Nghề “rửa nồi,” việc làm đầu tiên của chàng du học sinh

by Tim Bui
Nghề “Rửa Nồi” việc làm đầu tiên của chàng du học sinh

TONY BÙI – MINH TRUNG

Bạn thân mến, vạn pháp trên cõi đời này đều có nhân duyên – cái này có là nhờ cái kia mà thành. Bài viết của tôi có được là nhờ tôi tình cờ đọc được một bài viết rất cảm động, thật thà, có duyên trên báo “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” kể về chuyện đi xin việc và việc làm thợ may của chị Hà Giang.

Ngược giòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước tôi là một sinh viên du học tự túc thời Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi tháng chính quyền cho phép gia đình của sinh viên chuyển ngân cho tiền ăn ở $120 đôla, ba tháng một lần. Sau hai tháng đầu sống lạc lõng trên xứ người, rờ túi chỉ còn vài chục tờ Washington và mớ bạc cắc dùng đi xe bus trong thành phố. Tôi quyết định lên đường tìm việc độ thân. 

Trong khóa học đầu tiên ở University of San Francisco, tôi đã thấy sinh viên xếp hàng vào Cafeteria (Nhà ăn của trường) buổi trưa và buổi chiều, thành thử tôi mạnh dạn thẳng hướng Cafeteria.

Thấy dáng vẻ ngây thơ ngơ ngác của tôi, cô nàng thâu ngân tóc vàng mướt ở quầy Cashier hỏi: “May I help You?” (Cần gì thế anh?). 

Bằng hết sức bình sinh, tôi mới thốt nên lời: “I need a job. Do you need me?” (trời ơi câu này dịch ra mắc cở chết: Tôi cần việc làm. Cô có cần tôi không?)

Cô nàng thâu ngân nhoẻn miệng cười: Follow me (Đi theo tôi nhé).

Cô nàng một lèo sốt sắng dẫn tôi vào phòng hành chánh gặp bà Chủ sự (Supervisor):

“Ma’am! this guy needs a job.” 

Tôi thầm muốn cãi lại: “I am a man, not a guy” vì lúc đó trong đầu tôi không thích câu trên “khứa này cần việc nè.”

“ OK gentleman, what can you do?” Bà supervisor hỏi tôi.

Trời ơi, lần đầu tiên nghe chữ “gentleman” từ bà Supervisor lòng tôi sướng run. Không ngờ mình từ “guy – khứa lão” biến thành người phong độ, lịch sự, hào hoa như Công tước “gentleman.”

Niềm vui của chàng “gentleman” còn đang lâng lâng bay bổng phút chốc rơi đánh “rầm” trên mặt đất.

Theo chân bà Supervisor tôi vào phía sau Cafeteria. Bà Supervisor chỉ vào những cái nồi ngổn ngang, đầy cả gian phòng và hỏi: “Can you wash these pots? In two hours, OK?”

Mớ bạc cắc trong túi quần cùng với vài chục tờ bạc Washington (giấy một đôla), của tôi dường như kêu lẻng kẻng giống như chúng mở party ăn mừng vì chúng sắp được có thêm bạn mới khi tôi được trả lương. Nghĩ vậy nên tôi mạnh miệng:

– Sure I can do it. Only one hour ma’am! (Dễ thôi. Một tiếng là xong)

– Do it now! Paper work later. (Vậy làm ngay đi. Giấy tờ tính sau)

Bắt tay vào việc ngay lập tức, tôi chả cần biết lương hướng bao nhiêu cả. Cái bụng sắp bị đói meo, cái túi sắp lủng rồi. Bao nhiêu cũng làm. Xá chi mấy cái linh tinh. 

 Sau bao nhiêu năm đèn sách người thư sinh đất Việt cũng ra trường để thành người hữu dụng cho đất nước mới. Nhưng “tiếng nước tôi” tôi vẫn yêu như thuở nào.

Về sau tôi mới biết là anh chàng phụ trách rửa nồi hôm đó vừa gọi điện thoại cáo bệnh rồi cùng lúc xin nghỉ 2 tuần.

Sự xuất hiện của tôi đúng lúc Cafeteria này cần giải quyết “chiến trường nhà bếp”. Chỉ vì đám nồi niêu, xoong chảo này mà để thêm một giờ nữa thì buổi chiều anh Chef cook sẽ đình công luôn. 

Bắt tay vào việc tôi liếc quanh và thấy ở góc phòng có thùng xà phòng rửa chén xanh xanh, có bao tay da đen óng cao dến tận khủy tay, bàn chải sắt, và ô kìa, vòi nước xịt nước nóng đã sẵn sàng chờ lệnh “Công tước rửa nồi” (The Duke of Pot Washer).

Dường như những cái nồi kêu vang: “Hi ! Duke of Pot washer! we the pots and pans are waiting for you to make us nice & clean again” (Công tước rửa nồi ơi! Mau lên hãy ra tay nghĩa hiệp giúp chúng em sạch sẽ, mát mẻ đi nè!). 

Tôi không ngờ gần 20 năm chỉ có “ăn và học” nhờ công ơn cha mẹ mà giờ đây mình mới thấy hữu dụng trước đám nồi niêu xoong chảo này đang van xin giúp đỡ. 

Bắt tay ngay vào việc, cho dù là lần đầu, thế mà thóang chốc đống nồi niêu dính đầy thức ăn, dầu mỡ được sạch bóng, láng cóng như mới. 

Bà Supervisor đi xẹt ngang qua và nói một câu khiến tôi mát dạ : “Good boy!”

Ôi công lao cha mẹ nuôi lớn, bây giờ mới có dịp thi thố tài năng. Mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ quay cuồng trong óc:
“Trong lăng miếu ra tài lương đống/ Ngọai biên thùy vạch mũi can tương/ Làm sao cho bách thế lưu phương/ Trước là Sĩ sau là Khanh Tướng.”

Khi đi du học ở xứ người, những người trẻ có tâm hồn tìm cách sống quây quần, vừa giúp tiết kiệm ngân sách gia đình, vừa giúp nhau giữ vững “tiếng Nước tôi”.

Bạn có biết chăng từ nhỏ đến lớn tôi ở Việt Nam chưa bao giờ rửa chén, lau nhà.  Tuy nhiên nhờ ý chí muốn đi du học nhen nhúm từ thời được đi học Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn, nên tôi nộp đơn xin đi giấy nhập học vào ở các trường Đại học của California.

Cuối cùng sau hơn 7 tháng trời thì giấy từ trường Đại học San Francisco mới về đến nơi. Và lúc đó thì tôi đã được gia đình cho đi du học tại Viện Đại học Đà Lạt rồi. Cũng nhờ ở Việt Nam mà vào mùa Hè 1971 tôi được nếm mùi cơm hẩm cá mối của những tháng ngày học quân sự học đường dành cho sinh viên vào mùa Hè.

Mỗi người Việt tỵ nạn của chúng ta có một hoàn cảnh khác nhau. Định cư ở xứ Hoa Kỳ này là niềm mơ ước của bao người trên thế giới. Cho dù là nền kinh tế Hoa Kỳ có phần tuột dốc, cho dù là tình trạng an ninh “trộm cướp như rươi” ở các thành phố lớn, nhưng ai ai cũng mong góp phần vào hữu dụng vào cuộc sống cho gia đình mình và nhất là cho con cái được dịp tiến thân.

Đất Mỹ đã nuôi sống hàng triệu người Việt từ hai bàn tay trắng nay hàng triệu người đã góp công sức giúp cho nước Mỹ giữ vững vị trí hùng cường trên toàn thế giới. 

Một công việc nhỏ bé “Duke of Pot Washer” đã là viên gạch lót đường giúp tôi thành một kỹ sư chuyên nghiệp, và nay khi về hưu tình nguyện phục vụ vai trò Ủy Viên Kế hoạch để duyệt qua các dự án phát triển của thành phố.

Vạn pháp đều có tương quan mật thiết với nhau. Nhân đây mong quý vị đón nhận lòng biết ơn của tôi đến tất cả mọi người ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ.
______________________________________________________________________________________________________________________________________
MỤC MỚI: BẠN ĐỌC VIẾT
Với bài viết này của tác giả Tony Bùi – Minh Trung, tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi trân trọng  mở thêm mục BẠN ĐỌC VIẾT”. Đây là mục dành cho độc giả tham gia viết báo. Đề tài không giới hạn về thể loại và dài không quá 2000 chữ. Bài viết dĩ nhiên phải tôn trọng tôn chỉ của báo. Các bạn có thể viết những suy nghĩ riêng của bản thân, phóng sự, ký sự, ghi chép v.v…
Việc tham gia viết và gửi bài là sự yêu thương mà bạn đọc dành cho tờ báo. Chúng tôi rất vui lòng đón nhận tất cả các bài viết của các bạn trong và ngoài Hoa Kỳ. Tất nhiên, các bạn cũng vui lòng để cho chúng tôi biên tập phần chính tả và câu cú mà không ảnh hưởng tới nội dung bài viết.
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút làm quà. Xin gửi về email TYTNTMagazine@gmail.com

Trân trọng,
TYTNT
_____________________________________
_________________________________________________________________________________________________

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights