Feuilleton (kỳ 3) Hiện tượng Kim Dung và Quỳnh Dao

by Vy Trần

Trần Nhật Vy

Nói tới feuilleton thì không thể bỏ qua truyện chưởng hay truyện kiếm hiệp một thời tung hoành trên các tờ báo ở Sài Gòn.

Truyện chưởng có mặt trên làng báo quốc ngữ khá lâu từ những thập niên đầu thế kỷ 20, nhưng không có truyện, tác giả và dịch giả xuất sắc nên thiếu sức hấp dẫn. Ví dụ truyện Kiếm Hiệp Phi Tiên do Lâm Văn Hoạch dịch đăng trên tuần báo Tân Văn năm 1935 nhưng không để lại ấn tượng nào.

Khoảng đầu thập niên 1960, tờ Dân Nguyện khởi đăng feuilleton Lam Y Nữ Hiệp của Tề Phong Quân do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch. Do là loại tân trào võ hiệp tiểu thuyết, nhiều mới lạ nên độc giả đón nhận và báo bán chạy như tôm tươi. Một tờ báo khác thấy vậy liền bỏ tiền “mua đứt” dịch giả nầy để ông rảnh tay dịch bộ Lã Mai Nương rất ăn khách. Và cũng từ đó, truyện kiếm hiệp, võ hiệp hay được gọi một cách bình dân là “truyện chưởng” bắt đầu bắt rể trong làng báo Sài Gòn.

Tiền Phong Từ Khánh Phụng là người Minh Hương, là người đầu tiên đưa Kim Dung  qua Việt Nam với bộ truyện Bích Huyết Kiếm, Thái A Kiếm. Sau bộ nầy, ông dịch bộ Cô Gái Đồ Long đăng trên báo Đồng Nai. Chỉ sau vài tuần, Cô Gái Đồ Long (tên tác giả đặt là Ỷ thiên đồ long ký) thì đi đâu cũng nghe nói cô gái đồ long. Thậm chí, trong đám con nít đã xuất hiện câu ca “Có Cô Gái Đồ Long lắc bầu cua/Lắc ba cái ra ba con gà mái/ Lắc tới chiều, thua hết tiền”. Nhờ có truyện nầy mà tờ Đồng Nai vốn sắp “đi đoàn tụ với ông bà” bỗng nhiên sống lại mạnh khỏe như được uống thuốc tiên. Còn Tiền Phong vốn cũng “ốm yếu cái túi” bỗng dưng trở thành dịch giả hót, nhiều báo chạy đến nhờ ông dịch truyện chưởng.

Sau Cô Gái Đồ Long, đăng truyện chưởng trở thành “phong trào” trên báo chí Sài Gòn. Mỗi báo đăng một truyện, có báo đăng một lần hai ba truyện khác nhau. Các truyện Lệnh Xé Xác, A Tỷ Kiều Phong, Lục Mạch Thần Kiếm, Thiên Long Bát Bộ, Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Cô Tô Mộ Dung…nằm đầy trang trong của các tờ báo. Có lúc cao điểm 36 tờ báo hằng ngày cùng đăng truyện chưởng!

Không chỉ có báo Việt mà ngay cả báo tiếng Hoa cũng tranh nhau đăng truyện chưởng như Thành Công, Tân Văn Khoái Báo, Luận Đàm Mới, Á Châu…. (theo Nguyễn Vy Khanh, Văn học miền Nam 1954-1975, Nguyễn Publishing, Toronto 2016).

Phải nói rằng, trước Kim Dung truyện chưởng xuất hiện trên báo Việt ngữ cũng như rất nhiều truyên khác mà thôi. Nhưng ở Kim Dung thì giang hồ bỗng dưng dậy sóng. Người đọc tìm thấy ở đó, giang hồ, đầy những phong ba, bất trắc, đầy cạm bẫy giăng mắc khắp nơi. Võ thuật thì trùng trùng, chiêu thức thì muôn vàn, giang hồ hiệp khách đủ các hạng. Hể có Đồ Long Đao thì đối lại là Ỷ Thiên Kiếm. Có Lục Mạch Thần Kiếm thì có có Nhứt Dương Chỉ. Có Cửu Dương thần công thì có Cửu Âm chân kinh…Truyện của Kim Dung được viết bằng một tốc độ rất nhanh, lại được bao phủ bằng một màn sương sử học nên dễ dàng lôi độc giả đi nhanh vào một mê cung không có lối ra, chỉ biết tiến về phía trước. Chính sự hấp dẫn đó đã khiến truyện chưởng thời Kim Dung nổi lên thành phong trào trong người đọc. Nhưng nếu chỉ có Kim Dung thì có lẽ truyện chưởng rất tuyệt vời đầy tài năng của ông chỉ nằm trong phạm vi những người biết chữ tượng hình chớ người Việt còn lâu mới biết! Phải nói, Kim Dung đã nhờ các dịch giả Việt mà nổi bật là Hàn Giang Nhạn, với tài hoa dịch tuyệt vời.

Cũng từ đó rất nhiều dịch giả truyện chưởng xuất hiện trên giang hồ. Đầu tiên là Tiền Phong, rồi Tam Khôi. Sau đó bắt đầu thấy xuất hiện Lã Phi Khanh, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Người xuất hiện hơi trễ nhưng lại là người dịch nhiều nếu không nói là nhiều nhứt và được đánh giá cao cho tới nay là Hàn Giang Nhạn. Ông bắt đầu với bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ năm 1968. Sau đó ông tiếp tục với 13 bộ truyện khác đăng trên các báo ở Sài Gòn và xuất bản thành sách với số lượng khá lớn. Ngày nay, nếu thấy được một bộ truyện chưởng do Hàn Giang Nhạn dịch thì chắc chắn phải là dân chơi thứ thiệt mới dám rớ vì giá ở…trên chín tầng mây!

Hàn Giang Nhạn (1909-1981) tên thật là Bùi Xuân Trang, còn có bút danh danh là Thứ Lang, Vô Danh Khách. Ông là người Thái Bình, bắt đầu học chữ Hán từ năm 9 tuổi, sau đó mới học quốc ngữ và tiếng Pháp với cha và chú.

Từ năm 1931, ông làm thầy giáo cho tới năm 1948 thì chuyển sang nghề công chánh (nay gọi là giao thông vẩn tải) và tiếp tục với nghề nầy sau khi vào Sài Gòn. Năm 1957, ông trở về nghề dạy học và dịch sách cho Nha tu thư trung tâm học liệu của Bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Bút danh Hàn Giang Nhạn xuất hiện khi ông bắt đầu dịch truyện chưởng của Kim Dung thông qua tờ Minh Báo của Hồng Kông. Sở dĩ ông lấy bút danh nầy, theo Vũ Đức Sao Biển, vì trong tử vi ông có câu “Nhạn quá hàn giang cách”. Ông vốn là người Bắc di cư vào Nam, ông tự ví mình như con chim nhạn thiên di về phương Nam khi mùa đông đến nên lấy bút danh Hàn Giang Nhạn.

Bản dịch của Hàn Giang Nhạn đọc “có mùi kiếm hiệp” mà rất nhiều dịch giả khác không có. Bản dịch của ông luôn được đánh giá là phóng khoáng tự nhiên, mang hồn võ hiệp. Một số đoạn văn vần trong nguyên bản được ông dịch sang tiếng Việt được đánh giá cao. Ví dụ bài thơ Khiển hoài của Đỗ Mục đời Đường được ông dịch trong Lộc Đỉnh Ký:

Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu

Cùng người nhỏ bé ở bên nhau

Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng

Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu.

Ngoài Kim Dung, ông còn dịch của một số tác giả khác.

Dịch truyện chưởng cũng giông giống như viết feuilleton, cũng gấp gáp, cũng căng thẳng, đòi hỏi người dịch phải có tài và khiếu. Mỗi dịch giả mỗi ngày phải dịch cho năm bảy tờ báo. Theo báo chí Sài Gòn thì mỗi sáng có chuyến bay từ Hồng Kông đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt có đem tờ Minh Báo (bằng tiếng Hoa) sang. Các chủ báo cho người chực ở sân bay xin hoặc mua tờ báo nầy rồi đem về cho dịch giả. Dịch giả lật ngay trang có đăng truyện chưởng đọc và dịch lập tức, rồi đánh máy ra nhiều bản giao liền cho nhân viên báo đang chờ sẵn. Có dịch giả như Tiền Phong, vì nhiều báo đặt hàng, nên dịch luôn bằng miệng và mướn thơ ký ngồi đánh máy tại chỗ. Kiểu dịch như viết feuilleton nầy dịch giả cũng không có mấy thời gian để chỉnh sửa, trau chuốt bản dịch.

Truyện chưởng ngoài việc giúp cho các tờ báo sống mạnh sống khỏe (tất nhiên các nhà văn Việt thì mệt mỏi) còn có ảnh hưởng mạnh đến đời sống. Nhiều nhân vật của Kim Dung như Trương Vô Kỵ, Kiều Phong, Tạ Tốn, Chu Chỉ Nhược, Âu Dương Phong, Đoàn Dự…, nhiều câu chữ của truyện chưởng đã đi vào đời sống xã hội như “chiêu”, “tẩu hỏa nhập ma”, “phế võ công”, “mất nội lực”, “trò ma giáo”, “đánh một chưởng”, “nhứt dương chỉ”….trở thành khẩu ngữ bình thường trong cuộc sống. Truyện chưởng không chỉ thu hút giới bình dân mà còn xâm nhập vào giới thượng lưu, có học, xâm nhập vào văn học. Ta có thể tìm thấy rất nhiều cuộc chuyện trò trong giới thượng lưu có mùi “chưởng”. Có truyện như Cô Gái Đồ Long còn được cặp tác giả Hà Triều-Hoa Phương chuyển thành vở cải lương.

Truyện chưởng chỉ thật sự mất ngôi khi Quỳnh Dao xuất hiện. Ban đầu, Quỳnh Dao xuất hiện ở Sài Gòn với bộ phim Mùa Thu Lá Bay. Sau đó, với tài năng thiên phú của một giảng viên môn Hóa ở Đại học Khoa Học thuộc Viện đại học Sài Gòn, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ, đã đưa Quỳnh Dao trở thành tác giả quen thuộc của độc giả Việt Nam và hai người sau nầy cũng là bạn bè tương đối thân thiết dù cả hai ở xa nhau hàng ngàn cây số. Khoảng năm 1984, tôi gặp tại nhà riêng, là một sạp bán tạp hóa bên hông chợ An Đông với diện tích khoảng 6m2, ông chỉ tôi cái bàn xếp nhỏ để trên lề đường “Tôi ngồi dịch Quỳnh Dao ở bàn đó!”. Đơn giản, chân chất và nghèo nhưng Quỳnh Dao qua ngòi viết của ông đã làm rung động hàng triệu trái tim ở Sài Gòn trước cũng như ngày nay.

Liêu Quốc Nhĩ đã nói về mình trên tạp chí Văn ngày 8-6-1973:

“Nghề dịch sách đến với tôi một cách khá bất ngờ. Năm 1965, khi vừa xong tú tài II, tôi đã hăm hở bước chân vào Khoa Học với một ý tưởng thật lớn. Làm một khoa học gia lừng danh. Lúc bấy giờ tôi đã chê Văn và Luật. Vì với tôi đấy là chỗ dành cho con gái (xin lỗi quí vị ở Văn và Luật Khoa nhé). Thời gian miệt mài ở Khoa Học thật là suôn sẻ. Môn tôi chọn ở năm thứ II là Hóa Học. Những phản ứng Walden, Soerensen, Rosenmund… vây chặt lấy tôi không một phút rảnh rỗi. Do đó chẳng có chuyện vẩn vơ văn nghệ gì cả.

Ðầu năm 1968, tình cờ ban đại diện trường có ý nhờ tôi viết một truyện ngắn. Bấy giờ là lúc sắp Tết. Tháng của cái lạnh phớt nhẹ, đủ để khơi dậy những cái mà Xuân Diệu bảo là ‘Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.’ Cũng là lúc mới tựu trường, chưa phải chạy đua nước rút với phản ứng hóa học, tôi đã tập tành làm văn chương, viết một truyện ngắn và dịch một truyện ngắn khác cho tờ báo Xuân Khoa Học.

Chuyện làm của tôi chỉ có tính cách vui chơi văn nghệ, chứ chẳng có một chủ đích nào. (Thú thật với quý vị độc giả là trước đó ít lâu, khi còn ở trung học tôi cũng có thời viết lách lai rai nhưng chẳng có báo nào chịu đăng cả! Và mộng văn sĩ của tôi cũng tàn lụi từ đó). Chuyện chơi chơi không ngờ lại lọt vào mắt xanh của một nhà xuất bản tài tử, đó là nhà xuất bản Hàn Thuyên do anh Lạc Hà, người chủ trương tờ Võ Thuật phụ trách. Tờ Võ Thuật lúc bấy giờ bán hơi yếu, nên anh muốn chuyển nghề bằng cách lập thêm một nhà xuất bản chuyên về văn chương dịch thuật. Quỳnh Dao là tác giả nữ đầu tiên được anh chú ý đến, và anh đã nhờ tôi dịch cho một truyện của Quỳnh Dao. Tôi chọn ‘Song Ngoại’. Tôi cần cù làm việc trên hai tháng. (Sự thật mà nói, lúc bấy giờ vì biến cố Mậu Thân, đời sống tôi khá vất vả. Nên tôi phải vừa đi học vừa đi làm. Quốc lộ số 4 cứ bị cắt tới cắt lui, làm nguồn tiếp tế từ gia đình ở Cần Thơ lên cứ gián đoạn). Sách dịch xong trao cho nhà xuất bản cứ bị bỏ xó một chỗ! Vì họ chưa có tiền in. Và do đấy, dĩ nhiên tiền bản quyền của tôi cũng chưa có. Tôi chán nản nghĩ rằng có lẽ quyển truyện dịch rồi đã bị xếp bỏ trong đống giấy lộn!

Tôi trở lại việc học, và tiếp tục kèm trẻ. Ðến lúc gần như tôi đã quên thì quyển sách được tung ra.

Ðó là năm bảy mươi. Cầm quyển sách đầu tiên mà mình đã có công dịch ra trên tay, tôi hạnh phúc muốn khóc!”

“Nhưng có lẽ vì bất phùng thời, dù Quỳnh Dao bấy giờ đã là một tên khá quen thuộc với độc giả trẻ, nhất là những người đọc báo ‘Văn.’ Vì ‘Văn’ đã giới thiệu một lần trong tuyển tập Quỳnh Dao (trước tuyển tập về Quách Lương Huệ). Sách in ra chỉ có ba ngàn cuốn. Kỹ thuật khá mà bán không chạy. Anh Lạc Hà phải xách xe hai bánh chạy tới chạy lui mấy quán sách… Nhưng họ vẫn không chịu mua. Rốt cuộc anh đành phải đem bán ‘sôn’ để gỡ vốn, và dĩ nhiên tôi chẳng có một đồng bản quyền nào.

Chuyện dịch sách của tôi tưởng đã vào quá khứ. Tôi ra trường và bắt đầu công việc dạy học. Mỗi tuần dạy có hai ngày, quanh quẩn mãi trong phòng thí nghiệm và những giờ giảng bài tập, đôi lúc tôi cũng thấy chán. Tôi định kiếm thêm vài giờ ở các trung học tư thì tình cờ quen với anh Ðỗ Quí Toàn. Lúc bấy giờ anh Toàn đang thay chân cho anh Uyên Thao trong chức Thư Ký Tòa Soạn tuần báo ‘Ðời’. Anh bảo tôi, thử dịch một truyện Tàu xem sao. Nếu được, anh ấy sẽ cho đăng trên báo Ðời. Tôi thấy công việc mình hiện có khá nhàn, nên nhận lời ngay, và về nhà hì hục dịch ‘Thố Ty Hoa’ tức ‘Cánh Hoa Chùm Gửi.’ Ông Chu Tử thấy hay nên cho đăng ngay trên Ðời lúc đó. Ðồng thời, tôi cũng bắt đầu bước chân vào làng báo với những bài ký sự, phóng sự ngắn… Việc làm chỉ có tính cách tài tử. Mỗi tháng tôi kiếm thêm được mươi ngàn dư giả.”

“Cuốn ‘Song Ngoại’ tuy tung bán ‘sole’ nhưng lại được nhà Hiện Ðại để ý. Chủ nhân, anh Thành, thấy quyển sách hay mà sao lại bán ‘sole,’ nên thu mua tất cả những quyển còn lại, và cho người liên lạc với tôi ở tòa soạn Ðời nhờ dịch tiếp Quỳnh Dao. Người đến nhà tiếp xúc với tôi là Vũ Dzũng. Chủ nhà Khai Hóa lúc bấy giờ. Anh Vũ Dzũng khi đó mới tách khỏi nhóm Quảng Hóa, và cuốn đầu tiên tôi làm với nhà xuất bản mới này là ‘Tiển Tiển Phong’ tức là ‘Cơn Gió Thoảng.’

Lúc đầu theo tôi biết nhà xuất bản hình như chẳng có ý làm nguyên lô sách về Quỳnh Dao đâu. Nhưng có lẽ vì nhờ báo Ðời (phải thành nhìn thật nhận như vậy. Vì lúc đó chẳng có nhà xuất bản cũng như phát hành nào chịu bỏ tiền quảng cáo lăng xê Quỳnh Dao tí nào cả). Cũng có thể vì lúc bấy giờ mọi người đều mệt mỏi vì chiến tranh, thích một cái gì nhẹ nhàng dễ đọc, nên Quỳnh Dao đột ngột trở thành hiện tượng. Và tôi, tôi trở thành một bánh xe lăn theo nhu cầu độc giả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã nhắm mắt dịch, mà tôi rất chọn lựa. Bằng chứng là mười ba cuốn sách thật của Quỳnh Dao tôi chỉ chọn có mười cuốn (những cuốn còn lại có cuốn là sách phóng tác nên tôi không dịch). Trong lúc dịch, có lẽ tôi bị ảnh hưởng giọng văn nhẹ nhàng của Quỳnh Dao… nên tôi đâm ra mê luôn sách của nhà văn đầy nữ tính này. Tôi dịch rất say mê. Tôi thích nhất là cuốn ‘Bên Bờ Hiu Quạnh.’ Nhưng cuốn này lại bán không chạy lắm. Có lẽ vì độc giả của Quỳnh Dao không thích lối văn tự truyện này! Nhờ sách bán chạy nên tôi cũng có chút tiếng tăm, và cũng vì thế chung quanh tôi mọc lên rất nhiều kẻ thù. Nói kẻ thù không đúng lắm, mà phải nói là những kẻ ganh ghét mình. Có một điều mà tôi rất buồn, đấy là có người đã hiểu lầm tôi, tưởng tôi là một cột trụ trong chiến dịch gây nên hiện tượng Quỳnh Dao để giết chết một số nhà xuất bản và anh em văn nghệ trẻ. Xin thưa thật, tôi chẳng bao giờ có tham vọng, tôi cũng không nghĩ đến nó, cho đến khi có người đưa ra nhận xét như vậy.”

“Chuyện Quỳnh Dao trở thành một hiện tượng theo tôi là một chuyện tự nhiên xảy ra theo chu kỳ nhu cầu của độc giả. Nhiều lúc đọc loại sách bắt trí óc làm việc nhiều quá như loại tư tưởng hay triết học cũng mệt mỏi. Do đó cũng cần có sách nhẹ nhàng để đọc. Hầu hết truyện của Quỳnh Dao là chuyện tình bối cảnh xã hội là bối cảnh của phương Ðông. Trong đó tư tưởng Ðông và Tây đang xung đột, rất gần gụi với cái không khí của xã hội ta. Ðọc một cuốn sách, người ta khó đứng ở vị trí khách quan của người đọc để xét đoán, nhất là loại tiểu thuyết, mà độc giả thường hòa mình vào đời sống của nhân vật. Họ vui với cái vui, cũng như buồn với cái buồn của nhân vật. Bối cảnh của sách Quỳnh Dao là bối cảnh phương Ðông thì làm sao chẳng được độc giả đón nhận nồng nhiệt.”.

Liêu Quốc Nhĩ sanh năm 1945, già, sức khỏe kém nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Chiếc bàn nhỏ, loại bàn các quán cà phê cóc hay dùng, mà ông ngồi dịch truyện Quỳnh Dao trước đây không còn nữa. Và cái sạp hàng xập xệ ngày trước đã được xây dựng khang trang hơn trước sau khi chợ An Đông được xây lại. Ông cho biết bịnh tim đang rình rập nên ông bị cấm uống bia, rượu. Ngồi với ông chuyện vãn, tôi như ngồi với một người bạn vong niên dù gặp nhau và biết nhau không nhiều. Ông luôn vui vẻ với tuổi già và hoàn toàn không có ý định liên quan gì đến văn chương nữa. Ông cho biết, đã từng đi Đài Loan gặp Quỳnh Dao, và đã trở thành bạn của nhau.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights