Paul Hoàng và vấn đề sức khỏe tâm thần

by Tim Bui

YẾN TUYẾT

LGT: Khi nói đến sức khỏe, mọi người thường chỉ nghĩ đến việc sinh hoạt, ăn uống ra sao cho thân thể khỏi bị bệnh, nhưng không mấy ai quan tâm đến sức khỏe tâm thần, dù việc tâm lý ảnh hưởng lớn lên sức khỏe của con người là điều không thể phủ nhận. Theo thống kê của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (Department of Health and Human Services), bệnh tâm thần là một trong những bệnh phổ biến nhất ở Hoa Kỳ:
Hơn 20% người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc bệnh tâm thần và hơn 20% thanh thiếu niên (13-18 tuổi) hiện đang, hoặc tại một thời điểm nào đó trong đời, đã mắc bệnh tâm thần làm sức khỏe suy nhược nghiêm trọng.

Anh Paul Hoàng, một chuyên viên lo về sức khỏe tâm thần, và bản thân cũng đã từng bị bệnh Rối loạn Căng thẳng sau Chấn thương (Post Trauma Syndrome Disorder -PTSD, chia sẻ với tác giả Yến Tuyết niềm tin và quan điểm cũng như việc làm của anh, trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Mời quý độc giả theo dõi.


Như nhiều người trong cộng đồng chúng ta, Paul Hoàng là một người tị nạn, vượt biển tìm tự do cùng gia đình và 27 thuyền nhân khác vào cuối thập niên 1980.

Chiếc thuyền loại đánh cá nhỏ của họ bị chết máy và lênh đênh trên biển Thái Bình Dương gần một tháng trời. Trong thời gian này, họ đã bị hải tặc Thái Lan tấn công ba lần nhưng thoát nạn. Cùng với những người đồng hành khác, Paul Hoàng đã đối diện với đói khát và bão tố, vì không được nhiều con tàu lớn đi ngang qua cứu giúp, ngoài việc cho một số thực phẩm và nước uống giới hạn.

Thế nhưng cuối cùng thuyền của Paul Hoàng đã được những người đánh cá địa phương vùng Kuku Island ở Indonesia cứu và đem vào đất liền. Sau gần hai năm sống ở một số trại tị nạn khác nhau, vào năm 1989, gia đình của Paul được bảo trợ đến định cư tại Hoa Kỳ. 

Sau khi cuộc sống tạm yên ổn ở Mỹ, Paul Hoàng chọn làm việc trong lãnh vực sức khỏe tâm thần và tâm lý học. Đây là không phải là một việc ngẫu nhiên.

Anh giải thích:
“Tôi không hề biết là cuộc hành trình tị nạn đầy cam go ấy đã gây ảnh hưởng đến nội tâm mình như thế nào, cũng như đã tạo nên những tổn thương tâm lý vô hình trong giai đoạn trưởng thành vì tôi là một học sinh giỏi tại trường học với những sinh hoạt bình thường về thể lý.
Vì không hề biết những triệu chứng của việc bị suy yếu về tâm thần nên tôi và gia đình cũng không nghĩ đến việc phải chữa trị. Tôi đã sống với bệnh của mình từ lúc học lớp Sáu cho đến năm thứ Nhất của đại học. Lúc đó tôi mới được chẩn bệnh và tìm biết là mình bị bệnh Rối loạn Căng thẳng sau Chấn thương (Post Trauma Syndrome Disorder -PTSD và Clinical Depression.”

Từ kinh nghiệm cá nhân này, Paul Hoàng dấn thân vào việc tìm hiểu, học hỏi và hoạt động liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần.

Paul Hoàng cho biết vì là người Thiên Chúa giáo, anh ghi tên vào chương trình huấn luyện truyền giáo kéo dài trong vòng 7 năm. Trong thời gian này, anh may mắn nhận được sự hỗ trợ từ vị giám đốc về tâm linh và những bạn cùng lớp. Họ giúp anh chữa lành vết thương tâm lý của chính mình và thời gian làm thiện nguyên này đã giúp anh có ý muốn hoạt động trong lãnh vực sức khỏe tâm thần.

Trong thời gian được huấn luyện, Paul Hoàng đã đi đến nhiều nơi như St. Louis, Missouri, South Side Chicago, Illinois, Japan, and Smokey Mountain, Philippines. Qua những chuyến đi này, anh có dịp mở rộng tầm hiểu biết của mình, khi nhìn thấy thực tế của căn bệnh đau yếu về tâm thần có thể xảy ra ở khắp mọi nơi và trong mọi tầng lớp xã hội. Nó không chọn lựa người giàu hay nghèo, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, người có hay không có tín ngưỡng.

“Khi có dịp đi nhiều nơi và làm việc với những người thuộc nhiều chủng tộc, tín ngưỡng, giai cấp xã hội hay quá khứ khác nhau, tôi nhân ra được ra sự quan trọng của sức khỏe tâm thần trong đời sống cá nhân, gia đình, công đồng và xã hội. Tôi tin rằng sức khỏe tâm thần đóng vai trò chính yếu trong đời sống bởi vì khi sức khỏe tâm thần của một người bị yếu kém, nó ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, hành động, cách cư xử cũng như quan hệ, khả năng xây dựng và đóng góp của cá nhân ấy trong xã hội.” Paul Hoàng nói.

Và khẳng định:
“Sự đau yếu về tâm thần gây ra nhiều vấn nạn nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh và cả cộng đồng. Nhất là khi chúng ta không biết là mình đang bị bệnh tâm thần.

Tôi muốn giúp chính mình và những người khác có khả năng tự do được chọn lựa, tự chăm lo cho sức khỏe của mình, và phát triển kỹ năng nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Một khi vấn đề sức khỏe tâm thần được nhận biết thì nó sẽ có cơ hội được chữa trị và sự lành bệnh sẽ xảy ra.”

Với sự khuyến khích của Cha Brother Dennis Newton, SVD, Paul Hoàng ghi tên học chương trình Master Program về Social Work at Loyola University Chicago.

 Kể từ ngày đầu tiên của lớp học cho đến khi trở thành một Licensed Clinical Social Worker, Paul Hoàng cho biết, anh cảm thấy cuộc đời mình có thêm ý nghĩa, khi hàng này, anh gặp gỡ những bệnh nhân bị bệnh tâm thần với các kinh nghiệm khác nhau từ nhẹ đến nặng, trong đó có cả những người bị nghiện rượu, thuốc phiện hay cờ bạc. Anh nghĩ rằng khi giúp một cá nhân được chữa lành bệnh tâm thần là chúng ta góp phần làm vững mạnh cả một công đồng.
Trong vòng 20 năm qua, Paul là một người tích cực hoạt động trong lãnh vực sức khỏe tâm thần, xây dựng và thành lập một số tổ chức vô vụ lợi trong công đồng như Viet-C.A.R.E. 

Năm 2009, Paul Hoàng thành lập Viet-C.A.R.E vì nhận thấy nhu cầu cấp bách của các gia đình trong công đồng Việt Nam về việc tìm kiếm sự giúp đỡ của những chuyên viên lo về sức khỏe tâm thần. 

Trong nhiều năm hoạt động, Viet-C.A.R.E đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo, và những buổi thuyết trình, cũng như chương trình giáo dục quần chúng về sức khỏe tâm thần, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa và khám phá sớm những dấu hiệu cho thấy tinh thần bị đau yếu.

Trong thời gian hoạt động với Viet-C.A.R.E, Paul Hoàng đã nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện của nhóm bạn đồng lý tưởng như Bác sĩ Suzie Xuyến Đông-Matsuda và các bác sĩ Clayton Chau, Jenny Tang and Vanessa Pearson. Sự thành công của VietCARE còn nhờ sự đóng góp công sức của vô số thiện nguyện viên nhiệt tâm trong công đồng.

Viet-C.A.R.E cũng từng có một chương trình trên đài Little Saigon TV có tên là VietView phát hình ở California và khắp thế giới qua hệ thống Cable. VietView đã nhận được nhiều emails và điện thoại của các người Việt định cư tại Hoa Kỳ và Canada chia sẻ những ưu tư và khó khăn của họ khi không có được cố vấn tâm lý chuyên nghiệp trong cộng đồng mà họ sinh sống.

Khán giả của VietView cũng nói rằng chương trình này đã giúp họ hiểu về vấn đề của chính và gia đình. Nhờ đó, họ mạnh dạn hơn trong việc tìm sự giúp đỡ của các chuyên viên xã hội và bác sĩ tâm lý, nhưng quan trọng hơn cả là việc chấp nhận mình bị mắc bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần và cần được cứu chữa.

Kể từ năm 2008 đến nay, Paul Hoàng là một thành viên kinh nghiệm trong nhóm Emergency Mental Health and Disaster Response Services. Anh cũng giữ vai trò huấn luyện viên của các chương trình huấn luyện dành cho những chuyên viên về tình trạng Crisis Prevention and Intervention.

Bên cạnh kinh nghiệm và nhiệt tâm của một chuyên viên lo về sức khỏe tâm thần, Paul còn có khả năng phối hợp làm việc với các tổ chức y tế và xã hội trong công đồng, cơ quan công lực, các tổ chức của chính phủ và các vị lãnh đạo trong công đồng để cùng chung vai phát triển những chương trình thiết thực cho đời sống dân chúng ở quận Cam.

Paul Hoàng đã viết giáo trình “LPS 5150 Designation Certificate clinical curriculum” cho quận Cam và giữ chức huấn luyện viên y tế về sức khỏe tâm thần từ năm 2009-2019. Anh đã huấn luyện cho hơn 1,000 chuyên viên y tế lo về sức khỏe tâm thần của một số cơ quan công lực, thành viên của cộng đồng và những người lãnh đạo.

Kể từ năm 2018 đến nay, Paul Hoàng thành lập văn phòng cố vấn tư nhân có tên “Moving Forward Psychological Institute” với mục đích lưu ý và giúp đỡ công đồng về vấn đề khủng hoảng sức khỏe tâm thần càng ngày càng lan rộng tại sở làm, trường học, trong gia đình, và trong xã hội.

Là một tổ chức có mục đích cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần, không chỉ qua việc khắc phục mà còn tìm giải pháp, văn phòng MFPI cung cấp dịch vụ định bệnh và chữa trị sức khỏe tâm thần như khủng hoảng tâm lý khẩn cấp, gia đình và trẻ em, liên hệ vợ chồng, nghiện cờ bạc, ngăn ngừa và phát hiện việc tự tử .v.v… 

Khi được hỏi về khó khăn riêng biệt mà người Mỹ gốc Việt đang đối diện trong vấn đề sức khỏe tâm thần, Paul Hoàng cho biết ngôn ngữ, nền văn hóa và phương tiện di chuyển là những trở ngại căn bản.

Bên cạnh đó là vấn đề thiếu hụt chuyên viên cung cấp dịch vụ y tế liên quan đến sức khỏe tâm thần nói được hai ngôn ngữ Anh-Việt.

Có nhiều chuyên viên y tế hay xã hội người bản xứ, nhất là trong những vùng ít dân Việt cư ngụ, ngần ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân người Mỹ gốc Việt. Một phần vì bệnh nhân không đủ trình độ Anh ngữ để diễn đạt bệnh lý, phần khác nếu họ nhờ con cái thuộc thế hệ thứ hai thông dịch thì các em không đủ trình độ Việt ngữ và kiến thức y khoa cũng như thuật ngữ về sức khỏe tâm thần để thông dịch. Do đó đưa đến tình trạng không thể định bệnh chính xác.

Paul Hoàng nói: “Là một người thích hoạt động và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, tôi muốn tiếp tục tranh đấu cho bệnh nhân cũng như của mình. Khi mình hiểu rõ văn hóa và ngôn ngữ của người Việt, việc định bệnh và chữa trị sẽ chính xác hơn.”
Khi được hỏi thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt có thể hỗ trợ thế hệ lớn tuổi như thế nào, Paul Hoàng trả lời:

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất mà thế hệ trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ có thể làm cho ông bà, cha mẹ là cố gắng nói chuyện với họ bằng Việt ngữ, nếu có thể. Dĩ nhiên điều này không dễ dàng với đa số giới trẻ vì không phải ai trong nhóm người này cũng được học tiếng Việt từ nhỏ. Trong khi đó ngôn ngữ và sự quan tâm là nhịp cầu nối liền giữa hai thế hệ.”

Nếu những người trẻ muốn, họ có thể học Việt ngữ dễ dàng hơn là cha ông của họ học Anh ngữ vì những người lớn tuổi khi đến định cư ở Mỹ, họ đã bước vào tuổi trung niên. Do đó, đối với nhóm này, việc học Anh ngữ khó khăn hơn và cần nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt với khả năng Anh ngữ, có cơ hội tìm hiểu và học hỏi về sức khỏe tâm thần qua các lớp học, vô số tài liệu và thông tin từ sách vở và báo chí để hỗ trợ cha mẹ, ông bà của họ.

Riêng ở quận Cam, họ có thể ghi tên vào những lớp học Việt ngữ tại các trường Đại học công đồng, giúp họ dễ dàng thông cảm và giúp đỡ các người lớn tuổi trong gia đình.”

Về phía thế hệ thứ nhất, Paul Hoàng đề nghị là họ nên hãnh diện về sự hy sinh của mình. Cả hai thế hệ già và trẻ nên tạo sự cởi mở trong việc đối thoại và cả hai phía cần kiên nhẫn lắng nghe lẫn nhau để tìm sư thông cảm.

Con đường dài phục vụ tha nhân của Paul Hoàng đã không dễ dàng cho anh trong việc đạt được chỗ đứng hôm nay, với tư cách là một chuyên viên tâm lý xã hội đầy kinh nghiệm và lòng vị tha.

Paul Hoàng cho biết nhờ sư hỗ trợ tinh thần của một số quí vị linh mục Hoa Kỳ, qua chương trình truyền giáo Society of the Divine Word — a Catholic Religious Missionary và các bạn cùng lý tưởng, cũng như qua những trao đổi kinh nghiệm khi có dịp giao thiệp với các tôn giáo khác, anh tiếp tục theo đuổi con đường mình chọn một cách đầy lạc quan.

Paul Hoàng nói anh kính phục và ngưỡng mộ tình yêu thương nhân loại của Mother Teresa ở Calcutta và Đức Giáo Hoàng John Paul II. Họ là hai tấm gương sáng cho anh noi theo khi muốn cứu giúp những người yếu đuối, nghèo khó, không có tiếng nói trong xã hội, vốn là những người dễ lâm vào tình trang đau yếu về tinh thần hơn cả.

Hiện nay, điều làm Paul Hoàng phấn khởi là đã có thêm nhiều người trẻ thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba trong công đồng người Mỹ gốc Việt, ghi tên theo học, hoặc đã tốt nghiệp từ các ngành nghề liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Riêng tại văn phòng của Moving Forward Psychology Institute MFPI do Paul Hoàng làm giám đốc, với văn bằng chuyên môn là Licensed Clinical Social Worker (LCSW), hiện anh đang có một nhóm các chuyên viên tâm lý trẻ Việt Nam, nói được hai ngôn ngữ Anh-Việt có bằng cấp về cố vấn tâm lý. Những người này đang giúp Paul Hoàng trong việc định bệnh và chữa trị cho bệnh nhân bản xứ cũng như người Việt về các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Trong phần cuối của buổi nói chuyện giữa chúng tôi, Paul Hoàng nói anh muốn chia sẻ những điều sau đây:
“Tình yêu là giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống.
Chúng ta có bổn phận học hỏi càng nhiều càng tốt từ kinh nghiệm của bản thân và thế giới chung quanh chúng ta.
Chúng ta có bổn phận giúp công đồng chúng ta trở nên an toàn và lành mạnh.”

Trên website: “ https://www.movingforwardpi.com”, quí độc giả có thể tìm đọc tờ thông tin- Newsletter- phát hành mỗi 3 tháng với nhiều bài viết giá trị và hữu ích liên quan đến sức khỏe tâm thần, cũng như sinh hoạt và hoạt động của MFPI. 

Quí độc giả nào muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ định bệnh hay chữa trị sức khỏe tâm thần, có thể gọi điện thoại của MFPI ở số (949)431-6374.
Văn phòng của MFPI ở địa chỉ:
 17150 Newhope St. # 205
Fountain Valley, CA 92708 

Mong rằng chúng ta sẽ có một công đồng với những cư dân có sức khỏe tâm thần lành mạnh hơn nhờ những người có tâm huyết như Paul Hoàng.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights