giở sách ra đọc cho đến thật khuya. Chàng sử dụng từ điển ba ngôn ngữ nhiều nhất trong khi đọc sách. Thoạt đầu, những chữ Pháp dường như nhảy múa trước mắt chàng. Nhưng sau cùng, với lòng kiên nhẫn và khả năng sẵn có về ngôn ngữ, chàng cảm thấy tiếng Pháp bắt đầu sáng tỏ ra.

Một hôm, Tâm không khỏi không bầy tỏ sự chán nản của mình.

“Tôi chiếm qua nhiều thời gian của Giang nhưng không thấy tiến bộ đáng kể. Bây giờ tôi mới biết học sinh ở quê nhà cảm
thấy thế nào khi chúng phải vật lộn với những bài tập mà tôi giao cho làm.”

Giang thông cảm nhưng vẫn lắc đầu.

“Thầy đã tiến bộ rất nhiều. Thực sự mà nói, Thầy học tiếng Pháp nhanh hơn bất cứ ai khác mà em biết. Thí dụ một người như thư ký Kham đã cố gắng học tiếng Pháp hơn một năm nay. Còn Thầy thì chỉ sau vài tuần lễ đã vượt qua người thư ký đó. Mỗi buổi sáng, mỗi khi em gặp Thầy, em biết Thầy nhớ tất cả những gì Mai và em đã dạy hôm trước. Vấn đề là có quá nhiều thứ để học, và chúng ta đang cố thực hiện trong một thời gian rất ngắn những cái gì bình thường phải tốn cả tháng hay cả năm.”

Sau vài giây phút suy nghĩ nàng nói thêm:

“Em chỉ ước vọng việc công bố kết quả kỳ thi tiếp tục được trì hoãn, để em có thêm thời giờ với Thầy.”

Hôm ấy, lúc Tâm sửa soạn đi về, nàng thản nhiên nói.

“Ngày mai, em sẽ đến quán trọ lúc sáng sớm, rồi chúng ta sẽ lại đi du ngoạn nữa.”

“Tôi không ngại quay lại viện mồ côi,” chàng trả lời không một chút do dự.

Chàng đã cùng nàng trở lại chỗ đó một lần nữa rồi và vẫn thích ở giữa đám trẻ như thể chúng là học trò ở quê nhà. Trong khi Giang bận kiểm kê lương thực và nói chuyện với bác Thanh, Tâm thoạt tiên dự định làm vườn, nhưng lũ trẻ không cho chàng làm việc đó, và muốn chàng ngồi kể chuyện cổ tích hay những chuyện về các anh hùng Việt Nam. Chàng không ngại đóng vai trò đó để tạm không nghĩ ngợi đến việc học tiếng Pháp.

Nhưng lần này Giang có một ý kiến khác.

“Mình chắc chắn còn trở lại cô nhi viện nhiều lần nữa. Nhưng ngày mai chúng ta đi đến một nơi khác, và sẽ ở đó cả ngày. Em sẽ nói cho Mạ biết để bà ấy khỏi phải lo lắng như lần trước. Và, Thầy Tâm, học trò vẫn phải thực hành tiếng Pháp trên đường đi. Em sẽ nhắc thầy việc đó.”

Chàng cười vang lên.

“Cô Giang, học trò không được nghỉ à?”

Nàng quay đi để che dấu một nụ cười.

“Em chỉ sợ Thầy nhất định ở lại đây để học.”

“Vậy Cô Giang nói cho tôi biết mình sẽ đi đâu cả ngày mai?”

“Thầy có muốn đi xem biển không?”


Ngày hôm sau, Tâm dậy sớm để đi biển cùng với Giang. Tuy Thái Bình Dương gần như bao giờ cũng kề cận con đường chàng đi đến kinh thành, chàng không bao giờ ra đến bờ, chỉ nhìn thoáng thấy biển mỗi khi đi qua một vùng ven biển. Ngay cả những lúc đó, chàng bao giờ cũng vội đi vào kinh thành để dự thi và không muốn tốn thời giờ ra ngắm cảnh vật và sóng biển.

Sông Hương bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở về phía Tây Nam Huế. Hai chi nhánh của sông tại Bằng Lãng nhập lại thành Sông Hương. Từ đó, con sông chảy suốt 29 cây số trước khi đổ ra biển tại một làng chài lưới nhỏ tên là Thuận An. Từ chỗ Giang và Tâm khới sự đi cho đến Thuận An là khoảng 14 cây số.

Hôm đó Tâm đã chuẩn bị đi bộ xa và không ngạc nhiên khi thấy Giang đứng chờ sẵn bên cạnh con ngựa ở trước quán trọ. Một cái giỏ và một túi vải bố căng phồng được buộc chắc với nhau và vắt ngang lưng con ngựa cái.

“Em đem theo thức ăn cho chúng mình,” nàng nói. “Chuyến đi hôm nay sẽ khá xa.”

Nét mặt vui tươi, nàng mặc một chiếc áo dài màu vàng nhạt bên ngoài quần đen, tóc buộc lỏng ra phía sau bằng một chuỗi hoa đại vàng và trắng. Sau khi nàng quay ngựa ra, Tâm đứng bên cạnh nàng, chỉ vào con ngựa và nói:

“Tôi có thể đi bộ được, nhưng Cô Giang nên lên lưng ngựa đi.”

Nàng lắc đầu.

“Em sẽ đi bộ với Thầy. Em không muốn người ngoài tưởng Thầy là người hầu của em.”

Thấy chàng vẫn còn do dự, nàng nói thêm.

“Không xa đâu, em có thể đi được. Thầy biết em quen đi từ nhà đến cô nhi viện, và con đường đó cũng rất dài.”

Nàng nắm lấy giây cương và bắt đầu bước đi, và Tâm đành phải theo nàng.

Hai người đi trên con đường bám sát bờ bên phải của con sông. Mặt trời vẫn còn sát chân trời, không khí buổi sáng sớm vẫn còn mát mẻ và dễ chịu. Đối với đa số dân sống ở kinh thành, ngày vừa mới bắt đầu, nhưng đã có những chiếc thuyền trên sông xuôi dòng về phía đại dương, với những người trên thuyền đang bận rộn chuẩn bị lưới và dụng cụ đánh cá. Có cả những chiếc thuyền khác đang di chuyển theo hướng ngược lại. Giang có vẻ thành thạo với những sinh hoạt đó và giải thích cho Tâm.

“Những con thuyền đi về kinh thành đã đi dánh cá suốt đêm dọc theo bờ biển, và đang chở cá đến các chợ trong kinh thành để bán. Mấy con thuyền khác mới bắt đầu đi đánh cá hôm nay. Lát nữa, mình sẽ gọi một thuyền trong số đó để xem có thể mua được hải sản tươi cho trưa hôm nay hay không.”

Hai người di chuyển dễ dàng trên con đường vắng vẻ dưới bóng dâm của những cây thông mọc hai bên. Một làn gió mát từ biển thổi vào, đu đưa các cành cây và lá kim. Mùi thơm của cây thông tỏa ra, tràn ngập không khí chung quanh hai người đi cạnh nhau, dường như đã quên rằng Tâm phải luyện tập tiếng Pháp. Thỉnh thoảng nàng chỉ vào những đặc điểm trong cảnh vật bằng tiếng Việt và hỏi chàng chữ tiếng Pháp tương ứng. Chàng đoán ra được đa số những chữ đó.

Ngoài tiếng vó ngựa trên đường và tiếng bước chân của chính mình, cả hai nghe thấy tiếng hót và tiếng gọi của vô số loài chim đang săn mồi hoặc gọi nhau. Thỉnh thoảng trên vòm cây cao, nơi những tia nắng mặt trời cố xuyên qua lá thông dày, có những con chim vỗ cánh nhanh nhẹn nhẩy từ cành này sang cành khác.

“Ở đây thật là yên bình và tôi cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng. Chuyến đi hôm nay thất là một ý kiến tuyệt vời, tôi xin cám ơn cô Giang.”

“Em rất vui có Thầy đi cùng. Đa số những người em quen, kể cả Mai, đều thích ở nhà tránh nắng hơn.”

Khi đến gần biển, hai người bắt đầu nghe thấy tiếng sóng ở dằng xa vỗ nhẹ vào một bờ biển vẫn chưa hiện ra trước mắt. Giang chỉ về phía bên trái của con sông. Một chiếc thuyền nhỏ đang di chuyển về phía hai người.

“Con thuyền kia đang muốn ghé vào đây.”

Hai người đi chậm lại để nhìn con thuyền đang lướt về phía bờ.

“Thầy ơi, Thầy ơi!”

Giọng nói của người chèo thuyền nghe quen thuộc. Tâm nhận ra đó là người chủ chiếc thuyền mà trước đây chàng thuê để đi thăm các lăng tẩm. Hai đứa bé đang đứng vẫy tay ở mũi thuyền. Vài phút sau, khuôn mặt tươi cười của chúng nhìn chàng và Giang trong khi con thuyền nhẹ nhàng lướt vào bờ rồi từ từ dừng lại. Chủ thuyền tò mò nhìn Giang và Tâm nhưng không biểu lộ sự ngạc hiên nào, và cũng không hỏi Tâm về người bạn đồng hành.

Sau đó người lái đò buộc thuyền vào gốc cây. Bà vợ ngồi bên cạnh chồng, tay cầm một cái bẫy cá còn ướt sũng nước. Bà vợ nhìn Tâm mỉm cười trong khi hai đứa con chạy ra ôm Tâm. Chàng cũng cười và lần lượt bế mỗi đứa lên qua đầu chàng trước khi thả chúng xuống. Hai đứa vùa bám lấy chàng vừa ngại ngùng nhìn người thiếu nữ chưa gặp bao giờ.

Giang vỗ nhẹ vào má hai đứa và chúng cười thích thú.

Tâm hỏi cha hai đứa bé đang tiến về phía chàng.

“Bác đi câu cá sáng nay phải không? Có bắt được con nào không?”

“Có chứ,” người lái đò tră lời rất hãnh diện.

“Câu được tôm, cá và cả hến nữa.”

Giang nói ngay: “Bác có gì bán không?”

Người lái đò chỉ về phía bà vợ. “Bà ấy sẽ làm bánh tôm. Thầy Tâm ơi, nếu muốn thưởng thức thêm món ăn miền Trung thì phải thử món này! Cô đây biết tôi đang nói đến món gì rồi.”

Giang trao dây cương cho Tâm, hăm hở leo lên thuyền và đến ngồi bên vợ người lái đò để xem bẫy cá. Hai vợ chồng người lái đò đối xử với nàng hết sức lịch sự và kính trọng.

“Bánh tôm nghe hấp dẫn lắm,” Tâm nói.

“Nhưng chúng tôi đang đi ra bãi biển ngay bây giờ.”

Người lái đò ngoảnh đầu nhìn ngược nhìn xuôi bờ sông. Sau khi không thấy có ai khác xung quanh, anh ta mới nghiêng người về phía trước và hạ giọng nói với Tâm.“Chắc Thầy còn nhớ Thầy Xinh mà Thầy đã từng gặp trên thuyền này?”

“Nhớ chứ. Có chuyện chi?”

“Cách đây vài ngày tôi chở thầy ấy trở lại kinh thành. Thầy nói đã được lệnh phải về trình diện một vị quan Thượng Thư của nhà Vua. Thầy ấy lo lắng và bất ổn suốt chuyến đò.”

“Tôi hy vọng Thầy Xinh không bị rắc rối chuyện gì đó.”

Người lái đò bác bỏ điều đó.

“Không có chuyện đó đâu. Nhưng đây là tại ao tôi muốn chặn Thầy lại ngay khi nhìn thấy Thầy hôm nay. Vài ngày sau khi lên kinh thành, Thầy Xinh quay trở lại và yêu cầu tôi đưa về nhà. Thầy trông buồn rầu nhưng không muốn nói gì với tôi. Sau khi rời thuyền để đi bộ về nhà, thầy ấy cứ lẩm bẩm điều gì đó về kỳ thi, rồi lại còn buông ra những lời lẽ mà tôi không muốn nhắc lại ở đây.”

“Bác có biết Thầy Xinh có ý định gì không?

Tôi không ngờ thầy ấy có liên quan đến kỳ thi.”

“Ai mà biết ông ấy muốn gì? Vì Thầy mới thi xong, tôi muốn báo cho Thầy biết để mà liệu. Chắc có chuyện gì đó!”

“À, có lẽ vì thế mà triều đình mãi vẫn chưa công bố kết qủa.”

Hai người nói đến đây thì Giang quay trở lại mang theo mấy con tôm vẫn còn sống và giãy giụa măc dầu bị buộc lại. Nàng tự hào giơ chúng lên.

“Thầy Tâm nhìn em mua được gì này! Đó sẽ là món ăn trưa của mình.”

“Ăn sống như vậy hả?” Chàng có nghe nói rằng người Nhật ăn cá và tôm sống nhưng chưa bao giờ thử những món đó.

Nàng cười. “Lẽ dĩ nhiên là không, Thầy Tâm!”

“Nhưng làm sao mà nấu chín được?”

“Thầy sẽ thấy. Thầy cứ chờ cho đến khi mình ra bãi biển.”

Người chủ thuyền nháy mắt với Tâm, giả vờ chia buồn.

“Có những vấn đề mà cô ấy biết nhiều hơn thầy đấy.”

Sau một tràng cười vang, chủ thuyền nói tiếp trong khi sửa soạn đẩy thuyền ra xa bờ:

“Thầy và cô đi ra biển phải không? Hômnay trời đẹp đấy, không quá nóng và ít gió. Vậy thầy cô nhớ tận hưởng bãi biển đấy! Nếu nghe thấy được điều gì khác, tôi sẽ báo cho thầy biết.”

Con thuyền trôi ra phía giữa sông. Vợ chủ thuyền, sau khi được Giang trả tiền hậu hĩnh, đang mỉm cười vui vẻ. Hai đứa bé trông có vẻ thất vọng nhưng cố đứng và vẫy tay chào cho tới khi không còn nhìn thấy mặt nữa. Sau đó chủ thuyền vừa chèo vừa nói với vợ.

“Anh không ngờ Thầy Tâm có một bạn gái. Cứ tưởng Thầy không giống mấy thí sinh khác thuê đò đi chơi và tiêu số tiền mà vợ hay gia đình đưa cho mang theo để tặng những cô gái hát.”

Câu trả lời mạnh mẽ của bà vợ làm cho chủ thuyền giật mình.

“Ông chồng tôi ơi, hãy mở con mắt to ra! Cô ấy không thể nào giống mấy ả đó! Phong thái của cô ấy, cách nói chuyện, cách cư xử lịch sự, tất cả chứng tỏ cô ấy xuất thân từ một gia đình rất tốt. Và hãy xem cách Thầy Tâm đối xử với cô ấy, với sự kính mến và một thái độ xứng đáng một học giả danh tiếng như Thầy ấy.”

Sau khi ngừng lại một chút, bà vợ thở dài, không phải vì buồn nản, mà vì nàng viết rằng đời sống trong kinh thành có thể đầy thử thách và bất ngờ.

“Thầy Tâm đã phải lòng đôi mắt xanh đó, và ngược lại cô ấy cũng thực sự thương Thầy ấy. Tôi chỉ mong cho gia đình hai bên không phản đối và chia cách hai người ấy.”

Chủ thuyền hơi ngạc nhiên, nhưng dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ, anh biết không nên bất đồng ý kiến với vợ. Anh ta là người giao thiệp với mọi người khác và nhìn thấy mọi thứ ở hai bên bờ sông Hương. Còn nàng thì ít khi nói chuyện với ai ngoài phạm vi gia đình nhỏ của mình. Nhưng, so với chồng, kinh nghiệm cho thấy những nhận xét của bà vợ về hầu hết mọi người và sự kiện thường sâu sắc và chính xác hơn.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment