49 năm, giấc mộng dài

by Tim Bui
9 năm, giấc mộng dài

YẾN TUYẾT

Tác giả thời còn làm việc cho đài Phát Thanh Quân Đội

Mấy buổi tối hôm nay, tôi thường thức giấc nửa đêm, nằm mơ màng nhớ hết chuyện này, đến chuyện nọ trong quá khứ.

Có lẽ tôi bị xúc động bởi vì bây giờ đang là những ngày cuối tháng Tư. Có lẽ vì năm nay đánh dấu đã 49 năm quê hương hết chiến tranh. Có lẽ ngậm ngùi nhớ lại vì sao hòa bình mà đất nước Việt Nam lại không có tự do, khiến hàng loạt  người dân phải lần lượt rời bỏ nơi quê cha đất tổ ra đi. Chúng ta tan tác bay đi muôn nơi như những “đàn chim bỏ xứ” (chữ của nhạc sĩ Phạm Duy).

Tôi vẫn thường nhắc nhở mình là nên sống vui với hiện tại nhiều hơn là hòai niệm mãi về quá khứ. Thế nhưng, làm sao những người sống xa quê hương như tôi và bạn không khỏi có ít nhiều bâng khuâng khi nhớ về cái ngày đã thay đổi hàng triệu cuộc đời ấy cho được, phải không?

Không biết bạn thì sao chứ tôi thấy tất cả mọi điều xảy ra trong gần năm thập niên qua giống như một giấc mộng dài, và nó vẫn còn gây bàng hoàng mỗi khi hồi tưởng lại!

Dù có được di tản từ những ngày trước đó, hay vượt biên vào thời gian sau 30 tháng Tư 1975, phần lớn chúng ta đều rời nơi chôn nhau cắt rốn với bao nỗi ray rứt, thương nhớ, pha lẫn đắng cay.

Người ở lại thì kinh qua những đọa đầy. Đã có biết bao nhiêu cuộc chia tay trong nước mắt. Đã có những chờ đợi mỏi mòn. Đã có những phấn đấu để sống còn. Đã có những chung thủy và phản bội trong hôn nhân, trong tình yêu. Đã có những người nằm xuống giữa rừng núi bao la và xa lạ. Nhưng rồi cuối cùng, may mắn thay, cũng đã có những ngày trở về của người chồng, người cha, người tình… sau những năm tù biệt xứ.

Người bỏ nước ra đi thì phải đối diện với những mất mát, những đày đọa của kẻ ác trên biển đông cuồng nộ.

Khi bước chân đến bến bờ bình yên và những vùng đất tự do, họ đã trải qua những bỡ ngỡ, lạc lõng và cô đơn ban đầu trên xứ lạ quê người. Họ cũng đã phải học hỏi, đã chịu khó, đã phấn đấu và nhờ có được tự do, cũng như nhờ những cơ hội đầy rẫy về mọi mặt như giáo dục, y tế, xã hội… mà họ đã hình thành một công đồng thiểu số, tuy nhỏ bé so với nhiều cộng đồng khác, nhưng “bầy chim bỏ xứ” này bây giờ đã được vững mạnh, được hạnh phúc và được thành công về nhiều mặt, như một sự đền bù của số mệnh.

Tôi vừa trở về nhà sau chuyến viếng thăm San Jose. Chuyến đi chỉ để thăm lại hai đồng nghiệp cũ từng là xướng ngôn viên của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH.

HHV làm việc với cả hai đài Phát Thanh Quân Đội và đài Phát Thanh Mẹ Việt Nam, đã kể lại những kỷ niệm mà cô vẫn còn nâng niu bao năm qua khi nhớ về thời gian phụ trách chương trình nhạc yêu cầu của các chiến sĩ trên Đài Phát Thanh Quân Đội với tên Thảo Trang.

HHV là chứng nhân những mối tình của em gái hậu phương với các người lính ở mặt trận khi nhân những lá thư yêu cầu nhạc tình của họ, mượn lời nhạc để gián tiếp gửi gắm tình cảm cho nhau. Đã có những biệt danh như của cô sinh viên “Nguyễn thị Nghĩa Trang” gửi cho sĩ quan Biệt Động Quân “Lê Chiến Tranh”, nghe rất buồn và bi quan, nhưng điều này nói lên nỗi lo sợ của người ở lại khi có người yêu chiến đấu ngoài chiến trận.

HHV cũng đã từng đến thăm thương bệnh binh ở các bệnh viện quân đội như Y Viện Cộng Hòa để lấy những lời nhắn tin cho thân nhân của họ và loan báo trong những chương trình mà cô phụ trách trên đài Phát Thanh Quân Đội. Cô nói mình may mắn được góp phần an ủi tinh thần cho những người để lại xương máu trong việc bảo vệ chính nghĩa tự do.

Chúng tôi nhắc lại thời mình mới 20 tuổi, cùng nhau cộng tác rất vui tươi khi đứa thì viết tin, xong đem lên phòng thu âm để đứa kia đọc tin. Chúng tôi cũng chia sẻ những xúc động của mình khi kể cho nhau nghe về những ngày cuối cùng của tháng Tư 1975 khi làm việc và lần lượt nhận những bản tin về các thành phố bị bỏ ngỏ, rồi tin về những cuộc di tản đau thương của quân dân miền Trung trên biển cả và trên đường bộ.

HHV và Th. đều may mắn rời Việt Nam trước 30/4/75, riêng tôi vượt biên đến Mỹ năm 1982. Nhưng nỗi đau buồn mà chúng tôi chia sẻ rất giống nhau khi cùng nhớ lại sự xúc động cùng cực của mình lúc đón nhận tin miền Nam phải thua trận môt cách vô lý và tức tưởi sau biết bao nhiêu hy sinh của nhiều lớp người.

Tôi cũng có dịp ngồi nói chuyện với NVH, người em họ từng là một Thiếu Tá Hạm trưởng Hải Quân. Cậu em trai không may mắn như nhiều đồng đội khác rời Việt Nam trước hay đúng vào ngày 30/4/75, mà đã bị ở lại và nếm mùi tù Cộng sản trong ba năm. Sau khi được thả, cậu đã có cơ duyên được mướn lái một thuyền vượt biên dạng bán chính thức, công việc không lương, mà chỉ với sự đền bù là được đem vợ con theo. Tàu của NVH đã đến Indonesia an toàn chỉ sau 4 ngày trên biển cả nhờ kinh nghiêm lèo lái của người sĩ quan Hải Quân 30 tuổi ấy. Cậu đến Mỹ lập lại cuộc đời ở miền Bắc California, và bây giờ về hưu với một cuộc sống ổn định.

Khi nhìn lại 49 năm kể từ ngày 30 tháng Tư 1975, chị em chúng tôi cùng một ý nghĩ về việc chúng ta nên thương những người dân Việt Nam vô tội không có cơ may thoát ra khỏi đất nước và vẫn còn phải tiếp tục sống dưới chế độ độc tài của Cộng sản ngay trên phần đất mà họ được sinh ra và lớn lên.

Chúng tôi có cùng ý nghĩ rằng ngày 30 tháng Tư, 1975 là ngày đánh dấu chấm dứt chiến tranh, ngày hòa bình của đất nước Việt Nam và nhờ đó, không còn cảnh chinh chiến điêu linh. Tuy nhiên, cũng như nhiều người Việt Nam yêu quê hương, chúng tôi đều mong đợi, cầu nguyện và cho rằng không sớm thì muộn, chế độ độc tài Cộng sản thế nào cũng có ngày sụp đổ!
Riêng cá nhân tôi thì cho rằng trải qua 20 năm chiến tranh vì ý thức hệ khác nhau, người dân của cả hai miền Nam Bắc bắt buộc phải có những dị biệt về chính kiến. (ngay cả những người ở miền Nam còn không đồng ý với nhau về một số quan điểm chính trị nữa là).

Nhưng bây giờ, nhờ có nhiều người Việt ở hải ngoại trở về thăm quê; nhờ thông tin rộng rãi trên internet, nhiều người ở Việt Nam được nhìn xa, hiểu rộng hơn; nhờ có nhiều người trẻ từ Việt Nam qua các quốc gia khác du học; nhờ vấn đề du lịch được mở rộng để người hải ngoại đem tư tưởng dân chủ đến với dân mình, chúng ta nên hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực hơn nhờ thế hệ trẻ sau này mang đến.

Và nếu điều ấy xảy ra, hơn ai hết, chính người dân sống dưới chế độ hà khắc đó mới thực sự là người được hưởng hạnh phúc. Bởi vì dù muốn hay không, người Việt ở hải ngoại vẫn là nhóm người may mắn hơn. Chúng ta sẽ mừng vui khi chế độ Cộng sản sụp đổ nhưng cũng chỉ là xúc động của người con đi xa nhớ về chốn cũ mà thôi, còn đời sống hàng ngày của mình thì không bị ảnh hưởng.

Dĩ nhiên, mỗi người sẽ làm nghĩa vụ của mình với nơi chôn nhau cắt rốn bằng sự chọn lựa sáng suốt cho hoàn cảnh của riêng mình.


Có người chọn con đường tranh đấu về chính trị. Người khác chọn sự dấn thân làm việc xã hội. Có người muốn đem kiến thức và khả năng để giúp cho một đất nước kém mở mang, thay vì đi giúp các nước nghèo khác, họ về giúp người dân nơi quê cha đất tổ.

Nói về đóng góp của người Việt hải ngoại, tôi muốn ghi lại một vài cảm nghĩ khi đến thăm viếng Viện Bảo Tàng Việt Nam (Viet Museum) nằm khiêm nhường ở một góc nhỏ trong công viên History Park của thành phố San Jose.

Từ website cua Viet Museum, chúng ta có thể đọc những lời giới thiệu sau đây bằng tiếng Anh, tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Từ tro tàn của lịch sử, chúng ta gìn giữ kỷ niệm. Ôm ấp quá khứ vinh quang, chúng ta mang đến cho nó sự vĩnh cửu.”

Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa (The Museum of the Boat People and the Republic of Vietnam) còn có tên là Viet Museum, được hình thành với mục đích trưng bày tài liệu, sách vở và tác phẩm nghệ thuật liên quan đến kinh nghiệm của người Việt tị nạn, gồm thuyền nhân và công dân của Việt Nam Cộng Hòa. 

Những kỷ vật này được các ân nhân từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng.

Viện bảo tàng gìn giữ những kỷ vật và chuyện kể của thế hệ trước dành cho các thế hệ tương lai với mục đích giúp khách thăm viếng ghi nhận được nhân phẩm của người Việt tị nạn khi họ đã đánh đổi mạng sống của mình cho việc đi tìm tự do, sau khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản vào tháng Tư năm 1975, cũng như hãnh diện về di sản văn hóa và lịch sử của cha ông.

Viện bảo tàng khuyến khích khách thăm viếng cảm thông được nỗi khổ đau cũng như sự anh hùng của người dân miền Nam trong thời gian chiến tranh, cũng như tìm thấy và ghi nhớ những ai đã tranh đấu và chết vì lý tưởng tự do.

Được biết Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa do ông Vũ Văn Lộc, một cựu Đại Tá thuộc Quân Lực VNCH sáng lập cùng với tổ chức vô vụ lợi IRCC (the Immigrant Resettlement and Cultural Center), với mục đích cung cấp chương trình giáo dục và xã hội cho hàng ngàn người tị nạn đến định cư tại miền Bắc California. 

Trong hơn 4 thập niên hoạt động, cơ quan IRCC đã giúp hơn 30,000 gia đình người tị nạn và di dân Việt ở khắp nơi trên thế giới. 

Viện Bảo tàng Việt Nam (Viet Museum)

Vào năm 1996, ông Vũ Văn Lộc được sự hỗ trợ của chính quyền Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Jimmy Carter và của đồng hương Việt Nam để thành lập Viêt Museum, được chính thức khai mạc vào năm 2007.

Khi tôi và người bạn cựu đồng nghiệp của đài Phát Thanh Quân Đội VNCH đến thăm Viet Museum, chúng tôi đã lặng người trước những hình ảnh và di tích ghi dấu lịch sử của VNCH. Chúng tôi cũng không ngăn được nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm chung và riêng của mình, cũng như thương nhớ về quê hương và đồng bào Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Chúng tôi đau lòng nhìn lại những kỷ vật do các cựu tù nhân cộng sản làm ra trong các trại tù.

Sau hơn 40 năm sống trên đất Mỹ, tôi mới thấy được một nơi chốn bảo tồn đôi chút lịch sử của đất nước mình như Viet Museum. Thế nhưng rất tiếc, nó lại không được tiếp tục phát triển và bảo trì xứng đáng với ý nghĩa và hoài bão cũng như công lao của người sáng lập.

Viện Bảo tàng Việt Nam (Viet Museum)

Viet Museum hình như thiếu bàn tay đóng góp của cộng đồng nên trông hoang tàn một cách đáng buồn.
Tôi thật sự ngạc nhiên thấy một cơ sở mang bằng chứng lịch sử đáng trân trọng như vậy lại không được cộng đồng người Việt tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa, vì điều này thật dễ dàng trong tầm tay của một cộng đồng Việt Nam vững mạnh trên đất Mỹ.

Hy vọng cộng đồng chúng ta trong một tương lai gần sẽ đoàn kết hơn để cùng nhau xây dựng một bảo tàng viện mang ý nghĩa tương tự như Viet Museum nhưng quy mô hơn để các thế hệ trẻ hãnh diện và có dịp giới thiệu với người bản xứ về lịch sử oai hùng và sự hy sinh cho lý tưởng tự do của cha ông.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights