Ai cũng cần có bạn

by Tim Bui

YẾN TUYẾT

Cứ tưởng tượng nếu một người sống mà không có bạn thì chắc là họ phải buồn và cô đơn lắm. Bên cạnh việc bạn bè có thể đem đến nụ cười và hạnh phúc, khi phải đối diện với một tai ương nào đó trong đời sống, chúng ta sẽ được an ủi biết là dường nào nếu có bạn để chia sẻ nỗi buồn lo, đến rất bất ngờ trong đời sống.

Sau một biến cố xảy ra và qua đi, thường chúng ta nhớ cái gì nhất? Có phải chúng ta nhớ về những người bạn đã đến bên cạnh, không phải do lời nài nỉ, mà tự họ đến với lòng yêu thương và trái tim ân cần, giản dị thế thôi, của họ.

Giữa những tờ magazine cũ, tôi tìm thấy một bài báo trên báo Good Housekeeping của tác giả Michelle Willens, viết về sự cần thiết của tình bạn và đưa ra những thí dụ điển hình để cho chúng ta thấy rõ hơn về mối liên hệ quan trọng này trong đời sống con người.

Bà Willens nói rằng khi một người bạn vừa mất việc làm, hay con họ bỏ nhà đi hoang, hoặc người bác sĩ gia đình báo tin là người chồng họ bị bệnh ung thư, đó chính là lúc bạn cần biết mình phải xuất hiện như thế nào cho đúng lúc và có ý nghĩa.
Câu chuyện của hai bà Jan và Nancy là một thí dụ cảm động về tình bạn. Bất cứ khi nào bà Jan nhắc đến thời gian đi chữa trị bệnh ung thư máu ở bệnh viện Duarte, California, bà luôn kể lại với sự xúc động về hình ảnh người bạn thân là Nancy ngồi bên cạnh với những miếng band-aids dán trên người.

Để hiến tặng máu (blood platelets) giúp bạn mình, bà Nancy J. đã lái 90 dặm đường, đến nằm trên giường cho mấy cô y ta đâm kim tìm mạch máu. Bây giờ nhắc lại hành động cao thượng này, Nancy nói rằng việc làm đó rất nhỏ nhoi khi giúp một người bạn thân đang tranh đấu cho mạng sống.

Khi một người mất việc làm từ một cơ quan đầu tư ở New York như trường hợp ông George L., hai người bạn thân thay phiên đến thăm viếng ông mỗi ngày. 

George nói: “chúng ta không thể biết được là mình cô đơn như  thế nào cho đến khi ở trong trường hợp thất nghiệp. Mọi người nghĩ rằng giúp tôi tìm việc làm khác mới là điều quan trọng. Nhưng thật ra  sự thăm viếng của hai bạn ấy làm tôi thấy phấn khởi hơn”.

Một người bạn của bà Joanne G., cư ngụ ở New Jersey bị bệnh Parkinson’s, tay run rẩy không thể tự cắt dũa móng tay, móng chân của mình được. Thế là mỗi tuần bà Joanne tình nguyện đến thăm và cắt, dũa móng tay, móng chân cho bạn vì biết bạn mình mắc cỡ không dám đi ra tiệm.

Khi một người bạn cần đến chúng ta, có phải chúng ta thường tự hỏi: “Mình làm như thế đã đủ chưa, có giúp gì được bạn mình không? Câu trả lời của những người được bạn giúp đỡ là “sự có mặt bên cạnh của họ thật là tuyệt vời!”

Khi nào nên có mặt?

Một vài người có khả năng biết phải làm gì trong từng hoàn cảnh. Chẳng hạn như sau khi đứa con gái 13 tuổi của Liza B. qua đời vì tai nạn xe hơi, cả gia đình đau đớn quá đến nổi không còn biết suy tính, sắp xếp công việc nhà ra sao nữa cả. Thế là người bạn thân của bà là Margot R. phải dọn đến ở trong nhà Liza trong ba tuần lễ để trông coi dùm mọi việc và lắng nghe bà Liza than thở và tâm sự.

Tuy nhiên, bà Willens nhắc nhở rằng chúng ta cần phải biết giới hạn sự tham dự của mình vào đời sống của bạn, cho dù sự tham dự này có mục đích tốt.

Có những người bạn không biết đâu là ranh giới của sự có thể giúp đỡ, hoặc nên rút lui.

Bà Willens nêu ra thí dụ về một phụ nữ tên Sarah vừa mới ly dị chồng, thế là có một người bạn tên Mary xuất hiện tại nhà bà Sarah một cách thường xuyên  hoạch định đủ thứ chương trình và đưa ra một chục cách giải quyết cho Sarah.

Lúc đầu bà Sarah thích lắm vì nghĩ là bà cần sự giúp đỡ này nhưng lâu dần bà phải lên tiếng yêu cầu người bạn đó trả lại quyền làm chủ cuộc đời bà lại. Sarah đã nói cho Mary biết bà ấy không cần làm gì hơn là chỉ nên lắng nghe và giúp Sarah bình tĩnh.

Trong một vài trường hợp khác, chúng ta chỉ nên đề nghị giúp những việc cần thiết và thực tế như đem thức ăn hay đi chợ cho bạn, thay vì đòi đi theo chemotherapy với bạn trong khi họ đã có người đưa đi rồi.

Điện thọai không còn reo

Bà Willens viết rằng trên thực tế, có một điều đau lòng là khi bạn bình thường và có tiền bạc thì rất đông bạn bè, nhưng khi bạn trở nên nghèo khó hay có chuyện khó khăn và cần bạn bè giúp thì họ biến mất đâu cả.

Trường hợp của bà Susan K khi cho biết mình bị bệnh nan y thì tự nhiên bạn bè không gọi điện thoại cho bà nữa. Susan nghĩ rằng có lẽ mấy người bạn này thấy bà bị bệnh thì họ lo nghĩ đến việc họ cũng có thể bệnh như thế nên tránh mặt.

Bà Willens cũng viết rằng bất cứ một tai ương nào xảy đến cho một người bạn nào đó thì ngay cả những cử chỉ hay hành động an ủi và chia sẻ rất giản dị cũng đều cần thiết cả. 

Thí dụ như trong suốt thời gian 30 ngày bà Jan L. nằm trong bệnh  viện, một người bạn gái đã gởi cho bà cả thảy 30 tấm thiệp.

Còn riêng bà Willens thì vài năm trước đây khi bị thất nghiệp bà rất xuống tinh thần, nhưng một người bạn đã giúp bà mua một máy computer và dạy bà cách sử dụng, nhờ đó bà yêu thích việc viết lách trở lại và tìm được một công việc phù hợp hơn.
Thông thường, những người đã từng can qua cảnh khổ và can đảm vượt thắng được số phận, thường biết lúc nào họ nên đưa tay ra cho người khác nắm lấy, bởi vì họ có sự đồng cảm.

Liên quan đến tình bạn, trong một cuốn sách khá thú vị của Karen Neuburger mà tôi đọc được có tên “The secret language of girlfriend” tạm dịch “Ngôn ngữ bí mật của bạn gái”, bà chia ra năm loại bạn gái mà một phụ nữ cần có để giúp chúng ta vượt qua khỏi những thăng trầm của đời sống.

Cho dù các nữ độc giả của TYTNT là những người Việt Nam đang sống ở Hoa Kỳ, chúng ta cũng có thể tìm thấy những suy nghĩ đồng điệu với một người bản xứ như tác giả Newburger qua những nhận xét sau đây.

“Nếu chúng ta ở khoảng từ 40 tuổi trở lên mà có được một hay hai người bạn rất thân thiết, đã quen biết nhau cả mấy chục năm trời, từ hồi 9,10 tuổi; đã là chứng nhân của biết bao hạnh phúc, đau khổ trong cuộc đời bạn; đã khóc, cười với bạn. Nghĩa là đã chia sẻ mọi buồn vui trong quá khứ, hiện tại và chắc chắn cả tương lai nữa thì bạn đúng là một người may mắn.”

Thế nhưng, theo bà Neuburger thì phần đông chúng ta lại cần có những người bạn chuyên biệt về từng lĩnh vực khác nhau để giúp chúng ta vượt qua các thử thách muôn mặt của đời sống.

1) Người bạn cũ lâu năm
 Là một người luôn ban cho bạn những lời khen về vẻ đẹp của bạn cho dù bạn đang nằm trên giường bệnh sau một vụ giải phẫu, khuyến khích tài năng của bạn khi bạn mặc cảm thua sút, nói thẳng cho bạn về tật hư, tính xấu của bạn mà không sợ bị giận hờn.

Là người bạn mà bạn có thể nói chuyện trên điện thoại hàng giờ không thể dứt.

Người Hoa Kỳ có một câu trong bài hát về tình bạn: “Hãy có bạn mới nhưng nhớ giữ người bạn cũ, bởi vì bạn cũ ví như vàng, mà bạn mới chỉ là bạc.”

Người bạn cũ là người cùng chúng ta đi qua cuốn sách của kỷ niệm. Là người nhắc chúng ta nhớ lại những mơ mộng của tuổi trẻ, là người có đôi vai cứng cỏi để chúng ta dựa vào khi cần được khóc, được vỗ về. Là người nâng niu chúng ta như trứng, nhưng không ngần ngại nói những câu rất thực để chúng ta vỡ óc ra mà nhìn thấy mặt trái của cuộc đời.

Là người luôn thấy được khả năng riêng biệt của chúng ta bất cứ ở trong hoàn cảnh nào.

2) Người bạn sáng suốt
Là người mà bạn có thể tâm sự về cuộc làm quen trên internet với một người đàn ông lạ, hay về những cái parking tickets mà bạn bị phạt đang nằm trong hộc xe hơi, hoăc một số vấn đề khó khăn khác mà bạn không tìm được cách giải quyết. Họ là người sẵn sàng có mặt với sự bình tĩnh và sáng suốt để giúp bạn tìm ra giải pháp cho những việc nan giải một cách nhanh chóng.

Tác giả Karen Neuberger kể về Mary, một người bạn của bà thuộc loại này, đã có mặt ngay để giúp bà dọn nhà qua một chỗ ở mới trong vòng 2 ngày sau vụ ly dị của bà, trong khi Karen đang sững sờ và chết điếng không biết phải làm gì.

Mary xếp đồ vô thùng rồi cũng là người dọn mọi thứ ra và xếp đặt chúng ngăn nắp trong chỗ ở mới cho Karen cùng với con gái của bà. Xong Mary mở nhạc lên và ở lại hát karaoke suốt đêm với Karen.

Mary là người bạn đã cùng giúp chữa lành nỗi buồn của Karen trong những lần đi mua sắm, là người bạn mà khi cần đến là hiện diện ngay bên cạnh bạn.

3/ Người hoa tiêu, kẻ chỉ đường
Cô bạn Tina của Karen là người luôn nhớ mang theo bản đồ khi nào cùng đi du lịch. Cô này biết những điều rất thực tế của đời sống, đó là việc làm thế nào để tìm kiếm vé máy bay rẻ hay tìm được một hotel 4,5 sao mà chỉ phải trả giá tiền của khách sạn trung bình.

 Cô cũng là người biết được nơi nào có hàng sale cho mọi thứ trên cõi đời này, từ việc cắt coupons cho đến việc vào website nào để được tiết kiệm.

4/ Người bạn đóng vai huấn luyện viên cá nhân
Là người bạn luôn khuyến khích tinh thần khi bạn chán đời. Luôn bắt bạn nhìn đời với con mắt màu hồng.

Người bạn này đôi khi có thể làm bạn điên lên được vì sự lạc quan của cô ấy. Cô khuyên bạn nên có những giấc mơ lớn lao trong đời sống mà bạn nghĩ không bao giờ có thể thực hiện được.

Dưới con mắt cô bạn Jill của Karen, tác giả luôn luôn là người có thể làm tất cả những điều gì mà cô muốn, nếu cô quyết tâm.

Quan niệm lạc quan về cuộc đời của loại bạn như Jillian đem lại sự phấn khởi cần có trong cuộc sống. Nếu bạn có một người bạn như cô Jillian, bạn khó có thể nghĩ đến chuyện buông xuôi mà sẽ nhất định phấn đấu khi đối diện với nghịch cảnh.

5/ Người bạn luôn mang bạn đến những cuộc vui
Là người luôn làm cho bạn cảm thấy mình là người khách danh dự.

Đó là người bạn xuất hiện khi bạn đang căng thẳng vì công việc và chuyện tình cảm. Họ là người “cho phép” bạn bỏ lại đằng sau những chuyện nhức đầu để đi nghe buổi trình diễn nhạc sống vui tươi và trở lại thời tuổi trẻ bằng những tiếng la hét hoan hô như bất cứ những người ái mộ trẻ tuổi khác trong rạp hát.

Cô bạn Donna của Karen đã mang đến cho bạn mình một bộ đồ kiểu hippies với cái quần jean ống loe, áo rộng có thắt dây lưng bằng khăn quàng lụa. Họ đi đến một dancing club và khiêu vũ như thời còn sinh viên. Và đó là loại bạn mà bạn cần có để tiếp tục chạy đua với cuộc sống.

Như đã nói ở trên, tôi chỉ muốn gửi đến bạn ý kiến về các loại bạn bè mà một phụ nữ cần có, của một nhà báo Mỹ.
 Biết đâu bạn đọc của TYTNT sẽ tìm thấy được hình ảnh của những người bạn mà mình đang có, giống như một hay tất cả những loại bạn kể trên.

Tiếng Việt của mình hay đáo để, chỉ với hai chữ bạn bè thôi mà chúng ta cũng có thể hiểu là nếu chỉ có bè mà không có bạn thì chán lắm. Bởi vì bạn thì còn mãi nhưng bè thì sẽ biến mất khi mình thất thế, khi mình buồn, khi mình không có gì để đem lại cho họ niềm vui hay sự lợi lộc.

Riêng tôi rất cảm ơn Thượng Đế đã cho mình được an vui và cảm thấy hạnh phúc, giàu có nhờ tình bạn.

Số nhỏ bạn gái thân của tôi thuộc nhiều chủng tộc , ngoài người Việt Nam còn có bạn Mỹ trắng và Mỹ đen, Mễ, Ấn Độ và Phi Luật Tân, có người là bạn từ hồi niên thiếu, có bạn quen từ chỗ làm hay từ nơi mình tham gia công tác thiện nguyện, và tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc tìm thấy được ở họ tình bạn chân thật, vô điều kiện. Chúng tôi không để ý về giai cấp, sư giàu nghèo, hay ngôn ngữ giới hạn và văn hóa hay màu da khác biệt của nhau.

Và càng về già tôi trân quý tình bạn mà mình có được biết bao!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights