SOS-Khô hạn và nhiễm mặn ở miền Tây!

by Vy Trần

Hạn và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã vào cao điểm. Sau Tiền Giang, tỉnh Kiên giang vừa công bố “thiên tai” ở vùng U Minh Thượng vào ngày 10/4. Từ đầu tháng 1-2024 tới nay, vùng U Minh Thượng đã khô hạn và nhiễm mặn. Nhiều nhà dân, đường sá bị sụp, lún, kinh rạch khô cạn, thiếu nước ngọt…

Từ đầu tháng 3 đến nay, mực nước trên kinh đê bao ngoài và các kinh trong vùng đệm U Minh Thượng hạ thấp ở mức độ cạn kiệt, khoảng cách từ mặt nước hiện tại cách cao độ mặt đường trên 5m, gây hiện tượng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng các tuyến lộ giao thông.Tính đến ngày 7/4, tổng số điểm sạt lở, sụt lún tại khu vực này là 310 điểm, chiều dài 7.533m, làm sập 26 căn nhà, ước tổng thiệt hại trên 83,6 tỉ đồng. Dự báo có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới, đe dọa 54 căn nhà, ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 105 tỉ đồng.

Nắng nóng từ 35 tới 40 độ C kéo dài ở toàn vùng Nam Bộ vài tháng nay khiến đời sống dân chúng khó khăn và tình trạng nhiễm mặn, kinh rạch khô cạn, thiếu nước ngọt đã đến hồi trầm trọng ở hầu hết các tỉnh ven biển như Gò Công, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Dân chúng phải mua nước ngọt với giá cao ngất để xài. Hiện rừng ở Cà Mau đang cháy lớn có thể nhìn thấy từ xa hàng cây số. Sông Cửu Long tới nay đã bị nước biển lấn vô gần 100Km. Nhiều khúc sông nước trong vắt như nước biển.

Chưa biết tình trạng nầy sẽ còn kéo dài bao lâu. Nếu mùa mưa tới sớm vào cuối tháng 4 vấn đề có thể được giải quyết một phần. Song nếu qua tháng 5 mới có mưa thì rất khó khăn cho đồng bằng. Hiện chánh quyền các tỉnh “cấp cứu” bằng cách dùng xà lan chở nước ở miền Đông về nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng.

Rừng Cà Mau cháy nhìn từ xa

Chờ nước ngọt về!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights