Phố là gì?

by Vy Trần

HAI DỐT

Phố bây giờ khá quen thuộc với người Việt qua các từ “thành phố”, “phố xá”, “phố phường”, “khu phố”, “tổ dân phố”…Nhiều người cho rằng, Phố mang nghĩa là nơi nhà cửa đông đúc, nơi dân cư ở tập trung…Tuy nhiên nghĩa chánh thức của “phố” lại ít người biết hay giải nghĩa được rõ ràng.

Theo Đại Nam quấc âm tự vị của ông Huỳnh Tịnh Của, Phố là một từ Hán Việt có nghĩa đầu tiên là “tiệm, quán, cửa hàng, cửa hiệu, buôn bán ở ven sông”. Người Hoa ở Việt Nam phát âm là “fú” hoặc “fủ”. Cách phát âm này qua tai của người Việt trở thành “phố”. Có lẽ dư âm của chữ phố còn lại trong tiếng Việt ngày nay là “chạp phô”, “tiệm chạp phô” có nghĩa là “tạp hóa” mà người miền Bắc kêu “bách hóa”.

Phố xuất hiện lần đầu tiên ở miền Nam từ khoảng thế kỷ 17, đó là “cù lao Phố” một địa danh nay thuộc thành phố Biên Hòa. Đây là nơi chúa Nguyễn chỉ định cho nhóm người Hoa phản Thanh định cư năm 1679 do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu. Nhóm người Hoa này đã biến cù lao Phố thành một trung tâm xuất khẩu lớn ở Đông Nam Á, hoạt động khá phồn thịnh suốt gần 100 năm. Năm 1776, quân Tây Sơn tràn vô đây tàn phá khu vực nầy, khiến người Hoa chạy tản lạc khắp nơi khiến cù lao Phố không còn như trước nữa. Và cũng nhờ vậy mà ngày nay chúng ta có Chợ Lớn!

Ở miền Nam, tiệm chạp phô của người Hoa hầu như có mặt ở khắp mọi nơi có người cư ngụ, sinh sống. Bởi vậy, dân gian có câu “ở đâu có khói ở đó có người Tàu” cho biết người Hoa tha hương khắp nơi trên thế giới. Tiệm chạp phô bán đủ thứ từ cây kim, sợi chỉ cho đến đường gạo, nước mắm, dầu hôi…Ai từng sống ở miền Nam có thể đều biết những tiệm chạp phô này.

Ở miền Bắc loại tiệm nầy được gọi là Bách hóa. Tuy là bách hóa nhưng nhiều nơi chỉ bán có vài món hàng dù cái tên là bách (có nghĩa là hàng trăm, một trăm)!

Vì vậy, khi các nhà thơ, nhạc sĩ, văn sĩ sáng tác ca ngợi “phố” họ vẫn nghĩ rằng họ đang ca ngợi cái đẹp nhưng họ đâu ngờ mấy tiệm chạp phô, mấy xe mì, mấy tiệm “cà phe” bình dân mới thực sự là phố! 

Miền Nam trước năm 1975 không có thành phố, đường phố, khu phố, phố phường…mà chỉ có phố chợ, dãy phố. Ở xã hội tự do, chợ là do tư nhân xây cất và thu “hoa chi”. Hoa chi là một loại thuế “chỗ ngồi bán”, có bán thì có đóng không thì thôi và thuế cũng không cao lắm. Chủ chợ thường là người giàu có (đương nhiên) hoặc có thế lực ở địa phương. Tỉ dụ như chợ Thầy Phó ở Trà Vinh do ông Tống Hữu Định, Phó cai tổng bỏ tiền và đất nhà ra cất. Ông Định cũng là một trong những người đi đầu trong việc xây nền sân khấu cải lương của miền Nam. Dân chúng trong vùng vì yêu kính ông (hay ngán vì ông có quyền thế!) nên gọi ông là Thầy, ông lại là Phó Cai tổng nên gọi là Thầy Phó. Dân miền Nam hay kiêng gọi thẳng “tên tộc” của những người có chức quyền, hay người đáng kính. Vì vậy, tên chợ chánh thức là Hựu Thành, vì nằm trong xã Hựu Thành quận Trà Ôn, nhưng dân chúng vẫn gọi là chợ Thầy Phó để nhớ ông Định. Trường hợp chợ Sài Gòn Mới (nay gọi là chợ Bến Thành) cũng vậy. Chợ do ông Hứa Bổn Hòa mà ta quen gọi là Hui Bòn Hỏa, Chú Hỏa mua vũng sình Borresse rồi cất lên năm 1912 khánh thành năm 1914.

Chợ ở miền Nam luôn theo một trật tự bất thành văn là đầu chợ thì bán trầu cau, bánh trái, cuối chợ bán thịt, tôm cá, trừ những chợ chuyên ngành như chợ Cầu Ông Lãnh chuyên về rau trái, cá mắm. Khi cất chợ, chủ chợ được phép xây hai bên chợ hai dãy nhà làm tiệm, quán buôn bán. Chủ có thể trực tiếp bán hoặc cho mướn. Vì chỉ có tiệm, quán nên gọi là phố chợ hoặc dãy phố. Đặc điểm của chợ ngày xưa là không có ban quản lý với trưởng, phó ban và một lô những nhân viên tạo thêm những tốn kém không cần thiết. Chủ chợ thường mướn một hoặc hai người đi thu thuế hoa chi hàng ngày và sắp xếp chỗ ngồi cho người bán. Ai có thắc mắc gì thì nói với họ. Vậy thôi!

Chợ thì có khắp nơi nhứt là những nơi đông dân cư, đường giao thông thuận tiện. Có chợ tỉnh, chợ quê, chợ xã, chợ chồm hỗm, chợ ruồi, chợ trời…Tất cả chợ nầy đa số nằm trong khu vực đông dân cư thường gọi là “thị”. Trung tâm các địa phương thì gọi là tỉnh lỵ, quận lỵ…Vì vậy, miền Nam trước đây chỉ có thành thị, đô thị, thị tứ…chớ không có thành phố, khu phố…

Ở miền Bắc, phố không rõ có từ khi nào nhưng dân chúng đã quen với chữ Phố. Nhắc đến phố ở miền Bắc, chợt nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng của Trần Dần “Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ”. Hà Nội có 36 phố phường nên “phố” trở thành đặc sản của người miền Bắc. Có lẽ những nơi nầy xưa là những con đường hầu hết là tiệm quán! Mà đặc sản thì ngon với người nầy lại khó ăn với người khác. Tỉ dụ như sầu riêng, người Việt, người Thái đều mê nhưng với người ngoại quốc như Mễ, Mỹ…thì…thúi hoắc! Do vậy, không nên coi đặc sản của mình là dách lầu, ép người khác phải theo! Sau khi cưỡng chiếm miền Nam họ đem “phố” vô, biến đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn ra thành phố, biến những khu nhà ở thành khu phố…May họ chưa dám biến các con đường thành các con phố! Có lẽ vì vậy mà giờ đây ở Sài Gòn chẳng hạn, đường nào cũng thấy tiệm quán bán lung tung, quán lớn, quán cóc mọc đầy chẳng có một trật tự nào hết.

HAI DỐT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights