Chuyện báo chí Sài Gòn xưa – kỳ 1 Nhà báo Nguyễn Đức Nhuận

by Tim Bui
Báo Chí Sài Gòn xưa, Kỳ 1

TRẤN NHẬT VY

Đọc cái tựa bài này, người biết chuyện sẽ hỏi liền “Nguyễn Đức Nhuận nào?”. Sao lại hỏi như vậy? Dạ thưa, bởi làng báo Sài Gòn vào thập niên 1920-1930 của thế kỷ 20, cùng lúc có “ba nhà báo tên Nguyễn Đức Nhuận”. Đó là các ông Phú Đức-Nguyễn Đức Nhuận, Bút Trà-Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn Đức Nhuận chủ tờ tuần báo Phụ Nữ Tân Văn. Cả ba ông đều nổi tiếng trong nghề báo, để lại dấu ấn mạnh trong làng báo Sài Gòn và đều có con đường rất riêng trong sự thành công ấy.

Xin lần lượt giới thiệu!

Phú Đức – Nguyễn Đức Nhuận: Nhà báo không… viết báo!

Phú Đức (1901-1970), sanh trưởng trong một gia đình giàu có và quyền thế ở làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định. Thân phụ ông là Nguyễn Đức Tuấn, Cai tổng Bình Trị Thượng, quyền uy một thuở. Tổng Bình Trị Thượng thuở ấy là một vùng đất rộng mênh mông, ngày nay gồm các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Ông nguyên là thầy giáo trường Marc Ferrando (nay là trường Nguyễn Đình Chiểu, Bình Thạnh) nhưng lại khoái viết tiểu thuyết hơn dạy học. Dường như ông có duyên nợ với nghề viết tiểu thuyết feuilletons, nên ngồi trong lớp học với đám học trò nhỏ tuổi, thay vì hướng dẫn cho chúng học hành thì ông lại… “tập trung chuyên môn” vào việc viết tiểu thuyết!

Thời đó, các thể loại tiểu thuyết diễm tình, ướt át, được đăng khá nhiều trên các tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn. Bên cạnh đó là những truyện dịch của Tàu, Tây để thu hút người đọc báo. Đa số truyện đều đơn giản và cũng không có gì đặc sắc.

Có lẽ vì vậy mà thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Nhuận (khi đó chưa có bút danh Phú Đức) đã dành thì giờ dạy học để viết tiểu thuyết tình cảm. Và ông đã viết tiểu thuyết đầu tay “Câu chuyện Canh tràng” với bút danh Phú Đức, Gia Định. 

Sách xưa có câu “phú nhuận ốc, đức nhuận thân” tạm dịch là người giàu có thì đẹp nhà cửa, đức độ nhiều thì đẹp bản thân. Có lẽ vì vậy mà ông Phú Đức suốt đời giàu có sung sướng cho tới ngày từ giã cõi đời!

“Câu chuyện Canh tràng” của Phú Đức mở đầu: “Một đêm kia trời nồng nực nhằm khi tiết hạ cực kỳ, ký giả kêu xe kéo đi ra bến tàu chỗ cột cờ Thũ Ngữ người langsa gọi là pointe des blageteur là nơi lịch cảnh giữa chốn phiền hoa đô hội, có bàn rượu cho người giải lao, hứng gió. Lúc này, trong khoảng chín giờ rưỡi mười giờ. Gặp đêm nguyệt rạng trời thanh, trên cầu nô nức thiện nam tín nữ, cùng người ngọn liễu chờ trăng… Thật là chốn mặc tình đón gió quạt nồng hay là trông duyên kỳ ngộ…”

Năm 1924, ông gởi tiểu thuyết đầu tay này cho Trung Lập Báo và được báo này đăng từ ngày 8-7-1924. Tiểu thuyết không có gì xuất sắc, nhưng phó chủ bút tờ Trung Lập là ông Trương Duy Toản (chủ bút là ông Lương Khắc Ninh) lại thấy Phú Đức là một nhà tiểu thuyết feuilleton tương lai nên mời Phú Đức viết cho Trung Lập với lương tháng 20 đồng. Có thể do thời ấy ít người viết tiểu thuyết? Và sau đó, tiểu thuyết “tràng giang đại hải” Cái nhà Bí mật ra đời thu hút đông đảo bạn đọc cho Trung Lập Báo. 

Cái khó của “thuật” viết feuilletons là làm thế nào để kéo dài tiểu thuyết ra nhiều kỳ mà kỳ nào cũng hấp dẫn bạn đọc. Nghĩa là dù viết ngắn (mỗi ngày độ 1000 đến 1500 chữ), các kỳ phải liên kết nhau chặt chẽ và phải luôn thu hút bạn đọc chớ không được có kỳ nào đó lạt phèo thì…tiêu! Còn việc viết thì tác giả viết trước hay viết sau thì tùy sức nhưng đã nhận viết feuilletons thì mỗi ngày phải có bài đưa cho tòa soạn, dù có bịnh hoạn hay đi đâu xa cũng vậy. Trước đây, phần lớn các tiểu thuyết ở Sài Gòn trước khi in thành sách đều đã được đăng báo. Và tác giả viết mỗi ngày một kỳ, viết xong là đem xếp chữ luôn, khỏi cần biên tập. Nhiều tác giả, cứ sáng sáng tới tòa soạn, hoặc nhà in báo ngồi viết tại chỗ, rồi đưa cho ấn công xếp chữ. Có tác giả vì miếng cơm “lớn” quá phải viết cho nhiều tờ báo một lúc nên nhiều khi truyện của báo này đưa lộn cho báo khác in cũng xảy ra không ít! 

Tờ báo trước đây, tin tức bài vở chỉ tập trung phần lớn ở các trang một và trang cuối cùng. Các trang trong thường dành cho các mục linh tinh, văn nghệ, sưu khảo và đặc biệt là tiểu thuyết feuilletons. Một tờ báo thường đăng từ một đến ba, bốn tiểu thuyết.

Thời kỳ truyện chưởng của Kim Dung, Tiền Phong lên ngôi, báo chí Sài Gòn hầu như tờ nào cũng có truyện chưởng. Không “Lịnh Xé Xác”, thì cũng “Hỏa Thiêu Thiếu Lâm Tự”, không “Cô Gái Đồ Long” thì cũng “Thư Kiếm Ân Cừu Lục”… Do vậy, mỗi khi báo Hồng Kông về trễ thì tờ báo nào cũng trống trơn và phải xin lỗi độc giả. Do đó, có một thời gian chánh quyền Ngô Đình Diệm đã cấm đăng nhiều tiểu thuyết trong một tờ báo. Và có lần, tác giả Kim Dung qua Sài Gòn chơi thì các chủ báo rủ nhau đi… nghỉ mát ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang sạch vì sợ bị đòi tác quyền! 

Có thể nói feuilletons tiểu thuyết trên báo là một đặc trưng của báo chí Sài Gòn ngay từ thuở ban đầu và chính đặc trưng này đã  góp phần thúc đẩy, nuôi dưỡng và phát triển tiểu thuyết của Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Một người sáng tác, sau khi cho tác phẩm ra đời gởi đăng báo là hình thức thử nghiệm coi mình có thể “làm nghề viết” được không! Nếu báo đăng thì có hy vọng đi tới, còn không đăng chừng vài lần thì mau mau kiếm đường khác mần ăn.

Báo chí còn có số độc giả nhiều trong các giời từ bình dân đến thượng lưu, dễ phổ biến. Một truyện đăng báo được độc giả vỗ tay thì tác gỉa “nổi tiếng” liền, không phải chờ đợi. Ngày nay, tiểu thuyết feuilletons coi như biến mất khỏi làng báo Sài Gòn. Các nhà văn tương lai không có nơi thể nghiệm sức mình cũng… liệt luôn! Nhiều hội thảo bàn bạc về tiểu thuyết đã diễn ra, những người tham dự hội thảo đặt ra nhiều vấn đề “bự sự” cho tiểu thuyết nhưng hình như không ai để ý tới vấn đề này.

Cũng vì vậy mà Phú Đức bắt đầu nổi tiếng là “tiểu thuyết gia” và được chủ báo là ông De Lachevrotière tăng lương lên 40, rồi 80 đồng/tháng. Đây là lương tháng của hàng Đốc phủ sứ, ngồi chủ một quận lớn, giàu. Tiểu thuyết của Phú Đức nổi tiếng đến nỗi độc giả báo Trung Lập tin rằng Hoàng Ngọc Ẩn (nhân vật chính của truyện “Cái nhà Bí mật”) mới là tay nghề võ ta vô địch nên họ cổ võ một cuộc thách đấu tay đôi giữa Tạ Ánh Xém, võ sĩ của Bạc Liêu, với Amadou, một võ sĩ quyền Anh nổi tiếng đương thời. 

Sang năm 1925, Phú Đức cho ra đời Châu về Hiệp phố, đây là tiểu thuyết được đánh giá là “hay nhất” của ông. Thời điểm này cũng xảy ra vụ “De Lachevrotière đá đít Bùi Quang Chiêu ở bến Nhà Rồng” nên tờ Trung Lập bị người đọc tẩy chay. Tiểu thuyết Châu về Hiệp phố đang đăng ngon lành trên báo Trung Lập thì Phú Đức ngưng lại vì “chủ báo phản động”.

Thấy vậy, năm 1926 chủ báo Công Luận là Đại tá Sée đã nghe lời khuyên của chủ bút Nam Đình Nguyễn Thế Phương mời Phú Đức về Công Luận viết tiểu thuyết, mặc dù có người phản đối. Dù là người có thế lực trong Nhóm Lý Tài của Nam kỳ, nhưng Đại tá Sée cũng nể mặt De Lachevrotière [chúng tôi sẽ có bài viết riêng về nhân vật De Lachevrotière], nên Phú Đức được mời về báo với danh nghĩa “chủ bút”, nhưng nhiệm vụ chỉ viết tiểu thuyết! Và tiểu thuyết “Châu về Hiệp phố” được tiếp tục đăng trên báo Công Luận với tên mới “Hiệp phố Châu hườn!”

Cũng nên biết, thời xưa, chủ bút một tờ báo cũng chính là tay viết chủ lực bởi ít cộng tác viên. Đa số những người giỏi chữ quốc ngữ đều là công chức, họ chỉ viết khi rảnh rang và nghề báo cũng là nghề mới. Do vậy, một tờ báo xuất bản, hầu như chủ bút và vài phụ bút “bao” trọn từ trang đầu đến trang cuối.

Công Luận là tờ báo bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Đông Dương nên không “dính dáng” vào những thông tin chánh trị. Khi đám tang cụ Phan Châu Trinh diễn ra đình đám ở Sài Gòn thì tờ Công Luận không đưa tin mà còn đăng tiểu thuyết lên trang Nhất, điều chưa từng có tiền lệ! Tiểu thuyết đã giúp chủ bút Phú Đức lãnh lương cao và chỉ đi dự tiệc tùng, tiếp tân tại dinh Thống đốc, dinh Thượng thơ, Phòng thương mãi… còn việc bài vở, tin tức thì có… người khác lo. Và khi ông Phú Đức ngồi ghế chủ bút tờ Công Luận thì cũng xảy ra một “chuyện tình” dữ dội của một người cùng tên là ông Bút Trà-Nguyễn Đức Nhuận, để sau này xuất hiện tờ báo lừng danh một thời gian dài là tờ Sài Gòn Mới và tài kinh doanh báo chí của bà Bút Trà. Chuyện này sẽ nói sau.

Tác giả Phú Đức-Nguyễn Đức Nhuận

Sau “Hiệp phố Châu hườn”, đến “Tiểu anh hùng Võ Kiết” (được đoàn Phước Cương viết thành tuồng cải lương rất hấp dẫn), rồi “Lửa lòng”… Khi Công Luận đổi mới, nhiệm vụ chủ bút được giao lại cho người khác thì Phú Đức chấm dứt nhiệm vụ nhưng vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết.

Các bộ tiểu thuyết “Một mặt Hai lòng”, “Non tình Biển bạc”, “Tình trường Huyết lệ”, “Một thanh Bửu kiếm” tiếp tục ra đời mặc cho thế sự và làng báo Sài Gòn đổi thay thế nào. Trong khi nhiều nhà báo sống khổ sở hoặc thất nghiệp thì Phú Đức vẫn viết tiểu thuyết, chơi phong lan và nuôi ngựa đua.
Mười năm sau, năm 1947, vài tờ báo xin đăng lại những tiểu thuyết đã đăng của Phú Đức. Rồi nhiều tờ xin đăng lại vì ăn khách. Thấy vậy, chủ báo Tiếng Chuông là Đinh Văn Khai đề nghị Phú Đức viết riêng cho Tiếng Chuông bộ tiểu thuyết mới, và “Bách si ma” ra đời. Đây là bộ tiểu thuyết cuối cùng của Phú Đức. 

Thấy “bổn cũ soạn lại” ăn khách, Phú Đức mới nghĩ tới chuyện ra báo in toàn tiểu thuyết! Và tuần báo Bình Dân ra đời. Đây là tờ báo khổ nhỏ, chỉ đăng tiểu thuyết từ trang đầu đến trang cuối, không đăng tin nào khác. Tòa soạn của Bình Dân ban đầu mướn nhà của bà Emilie, vợ đầu tiên của ông Nguyễn An Ninh, ở đường Bồ Rệt (Boresse) nay là Yersin. 

Nhà báo Ngọa Long tự coi mình như “đệ tử của Phú Đức” khá gần gũi với ông thầy kể lại:
Tòa soạn báo Bình Dân là một căn phòng nhỏ, kín đáo chỉ vừa đủ đặt một cái đi văng, vừa làm tòa soạn vừa là nơi “đi mây về gió” với nàng tiên nâu (á phiện). Tôi hỏi “Thưa thầy, lấy tên Bình Dân chắc thầy có ý định làm chánh trị…bình dân? Vậy thầy có cần dùng đến tôi chăng?”. Nghe hỏi, Phú Đức nằm xuống đi văng, nói “Moa không định làm chánh trị hay văn nghệ gì ráo. Toa biết moa quá mà! Moa đâu có thèm khát gì thứ đó. Moa ra tờ Bình Dân là để đăng lại mấy bộ tiểu thuyết coi chơi”. Nói rồi Phú Đức mồi thuốc kéo một hơi dài. Thấy tôi im lặng, Phú Đức giải thích “Toa có thấy không, các báo đăng lại tiểu thuyết cũ của moa vẫn câu được độc giả. Vậy thì tội gì moa không ra một tờ báo để khai thác cây nhà lá vườn”. 

Bình Dân số 1 in 20 ngàn số và phải in thêm 15 ngàn số nữa. Số 2 in tới 70 ngàn số. Độ chừng một tháng sau, Ngọa Long trở lại “tòa soạn” thấy có thêm anh bồi vừa phục vụ Phú Đức vừa liên lạc với nhà in. Tưởng Phú Đức rảnh, nhưng bước vô thì thấy ông đang ngồi soạn báo cũ, tay cầm kéo cắt lia lịa. Thấy Ngọa Long bước vô, ông ngước lên, tay vẫn cắt, nói “Toa thấy không! Thậm chí bây giờ moa không có thời giờ viết và sửa lại mấy cái bổn cũ. Phải cắt báo cũ mới kịp cho nhà in sắp chữ”.

Ba tháng sau, Ngọa Long trở lại thì không thấy tòa soạn đâu nữa. Tôi hỏi chị Ninh, vì quen miệng gọi bà Emilie, bà cười nói “Sao Ngọa Long! Toa kiếm ông thầy…Bình Dân của toa hả? Ổng dọn nhà đi cả tuần nay rồi”. Tưởng là báo đã xập tiệm nào ngờ…tôi hỏi “Bộ xuống độc giả rồi chăng?”. Bà Emilie đáp “Đúng là từ đầu tới cuối, toa đã nghĩ trật lất về Phú Đức và tiểu thuyết của ổng. Chẳng những không xuống độc giả mà ổng còn lên…lầu! Ổng mới mua căn phố ở đường Lacotte, dọn tòa soạn Bình Dân về đó rồi”. Lacotte nay là đường Phạm Hồng Thái, nơi đây từng là tòa soạn báo Dân Ta của Nguyễn Vỹ do bà Ái Lan làm thư ký tòa soạn”. (Ngọa Long hồi ký Làng báo Sài Gòn, đăng trên báo Đuốc Nhà Nam từ 21-9-1970).

Chỉ vài ba tháng đăng tiểu thuyết mà tờ báo mua được một căn phố lầu thì… chỉ có Phú Đức! Không chỉ vậy, thấy Bình Dân có độc giả, chủ nhiệm tuần báo Dân Thanh là Clement Nhơn rủ Phú Đức lấy tờ Dân Thanh để ra hằng ngày. Phú Đức “chơi luôn”! Dù không có tài làm nhựt báo, dù tờ Dân Thanh trở thành gánh nặng mỗi ngày, tiền bạc đều do tờ Bình Dân nuôi, vậy mà cũng sống được hai năm trời. Dân Thanh đình bản vì Clement Nhơn là người ủng hộ Bình Xuyên, nên khi chánh phủ Ngô Đình Diệm bắt đầu tấn công Bảy Viễn thì Dân Thanh biết thân tự ô rờ voa cho chắc ăn.

Từ năm 1955 trở đi, báo đăng toàn tiểu thuyết của Phú Đức không còn ăn khách như trước nữa. Mặt khác, khi ổn định tình hình, chánh phủ Diệm sửa đổi luật báo chí, chỉ cho phép mỗi tờ báo đăng 2 tới 3 tiểu thuyết hay truyện dài, nên Bình Dân không còn đất dụng võ nữa. Vào khoảng năm 1963, Bình Dân đóng cửa. 

Trong tự thuật gởi báo Ngày Nay vào tháng 10-1959, ông Phú Đức viết “Tôi chuyên viết tiểu thuyết dài và chuyện ngắn giúp nhiều nhật báo tại thủ đô đã trên 35 năm. Tính ra có trên 70 bộ tiểu thuyết trường giang đăng hằng ngày từ năm sáu tháng đến một hai năm mới dứt….Tôi chưa xuất bản bộ tiểu thuyết nào vì chưa có ngày giờ rảnh rang để sửa chữa kỹ lưỡng những tác phẩm đã đăng…Nghề viết văn và viết báo giúp tôi đời sống đầy đủ vật chất lẫn tinh thần”. 

Và tuy có tiếng là nhà báo nhưng dường như ông Phú Đức chưa mấy lần viết tin, viết bài, trong đời quả chỉ có một!

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights