Thầy Giáo Làng – kỳ 3

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng (kỳ 5)

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Sau một bữa ăn cơm hến thật cay, Tâm nhìn cặp vợ chồng người lái đò đang ngồi cùng giữa khoang thuyền.

Mồm chàng nóng như cháy, lan xuống đến cả bụng. Cơm là gạo lức đỏ tím, loại gạo thô sơ người nghèo thường ăn. Mỗi bát cơm đều có những con hến nhỏ đã luộc chín trộn với lạc, hành, tỏi, và ớt thật cay. Vừng mè rang, muối tiêu, nước mắm, nước chanh được rắc lên mỗi bát. Chàng ăn thong thả để thưởng thức món cơm hến với tất cả các gia vị đặc biệt của Huế. Mồ hôi nhỏ từng giọt dần từ trán xuống cằm, và chàng biết là hai vợ chồng chủ thuyền đều trông thấy nhưng không đả động đến sự kiện ấy.

Chàng ngạc nhiên thấy bữa ăn chỉ vỏn vẹn có một món nhưng lại ngon thật không ngờ. Mỗi miếng cơm hến thoạt tiên làm cho mồm miệng chàng sửng sốt nhưng sau đó lại đưa đến một cảm giác dễ chịu cùngvới sự chờ đợi và thèm muốn cho miếng tiếp theo. Nói chung, chàng đã cảm thấy no ấm, thoải mái, và sung sướng hơn là bất cứ lúc nào khác trong suốt thời gian từ khi đi từ làng đến kinh đô dự thi.

“Hôm nay là lần đầu tiên từ khi đến Huế mà tôi được ăn một bữa cơm ngon như thế này.”

“Ấy thế mà tôi cứ lo không biết Thầy có ăn được món cơm hến truyền thống này hay không,” người chồng nói. “Tôi đã dặn
vợ tôi nấu bớt cay đi, nhưng tôi thấy Thầy dường như ăn cay được, mặc dầu không phải là dân Huế.”

Chủ đò vỗ đùi cười vang và hai đứa bé cũng ùa theo cha. Người vợ chỉ mỉm cười và khởi sự dọn dẹp mâm cơm để có chỗ
mang trà ra. Ngay cả nước chè cũng đậm đà và tuyệt vời. Tâm thấy uống vào, càng để trong mồm càng lâu, nước chè càng
ngọt hơn mặc dầu không có đường.

Mặt trời lúc đó lên tới tột đỉnh, những tia sáng chiếu thẳng góc xuống chiếc thuyền và những ai trên đó, làm gia tăng nhiệt độ lẫn sự ngột ngạt của một buổi trưa oi bức. Với thời tiết như vậy, Tâm chẳng muốn bác lái đò phải mệt nhọc thêm.

“Tôi không phải làm gì hay đi đâu cả, vậy mình cứ ở đây dưới bóng cây cho tới khi trời mát mẻ hơn. Trừ phi bác phải đi đâu
hoặc bác muốn đi kiếm thêm hành khách.”

Bác lái đò trả lời: “Ở chỗ này có bóng cây cũng được. Tất cả chúng ta có thể nghỉ và ngủ trưa một ít. Nhưng tôi muốn nói với
Thầy một điều này trước.”

“Xin mời bác!”

“Hồi nãy tôi nghe Thầy Xinh kia tuyên bố rằng ở kinh đô không bao giờ những sự việc mà mình nhìn hoặc nghe thấy là đúng như sự thật.”

“Vâng, Thầy ấy có nói như thế.”

“Vậy, tôi phải cho Thầy biết rằng Thầy Xinh trước đây là quan trong triều. Cách đây vài năm Thầy có phạm một tội gì đó. Hậu quả là mất chức quan và bị đuổi ra khỏi chính quyền. Sau khi tưởng mình có thể bị xử trảm, thầy ấy chỉ bị mất chức, và tóc bỗng qua đêm đổi thành tóc bạc. Bây giờ thì làm thầy giáo tại một làng nhỏ ở thôn quê.”

“Thế hả? Bác có biết tội của Thầy ấy là gì không?”

“Không ai biết chắc chắn, nhưng có tin đồn rằng Thầy Xinh là một người giả mạo chữ viết tài tình. Thầy ấy đã sử dụng biệt tài đó để biển thủ tiền trong quỹ xây lăng mộ của một nhà Vua trước đây.”

Tâm giữ im lặng trong khi ngẫm nghĩ về chuyện bác lái đò vừa kể xong. Ở kinh thành, cũng như ở làng quê nhỏ bé của chàng, trước sau gì tất cả mọi người đều biết tất cả mọi chuyện. Phải chăng vì vậy mà chính quyền đã phải dùng biện pháp xử trảm để giữ bí mật những khi cần.

Chàng ra ngồi một bên thuyền, cởi giầy ra và để hai bàn chân không cheo lủng lẳng trên không. Hai đứa bé rủ nhau đến ngồi
bên cạnh chàng, coi chàng như người mà chúng đã quen biết từ lâu.

“Chúng nó không quấy phiền Thầy chứ?” bà mẹ hai đứa hỏi: “Bây giờ chúng nó không còn nhút nhát với Thầy nữa.”

“Bác đừng lo. Ở quê nhà tôi quen tiếp xúc với giới trẻ thường ngày, cả với những đứa bé bằng tuổi con bác.”

Cả buổi chiều ấy, Tâm chỉ đùa nghịch với hai đứa bé. Chàng đã không còn muốn biết thêm nữa về các lăng tẩm của hoàng triều, những công trình được xây cất với mồ hôi, nước mắt và máu của dân.


Tâm về đến quán trọ vào lúc chiều tàn. Quần chàng cuốn lên đến tận đầu gối, và ướt như toàn thể bộ quần áo còn lại. Với một tay cầm đôi giầy ướt, trông chàng như một nông phu trên đường về nhà sau một ngày cấy mạ. Nhưng chàng hoàn toàn không thấy mệt mỏi.

Trái lại, chàng cảm thấy dễ chịu và khoan khoái sau khi đi du ngoạn sông Hương, ăn một bữa cơm tuyệt ngon, và tận hưởng thời gian chơi với hai đứa trẻ trên thuyền. Quần áo ướt hết và có vài chỗ bị lấm bùn, nhưng chàng cảm thấy mình đã sống lại một khoảng thời gian thơ ấu khi còn đang lớn lên và đùa nghịch với bọn trẻ tại trường học của cha mình.

Một chiếc xe ngựa đang đậu phía đằng trước quán trọ. Nhìn ngựa và người đánh xe ngồi thơ thẩn, Tâm thoạt nghĩ có một
người khách sang trọng đã đến, nhưng điều ấy hơi lạ vì quán trọ không phải là nơi dừng chân của những hạng khách như vậy.
Chàng bước qua ngưỡng cửa và trông thấy một người đàn ông với vẻ mặt cau có đang nói chuyện với chủ quán trọ. Người
chủ quán nhìn thấy Tâm vội vàng chạy ra.

“Thầy Tâm, viên quan chức kia đang chờ Thầy đấy! Ông ta hỏi tôi Thầy đi đâu, mà nào tôi có biết đâu. Tôi chỉ nói rằng Thầy đã đi tứ sáng sớm, nhưng ông ấy không bằng lòng.”

Giọng của chủ quán đã lên cao vì nỗi lo lắng cùng với một ít sợ hãi. Quay lại viên quan chức, chủ quán nói:

“Bẩm Ngài, đây là Thầy Tâm mà Ngài muốn gặp.”

Viên quan chức nhăn nhó và quan sát kỹ lưỡng con người được gọi là thầy giáo làng mà lại trông giống như một thợ cày, tuy
mặt mũi thiếu vẻ nhu nhược truyền thống của giới nông phu. Đôi mắt trơ trẽn của gã nông phu đang nhìn tròng trọc vào mình, không chớp mắt mà lại còn có vẻ thân thiện, tự cho là ngang hàng với quan chức đứng trước mặt!

Viên quan chức nhìn chàng thanh niên từ đầu xuống chân, và cười thầm khi nhìn thấy quần áo ướt đẫm và bộ chân lấm bùn.
Gã gầm gừ một cách khó chịu.

“Có chắc không?”

“Chính Thầy Tâm đấy!” chủ quán gật đầu lia lịa. Ông ta cũng đã nhìn thấy tệ trạng của người khách quý.

“Thầy Tâm, mời Thầy đi tắm và thay quần áo ngay!”

“Tôi cũng đang định làm việc đó, nhưng người này chờ tôi để làm gì?”

Nghe thấy giọng miền Bắc và được chứng kiến sự kính trọng mà chủ quán dành cho người mà ông ta gọi là Thầy Tâm, viên quan chức sau cùng đành công nhận rằng thanh niên đứng trước mặt đúng là người mình có nhiệm vụ đi kiếm.

“Thầy có phải là sĩ tử hôm qua đã giải cứu cô nương chúng tôi không?”

Tâm không ngờ bị hỏi chuyện đó, và hơi chần chừ.

“Phải …”

“Không có vẻ gì là võ sĩ,” viên quan chức lẩm bẩm trước khi nói to tiếng.

“Ngài yêu cầu Thầy lên trình Ngài.”

“Tôi có phạm tội gì không?”

“Ngài chỉ muốn gặp Thầy.”

“Vậy xin cho tôi biết Ngài là ai?”

Người đàn ông kia có vẻ khó chịu hơn nữa vì câu hỏi đó. Gã vẫn thường nghĩ những học giả như kẻ đứng trước mặt mình đều là những con mọt sách chỉ biết sách vở và chẳng biết gì về thực tế trên đời. Mặc dầu vậy, bọn học giả là những kẻ bao giờ cũng chiếm các chức tước và địa vị mà những người như gã không bao giờ hy vọng đạt được. Gã dùng giọng khó chịu nhất để trả lời con người mà gã phải gọi bằng Thầy.

“Đó là Ngài Nguyễn Văn Hải, Đặc Sứ Pháp tại triều đình. Thầy nên đi tắm và thay quần áo để chúng ta đi ngay. Ngài đã phải chờ lâu quá rồi và chắc đang khó chịu nhiều. Tôi có sẵn xe ngựa chờ từ nãy đến giờ ở ngoài cổng.”

Quan Tây

Nguyễn Phúc Ánh thành lập triều đại nhà Nguyễn năm 1802 và lên ngôi với niên hiệu Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây Sơn.

Vì anh em Tây Sơn là đối thủ lợi hại, Nguyễn Phúc Ánh đã phải nhờ nước Pháp giúp đỡ và cung cấp cố vấn, binh lính, vũ khí và tài chính mới thực hiện được mộng ước của mình.

Để báo đáp sự giúp đỡ đó, một số sĩ quan chỉ huy Pháp được Vua Gia Long đặt cho tên Việt và phong cho những chức tước
quan trọng trong triều đình. Những người Pháp ấy được miễn phải khấu đầu (quỳ lạy và chạm đầu vào đất) khi ra trình diện
trước mặt vua. Một số còn kết hôn với đàn bà Việt Nam xuất thân từ những gia đình quan chức cao cấp, kể cả những người
thuộc dòng dõi hoàng gia.

Quân Pháp sang Việt Nam càng ngày càng nhiều để bành trướng ảnh hưởng và gia tăng chiếm đất làm thuộc địa,. Vào cuối thế kỷ thứ 19, quân Pháp có mặt ở tất cả các thành phố lớn, kể cả kinh đô. Việc điều hành quốc gia nằm rõ ràng trong tay các sĩ quan và công chức mà mẫu quốc Pháp gởi sang để cai trị thuộc địa.

Miền Nam lúc đó là một thuộc địa thật sự của Pháp và được gọi là Cochinchine. Miền Bắc là một bảo hộ của Pháp gọi là Tonkin do một vị Thống Sứ Pháp chỉ huy với những đơn vị hành chính do quan lại người Việt điều hành. Miền Trung, gọi là Annam, vẫn còn nhà Vua với các quan lại triều đình, kể cả hoạn quan. Tuy nhiên nhà Vua đã mất gần hết quyền hành cùng ảnh hưởng. Tất cả những quyết định quan trọng, nhất là về ngoại giao, quốc phòng, và tài chính, đều do chính quyền thuộc địa khởi xướng, duyệt xét và chấp thuận.

François Bonneau là một sĩ quan hải quân đã sống hơn 20 năm ở Việt Nam và tham dự nhiều chiến dịch quân sự đã từng
làm làm cho triều đình Huế suy bại. Trong khi một số sĩ quan cấp trên hay đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh trong chiến trận, Bonneau vẫn tồn tại được với vài vết thương không trầm trọng để làm bằng chứng cho lòng dũng cảm và khả năng của mình.
Bonneau sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Tây Nam nước Pháp. Ngay sau khi có đủ điều kiện, anh ta rời khỏi nhà đi tình nguyện đăng lính hải quân Pháp. Mặc dầu gia đình không khá giả, linh mục trong làng đã cho anh ta một nền móng học vấn khá tốt bao gồm tiếng La Tinh, Pháp văn, và một ít khoa học sơ đẳng.

Với căn bản giáo dục đó và sự háo hức được nhìn thấy thế giới bên ngoài, hải quân Pháp đã đáp ứng nguyện vọng của Bonneau. Anh ta được thăng cấp bậc đều đặn và trở thành một sĩ quan đúng khi nước Pháp bắt đầu để ý đến Viễn Đông.

Anh ta tham gia những trận đánh lớn khi Pháp bắt đầu đô hộ Nam Kỳ. Anh cố gắng học tiếng nói cua dân bản xứ trong khi
tiếp tục được lên chức sau mỗi trận đánh. Ít lâu sau khi trở thành Đại Tá Hải Quân, Bonneau được bổ nhiệm làm Đặc Sứ Pháp
tại triều đình vì anh hoàn toàn thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt như người bản xứ. Tuy không biết chữ Hán hay chữ Nho, anh đọc và viết được chữ Quốc Ngữ mà các cố đạo Công Giáo và các con chiên của họ thường dùng thay vì chữ Nho.

Vai trò của Đặc Sứ Bonneau là cố vấn vua An Nam để bảo đảm nhà Vua luôn luôn tôn trọng những mục tiêu và đường lối của chính quyền thuộc địa. Việc đó tương đối dễ dàng đối với Bonneau vì nhà Vua là đứa bé trai mới được 10 tuổi được viên Khâm Sứ Pháp lựa chọn để thay thế nhà Vua trước đã từ trần vì một căn bệnh bí ẩn. Cậu bé đó đang chơi trước căn nhà
nghèo nàn và lụp sụp của cha mẹ. Khi các quan triều đình đến mang đi để tôn lên ngôi, cậu bé khóc lóc và van xin được ở lại
với cha mẹ vì không muốn làm Vua!

Viên Khâm Sứ là một sĩ quan thuộc dòng giõi quý tộc qua nhiều thế hệ. Vì không muốn hạ thấp mình để học tiếng Việt, y nhờ Bonneau thông ngôn những điều y muốn nói cho nhà Vua trẻ tuổi và cho các quan của triều đình. Bonneau làm việc đó một cách dễ dàng và đầy tự tin, vì ông là một trong số ít người không những có khả năng nói chuyện trong cả hai thứ tiếng Việt và Pháp, mà lại còn có thể hiểu cả những ý nghĩ sâu xa nhất qua một chữ hay một cách nói, ngay cả khi người nói sử dụng những từ ngữ đặc biệt của triều đình. Với thời gian Bonneau trở thành một người tối cần thiết cho cả người Việt lẫn bọn thưc dân Pháp.

Thay vì đợi nhà Vua ban cho một chức tước hay một tên Việt, Bonneau tự đặt cho mình tên Nguyễn Văn Hải. Hải có nghĩa là
biển, một yếu tố quan trọng trong quá khứ của anh. Khi anh cho nhà Vua biết tên Việt của mình, nhà Vua trẻ tuổi chỉ khẽ gật đầu. Các triều thần lẩm bẩm tỏ vẻ không bằng òng nhưng chẳng ai dám đứng ra phản đối.

Bonneau thành thạo tiếng Việt và có thể hiểu bất cứ những gì thiên hạ nói, bất kể người nói thuộc hạng có học hay không.
Ông nói được ngôn ngữ chứa đựng nhiều thuật ngữ và cụm từ lấy từ tiếng Trung Quốc mà các quan lại và giới học giả hay
dùng. Ông cũng thông thạo ngôn ngữ bình dân và mặn mà của dân mà ông gặp thường ngày trên đường phố, trong các chợ búa hay cửa hàng, hoặc trên bãi chiến trường.

Ông đã dùng khả năng phi thường của mình về ngôn ngữ để quyến rũ và kết hôn với nàng Tăng Thị Trang, con gái của một
thương gia giàu có ở Cửa Hàn, thành phố mà người Pháp gọi là Tourane. Trước đó Bonneau có nghĩ đến chuyện về quê nhà
để kiếm một người vợ Pháp. Nhưng ông đã từng gặp một vài bà vợ Pháp ở Viễn Đông, và bà nào cũng tỏ vẻ không hài lòng
với đời sống của họ. Bonneau kết luận lấy vợ Pháp là một ý kiến không tốt. Do đó, ông lựa chọn Trang, một cô gái xinh đẹp mà ông hay gặp tại nhà cha mẹ của cô trong những chuyến đi thăm Cửa Hàn. Gia đình của Trang thuộc thiểu số dân Việt theo đạo Thiên Chúa. Mặc dầu chính quyền Viêt Nam đã nhiều lần đàn áp thiểu số đó, họ vẫn tìm được cách để không những tồn tại mà lại còn phát đạt vì họ chịu làm trung gian giữa dân Việt nói chung và những người nước ngoài ra vào xứ Việt qua Cửa Hàn.

Thoạt đầu Trang ghét Bonneau từ dáng điệu cho đến cử chỉ và hành động. Nàng cũng khó chịu với quần áo của hắn lẫn những mùi lạ phát ra từ người hắn. Bonneau chẳng nản lòng và không ngừng theo đuổi nàng. Sau khi Bonneau trổ tài đọc một cách tuyệt diệu những bài ca dao và nhưng câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Việt, nàng bắt đầu thấy chàng có lẽ không đáng
chê như lúc mới biết. Bonneau đã chinh phục nàng hoàn toàn khi ông dùng các mối liên hệ trong chính quyền thuộc địa để giúp gia đình nàng chiếm được một số quyền lợi kinh doanh béo bở.

Với sự trợ giúp của ông tài sản gia đình tăng trưởng một cách rõ rệt và mạnh mẽ. Vì vậy ông đã đánh bại mọi sự chống đối của những người thân quyến trước đó đã không thể chấp nhận một người da trắng thành hôn với thiếu nữ xinh đẹp nhất trong gia tộc. Bonneau sớm trở thành con người cần thiết hơn là bất kể con trai hay con rể nào thuộc giới học giả hay giới quan lại. Về sau có kẻ trong họ còn lên tiếng than phiền rằng không hiểu tại sao “o Trang” mãi vẫn chưa quyết định lấy Bonneau. Họ đã quen hưởng thụ những lợi nhuận kinh doanh và chỉ lo Bonneau sẽ đổi ý và hướng mắt đi những chỗ khác.

Đám cưới của Bonneau và Trang là đám tiệc vĩ đại nhất thuở ấy tại Tourane. Bọn Pháp đến dự với những bộ quân phục lộng
lẫy, đeo đầy huy chương trên ngực và gươm kiếm bên hông. Dân Việt cũng chưng diện với những trang phục may bằng vải lụa đắt tiền trên đó có những hình thêu nghệ thuật tuyệt đẹp. Cô dâu rất hãnh diện với đấng lang quân bảnh bao trong bộ quân phục hải quân Pháp, và làm cho mọi người ngạc nhiên khi nói chuyện bằng tiếng Việt thật lưu loát với giọng Huế thuần túy.

Sau đám cưới, Bonneau và vợ dọn về kinh đô vì bổn phận công việc bó buộc ông phải ở gần trung tâm cai trị toàn quốc. Bà vợ yêu cầu mọi người gọi là Bà Trang chứ không phải Bà Bonneau. Hai cô con gái sinh ra tại Huế.

Cô con gái đầu lòng, Françoise Bonneau, với tên Việt là Nguyễn Hương Giang, đã mười tám tuổi đầu. Cô ấy có đôi mắt xanh
của cha, nhưng tóc thì đen huyền và những đường nét trên khuôn mặt thật duyên dáng giống mẹ pha trộn với một ít di sản của cha Pháp.

Em của Giang, Francine hay là Nguyễn Hương Mai, kém chị một tuổi. Cô em có đôi mắt nâu giống mẹ, nhưng tóc lại mầu nâu nhạt, mũi cao, và khuôn mặt hơi xương xẩu như Bonneau. Nước da của hai chị em trắng khác người Việt, và cô em Francine cao hơn chị một ít.

Ngay từ khi hai đứa con gái còn nhỏ, Bà Trang đã để ý dạy cho con nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Bonneau thì nhất định cả hai phải đi học một trường học ở Phủ Cam do các ông cha Thiên Chúa Giáo thiết lập. Ở đó, hai đứa được hưởng nền giáo dục của Pháp cùng với con cái của người Pháp và của một số chức sắc Công Giáo người Việt.

Ở nhà hai cô con gái nói tiếng Việt với bạn bè người Việt, những người hầu, và cha mẹ, kể cả Bonneau, tuy người cha hay nói tiếng Pháp với con. Ở trường, hai đứa phải nói và học tất cả các môn học từ tôn giáo đến toán học qua Pháp ngữ. Việc chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia thành một sự kiện rất tự nhiên đến nỗi hai đứa nhiều khi không để ý mình đang sử dụng ngôn ngữ nào, và cũng chẳng biết trí óc mình lúc đó nghĩ ngợi bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp.

(còn tiếp)

Xem thêm

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-2/

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-1/




You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights